Tôi mời
người bạn phương xa đi nhậu sò lông nướng mỡ hành, để gọi là hồi tưởng chút
hương vị dĩ vãng. Thấy tôi miệt mài rau răm với sò lông, y cười khẩy “Dám ăn
rau răm à?”. Bè bạn lâu năm, tôi nhận ra ngay đó là nụ cười… đểu, “à, thì ra thằng
này không còn gì để mất, nên ăn bừa…”. Thiên hạ dị nghị ăn rau răm làm mất đi bản
lĩnh đàn ông. Đồn chi mà ác khẩu rứa!
(Vũ Thế Thành)
Huyền thoại mở đầu
Rau
răm có trong câu ca dao đầy lâm ly thế này “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở
lại chịu lời đắng cay”. Thiên hạ truyền miệng, chúa Nguyễn Ánh trên đường tẩu
quốc dạt vào Côn Đảo. Chẳng hiểu xích mích chi đó với bà vợ tên Răm, nên nhốt
bà này ở đảo. Khi rời Côn Đảo, đứa con tên Cải đòi mẹ đi theo, Nguyễn Ánh quẳng
luôn con xuống biển.
Hiện
nay trên đảo vẫn còn miếu thờ bà Răm, nhưng vì sao cải chết mà răm lại chịu lời
đắng cay thì vẫn chưa giải thích được. Có điều rau răm mang tiếng gây bệnh xìu ở
đàn ông là điều có thiệt.
Rau răm có tính kháng khuẩn
Rau
răm là loại cây có nhiều ở vùng nhiệt đới và ẩm, được dùng làm gia vị trong nhiều
món ăn truyền thống của Lào, Kampuchia, Thái Lan, Malaysia,… Ở Việt Nam thì nổi
tiếng rồi, đến độ tiếng Anh gọi rau răm là “rau mùi Việt Nam” (Vietnamese
coriander).
Rau
răm còn được dùng như thảo dược trong y học dân gian, không chỉ ở Việt Nam mà
còn với các dân tộc Đông Nam Á khác để trị bệnh tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng,
chống viêm,..
Rất
ít công trình nghiên cứu khoa học về rau răm, nên liều lượng sử dụng, hiệu quả,
tương tác thuốc, và hiệu ứng phụ của rau như dược thảo cũng chưa được xác định.
Cho
đến nay khoa học vẫn chưa xác định hết các thành phần tinh dầu trong rau răm.
Chúng chứa nhiều chất có gốc aldehyde và alcohol có dây phân tử dài, và những gốc
terpen. Tuy nhiên, chất tạo mùi hăng đặc trưng của rau răm vẫn chưa được xác định.
Trong
một nghiên cứu hiếm hoi về đặc tính chống khuẩn và chống nấm của rau răm của
trường Đại học Hồi Giaó Quốc tế, Malaysia (IIUM) (*)
cho thấy, những hoạt chất chiết xuất được từ rau răm bằng những dung môi khác
nhau, có thể diệt được tụ cầu da S.epidermidis (gây bệnh chốc lở ngoài da),
S.pneumonia (gây viêm phổi, viêm xoang), và nhất là tụ cầu vàng S.aureus (tiêu
chảy, viêm ruột) và Salmonella typhi (thương hàn). Cả 2 khuẩn này đều gây ra ngộ
độc thực phẩm. Hoạt chất trong rau răm không diệt được nấm C.albicans (viêm đường
niệu, sinh dục)
Mỗi
dung môi khác nhau chiết xuất ra các nhóm hoạt chất khác nhau. Do đó, đây chỉ
là nghiên cứu bước đầu về rau răm, nhưng ít ra cũng cho thấy khả năng chống khuẩn
đa dạng của nó.
Trăm điều đắng cay
Chưa
có một nghiên cứu nào nói rau răm gây bệnh xìu ở đàn ông. Còn các nước Đông Nam
Á khác, cũng xài rau răm thường như Việt Nam, nhưng không nước nào gán cho rau
răm cái tội ác ôn đó. Đúng là tự mình hại mình.
Còn
câu chuyện Nguyễn Ánh nhốt vợ giết con, sử sách nhà Nguyễn ghi, vua Gia Long có
21 bà vợ, và 36 con, nhưng không có ông hoàng nào tên Cải, bà phi nào tên Răm.
Câu chuyện lâm li “cây cải rau răm” chỉ dành cho mấy tour guide kể chuyện làm
quà cho du khách ưa mộng mị.
Tin
đồn chỉ là tin đồn, đó là chưa kể người ta còn ví von là “mắt lá răm”, mang
nghĩa tiêu cực. Quả thật, rau răm mắc phải trăm điều đắng cay.
Rau
răm chỉ là món rau gia vị, ăn kèm chút chút cho thêm đậm đà, chứ đâu phải ăn cả
tô cả đĩa như rau muống, xà lách mà hoang mang.
Bằng
chứng “dịch tễ” thuyết phục nhất là, mấy bả đi chợ vẫn mua rau răm đều đều. Sò
nướng, chả rươi, miến gà, cháo nghêu, hến xào, hột vịt lộn, gà xé phay,… mà
không có rau răm, xin lỗi, mấy bả có vào bếp với bàn tay vàng 4 số 9 cũng thành
9 số 4.
Vũ Thế Thành
(*) Antibacterial and antifungal properties of
persicaria ordorata leaf against pathogenic bacteria and fungi – http://benthamopen.com/contents/pdf/TOPROCJ/TOPROCJ-4-2-71.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét