Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

KHÔNG NÊN VỘI VÃ PHÁN XÉT LỖI NGƯỜI


Cuộc sống chung trong xã hội, hay trong một cộng đồng – luôn luôn có nhiều “thành phần”, nhiều sinh hoạt, nhiều cá tính khác nhau; không ai giống ai! Ví như trong một gia đình, tuy chỉ có năm bảy anh chị em, cùng cha mẹ, nhưng đâu phải bản tính của họ luôn giống nhau, đồng nhất – ngay cả trong vài sinh hoạt nhỏ nhặt như việc ăn mặc, giải trí! Ngoài xã hội, giữa cộng đồng, sự khác biệt trong nhiều lĩnh vực giữa người và người, còn phức tạp và rộng lớn hơn nhiều!

Sự “khác biệt” ấy – đôi lúc, nếu không có sự cảm thông chia sẻ chân tình, đúng đắn, sẽ nẩy sinh sự bất đồng, hay chống đối, phê phán lẫn nhau gay gắt. Cuộc sống chung chưa được hòa ái, yên bình, là bởi “sự bất đồng” chưa được hai phía hiểu biết nhau chính xác và chân thật.  Ai cũng chỉ mãi “nhìn vào lỗi người” mà không hề “nhìn lại lỗi mình”; nên sự “khác biệt”, mâu thuẫn, càng trở nên to lớn, trầm trọng. La Rochefoucauld đã nhận xét: “Người ta thường thích phán xét người khác, mà không thích bị phán xét!” Bởi vậy, sự “mâu thuẫn” ấy, dần dần sẽ dẫn đến sự chia cách, xa cách nhau, cho dầu đang sống chung trong một ngôi làng, một khu phố, một gia tộc – trong cùng một môi trường đời sống! Tình thương yêu do vậy, cũng thu hẹp, mờ nhạt, và tan biến đi! Đời sống mà không có Tình thương yêu là một đời sống bất hạnh biết bao!

Có nhiều nguyên nhân đem lại sự bất hòa, bất an trong mối quan hệ giữa người với người, nhưng – theo thiển ý – có một nguyên nhân đơn giản dễ thấy nhất là chúng ta đã “vội vã phán xét lỗi người” bằng những cảm thức hời hợt, nông cạn ban đầu, đôi khi với những định kiến bất công, khó thay đổi!

Ở một lớp học nọ, thầy giáo kể câu chuyện về cặp vợ chồng đang cùng đi trên một chiếc tàu, nhưng tàu gặp bão táp giữa biển, sắp bị đắm. Thuyền cứu hộ chỉ còn một chỗ cho một người nữa thôi, nhưng người chồng đã kịp nhảy lên, bỏ người vợ ở lại. Người vợ đứng trên con tàu đang chìm dần, hét lớn với chồng: (…).

Thầy giáo chợt dừng lại, hỏi các học sinh: “Các em nghĩ xem, người đàn bà xấu số ấy đã hét lên câu gì?” Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi!” Nhìn thấy có một học sinh ngồi yên lặng, thầy hỏi: “Còn theo em thì người vợ đã hét lên lời gì nào?” Cậu bé đứng dậy, giọng xúc động: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!” Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi sao?” Cậu bé buồn bã đáp: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với ba em như vậy!”

Người thầy kể tiếp: Người chồng được cứu sống trở về quê, một mình nuôi dạy cô con gái duy nhất trưởng thành. Nhiều năm sau ông qua đời vì bạo bệnh, cô con gái tìm thấy quyển nhật ký của cha trong chiếc rương nhỏ – cho biết mẹ cô đã bị mắc bệnh nan y, khó có thể sống thêm vài năm nữa sau chuyến đi nầy. Trong nhật ký có đoạn: “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Kể xong câu chuyện, lớp học trở nên yên ắng lạ lùng! Tất cả họ đều xót thương cho cuộc chia tay ngậm ngùi của đôi vợ chồng trẻ, đồng thời cũng nhận ra rằng: “Không nên vội vã khi phán xét lỗi người!” Người thầy ôn tồn nói: “Nhà thơ La Fontaine đã từng khuyên rằng: “Đừng phán đoán ngưởi qua bề ngoài, khi chưa thật hiểu về người ấy!”

Chân lý đơn giản của sự quan hệ giữa người và người cũng đã được Đức Phật khuyến dạy từ hơn 25 thế kỷ qua, nhưng mãi còn là một vấn nạn đau lòng:“Người nào cầu yên vui cho mình mà lại lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ không được yên vui!” (Phẩm Dandavaggo - Câu 131). Phán xét người chưa chính xác, là có lỗi. Phán xét người sai lầm, là một điều xấu. Phán xét người với tâm u tối, là một điều ác! Lục tổ Huệ Năng cũng đã dạy chúng đệ tử: “Chớ nên dòm ngó lỗi người, mà hãy nên chuyên dòm ngó lỗi mình!” Bởi vì, nếu người luôn ưa phán xét người khác, thì tâm trí ngày càng điên đảo, phiền muộn! Đời sống luôn bất an, chẳng bao giờ có được niềm vui, niềm an ủi từ mọi người chung quanh! Và, chắc chắn sẽ tạo nghiệp chẳng lành!

Hiểu rõ lòng mình đôi khi còn khó, huống chi hiểu rõ lòng người dưng xa lạ? Sự hiểu biết phiến diện, chủ quan, tự mãn, luôn dẫn tới sai lầm như đám học sinh đã phẫn nộ về thái độ “bỏ vợ” của người chồng khi tàu sắp bị đắm! Như người thích chủ động trả tiền cho một bữa ăn chung, không phải người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc. Như sau khi cãi nhau, người xin lỗi trước, không phải người ta sai, mà là người ta hiểu được và  trân trọng người bên cạnh mình (…).

Nghĩ cho cùng, chuyên tâm “nhìn lại mình”, sống an hòa, cảm thông, chia sẻ sâu sắc cùng tất cả mọi người chung quanh – đó mới là một đời sống cần thiết để có được niềm Hạnh phúc đích thực cho đời này, và đời sau…

Mang Viên Long

mangvienlong.vnweblogs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét