Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

TRỊNH CÔNG SƠN VÀ BOB DYLAN


Nhân 13 năm ngày mất Trịnh Công Sơn 1.4.2001 - 1.4.2014
ĐỌC CHUYÊN LUẬN TRỊNH CÔNG SƠN - BOB DYLAN
(Trịnh Công Sơn - Bob Dylan : Như trăng và nguyệt? NXB Trẻ, 2013 )


Đã có nhiều sách viết về Trịnh Công Sơn (TCS), có cả luận văn Cao học về Trịnh do sinh viên Nhật Bản thực hiện. Nhưng hầu hết là các tác giả trong nước, lần đầu tiên một chuyên luận do một giáo sư người Mỹ viết về TCS và mối tương quan với một nhạc sĩ người Mỹ nổi danh thời chiến tranh Việt Nam là Bob Dylan. Cũng có thể nói ngay rằng, Bob Dylan viết và biểu diễn bằng tiếng Anh và là một công dân Mỹ, sức lan tỏa lớn hơn nhiều so với TCS; nhưng mỗi người có một vị trí đặc biệt trong lịch sử âm nhạc nước mình. Chuyên luận do GS John C. Schafer thực hiện, ông là giáo sư dạy môn ngôn ngữ học áp dụng và văn chương đối chiếu tại Đại học Humbodt, California, từng viết nhiều bài nghiên cứu văn chương Việt Nam và về TCS. Ông có thời gian ở Quảng Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, làm việc ở Viện Đại học Huế. Bob Dylan sinh năm 1941, nhỏ hơn TCS hai tuổi, một nhạc sĩ sáng tác và trình diễn theo phong cách folk và rock ,ông là thần tượng của giới trẻ thập niên 60 và sau đó khi Mỹ leo thang chiến tranh Việt Nam .

Khi thực hiện chuyên luận này, GS Schafer nói rằng ông chỉ đáp ứng yêu cầu của độc giả Mỹ và với TCS, ông xác định, nhạc sĩ của một nền văn hóa khác, ngôn ngữ khác, nhất là lịch sử đất nước khác không thể hiểu hết TCS nhưng được bạn bè là người Việt Nam khuyến khích, ông phát triển chuyên luận với những so sánh giữa Bob Dylan và TCS .

Bob Dylan và TCS xuất hiện trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhất là chiến tranh Việt Nam đang xảy ra, cả hai - bằng sáng tác của mình và trực tiếp biểu diễn bày tỏ thái độ phản kháng chiến tranh nhưng mỗi người ở một vị thế khác nhau. Ngày nay với TCS, phổ biến vẫn là mảng tình ca còn đề tài phản kháng chiến tranh còn có những ý kiến khác nhau nên nhiều tác phẩm không hoặc chưa được phổ biến ở Việt Nam. Trong chuyên luận này, vị giáo sư người Mỹ nói rõ quan điểm của ông rằng, không thể đòi hỏi nhiều hơn ở TCS do hoàn cảnh lịch sử TCS trải qua.

Bob Dylan cũng phản kháng nhưng cũng xuất phát từ vị thế của Bob. Bob Dylan viết:

Đúng thế, và bao nhiêu người nữa phải chết trước khi anh ta biết
Rằng quá nhiều người đã chết rồi?
Câu trả lời, bạn ơi cuốn đi trong gió
Câu trả lời, bạn ơi, đang cuốn đi trong gió .

thì cũng chính là lúc TCS viết :
Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình .

Schafer viết: “Tôi còn thấy cả gió của Bob Dylan thổi trong gió của họ Trịnh”:

Trịnh :
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi …

Bob Dylan:
The answer my friend is blowing in the wind, the answer is blowing in the wind.
(Câu trả lời, bạn ơi, đang cuốn đi trong gió - Bài Blowing in the wind )

Chuyên luận có 3 phần chính là Chiến tranh và tình yêu, Hai truyền thống tôn giáo khác nhau, Trịnh Công Sơn, Bob Dylan và đối thoại giữa Phật giáo và Ki - tô giáo; trong đó có một tiểu luận thú vị có tựa “Tất cả mọi cuộc đấu tranh đều cần một mối tình”, trong đó nói đến quan hệ giữa Joan Baez - Bob Dylan và Khánh Ly - TCS khi hai đôi có mối quan hệ khá giống nhau, người này nâng người kia và ngược lại nhưng sau đó Beez và Bob Dylan chia tay nhau vì chính kiến còn TCS và Khánh Ly chỉ xa cách nhau, không chia tay nhau.

Kỷ niệm 10 năm ngày mất TCS, năm 2011, Bod Dylan qua Việt Nam và có một đêm nhạc tưởng niệm TCS, chỉ bấy nhiêu cho thấy có một sự đồng điệu giữa hai nhạc sĩ tài hoa ở hai nền văn hóa khác nhau nhưng cùng ngợi ca và đòi hỏi hòa bình ./.

TRẦN CHIÊM THÀNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét