Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

HOA PHƯỢNG ƠI


“Tôi lặng người đi khi nhìn thấy các tựa sách, những trang sách ố vàng làm mắt tôi cay sè … Gần 40 năm, hơn nửa đời người, với ngần ấy thời gian và bao nhiêu điều xảy ra… Thú thật tôi không biết nghĩ gì, nói gì nữa ...và có khi cũng không cần nói gì nữa.”

Đây được coi như một lời cảm nghĩ cho một bài viết về một thời tuổi trẻ. Thời Hoa Niên. Bốn mươi năm của đời người. Cảm xúc hãy còn tinh khôi lắm.

" Phượng".

Hoa phượng là hoa của tuổi học trò. Phượng nở ve kêu là dấu hiệu của hè về. Tùy theo độ tuổi mà mỗi người có cảm nhận về mùa phượng nở khác nhau. Quy Nhơn không phải là thành phố có nhiều hoa phượng. Thời học sinh phổ thông trước năm 1975 chỉ có đường Trần Phú (Cường Để cũ ) đường Lê Hồng Phong (Võ Tánh) hè về thỉnh thoảng nhìn thấy hoa phượng đỏ rực. Dọc đường Trần Hưng Đạo (Gia Long) từ nhà thờ chính tòa Quy Nhơn xuống hải cảng cũng có nhiều cây phượng trong khuôn viên của bệnh viện Thánh Gia hay sân trường của Tiểu Chủng Viện Quy Nhơn.


Tôi không được diễm phúc có nhiều kỷ niệm đẹp về một thời hoa phượng. Tuổi học trò trong chiến tranh không có những suy nghĩ viễn vông khi hè về như trong thơ ca hay nhạc họa. Khi biết đến sắc màu hoa phượng thì đất nước bước vào giai đoạn kết thúc chiến tranh. Mùa hoa phượng 1975 sắc đò của tang thương và những cuộc chia ly trong vội vã.

Thời gian đã trôi qua và 37 năm sau cũng vào cuối tháng 3 tôi có dịp về lại nơi đã để lại trong đời một dấu ấn khó phai.

“Em và tôi chỉ kịp nhận giấy “Chứng chỉ học trình” của năm học. Em và tôi không học cùng trường.

Em bên trường nữ và tôi ở trường nam. Hằng ngày tôi và em cùng đi học trên một chuyến xe. Em lên xe trước tôi vài phút và tôi xuống xe trước em cũng bằng thời gian đó.

Ngày 20/3/1975 tôi không còn nhìn thấy em trên chuyến xe lam ngày hôm đó. Không khí hỗn loạn đang bao trùm lên thành phố ven biển nhỏ bé. Trên chuyến xe ngày đó tôi nhìn chỗ em ngồi phía cuối trong cùng và nhìn lên thanh sắt dọc trần xe như còn nhìn thấy bàn tay thon thả ngọc ngà của em còn bám víu vào khi xe chạy.Khi xe qua ngả ba Tháp Đôi lại vắng thêm vài người nữa.

Em đã theo gia đình vào Nha Trang ngay sáng hôm ấy. Nha Trang ngày đó như một miền đất hứa. Người ta đồn rằng chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sẽ chia đôi lãnh thổ một lần nữa. Từ Đèo Cả ( vĩ tuyến 14) trở ra là của Cách mạng. Từ Đèo Cả trở vào Nam là của chính quyền Sài Gòn. Những chuyến xe đưa nhau chở dân vào Nha Trang.Trong số đó nhiều chuyến xe đã mãi nằm lại dưới các vực sâu của đèo Cù Mông.

2 giờ chiều ngày 31/3/1975 kho đạn trên núi Một nổ. Trước khi rút chi khu Nhơn Định và tiểu đoàn 207 Địa phương quân đã phá hủy kho đạn và hai khẩu pháo 105mm"

Tháng 7/1975 gia đình em trở lại Quy Nhơn. 

Mới ngóc đầu lên từ dưới nước ngay chân Cầu Đôi, tôi thấy em đang vịn tay vào thành cầu nhìn xuống. Thì ra em đã về. Em giơ tay chào và nhoẻn miệng cười. Em vòng qua cầu và xuống đứng coi tôi chài. Ngày trước, mỗi khi đi ngang qua nhà nhìn thấy em là điều rất khó. Hôm nay đây em đang đứng gần tôi chỉ vài bước chân. Trên gương mặt em ẩn chứa điều gì buồn rười rượi. Trong ánh mắt em tôi nhìn thấy một khoảng trời riêng đầy thương cảm.

Tôi và em cùng trở lại trường. Những chiếc xe lam không còn là phương tiện đi lại. Em đi xe đạp còn tôi đi bộ đến trường.

“ Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”…

Tôi và em cùng đi chung trên một chiếc xe đạp. Em không còn mặc chiếc áo dài trắng muốt như ngày xưa để đi học nữa. Màu trắng tinh khiết còn lại là làn da em. Quy Nhơn vẫn còn hoa phượng chưa tàn. Mà sao hoa phượng tháng 7 lại đẹp đến thế ! Em bắt đầu nói về hoa phượng như một giáo sư dạy môn Vạn vật. Ngồi ở phía sau em diễn tả những cánh phượng rơi. Phượng rơi là mùa hè đến, là thời khắc của chia tay và những cánh phượng ép vào lưu bút. Em nhấn mạnh rằng “ Phượng rơi như nước mắt ai rơi !”

Tôi như một lão khờ có biết điều chi về hoa phượng !

Những ngày sinh hoạt của Đoàn Thanh niên Cách mạng thành phố. Tôi có điều kiện gần em trong các đợt sinh hoạt cũng như cắm trại. Bất chợt một lần đang đạp xe trên phố em chợt kêu lên “ Phượng tàn rồi sao ? ”. Em lại hỏi tôi “ Tại sao học trò lại thích hoa phượng ?”. Gã khờ là dân Toán đâu có những suy nghĩ viễn vông. Chỉ biết một điều duy nhất là phượng nở, hè về.

Em lại trở thành người dạy văn chương. 

Hè về, phượng đỏ thắm rực những con đường. Màu xanh lục nhẹ nhàng êm dịu của chồi non quyện trong màu xanh biếc của bầu trời. Hình ảnh Thầy Cô bè bạn cùng những trang sách nhỏ lật nhanh khi gió nam về lọt qua ô cửa sổ. Thích nhất là những buổi sớm mai nhìn bầu trời xanh đỏ rực, sân trường nữ trung học long lanh màu hoa nắng. Điều sợ nhất là khi thấy phượng đỏ thắm, cánh phượng hồng bất chợt rơi. Nỗi sợ hãi đó là nỗi sợ vô hồn với những bâng khuâng và hối tiếc.

Gã khờ biết rằng mình đang chở một tâm hồn đang có những nhạy cảm. Gã chỉ biết im lặng và đưa xe đi qua những góc phố con đường mà em yêu thích. Thì ra gã khờ đã nằm trong tầm ngắm của em từ lâu. Gã khờ vẫn mãi ngu muội với những gì đang xảy ra của thiên nhiên và trong tâm hồn của một thiếu nữ.

Đã có ai nói cho gã khờ biết rằng : Phượng là của học trò, loài hoa duy nhất không muốn chia tay, không muốn một mình hiện hữu giữa sân trường vắng lặng những tà áo trắng. Hoa phượng cũng biết cảm nhận nỗi cô đơn khi sân trường khuất bóng những mái tóc thề ngang vai.

Cuối mùa hoa phượng 1977. 

Trường huấn luyện Đoàn 860 Phú Tài.

Một thiếu nữ cầm trên tay một nhành hoa phượng. Người lính cầm tay thiếu nữ dắt nhau đi dưới trời rực nắng. Lần đầu tiên khi em chợt nhận ra cảm xúc của người con trai cầm tay mình thì đã muộn. Tiếng ve bên vệ đường, hàng phượng đỏ Phú Tài chỉ làm cho xót xa thêm một nỗi niềm. Mối tình đầu mỏng manh như những cánh phượng. màu đỏ rực của phượng , của tiết trời gió nam tháng 7 đã biến con tim thành tro tàn. Nhưng có thể nào tàn được hoa phượng vẫn cứ rơi, và vẫn rơ vô tình như vết cắt rướm máu trong tim.

Nàng đã bẻ cánh phượng đó phía bên kia đường đối diện với cổng doanh trại.

Thời gian bên nhau không nhiều. Nhưng điều quý giá nhất là người lính đã nhìn thấy giá trị bên trong của cánh hoa phượng trong tay cô gái. Đó là cành phượng cuối cùng chấm dứt thời hoa niên của hai người.

Cánh phượng đó đã rơi vào cõi thinh không của cuộc đời. Cánh phượng đó đã mang theo tất cả : sự chia tay, sự chia ly của một tình yêu lãng mạn. Phải mất 18 năm sau hai người mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh trái ngang giữa mùa hoa phượng rực rỡ nơi thành phố biển Nha Trang. Thời gian đã làm cho mỗi người lớn thêm. Nhưng cũng chính thời gian đã lấy của mỗi người tất cả những mộng mơ, kỷ niệm về một thời đẹp nhất.

Và cũng chính thời gian đã làm chất xúc tác nhen nhóm lên ánh lửa của sự khát khao !

17/3/2012.

Từ nhà người bạn quê Tây Sơn ở đường Trường Chinh. Tôi lang thang ra bến xe bus trước trường Đại học Quy Nhơn đón xe về Đống Đa. Một nỗi nhớ ùa về trong tâm khảm. Một chuyến xe bus dừng lại và xuất bến. Một chuyến nữa dừng lại và lại ra đi. Tôi đón xe ôm đi về hướng đường Nguyễn Huệ.

Tôi về lại chốn cũ nay là trường Trưng Vương. Chỉ còn lại hình bóng em trong tưởng tượng mơ màng. Vẫn hình dung ra trong sân trường có những hoa phượng rơi rơi như cơn mưa toàn màu đỏ.

Tất cả hãy còn đây. Khung cảnh, con người, mùa hè và hoa phượng. Mọi điều sẽ được lập lại theo chu kỳ. Mùa hè ra đi rồi năm sau trở lại. Chỉ có em biền biệt nơi phương xa. Những cánh phượng rơi vẫn cứ rơi buồn bã nơi sân trường xưa.

Làm thế nào để trở về lại với quá khứ để viết lại trang dĩ vãng của em ? Người con gái Quy Nhơn một thời áo trắng tinh khôi.

Võ Mỹ Cát


1 nhận xét:

  1. Nhắc chi hoa Phượng, mùa Hè vậy trời !
    Đọc cứ thấy nao nao cái thuở ngày xưa !

    Trả lờiXóa