Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

CHIỀU PHÚ PHONG


Tôi trở lại Phú Phong huyện Tây Sơn để thăm gia đình một người bạn. Đây là một cơ hội vì cũng đã quá lâu tôi chưa có dịp để ghé lại Bình Khê - Tây Sơn - Phú Phong. Mồng 4 Tết vừa rồi chỉ ghé thăm nhà nhạc gia anh Khôi chứ không có đi nhiều. So với các phố huyện thì Phú Phong có lẽ là một trong những thị trấn phát triển khá nhanh về bề rộng và bề sâu. Nghe đâu Bệnh viện Phú Phong được nằm ở top đầu về y tế tuyến huyện của cả nước (!?)

Một ngày gió Nam thổi rất mạnh. Chạy xe máy từ Quy Nhơn, tôi cố lắm cũng chỉ chạy đến ngả tư Tuy Phước. Thấy đi xe máy không tiện, tôi vội vàng gửi xe ở đây và đón xe bus tiếp tục đi Phú Phong. Từ Quy Nhơn lên Phú Phong chỉ hơn 40km.

Phú Phong của Bình Khê hay Tây Sơn tôi không lạ. Nhưng ngần ấy thời gian đã xóa nhòa nhiều ký ức về một miền đất. Trở lại không có nghĩa là mới, là xa lạ nhưng quá ngỡ ngàng trước những gì xảy ra nơi đây.

Trên xe tôi hỏi anh phụ xe liên tục để cho tôi xuống cầu Đồng Sim. Những năm 1975, 1976, 1977, tôi cũng thường đứng ở đây để đón xe từ Gia Lai về Quy Nhơn. Những giỏ cá đầy ắp cá chép, cá tràu của dòng sông Côn. Thỉnh thoảng là bao củ mì ngâm khô hay những gì là “đặc sản” của Phú Phong ngày ấy. Những củ mì còn nguyên hình dạng, không biết làm cách nào mà bà con phơi khô cả củ, treo trước hàng hiên nhà cả dây. Khi ăn thì bỏ vào nồi hấp. Nó vừa dẻo vừa “có mùi” rất đặc biệt. Một thời để nhớ về những tháng ngày khó khăn, những tháng năm đầu tiên hòa bình.

Mồng 4 tết khi về lại Phú Phong, tôi mới thấy cảnh vật đã có quá nhiều đổi thay. Nghe đâu trong tương lai Phú Phong cũng sẽ lên Thị xã. Không biết thế nào, chứ nếu có thì Phú Phong cũng xứng đáng do “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Phú Phong những năm đầu mới giải phóng và nay khác xưa nhiều quá. Đường Quang Trung, con đường chính của Phú Phong, cũng đâu thua gì những con đường ở Quy Nhơn về xây dựng nhà cửa và mức độ sầm uất.

Hãy còn nhớ cầu Đá Hàn, chùa Thiên Tôn với món mắm dưa gang tuyệt hảo. Phú Phong nơi chứa hầu như toàn bộ những gì đặc sắc về Hoàng đế Quang Trung và một triều đại huy hoàng của đất nước Việt Nam ở thế kỷ XVIII.

Nhà thằng bạn ở ngay chân núi giáp với trường bắn Quốc gia khu vực 3. Từ thị trấn Phú Phong đi vào cũng khá xa chừng 20km. Ngay con mương thủy lợi đang chảy dòng nước mát lạnh giữa chiều hè gió Nam. Anh em chúng tôi ghé vào nhà đứa bạn, một quán nước bên đường. Nói quán nước cho lịch sự chứ thực ra đây là quán cóc, bán đủ các loại nước giải khát cho các đơn vị bộ đội về diễn tập.

Tôi nhìn vào chân núi đang mờ dần trong buổi hoàng hôn…

Trước mắt tôi chừng vài chục thước một làn khói đang chậm rãi lắc lư theo gió lan tỏa trong không trung. Một làn khói lam vất vưởng lang thang giữa buổi hoàng hôn màu vàng nhạt.

Một người phụ nữ hãy còn khá trẻ chừng hơn 20 tuổi đang đẩy những mớ rơm vào bếp. Nhìn bày tay gom rơm và đẩy vào bếp rất thành thục và nhuần nhuyễn đã gợi cho tôi nhớ về hình ảnh của một thời đã xa…

Có lẽ cô ta đang kho cá vì làn gió đã mang đến cho chúng tôi một hương vị đặc biệt. Chắc chắn đó là cá đồng kho nghệ. Mùi nghệ nghe thơm thơm dịu dịu. Cá đồng kho nghệ là kiểu “đặc sản” của vùng Bình Định. Trong Nam bộ kho cá dùng nước màu nên nhìn nồi cá không bắt mắt lắm.

Nhà không có hàng rào có nghĩa là không có ranh giới đất. Tôi giả bộ đi về hướng chân núi. Khi ngang qua nhà tôi hỏi “ Cô ơi ! mùa này núi có trái sim không ?”. Cô trả lời với ngôn ngữ rắt Bình Định 100% “ Không có anh quơi ! hết mùa rầu !”. Tôi móc ra gói thuốc và tiến đến bếp lửa. Chụm rơm thì làm sao mà mồi thuốc được. Cô ta đang định chạy vào nhà lấy quẹt, nhưng tôi không cho và nhanh tay xé cái vỏ bao thuốc lá để đốt. Bên bếp lửa một nồi cơm nhỏ chừng 2 lon gạo đang được dần bên cạnh cho chín. Thỉnh thoảng cô ta lại xoay xoay cho chín đều.

Nồi cá đang chín tới. Tiếng ục ục và những con cá luối chừng 2 ngón tay đang phập phồng theo nhịp sôi trong nồi. Những con cá vàng ươm màu nghệ sao mà thấy ngon đến vậy. Vừa đẩy rơm cho cháy đều vừa cắt những lá dài dài màu xanh non bỏ vào nồi. Mùi thơm của lá gừng non bắt đầu lan tỏa…Lâu lắm rồi ! lâu lắm rồi mới được nghe cái mùi mang dấu ấn quê hương này.

Một anh chàng thanh niên vạm vỡ sạm đen dắt 2 con nghé về cột ngay gốc cây xoài cạnh chỗ tôi đang đứng. Thấy tôi anh cất tiếng chào!. Thằng bé con của thằng bạn chạy sang và khoanh tay “ Cha con mời bác về uống nước!”. Nó cũng nhanh miệng hỏi người thanh niên “ Sao chiều nay chú không cày đất của nhà con?”. Thì ra anh thanh niên này là em út của thằng bạn tôi.

Cô ta nhắc nồi cá xuống và đặt lên nồi nước, bên cạnh là một rổ rau với đủ loại rau và một chén tôm đồng. Giống tôm đồng ở đây là giống tôm có hai cái càng dài. Thân của nó lớn lắm chỉ bằng ngón tay của trẻ nhỏ chứ không lớn lắm. Thế là bữa cơm chiều với nồi canh và cá kho nghệ với một đôi vợ chồng trẻ và 2 đứa con.

Cô ta vẫn đều đều đẩy rơm vào bếp. Từ nhà thằng bạn nhìn sang, tôi bất chợt nghĩ về những hình ảnh dân dã của quê hương và thời hiện đại … “Chiều hoàng hôn Phú Phong đang buông xuống! Làn khói lam tỏa quanh một căn nhà nhỏ. Hình ảnh của thanh bình, an vui và có phần nên thơ..

Nấu cơm bằng rơm đó là cả một nghệ thuật và của một tấm lòng. Người vợ trẻ bắng thiên chức của mình sẽ khéo tay điều khiển ngọn lửa. Rơm là thứ chóng cháy chóng tàn. Giữ ngọn lửa chính là giữ tình yêu của mình. Không nóng quá và cũng không không yếu quá. Một tình yêu dân dã không vội vã và không nhạt phai. Xoay dần nồi cơm quanh bếp là một nghệ thuật. Nồi cơm nấu bằng rơm khác hoàn toàn với những kiều khác.

Quê tôi vùng nước mặn. Quanh năm chỉ chụm bằng củi đước và củi mắm. Trong củi dù khô đến cỡ nào cũng còn độ ẩm của nước mặn. Khi nấu không cháy nhanh chóng tàn nhưng lại nhiều khói. Mẹ tôi đã một thời như cô thiếu nữ trẻ kia. Dù gì thì nồi cơm phải dần (xoay) sao cho chín đều. Đáy nồi phải có một lớp cơm vừa cháy tới. Ăn xong mỗi đứa được mẹ cho một miếng cơm cháy bóp lại dài dài như cuốn chả để tráng miệng. Nồi canh lá giang với mắm ruốc phải đạt tới một độ ngọt nhất định mà chỉ có những người vợ, người mẹ mới có thể biết được “nồng độ” thích hợp của nó. Tô canh lá giang như là tô thuốc giải nhiệt những nắng cháy cả ngày trên đồng muối..”

Thằng bạn đãi khách với mấy con gà và chim bồ câu nuôi. Nhìn thấy những đĩa thịt trên mâm tôi vẫn nhớ về món cá kho nghệ. Tôi viện lý do không ăn được thịt và sẵn có người em út của thằng bạn ở đó, tôi nhờ chú đó về nhà lấy cho chén cá, chén canh mang qua.

Bữa cơm chiều ở đất Phú Phong ! Tuyệt vời.

24/6/2012
Võ Mỹ Cát
FFC BinhDinh


2 nhận xét:

  1. Nghe đâu Bệnh viện Phú Phong được nằm ở top đầu về y tế tuyến huyện của cả nước (!?)
    Cầu trời cho những gì nghe được sẽ trở thành sự thật thì mừng cho quê tui lắm bạn Võ Mỹ Cát ơi !

    Trả lờiXóa
  2. TámXómHóc19:05 31/1/14

    Cảm ơn bạn Võ Mỹ Cát, đã cho mình cảm xúc những tháng ngày thơ ấu nơi quê nhà.
    Năm mới chúc Võ Mỹ Cát dồi dào sức khoẻ, vạn sự như ý ....

    Trả lờiXóa