Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

DÒNG NHỚ


Ngày còn bé theo Ba đi tắm sông. Lũ chúng tôi : Tí Sót (anh Thi), Phúc Anh, Tâm Ti (Ti đen), Ngọc Tám Chu, Thiệt Dư Giả… con gái được ưu tiên : đứa đu vai, đứa bá cổ, còn lũ con trai chỉ được ôm khuỷu tay Ba. Ra giữa giòng Ba đứng nước tầm ngang ngực, Ba giăng tay ra cho mấy đứa con trai ôm 2 cánh tay thì bất ngờ Ba ngụp đầu xuống nước. Đã nhiều lần nên chúng tôi kinh nghiệm : lũ con gái nín thở ở dưới nước nhưng vẫn ôm chặt cổ Ba, lũ con trai đập tay chân loạn xạ để nổi lên. Được một lúc là Ba đứng lên… Đứa nào ở xa Ba chừng 1 mét là Ba kéo lại gần cho bám vào vai… rồi ba cho sang bên kia bãi cát có anh Nhi và anh Sơn Ba Huế đã bơi sang trước, đang đứng nhìn Ba cho chúng tôi tập bơi và uống nước no bụng, thích chí hai anh cười ngặt ngẽo. Chúng tôi chơi đào giếng, xây nhà, anh Nhi còn nằm dài cho chúng tôi đắp cát từ chân đến cổ… sau đó chia phe rượt đuổi, la hét cười như nắc nẻ… mệt nhoài. Măt rời sắp lặn nên Ba gọi về : lại sang sông, ra giữa giòng Ba lại cho uống nước và cho bơi loạn xạ . Ấy vậy mà đứa nào cũng biết bơi và không sợ nước nữa. Riêng tôi thì sau này lặn nước rất giỏi vì nhờ luyện tập nín thở nhiều.

Tôi không nhớ chinh xác là năm nào, nhưng chắc chắn là trước năm 1975. Ông Quận trưởng quận Bình Khê chạy xe Jeep đến đón Ba và tôi cũng được Ba cho ngồi trên xe chạy ra cầu Kiên Mỹ. Ngồi trên xe tôi được biết, vì năm nay hạn hán kéo dài : Trời không mưa, đất khô nứt, sông cạn nước… cho nên hôm nay làm lễ Tế Trời cầu mưa.

Đến nơi Tôi thấy chính giữa cầu Cũ đã bày sẵn bàn thờ làm Lễ lớn lắm. Hôm ấy Ba bận áo dài gấm chữ Thọ màu xanh thẫm, đầu đội khăn đóng, nhìn Ba rất uy nghi. Ba trang trọng bước ra đứng chính giữa bàn thờ, một bên là ông Quận trưởng, một bên là ông gì đó ở dưới Qui Nhơn lên. Phía sau là các cụ cũng bận áo dài khăn đóng, mỗi người hai tay cầm nén hương để ngang mày. Ba bắt đầu đọc Sấm của Vua QuangTrung, không có micro nhưng giọng Ba vang lắm… Rồi tiếp theo là các Sư Thầy đọc kinh Phật và những thủ tục gì nữa tôi không nhớ hết… nhưng không biết là ngẫu nhiên hay buổi Lễ linh ứng mà khi sắp về thì trời đổ mưa. Bản thân tôi có một niềm tin thiêng liêng cho đến tận bây giờ.

Không hiểu sao anh Bốn hỏng thích bến ông Nhái mà lại thường chở tôi ra bến cầu Kiên Mỹ tắm, có lẽ vắng và sạch hơn … Nhưng sau này tôi mới hiểu : Anh thích đám Rù rì bạt ngàn mọc trên bãi cát. Vì có hôm Anh lang thang cả buổi để tìm cho được một gốc Rù Rì già cỗi mang hình thù quái dị có một không hai, Anh hì hục đào gốc, cắt tỉa rồi mang về nhà. Khi vô chậu thì cây Rù rì của Anh đúng là “Độc nhất vô nhị“.

Cuối năm nào Tôi, chị Tri, Bửu và Hạnh (em Bửu) cũng ra sông giặt mùng mền, chăn chiếu để ăn tết ở dưới cạnh chân cầu. Khi giặt xong đem trải hết lên bãi cát, trong khi chờ khô là chúng tôi tha hồ ngụp lặn, tạt nước … thích nhất là núp nắng dưới chân cầu nghe chị Tri kể chuyện cổ tích, chị đọc truyện lúc nào tôi không biết nhưng chị kể nhiều lắm : nào chuyện con Muỗi, chuyện trái Thơm, chuyện con Quạ, … có hôm lâu quá chưa thấy về, Ba Bửu (Thầy Điện) chạy xe Honda 67 ra tìm và la quá chừng. Có lẽ Thầy sợ vì hai chị em Bửu lúc ấy chưa biết bơi.

Bên kia cầu là hàng tre trải dài từ nhà Từ Báu và anh Cảnh đến tận Thuận Nghĩa, hàng tre đã làm bóng râm che mát cho các mẹ, các chị nghỉ mệt khi gánh nặng, là làn gió đưa hơi nước từ sông đem vào từng nhà đang trú ngụ hai bên bờ, là tiếng ru kẽo kẹt mỗi trưa hè oi bức, là cành lá xao xao, thì thầm như tiếng hẹn hò thủ thỉ đêm trăng… Bây giờ hàng tre ấy đã không còn nữa. Năm ngoái anh Cảnh chở đi ngang qua cầu Cũ khi không thấy hàng tre là tôi đã khóc rấm rức sau lưng anh. Thế mà giờ đây lại thêm không còn chiếc cầu nữa tôi làm sao chịu nỗi hở Trời?

Chiếc cầu này đã đếm bao nhiêu bước chân chúng tôi? Là khi sang nhà bạn, là khi lang thang dưới trăng, là khi ngồi bệt xuống nền cầu thòng hai chân đu đưa hát hò, là khi kể chuyện tiếu lâm, kể chuyện ma … rồi sợ hãi hét lên tán loạn, là những khi nói xấu Thầy Cô khi bị cho điểm ít, là khi khóc với nhau vì giận bạn, hay vì bị Ba Má la … Là chốn hẹn hò, là nhân chứng của biết bao nhiêu đôi lứa yêu nhau, là nơi mà không đâu dễ dàng trút hết nỗi lòng khi cần một ai đó chia sẻ…

Giờ đây : “Cầu Cũ đã sập“ tôi không tin vào mắt mình, không tin vào tai mình.

Tôi chỉ biết tin vào tim mình : “Chiếc cầu Cũ đầy ắp kỷ niệm trong tôi mãi mãi không bao giờ quên”.

MoNa


5 nhận xét:

  1. Nhớ "cầu cũ" dzữ lắm hở chị Bẻo Beo, hay nhớ anh nẫu nào... ẩn sâu trong chiếc cầu con lịch sử ấy?
    Giờ cầu ...gãy rồi, sao lòng vẫn nhói, đong đưa kỷ niệm bạc cả một đời xa xứ, lặng thương...làm lòng nẫu cũng lây nhớ, đang lắc từng nhịp giữa mùa đông trần trụi quê người...
    _Thâu, mời chị nốc cạn cùng em ly ...cà phê sáng này cho ấm nẫu nhớ nghen!

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết gợi nhớ những kỷ niệm thuở nào lang thang trên cầu nhìn nước êm trôi...Nay cầu đã gãy nhưng lòng người như chưa gãy !

    Trả lờiXóa
  3. Biết bao nhiêu cuộc hẹn hò trên chiếc cầu này ! Có rất nhiều kỷ niệm của người dân hai bên bờ . Cầu cũ thì nhỏ bé và còm cõi như hình dáng Bà Mẹ quê suốt đòi tần tảo lo cho đàn Con .
    Cầu mới thì to lớn đồ sộ , thật tương phản với Cầu cũ , nhưng trong lòng của mọi người vẫn in sâu hình dáng mộc mạc của chiếc cầu này .
    Cầu gãy như một vết cắt vào da thịt , mọi người chỉ biết chép miệng " Cầu ơi !!! "
    Mong rằng Lảnh đạo địa phương quan tâm đến lời than " Cầu ơi !!! " của người dân mà có biện pháp sửa chữa phục hồi !

    Trả lờiXóa
  4. út phú phong15:58 2/1/14

    Út cũng không biết cầu gãy chính xác là lúc nào nữa . Đọc comment của bạn rồi giật mình mà không muốn tin .

    Trả lờiXóa