Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

VỀ LẠI BÌNH KHÊ



Nếu một người ở xa quê thấy có bài viết về quê hương của mình, có ai mà không có niềm cảm khái về những địa danh nơi chôn nhau cắt rốn của mình !? Nếu một người ở chốn quê thấy có người nói lên được những gì từng xảy ra trước mắt mình mà mình chợt lửng quên, có ai mà không thấy hãnh diện thêm chốn nơi mình đang sống … Có một thân hữu của QuangTrung BinhKhe trên facebook, Anh Võ Mỹ Cát, người Phù Mỹ, hiện là giáo viên ở Đồng Nai, cũng là một thành viên của BinhDinh FFC. Võ Mỹ Cát có một số bài viết về làng quê Bình Định, nơi mà bước chân của anh đã từng dẫm đến, trong đó có đất Bình Khê.

Hôm nay giới thiệu với mọi người một bài viết của anh : VỀ LẠI BÌNH KHÊ
QuangTrung BinhKhe 


VỀ LẠI BÌNH KHÊ
Võ Mỹ Cát



Bình Khê xưa, Tây Sơn nay, với thị trấn Phú Phong là cửa ngõ đầu tiên của con đường QL19 từ Tây Nguyên về duyên hải miền Trung. Tôi không có nhiều kỷ niệm về mảnh đất này. Chỉ đi ngang qua khi có dịp lên Tây Nguyên, và những tháng ngày đi chài dọc hai bờ sông Côn mang cá hay nông sản đổi được về Quy Nhơn.

Mùa hè Đỏ lửa 1972 tôi theo một số anh em đi Phú Bổn (nay là huyện Ajunpa tỉnh Gia Lai) để làm thêm mùa hè. Cuối hè khi trở lại Quy Nhơn thì đường 19 bị cắt và phải lưu lại Pleiku hơn một tháng. Khi đường được giải tỏa, trong chuyến xe trở về năm đó, khi đến Phú Phong - Bình khê thì trời đã tối. Người tài xế không chịu cho xe chạy nữa vì đường không an toàn. Một đêm ngủ lại Phú Phong. Thị trấn nhỏ ngày đó thưa thớt người, vắng lặng chỉ có các sắc lính Sài Gòn là nhiều. Ngày đó dưới chân đèo thuộc quận Bình Khê và trên đèo thì quận An Túc vẫn thuộc tỉnh Bình Định.

Sau Giải phóng Bình Khê được đổi thành Huyện Tây Sơn. Giữa năm 1975 những anh em đi chài bộ ở Quy Nhơn đi chài ngược lên dòng sông Côn. Tôi có dịp đi qua vùng đất mà đã được lưu lại trong sử sách với Vương triều của anh em nhà Tây Sơn.

Một kỷ niệm nhỏ trong những tháng ngày đó. Khi mang mấy con cá tràu cỡ kg và một ít nông sản đổi được về Quy Nhơn cho gia đình. Khi đi ngang qua một cái bàu khá lớn (Dân địa phương gọi là bàu Bờ Lặng), sợ mấy con cá tràu bị khô vảy chết, nên bước xuống mé nước để nhúng cái giỏ. Một con rắn hổ mang to bằng cùm tay ở đâu không biết ngẩng cái đầu thật cao và phành mang bò tới. Nhanh như chớp,vứt luôn cái giỏ chạy lên bờ và cắm đầu cắm cổ chạy không kịp nhìn lại. Lát sau khi đã đông người qua lại, trở lại chỗ cũ, thì hỡi ôi mấy con cá tràu đã phóng ra khỏi giỏ và trở về với quê hương của nó. Một chút thẫn thờ, tiếc ngơ tiếc ngẩn.

Cuối năm 1978 trên đường hành quân lên Tây Nguyên. Khi xe vượt đèo dưới ánh nắng vàng yếu ớt của một buổi chiều mùa thu, tôi đã nhìn lại quê hương Bình Định từ dỉnh đèo An Khê. Một màu trắng mờ sương trùm lên một khoảng không gian. Tôi vẫn còn kịp nhìn quê hương lần cuối trong núi non trải dài chập chùng mờ trong sương khói. Hai ba vệt trắng ngoằn ngoèo của dòng sông Côn uốn lượn qua những cánh đồng trù phú. Một hình ảnh có thể nói là phải mất mấy năm sau mới nhạt phai trong tôi khi nhớ về Tổ Quốc.

Rồi thời gian trôi qua dòng đời thay đổi, phải trên chục năm tôi mới có dịp đặt chân lên mảnh đất Phú Phong.

Sáng mồng 4 tết Nhâm Thìn 2012. Đang uống cà phê với mấy thằng bạn ở cầu Đôi – Quy Nhơn thì anh Khôi gọi. Anh mời tôi lên Phú Phong để dự đám giỗ nhạc mẫu.

Anh là người hiểu tâm lý. Trong chuyến trở về từ mù khơi, từ kỷ niệm muôn trùng chờ đợi của thời gian hơn 30 năm, ngoài gia đình anh em còn ở Quy nhơn tôi không còn ai. Thời gian tôi lưu lại Quy Nhơn chủ yếu là thăm anh em của BinhDinhFFC.

Những chuyến xe bus tuyến số 2 từ Quy Nhơn đi Phú Phong người chật như nêm. Mọi người đang đổ xô về Phú Phong để chuẩn bị tham dự cho lễ Hội Đống Đa vào sáng ngày mồng 5. Lễ hội mà chưa bao giờ tôi đặt chân đến.

Cảm ơn vợ chồng anh chị Khôi - Hoàn đã cho tôi một cơ hội trở lại Phú Phong - Tây Sơn.


Mỗi miền đất tôi đi qua giữa chiều gió lộng giữa Truông Bà Đờn, trên những sóng lúa xanh rì của đồng lúa Nhơn Hòa. Những năm tháng mơn man xanh nỏn, những ngày tháng thanh bình dưới rặng tre đôi bờ sông Côn, đều tạo những cảm xúc mới mẻ trong tâm hồn người con xa xứ. Những phố phường sầm uất ở phương Nam, những cánh đồng xanh bạt ngàn của đồng bằng Bắc bộ, những dãy núi điệp trùng mờ sương của cao nguyên phía Bắc từng đi qua, vẫn không thể nào xóa nhòa được những hình ảnh và địa danh của quê hương. Mọi cung đường, bụi cỏ, cành cây như còn hiện hữu một cách trọn vẹn dấu vết của ngày xưa.

Thời gian vẫn song hành cùng con người vô hạn. Trong sự song hành đó con người lại chìm nổi mong manh. Đằng sau những bước chân xa xứ, vẫn còn ở phía sau những bước chân dưới một khung trời kỷ niệm. Cứ ngỡ rằng mọi thứ đã xóa nhòa, đã đi vào quên lãng trong kiếp nhân sinh. Nhưng trên chuyến xe bus sáng mồng 4 Tết, sao lại bật lên bao điều rung cảm. Bao hồi niệm, cảm thức về quê hương lại cứ ngân lên, ngân lên từng hồi lặng lẽ và sâu lắng giữa tiết trời xuân…

Nhìn những dãy núi mờ xa và gần hai bên đường 19…Núi vẫn tựa vào sương khói để bốc lên trời cao nỗi cô đơn trống vắng cùng với gió ngàn. Thế mới biết chắc mọi anh em BinhDinhFFC trong những ngày tết xa quê vẫn khắc khoải nỗi vắng lặng trong tâm hồn.

Võ Mỹ Cát
FFC BinhDinh

2 nhận xét:

  1. Welcome to Hồng Trần - Võ Mỹ Cát! Một friend của tui, thỉnh thoảng đã gặp nhau trên FB.

    Tui cũng là một member, cũng có vài bài và mấy comments trên Bình Định FFC Forum, nhưng chưa gặp Hồng Trần - Võ Mỹ Cát ở đó. Hôm nay mới hân hạnh được hội ngộ cùng bạn ở đây. Qua đây, mới biết văn phong và những ấn tượng cùng tình cảm rất sâu sắc của VMC đối với quê hương Bình Khê của chúng tôi.

    VMC còn biết và nhớ đến bầu Bờ Lặng ở Phú Phong, thậm chí còn khen nó "khá lớn" nữa chớ! Trong khi nó "ăn thua" gì so với Đầm Châu Trúc ở quê bạn!...

    Nhiệt liệt hoan nghênh Hồng Trần - Võ Mỹ cát!

    Trả lờiXóa
  2. Võ Nỹ Cát16:12 16/9/13

    Chào anh Bửu Châu ! Thì anh em mình là friend trên FB lâu rồi mà. Nhưng bây giờ mới biết anh là dân Bình Khê - Tây Sơn. Đúng là Hồng Trần có ấn tượng về đất Bình Khê thiệt nhưng nói " văn phong" thì xem xét lại. Đúng ra chỉ là "văn lụi" thôi anh à.
    Hehe ! Cũng còn mấy bài về Phú Phong nữa mà không biết nó nằm ở đâu rồi ? Thôi thì anh em Phú Phong hay Bình Khê tốn thêm ly rượu để mời thêm ông bạn nữa vậy.

    Trả lờiXóa