Văn Lâm là cái tên cúng cơm của thằng bạn
tôi, biệt danh của hắn là Lâm “rừng”. Đã Lâm lại còn rừng thế mới hay.
Lâm ‘rừng” vì trời gắn mạng nó với rừng. Từ tổ trưởng, nay là giám đốc ban quản
lý khu bảo tồn quốc gia, cấp đó, chức đó cũng là quan kha khá trong xã hội. Mà
nghiệt nỗi, hắn xuất thân từ nghề khai thác cá biển. Ra trường, không chịu được
sóng , hắn bỏ biển làm nhân viên trông coi rừng phòng hộ. Rồi nghiện rừng
từ đó.
Thứ bảy, chủ nhật thi thoảng mới thấy cái
bóng hắn. Hắn về nhà khó như đi nghỉ mát vậy. Điện thoại chỉ nghe tiếng mấy em
reo réo ngoài vùng phủ sóng. Khi gặp, hắn nhăn răng “tao bận cứu mấy con khỉ
thiệt mà” rồi nhăn răng cười như khỉ.
Hắn hẹn tôi lên chơi. Tôi nhịn khan hai ngày
để chờ một bữa thịt rừng, chí ít là cheo, nai hoặc rùa rắn. Ai dè nó dọn lên
món cá thu kho tộ và canh chua cá lóc. Cái bếp tập thể của cơ quan toàn cá khô
treo xép vách.
Tối đến, tôi trả thù nó bằng cách rủ ra quán
cách thị tứ chừng cây số cho vắng vẻ rồi gọi món thịt trăn xào lá lốt, heo rừng
nướng mọi. Nó ngậm miệng cười cười nhe răng như khỉ. Chủ quán ghé tai tôi
bụm tay nói nhỏ “chú Lâm có bao giờ ăn đồ rừng đâu. Có mặt chú Lâm đây, quán
bán đồ rừng thì ảnh hưởng uy tín chú lắm đó. Chịu khó ăn đồ nuôi, ở đây nuôi thả
rông chứ không nuôi nhốt như dưới xuôi”. Thế là chuyển sang món thịt gà đi bộ xé
phay, óc heo mọi chiên xù. Trong bữa cũng có món rừng cho phải đạo là rau tàu
bay và gỏi sung. Sau đó ba ngày tôi vẫn chưa xử lý xong chất thải trong người.
Khi tản bộ về, tắt lối rẽ vào rừng, gặp một
con chồn bê bết máu nằm bất động bên vệ cỏ. Nó bị thương nặng. Lâm cúi xuống, lấy
cồn và bông băng trong túi áo gió, cái món này nó thành chuyên nghiệp rồi, lau
rửa vết thương rồi bế nó trên tay như bế đứa trẻ. Về trại hắn cho con chồn xấu
số vào khu chăm sóc đặc biệt.
Tôi còn nghe kể, có lần đi thị sát với mấy
ông Tây, gặp người dân tộc bán con trút, nó bỏ tiền túi mua lại và thả vào rừng.
Mấy ông Tây từ đó cứ nghe mít tờ Lâm là ô kê very gút đến sái quai hàm.
Lâu lắm tôi mới đến nhà nó. Cũng vài năm khi
nghe tin nó lên giám đốc. Tưởng lên chức lên lương thì cái nhà cũng thơm lây.
Ai dè căn nhà cấp bốn năm chục mét vuông vẫn như cũ. Có cái lạ là nhà hắn không
có bất kỳ đồ nội thất, dụng cụ nào làm bằng gỗ dù hắn quản lý hàng ngàn héc ta
rừng. Này nhé, bộ sa lon khung bằng sắt bọc nệm nhựa. Tủ áo quần bằng nhôm kính
màu. Tủ bếp bằng mi ca. Chỉ có ba thứ làm bằng gỗ là đũa, thớt và tăm. Đũa thì
tre rõ ràng rồi, còn cái thớt chắc là thớt me, cây me lấy quả nấu chua người ta
trồng nhan nhãn trên đường phố, tăm thì của Trung quốc, chữ Tàu chấm phẩy rõ ràng.
Nói chung không dùng cây gì ở rừng Việt ta cả.
Hỏi thì nó nhẩm nhẳn “trồng không được,ai lại
đi phá” rồi nhăn răng cười như khỉ.
Một hôm, TV phóng sự về động vật hoang dã. Hắn
xuất hiện với vẻ mặt như bánh tráng nhúng nước khi nói về những con hổ Đông
dương cuối cùng bị diệt bởi những tên săn trộm.
Tiếp đó, phóng sự ghi lại hình ảnh hắn cả đêm
thức trắng lần theo dấu máu con gấu bị thương. Rồi cứu, rồi chăm sóc, rồi trả
nó về rừng vv... và vv... Nhìn nó băng đèo lội suối với mo cơm, rau rừng, cá khô,
như là thời kỳ vượt Trường Sơn của mấy anh bộ đội thời chiến.
Giám đốc như nó thời nay được mấy người, thật
là cấp trên nhìn cao thấy rộng.
Thế mà đùng một cái, nó xin nghỉ hưu sớm. Người
ta mong kéo dài không được, nó xin nghỉ trước ba năm thì thần kinh có vấn đề
không đây. Nó nói “nhường cho lớp trẻ, anh văn vi tính mình có hạn lắm. Tuổi
chưa đủ nhưng năm công tác thì thừa”. Với lại nó có đứa con trai độc nhất đang ở
Sài Gòn. Vợ hắn vào trong đó chăm cháu, ở một mình không tiện. Nó có thêm bệnh
hay nhức xương cốt giống tôi.
Thế mà nó nghỉ thật dù cấp trên hết động viên
đến năn nỉ.
Nó dùng tiền bảo hiểm trả do thừa năm công
tác được mấy chục triệu tặng luôn cho trạm ươm giống. Nó nghỉ hưu mà vui hơn
lên chức.
Ai cũng khen nó tuyệt vời, tuyệt vời trên cả
... tuyệt vời.
Ba năm sau tôi mới gặp lại. Tôi vào Sài Gòn
chữa bệnh nhức xương cốt. Nó hẹn tôi đến nhà. Tôi nghĩ về cái nhà cấp bốn của
nó ở phố lẻ thì vào Sài Gòn chỉ đổi được vài mét vuông là cùng, nên tôi thuê
trước nhà trọ cho chắc ăn.
Ai dè, khi đứng trước cái địa chỉ rõ rành
rành tôi vẫn không ngờ được. Ngôi biệt thự sang trọng tọa lạc trên khu đất chừng
hai trăm mét vuông ở ngay quận Bảy. Tôi bắt đầu gặp lại rừng, rừng trong phố. Nội
thất choáng ngợp, đồ gỗ thuộc loại quý hiếm. Tủ áo pơ mu, sa lon cẩm lai, của
ra vào sơn huyết. Có cả ông địa tươi cười bằng lõi vàng tâm. Sừng hươu, sừng
nai, đầu bò tót dựa vào tường. Cặp ngà voi vòng cung hình trái tim giữa
phòng khách. Những trút, trăn, gà rừng, rùa, rắn … tiêu bản chụm một góc đang
tranh nhau chổ đứng.
Tôi không thấy khỉ. Nó bảo tuổi thân nên
không dùng đồng loại làm tiêu bản sợ bị xui xẻo.
Thấy tôi ngỡ ngàng nó nhấm nhẳn “tao nói thiệt,
mấy chục năm nhờ rừng đó, nhà này xây sau khi nghỉ hưu, chẳng sợ thằng nào xỉa
xói. Con người ta hơn nhau cái điểm dừng, tao dừng đúng lúc”, rồi nhăn răng ra
cười như răng khỉ.
Nói đoạn, hắn vào trong, cầm chai rượu màu đục
rót mời tôi. “Tao không bao giờ uống rượu Tây, chỉ rượu đế thôi nhưng đắt gấp
chục lần rượu Tây”. Hắn nhấp môi, “mày là bạn thân, tao chẳng dấu diếm gì, ngày
trước tao dấu vì tao đang làm việc, mày thông cảm. Thằng nào chả thế. Rượu cao
hổ cốt đó, thứ thiệt, một lạng mấy chục triệu, tao có cả mấy ký, tao biếu mày một
chai pha sẵn”.
Trời ơi tôi nằm mơ hay sao mà thấy thật
giả lẫn lộn tùng phèo thế này.
Nó cụng ly, “chuyện đời bỏ qua hết, làm ly
cao hổ cốt cái đã”.
Tôi bình tĩnh thở sâu và thấy mình không phải
nằm mơ. Tôi nói đùa, “đồ giả dạo này nhiều lắm, tên lửa giả còn làm được huống
hồ ba cái rượu lẻ tẻ”.
- “Giả
thế nào, rượu này là của những con hổ ... Đông dương ...cuối cùng tao nói trên
TV ... đó”, nó ghé miệng vào tai tôi rồi nhăn răng như răng khỉ.
Tôi đang nhức xương cốt, có rượu cao thì lên
tiên rồi.
Tôi cũng nhe răng cười, hai thằng như
hai con khỉ.
Tôi nghĩ thầm, giám đốc như nó thời nay được
mấy người, thật là cấp trên nhìn cao thấy rộng !!!
Nha trang đầu năm con rắn 2013
Từ Sâm
Tập
San Quán Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét