Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

KHI NẮNG VÀNG TƯƠI


“Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm …” (Cánh thiệp đầu xuân của Minh Kỳ - Lê Dinh) cứ đọng lại đâu đây không khí ngày xuân ăm ắp tràn về, màu nắng yêu thương ấy không thể trộn lẫn với bất kì sự pha màu từ cây bút những danh họa nổi tiếng trên thế giới. Điều đó có thể khẳng định sức mạnh của âm nhạc cũng như nét riêng “Đêm Bolero - Những ngày xưa thân ái” vào cuối tháng 6. 2013 trên đất võ Tây Sơn của ban tổ chức khởi xướng đóng góp cỗ phần cho đến những người yêu thơ nhạc về đây để được nghe, được hát về những ngày xưa thân ái của mình.



“Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai, gió mùa xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa…” được cất lên từ tiếng hát Võ Sĩ Tùng rất tự nhiên không phải nhìn vào văn bản. Nhưng có gì lạ đâu bởi Những ngày xưa thân ái của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã đi vào lòng người trong những thập niên 60 thế kỉ XX, nó gần gũi thân thương lắm. Thân thương vì tác giả là người con của An Nhơn Bình Định, nó gần gũi nhờ những giai điệu nhẹ nhàng lắng đọng đi vào lòng người những kỉ niệm khó quên thuở nào. Dưới ánh đèn màu, những danh “ca sĩ” ngày bộn bề công việc, chưa một lần luyện tập cứ lần lượt lên hát hết mình như anh Tri khao khát Bao giờ anh trở lại của Hoàng Nguyên, anh Nguyễn Đình Nhi với ước mơ Nếu hai đứa mình của Hoài An, 


còn Mèo con - Kim Thanh không dưng lại thích Phượng buồn của Thanh Sơn khi đang họp mặt đông vui như thế này cũng phải chạnh lòng ai đây!


Có lẽ người dẫn chương trình chính không ai xa lạ là chủ quán cà phê Jin Jin đâu thể nào từ chối các tiết mục đăng kí qua mail, qua tin nhắn, qua mảnh giấy viết tay …


Có thể nói lúc đầu MC tập trung giới thiệu về dòng nhạc Bolero. Nào là Bolero là điệu nhảy dân tộc của dân tộc Tây Ban Nha từ những năm 1780, sau đó đặc biệt phát triển ở Cuba (Châu Mỹ La Tinh). Rồi gần hai trăm năm được sử dụng phổ biến trong các bài hát tại miền Nam Việt Nam từ thập niên 1950 đến nay. Nhạc Bolero đã góp phần vào nền tân nhạc Việt Nam lúc bấy giờ. Cùng với một số tên tuổi có thể kể như Châu Kì, Minh Kì, Hoàng Thi Thơ, Dzũng Chinh, Hoài Linh, Trúc Phương, Hàn Châu, Trần Thiện Thanh,… Phong phú với nhiều đề tài khác nhau như thân phận con người trong chiến tranh, nỗi cô đơn mất mát, về tuổi học trò, hay cách kể chuyện tình của những nhân vật trong thơ ca, hay viết về làng quê, về niềm hân hoan trong cuộc sống của mỗi người,… Và chính những điệu nhạc ca từ của Bolero gần gũi thân thương mộc mạc như dân ca nên dễ lay động lòng người nhất là tầng lớp bình dân với những ca sĩ đã nằm lòng những bài hát quen thuộc… Nhưng tất cả đến với Jin Jin lúc này chỉ nghe nhạc Bolero, nghe lại những bài hát quen thuộc thuở nào và do mình hát, bạn mình hát kia. Và các bước “lên lớp”của một MC nhà thơ Trần Viết Dũng (đã từng là người cầm phấn đứng trên bục giảng) đã bị khép lại dành cho dàn nhạc nổi tiếng của cây guita Sáu Liên. 


Nam Kèn (Khóa 8 QTBK) cũng có xuống Phú Phong góp hơi hợp tấu Những ngày xưa thân ái với anh em. 


Sân khấu lúc này rộn ràng và mát mẻ hơn nữa là ngọn nồm từ con sông Côn phía trước mặt đã thổi vào. Những li cà phê của Rêu, của Hồng và Chức bên cạnh đã vơi, 


nhưng đan xen những tiếng hát Hạnh Dung tràn đầy trong nhiều cung bậc cùng Chuyện Tình không dĩ vãng của Tâm Anh, Phạm Tấn Lộc mãi mê với Chuyến tàu hoàng hôn của Trúc Phương, Nguyễn Tiến thì thiết tha Gởi người em gái của Đoàn Chuẩn, Mỹ Dung khép nép cùng Hoa Trinh nữ của Trần Thiện Thanh, Bùi Thị Kiển nguyện cầu cho Niệm phút cuối của Ngô Thụy Miên, 



Quang Dũng thâm trầm với Hương thầm của Ngọc Sơn, còn Hồng Nam sụt sùi Lệ đá của Trần Trịnh, Trọng Khải chỉ quen thuộc với nhạc Trịnh cũng chen chân để mà nâng niu Em hiền như Maseur của Phạm Duy, 


Kim Chức xa xôi gần trăm cây số từ Nhơn Lí lên Tây Sơn để được hát Mùa xuân yêu thương của Ngô Thụy Miên, ngỡ như thời gian chỉ dành riêng cho Võ Tế nên anh hát luôn cả hai bài Chuyện hoa simTrả lại thoáng mây bay



thì ngược lại kết thúc đêm Bolero là cặp đôi bạn ngày xưa Bảo Minh và Mỹ Dung học chung một lớp, ngồi chung bàn cố công xây cho được Lâu đài tình ái của Trần Thiện Thanh rồi mới chịu ra về!...


Đến với Những ngày xưa thân ái đâu chỉ hát cho nhau nghe nhạc Bolero mà là nơi để gặp gỡ chuyện trò nhung nhớ người từ thành phố Hồ Chí Minh như anh Nguyễn Đình Nhi (Một giọng Bolero ngọt ngào ngày xưa) về Phú Phong Tây Sơn, 


có cả nick name “Đồ Dõm” trên mạng ảo facebook thành “Đồ Thiệt” cũng lặn lội từ Đồng Nai về nơi chôn rau cắt rốn của mình mà yêu mà quý cho thỏa lòng nhớ nhung con đường xưa em đi


Những gương mặt Khải, Dũng, Thi, Hoan, Mỹ, Bẻo, Loan, Ánh, Tùng, Toàn, Nhi và Liên cùng Kim Chi,… quen thuộc gần gũi luôn xích lại gần nhau. 






Nhưng hình ảnh anh Phan Kim Liên, người phải mang kính râm, mà anh em trong giới văn nghệ sĩ Tây Sơn thường gọi thân mật là anh Sáu Liên, ở độ tuổi ngoài sáu mươi vẫn chững chạc đang ôm cây guita ngồi dưới ánh đèn cất lên : “Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phiếm nắm nót cung đàn. Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ dặt dìu lời ca em thăng trầm ngay từng lúc …” (Giọng ca dĩ vãng của Bảo Thu) mở đầu cho đêm Bolero sao đầy ấn tượng. 


Đủ nói sức mạnh của Bolero đến với công chúng yêu âm nhạc ở mọi lúc mọi nơi như thế nào. Bởi nhịp điệu ta- rách / chách- bùm - chách- bùm - chách- bum len lỏi vào tận đáy sâu tâm hồn mỗi người vẻ đẹp thuần khiết thanh cao của quê hương quen thuộc đầm ấm hiện về như Gạo trắng trăng thanh của Hoàng Thi Thơ, như Khúc ca ngày mùa của Lam Phương thì chỉ tiếc những ai đã định kiến Bolero là điệu nhạc “Sến” !? Thật quá ư là tội nghiệp cho cách nhìn quá thiển cận này !...

02.7.2013
Nguyễn Thị Phụng


5 nhận xét:

  1. Anh Việt Kèn phong thái rất tự nhiên, còn Nam Kèn sao mà uốn mình, gồng gân cổ thế kia hữ! Quả là nhiệt tình. Nhiệt tình "góp hơi"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem lại Nam Kèn 25 năm về trước đâu có uốn éo.như bây giờ
      Ban nhạc cựu hs khóa 8 , 10 trong đám cưới cựu hs k9 QTBK.
      Hình chụp năm 1988
      [img]https://lh6.googleusercontent.com/-ROk-5K6x5Uo/Tvk7V6dhYpI/AAAAAAAAAdI/0GhP1i6zmms/s640/DSCN1068.JPG[/img]

      Xóa
  2. Nặc danh08:20 7/7/13

    Áà! Đồ Dõm Trần Bá Nghĩa. Điệu nghệ điệu nghệ uốn éo!

    Trả lờiXóa
  3. Ô, mỗi cảm xúc đều gắn với hình ảnh minh họa thật là tuyệt à nghen!
    Cảm ơn QTBK đã sẻ chia cùng bạn đọc, Chúc vui!
    Tình thân!

    Trả lờiXóa
  4. Thỏ con18:09 7/7/13

    Bài chị Phụng viết rất hay, tả lại tường tận làm người đọc như đang ở cùng đêm ấy!

    Trả lờiXóa