Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

CÂU CHUYỆN NGƯỜI CHƯA QUEN



Cô thư ký tròn xoe đôi mắt, bối rối lập lại câu hỏi :
-  Thưa…giữ chỗ xe lửa ?
-  Phải. Yêu cầu cô mua vé khứ hồi.

Thăng mỉm cười nhìn cô gái trẻ im lặng bước ra khỏi phòng. Có lẽ cô ấy đang tưởng mình điên. Nhưng ý anh đã quyết, và yên trí là ông giám đốc cũng chẳng thể phiền hà. Đằng nào thì từ Milano xuống Napoli cũng phải mất một ngày: 7 giờ sáng khởi hành thì chừng 17 giờ cung đến nơi và nhà ga nằm giữa trung tâm; Còn nếu lấy máy bay, 10 giờ đến phi trường, 11 giờ bay, 13 giờ tới, rồi sau còn phải đón taxi để vào thành phố, tìm khách sạn…loay hoay cũng phải đến 14-15 giờ  mới xong… Còn chuyện quyết định  ngồi 10 giờ trên xe lửa hay 2 giờ trên máy bay thì hoàn toàn tuỳ thuộc ở anh, đâu có ảnh hưởng gì đến công việc và thời gian của công ty.

Thực ra, ý nghĩ đi bằng xe lửa đã âm ỉ trong lòng Thăng từ mấy tháng nay, ngay cái hôm bị giam suốt 5 tiếng đồng hồ trong cái hộp di động giữa dòng xe bị nghẽn. Cả đoàn xe, như con rết nghìn chân đang lê từng bước trên con đường dẫn vào thành phố. Tiếng còi điếc óc và bụi khói đã làm anh khó thở nhưng cũng phải bó tay đợi chờ cho đến lúc thoát  khỏi cái bẫy tự tạo của nền văn minh hiện đại.


Bữa ấy Thăng ngồi trong lòng xe, trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái đều có những chiếc xe đủ màu đang khó khăn xê dịch; nét mặt người lái nào cũng đăm chiêu, căng thẳng. Người đồng hành bên trái là một cô gái đang uể oải lật từng trang báo. Tự dưng Thăng muốn quay kiếng xe xuống để trao đổi vài câu với cô ta, nhưng chưa kịp nói gì thì cô đã nhấn ga cho xe lao về phía trước. Chỉ chừng nửa thước thôi nhưng cả hai đã không còn trông thấy mặt nhau. Trong tích tắc, anh chỉ thấy một bả vai của cô gái vì mái đầu đã bị  thành xe che khuất. Chỗ xe của cô gái lúc này được chiếm bởi một người đàn ông đang nhìn anh mỉm cười. Thăng đang định gợi chuyện với ông ta thì tiếng còi phía sau buộc anh phải vọt lên đàng trước vì hàng của anh đang bắt đầu chuyển động. Người đồng hành bên trái lúc này là một gã đàn ông râu ria lởm chởm, nét mặt trông hung tợn và dường như đang cáu gắt chuyện gì nên mới thoáng nhìn mà Thăng đã chột dạ. Anh chỉ liếc nhìn gã, ngập ngừng, rồi quay sang phía khác. Đến khi anh định nói vài lời với người bên phải thì bà cụ chưa kịp quay kiếng xuống thì đã phải lướt lên, điền vào khoảng trống vừa  hiện ra đằng trước. Cứ thế, Thăng hết xoay sang trái, lại quay sang phải, nhưng cuộc đuổi bắt so le vẫn nối nhau tiếp diễn. Đột nhiên Thăng chán nản. Anh quyết định từ bỏ cuộc chơi rồi chợt có cảm giác là mình đang hứng chịu một hình phạt ghê gớm nhất của loài người. Đó là nỗi cô đơn. Cô đơn giữa đám đông đồng loại của mình. Xung quanh anh người người đông đảo, chỉ cách có một tấm kính chắn của xe hơi, gần gũi lắm nhưng lại xa cách nghìn trùng. Và lần đầu tiên trong đời anh, ngay giữa dòng người vô tận, Thăng bỗng cảm thấy mình vô cùng cô độc.

Cảm giác kinh khủng ấy đã làm anh nhớ lại những mùa đông, bầu trời xám xịt và một mình anh trên chiếc xe hơi lầm lũi tiến trên con đường sâu hun hút. Thăng căng đôi mắt cay xè chăm chú nhìn về phía trước, và tai anh chỉ còn nghe thấy tiếng rì rầm của động cơ. Có lúc anh tưởng là xung quanh anh chẳng còn nữa sinh hoạt của con người. Anh chợt sợ sự mênh mông, sợ những con đường sâu thăm thẳm dẫn vào một không gian xám xịt trong lặng lẽ của giá bang đang chìm trong màn sương dày đặc. Anh lầm lũi lao vào phía trước như một kẻ lữ hành cô đơn đang mò mẫm trong bóng tối của sa mạc về đêm. Tự dưng anh thèm lắm một tiếng động của con người, nghe được một tiếng khóc của trẻ thơ hay một tiếng hát ru con vào những buổi trưa hè. Trong đầu anh hình như có vang lên đâu đó những bước chân loẹt xoẹt trên vỉa hè giữa những tiếng rao hàng quen thuộc. Nhưng liền sau đó anh biết ra ngay là không phải. Xung quanh anh lúc ấy chỉ có tiếng máy, hậu quả của một đời sống tự động hoá nên chỉ có những âm thanh không còn mang dáng dấp con người. Anh hãi hùng vì nỗi cô đơn và có lúc anh đã muốn thét lên, gọi tên những người thân yêu, những người bạn cố tri giờ này vẫn còn đang ở một nơi nào xa thăm thẳm ở quê nhà. Nhưng âm thanh của tiếng gào kia dường như tắt nghẹn trên vành môi, không sao chuyển được thành lời.

Thực lòng Thăng không dám có ý nghĩ chối bỏ những tiện nghi hiện đại, nhưng hôm ấy anh chợt thấy hình như càng có nhiều phương tiện cá nhân thì cuộc sống của con người ngày càng thêm lạc lõng. Trong đầu anh chợt thoáng qua hình ảnh của những máy bán hàng tự động, những quầy thuốc lá không người, những máy bán café đặt cuối dãy hành lang trong công sở hay những máy bán vé nằm ngất ngưởng giữa sân ga. Người mua lặng lẽ đến  bỏ tiền, bấm nút để “đối thoại thầm lặng” với máy nhằm thoả mãn nhu cầu rồi hấp tấp ra đi, vội vã như để đuổi bắt thời gian càng ngày càng hiếm. Rồi anh lại nghĩ đến những buổi sáng đi làm. Có bữa anh mất vài tiếng đồng hồ trên xa lộ, hay có khi bị tù giam trong dòng xe giữa lòng thành phố. Ngồi một mình trong cái hộp di động, nhìn, thấy mọi người chung quanh, nhưng anh không sao nói được với họ một câu chuyện cho ra hồn. Anh chợt nhớ là trên mỗi chuyến xe lam ngày xưa trên quê cũ, mỗi chuyến đi là mỗi lần anh gặp gỡ người quen hay có thêm bạn mới. Còn ở đây … Thăng nhớ là hôm ấy, anh đã bật radio nhưng liền sau đó anh đã tắt ngay vì một ý nghĩ đã làm anh khiếp sợ: Bấy lâu nay hình như anh chỉ thấy sự vật qua một màn hình và chỉ nghe giọng nói của con người qua trung gian máy móc.

Xung quanh anh, đời sống hình như có rất nhiều máy móc mà vắng bóng con người.

Nhưng máy móc có thể thay thế được con người? Hay đời sống ở đây, con người đã trở thành máy móc? Thăng chau mặt ưu tư vì anh thừa biết là đằng sau những pháo đài tiện nghi của xã hội phương tây là hội chứng cô đơn. Hơn ba mươi năm sống và lăn lóc trong lòng xã hội đó anh quá biết đến cái giá phải trả để tích lũy vật chất là những căng thẳng thần kinh và một tâm trạng bất an luôn luôn hiện diện.

Thế là từ hôm đó, Thăng quyết định hạn chế phương tiện cá nhân, và lúc nào có thể, anh sẽ sử dụng xe bus hay metro khi vào thành phố; còn trong những chuyến đi xa anh sẽ không dùng máy bay mà sẽ đi xe lửa.

* * *

Sau khi tìm được chỗ ngồi, Thăng lấy sách ra đọc. Có lẽ đây cũng là một lý do phụ đã khiến anh chọn xe lửa thay vì lái xe hay đáp máy bay. Lái xe thì không thể nào đọc sách, còn đi máy bay thì chưa đọc được bao nhiêu thì đã đến nơi rồi.

Thăng mải mê thả hồn theo từng trang sách, thỉnh thoảng anh mới dừng lại nhìn khung cảnh chạy giật lùi hai bên cửa kính. Dưới mắt anh là những dòng sông uốn khúc, đồi núi chập chùng, là những hình ảnh thật chứ không phải chỉ là những chấm đen vô nghĩa như khi nhìn qua khung kính từ cửa sổ của phi cơ. Chuyến đi nhàm chán của anh bỗng nhiên có ý nghĩa như một cuộc phiêu lưu. Và khi đứng trước sự mênh mông của đất trời, Thăng bỗng thấy mình vô cùng nhỏ bé; rồi lòng tự phụ âm thầm trong anh cũng dường như thu bé lại.

Tiếng máy vang lên xình xịch. Thăng mơ màng nghĩ đến mấy ngày hội nghị khoa học ở  Napoli.

Đó là một thành phố thơ mộng, nằm trên bờ biển Malfitana giữa lòng Địa Trung Hải. Mười lăm năm trước Thăng đã có dịp đi qua đó tuy không dừng lại, nhưng nét độc đáo của thành phố đặc biệt nhất của miền Nam nước Ý đã làm anh không bao giờ quên được. Đó là một thành phố Ý nhưng lối sinh hoạt của nó không khác gì một thành phố Việt Nam. Bữa đi một vòng thành phố anh đã nhận ra ngay nét hỗn loạn quen thuộc của Sài Gòn vào những năm tháng cũ. Nhưng đó là một Sài Gòn được định cư bỡi những cư dân có tâm hồn nghệ sĩ, như người Huế. Qua những  bạn bè, Thăng biết phần đông người Napoli sống cởi mở, vui tính và hiếu khách ... Truyền thống và tập tục gia đình của họ khá giống người Việt. Họ bình thản chấp nhận mọi biến cố xảy ra trong đời như những tín đồ của thuyết tiền định và phần đông sùng bái thần linh, mê tín dị đoan, những cá tính hoàn toàn trái ngược với người dân miền Bắc Ý.

Nhiều bạn thân của Thăng đã lớn lên và sinh trưởng ở vùng Napoli. Hình như dòng máu nghệ sĩ đã cho họ có được những nét đặc biệt trong tâm hồn. Họ hát rất hay những bài ca trữ tình, lãng mạn. Thăng biết ngày xưa nước Ý bị tàn phá dữ dội trong chiến tranh nên sau đệ nhị thế chiến phần đông người Ý đã di dân sang các nước khác để mưu sinh. Gần thì qua Pháp, Thụy Sĩ, Đức ; xa thì sang Á căn Đình, Canada, Mỹ , Úc…Khi  bắt đầu để ý đến sinh hoạt của họ ở hải ngoại, Thăng rất đỗi ngạc nhiên. Nếu khi ở trong nước người Y thường lườn ườn, không chịu làm việc, thí trái lại, ở nước ngoài họ lại là một trong những cộng đồng sắc tộc khá thành công và rất được nể nang.

Cũng như người Tàu, hình như rất ít thấy người Ý nào nghèo ở hải ngoại. Thăng đã từng gặp gỡ nhiều thành viên của cộng đồng Ý tại Pháp, Thuỵ Sĩ , Đức và Úc. Họ cần cù, chịu khó, và lòng luôn khắc khoải tâm trạng ly hương. Rồi từ nỗi buồn xa xứ, chính những người Napoli đã hát những bài dân ca lãng mạn của quê mình, sau phổ biến ra toàn thế giới. Thăng liên tưởng đến những bài “O sole mio!”, “Santa Lucia”, rồi đến bài “Ritorno a Surriento”  mà khi trước ở Việt Nam đã có người chuyển sang lời Việt : “Về mái nhà xưa “.

Thăng xếp sách khi xe lửa băng qua đường hầm xuyên núi. Có lẽ bóng tối đã làm tai thính hơn, nên dù tiếng máy dội lại từ vách hầm, anh vẫn nghe được cuộc đối thoại thân mật, mà có lẽ trước đó anh không hề để ý.
-  ...   ...   ...
-  Đồng ý, nhưng tại sao mới vào năm thứ nhất em đã quyết định chuyên khoa  ?
-  Tại em muốn góp phần làm dịu nỗi đau của người mẹ và thích giúp những đứa bé chào đời. Nhưng … cũng còn… có một nguyên nhân khác .
-  Lại  có lý do gì khác nữa sao ?
-  Đúng vậy! Nghe câu chuyện  mà em sắp kể, anh sẽ hiểu.

Qua cuộc đối thoại, Thăng lờ mờ đoán rằng họ là một đôi bạn trẻ, thời những năm đầu đại học. Giọng cô gái trong trẻo và dịu dàng, anh hình dung là của một người khá đẹp; nhưng vì cô ngồi dựa ngược vào thành ghế phía sau lưng, nên anh không thể nhìn thấy mặt. Anh chỉ nghe cô kể chuyện bằng giọng Ý lưu loát.

* * *

Nhờ người chị làm việc ở Sài Gòn, sau lấy chồng là  nhân viên trong toà đại sứ nên tháng tư 1975 gia đình Thuỷ được anh rể làm hồ sơ bảo lãnh sang Ý. Thời gian đầu cả gia đình sống chui rúc trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô La Mã, nhưng sau nhờ cơ quan Caritas giúp đỡ, tất cả được chuyển về vùng Mantova để khai thác nghề nông, thể theo nguyện vọng của cha mẹ Thủy. Năm  ấy Thủy chỉ vừa 15 tuổi.

Sau khi học một khoá tiếng Ý, Thủy được cha mẹ cho đi học, nhưng cô chỉ đến trường bữa có bữa không vì vùng cô ở khá xa thị xã. Thông thường thì cha hoặc anh trai chở cô đi học trên xe máy cày, nhưng những khi có nhiều việc Thuỷ phải ở nhà để phụ giúp gia đình.  Đó là chưa kể những khi thời tiết xấu thì bà mẹ không để cô đi một mình vì con đường từ nhà đến trường khá vắng vẻ và khúc khuỷu .

Thuỷ là con út trong một gia đình nông dân rất đông con. Ngoài chị cả, cô còn có những sáu người anh. Cô thương yêu cha mẹ và anh em, nhưng cuộc sống ở vùng quê hình như quá chật hẹp với hoài bão của cô. Càng lớn cô càng nghĩ đến chuyện đi xa, sống một đời sống khác. Đúng ra, cuộc sống ở miền quê nước Ý cũng không đến nỗi cực nhọc như thời còn ở Việt Nam, nhưng Thủy vẫn cảm thấy như có cái gì đó đang vẫy gọi mình tiến về phía trước. Ý nghĩ đổi đời và bỏ đi xa thường ám ảnh cô, tuy cũng có đôi khi cô có cảm giác là mình có lỗi với gia đình khi nhận thấy ba mẹ đã an phận với nhịp sống thường ngày .

Thật ra Thủy không phải là một cô gái đẹp, nhưng cuộc sống ngoài trời đã cho cô một thân hình khoẻ mạnh và tràn trề sức sống. Không biết có phải nhờ mái tóc dài hay không, nhưng nhiều người thường nói là dáng đi hơi cứng của cô vẫn thanh thoát và phát tiết một sức quyến rũ đầy nữ tính. Đôi vành môi của cô đỏ tự nhiên, hai hàm răng trắng đều như hạt lựu.  Đôi mắt Thuỷ thật to, mỗi lần cô biểu lộ sự ngạc nhiên, người ta nhìn thấy những hàng lông mi cong vút, dựng lên qua khoé mắt đen ướt và long lanh. Tính tình đôn hậu, trên khuôn mặt của cô thường điểm một nụ cười, nhưng nét đặc biệt của Thuỷ là khi nói chuyện cô thường nhìn thẳng vào người đối diện, nửa như kiêu hãnh, nửa như biểu lộ một sự cởi mở chân thành.

Năm Thuỷ 18 tuổi, một người bạn gái của cô từ xa ghé về thăm nhà. Cô ta đang làm y công trong một bệnh viện ở Como. Thuỷ hỏi người bạn nếu có thể tìm hộ cho cô một việc gì làm ở đó. Thực ra thuở ấy Thuỷ cũng chẳng biết Como nằm ở nơi nào. Nhưng Thủy không quan tâm lắm, miễn là có được cơ hội để thoát khỏi cuộc sống tù túng mà cô đang gánh chịu. “Tao sẽ hỏi giùm mầy !” Cô bạn hứa, và chính cô ấy đã tìm ra việc làm cho Thuỷ, vì chỉ vài tháng sau đó cô ta lập gia đình với một chàng trai có cửa hàng tạp hóa trong thành phố. Cô phải bỏ việc và nhân tiện đề nghị bệnh viện thu nhận Thuỷ.

Ban giám đốc bệnh viện gửi giấy mời Thuỷ để phỏng vấn tuyển người. Tin ấy đến với gia đình như một tai hoạ. Ba má Thuỷ giận dữ, trách mắng nhiều lần: “Đúng là ma dẫn lối quỉ đưa đường…” “Mầy muốn bỏ gia đình cha mẹ để đi xa à?”. Nhưng nói gì thì nói, họ không sao lay chuyển nổi quyết định của Thủy.

Thủy được nhận làm y công trong bệnh viện. Cô được giao cho ba phòng lớn và một hành lang dài trong khoa sản. Các đồng sự của Thuỷ thường than công việc quá nặng nhưng đối với Thủy đó chỉ là một công việc bình thường, còn có phần thong thả nữa là khác bởi Thuỷ đã từng quen với những công việc đồng áng còn nhọc nhằn hơn gấp bội. Cô hoàn tất nhiệm vụ khá sớm, và thời gian còn lại thường giúp đỡ các bệnh nhân hay tự nguyện phụ giúp các y tá, quan sát và học hỏi công việc của họ.

Đời sống ở bệnh viện cứ thế bình thản trôi đi. Hằng tháng Thủy trích một số tiền để gửi về  cho cha mẹ, phần còn lại cô mua một số sách nghề nghiệp theo lời khuyên của bà y tá trưởng. Hằng đêm trong căn phòng nhỏ, khi hai cô bạn cùng phòng đi chơi hay lăn vùi ra ngủ, Thuỷ chăm chỉ đọc từng trang sách. Thuở ấy trên đất Italia chưa có tự điển Ý Việt. Cộng đồng người Việt còn lẻ loi, vài ba trăm người sống rải rác khắp nước Ý. Muốn học tiếng Ý chỉ có cách duy nhất là dùng hai từ điển Ý-Pháp hay Ý-Anh để tìm từ đồng nghĩa rồi sau đó phải mở thêm từ điển Pháp-Việt hay Anh-Việt để tìm ra từ tương ứng. Nhiều khi tra cứu qua hai lần tự điển, nghĩa không sát và tù mù lắm, nhưng Thuỷ vẫn không nản lòng.

Muà hè năm ấy, các đồng sự của Thuỷ yêu cầu cô trực vào tháng tám; phần đông họ đều có gia đình nên phải lấy ngày nghỉ theo chồng vì các hãng xưởng thường đóng cửa cận dịp lễ feriagosto. Thuỷ vui vẻ nhận lời vì cô đã quen với nếp sống cần cù từ những ngày còn ở Việt Nam và cho đến lúc ấy Thuỷ chưa hề biết nghỉ hè là gì. Vả lại nếu muốn đi, cô cũng chẳng biết đi đâu, đó là chưa kể đến những khoản chi phí khá lớn mà cô chưa muốn tiêu pha vào lúc nầy. Ở lại làm việc, dù sao quãng đường  từ bệnh viện ra hồ Como cũng không xa lắm; những lúc rảnh  nếu muốn, cô cũng có thể ra bờ hồ dạo mát.

Một buổi sáng, khi Thủy đang mải mê đánh bóng dãy hành lang thì từ khoa sản có một bác sĩ trẻ vừa bước ra. Nét mặt anh bơ phờ nhưng vẫn hiện rõ vẻ thỏa mãn, chắc có lẽ vừa thực hiện thành công một ca mổ khẩn trương. Thủy tử tế chào anh ta rồi sực nhớ là trong khu dành cho y tá có một góc bếp nên dịu dàng hỏi  “Tôi pha cho bác sĩ một ly café nhé ?”

“Cám  ơn cô“ anh bác sĩ nhận lời ngay, không chút khách sáo .

Sau vài câu thăm hỏi bâng quơ, câu chuyện của họ trở nên tự nhiên và thân mật .

“Để cám ơn , tôi muốn mời cô đi ăn tối nay”

“Bác sĩ mời tôi ăn tối?”

“Chứ còn mời ai nữa ?“ – anh bác sĩ mỉm cười. “Khoảng 8g30 tối ta gặp nhau ở đầu cầu. Cô biết chỗ đó không ?”. “Dạ thưa biết“ - Thủy nhỏ nhẹ đáp . “Vậy thì tối nay chúng ta sẽ gặp lại ” - anh bác sĩ vừa nói vừa bước ra khỏi phòng.

Bác sĩ Giulio Mandelli tuy còn trẻ nhưng rất được kính nể ở bệnh viện. Mấy tháng làm việc ở đây Thủy cũng biết là ngoài khả năng chuyên môn khá vững, ít khi người ta thấy anh từ chối những phiên trực, hay tìm cớ tránh né những ca khó khăn. Anh ham học hỏi, trông bề ngoài có vẻ nghiêm nghị nhưng thỉnh thoảng anh cũng hay pha trò một cách tế nhị. Các đồng nghiệp của Thủy trong những lúc ngồi lê đôi mách còn cho biết anh là con trai duy nhất của một gia đình thế lực và hãy còn độc thân.

Thủy đứng như phỗng ngoài hành lang, lòng cô vô cùng bối rối. Cô không hiểu sao bác sĩ Giulio lại mời một người như cô đi ăn tối. Có lẽ mùa nầy các bạn của anh đã đi nghỉ hè và anh không muốn ăn tối một mình chăng? Thôi thì cứ đi chứ có sao đâu. Chiều đó cô không quên đi mua một đôi giày cao gót để giảm đi khoảng cách về chiều cao giữa hai người. Lúc 8 giờ 20 phút cô đã có mặt ngay nơi hẹn ở đầu cầu.

Thời gian trôi đi chầm chậm và mặt trời mùa hè lặn  trễ cũng dần dần biến mất. Bóng đêm bắt đầu chìm xuống và nhuộm đen bầu trời trong xanh của một ngày tháng tám, nhưng hình bóng chàng bác sĩ vẫn chưa thấy tăm hơi. Lúc 9 giờ 30 Thủy lặng lẽ trở về căn phòng trống vắng trong khu bệnh viện đang chìm trong bóng tối lờ mờ. “Thuỷ ơi, sao mà ngu thế. Thôi hãy bỏ qua và cố gắng ngủ đi!”

Sáng hôm sau Thủy gặp Giulio ở đầu hành lang. “Bác sĩ ơi, tôi thật là một cô bé ngốc nghếch. Chỉ có thế mà cũng  không biết. Hôm qua bác sĩ hẹn đùa thế mà tôi  cứ tưởng thật. Tôi đã đến đầu cầu mà không thấy ai cả. Nhưng  thôi, ông yên tâm, lỗi tại tôi và tôi không  dám giận ông đâu !”  “Nhưng tôi có đến chỗ hẹn mà! Chính cô mới là người không đến!”

Thế rồi họ cùng khám phá ra rằng cả hai đều đã đến nơi hẹn, nhưng người này lại chờ người kia ở một đầu cầu  khác nhau.

“Vậy thì buổi ăn tối ta dời lại tối nay, cô đồng ý chứ ?”

Suốt ngày hôm ấy Thuỷ vẫn làm việc bình thường, nhưng lòng cô cứ thấp thỏm và nôn nao đợi đến chiều để đi đến nơi hẹn. Cô thấy lòng rạo rực, lâng lâng trong một cảm giác lo  lắng và hy vọng. Cô không biết mình có thể chờ đợi và hy vọng gì ở một bửa ăn tối. Có lẽ đối với bác sĩ Mandelli đây chỉ là một chuyện tầm thường; chắc có nhiều cô gái trẻ cũng đã được anh mời đi ăn và cuối cùn  chỉ chấm dứt ở đó. Tuy thế Thủy không thể nào ngăn nổi  niềm sung sướng đang thầm kín gợn sóng trong lòng mình.

Khi Thuỷ đến thì Giulio đã có mặt ở nơi hẹn. Họ chào hỏi nhau thân mật. “Ta chọn một quán ăn gần villa Olmo, được chứ ?” “Dạ được”  Sau vài phút xe hơi, họ đến một quán ăn sang trọng trên bờ hồ, và bữa ăn diễn ra một cách tự nhiên. Họ nói chuyện với nhau thân mật và cởi mở. Để trả lời cho những câu hỏi của Giulio, Thuỷ chân thành kể về gia đình mình, về miền quê mà ba mẹ và anh chị cô đang sống. Cô không quên nhắc đến  thời còn ở Việt Nam, người ta ra đồng từ lúc mặt trời mọc và chỉ chấm dứt công việc khi mặt trời lặn chứ không bao giờ tính là đã làm việc bao nhiêu tiếng đồng hồ. “Ở những nơi đó, người ta làm cật lực mà luôn luôn thiếu thốn, bỡi vậy em đã đi tìm một hướng đi khác”. Thủy nói bằng một giọng chậm rãi, nâng niu từng lời như sợ mình phát âm tiếng Ý không đúng giọng. Còn Giulio, anh tò mò nhìn cô gái trước mặt. Trong đời anh chưa bao giờ gặp một cô gái có cái nhìn thẳng vào mắt người đối diện như thế. Cái nhìn của cô gái như một sự hoà điệu giữa sự bộc lộ chân tình, và sự tự tin, tuy không che giấu nổi vẻ e thẹn và nhút nhát của người đang trực diện với những gì quá lớn đối với mình. Cái nhìn lạ lẫm ấy đã làm rung động phần sâu thẳm trong cảm quan của anh và Giulio thích thú quan sát những cử chỉ vừa  dịu dàng, linh động, vừa có vẻ bối rối của đôi bàn tay se sẽ đặt lên đùi, không dám bỏ lên bàn nếu không để diễn tả những điều khó nói. Anh bỗng thích nghe cái lối phát âm  ngoại quốc của cô. Anh quan sát màu da sạm nắng, cái miệng rộng có hai hàm răng trắng lúc cô cười thoải mái và tự nhiên. Cô gọi anh là  “ông bác sĩ” và anh thấy buồn cười, khi nghĩ đến những cô gái con nhà giàu, luôn õng ẹo và nhõng nhẽo một cách ngốc nghếch mà anh từng quen biết.

… Tiếng còi xe lửa chợt hú lên. Thăng nhìn ra cửa sổ thì biết là xe lửa sắp vào ga Firenze, một thành phố miền trung bắc nước Ý, đã một thời là chiếc nôi xuất phát nền văn minh thời phục hưng rồi từ đó lan ra khắp châu Âu. Hành khách bắt đầu chuẩn bị lên xuống, quang cảnh sân ga náo nhiệt và ồn ào nên giọng kể chuyện của cô gái Ý như tắt dần. Tự dưng trong lòng Thăng dâng lên một nỗi lo. Nếu cô gái xuống ga này thì mãi mãi không thể nào anh có thể biết được câu chuyện của Thuỷ sẽ diễn biến ra sao. Trong một thoáng Thăng định đứng lên hỏi cô gái về cô Thuỷ đồng hương nào đó, anh nghĩ có lẽ cô là người quen của Thủy, nhưng anh lại sợ là mình đường đột quá. Thực ra việc tình cờ nghe chuyện trên xe lửa không phải là việc xấu, nhưng khổ nỗi là anh và cô gái Ý kia không nhìn thấy mặt nên anh rất ngại là cô ta sẽ cho là mình đã vểnh tai nghe trộm. Thăng ngồi bất động, lắng tai, cũng may là anh vẫn còn nghe giọng rất nhỏ của cô ta, lẫn trong tiếng ồn của sân ga, chứng tỏ là họ vẫn còn ngồi trên xe lửa. Có lẽ cô đã kể thêm vài chi tiết  gì nữa …

…Sau đó Giulio và Thuỷ thường gặp nhau hơn. Khả năng Ý ngữ của Thuỷ lúc nầy đã khá nhưng qua nhiều lần trò chuyện Giulio nói nhiều từ mà cô không rõ nghĩa, cô không ngần ngại yêu cầu anh giải thích và sau đó về nhà tra từ điển rồi chép lại trong sổ tay để học hỏi thêm.

Một buổi tối, lúc ấy đã vài tháng trôi qua, Thuỷ thú thật trình độ học vấn hạn chế của mình và ngỏ ý nhờ Giulio khuyên cô nên theo học trường nào để có thể trở thành y tá chuyên nghiệp. “Em sẽ cố gắng đến mức tối đa để sớm đi đến đích” “Không cần đâu Thuỷ, bỡi vì anh sẽ dạy cho em sau khi chúng ta là vợ chồng”. “Em van anh, đừng đùa như thế. Tốt nhất là anh hãy giúp em. Bằng cấp của em được bên này đánh giá tương đương với bậc trung học nên có lẽ em phải học thêm hai năm nữa rồi sau mới có thể ghi danh vào khóa y tá chuyên nghiệp được. Em sẽ quyết tâm nhưng chỉ sợ là chưa rành tiếng Ý lắm”. Thuỷ nói một hơi dài, như để tự trấn áp cõi lòng  đang xốn xang, bấn loạn, như thể lời nói có thể che lấp nhịp đập của con tim  đang dập dồn trong lồng ngực. “Em chưa hiểu! Anh chẳng đùa đâu! Anh thú thật là chưa bao giờ anh nói chuyện nghiêm trang như lúc này. Đây, anh xin lập lại : Thuỷ, em có muốn làm vợ anh không?”

Thuỷ không đáp, cô nhìn vào mắt anh và tự nhiên một niềm xúc cảm dâng lên mãnh liệt đến nỗi cô không thể ngăn nổi những dòng nước mắt đang lăn xuống má. Nhưng đôi vai của Giulio cũng run lên từng chập, anh cũng đang siết chặt lấy cô trong một xúc động vô bờ.

Nhưng khi  Giulio trình bày ý định của mình, ba mẹ Giulio cực lực ngăn cản. Lâu nay ông bà đã đặt nhiều kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất và luôn mong mỏi con mình sẽ lập gia đình với người có trình độ và cùng giới, kiểu môn đăng hộ đối. Họ không thể chấp nhận cho anh lấy một người ngoại quốc, nghèo, học lực thấp và nhan sắc cũng không có gì  xuất sắc. Nhưng dù họ có phản đối thế nào Giulio cũng không hề đổi ý. Anh khăng khăng khẳng định là nếu không lấy được Thuỷ anh sẽ không bao giờ lập gia đình với bất kỳ người con gái nào khác nữa.

Trước tình hình đó ba má Giulio rất phân vân nhưng dì Maria, chị của mẹ Giulio góp lời phân giải và cương quyết ủng hộ mối tình của hai người, nên rốt cuộc ông bà cũng phải xiêu lòng.

Đám cưới của Thủy và Giulio không phải chỉ là một biến cố trọng đại của hai gia đình mà còn là một điều đặc biệt trong làng, nơi ba mẹ Thủy ở nữa. Bên cạnh chú rể, cha mẹ và vài bạn đồng nghiệp còn  có sự hiện diện của tất cả dân làng quen biết với gia đình Thuỷ.

Sau hôn lễ họ dọn về một villa nhỏ, toạ lạc giữa nhà ba mẹ Giulio và căn nhà nhỏ của dì  Maria. Dì là người chị cả trong gia đình của mẹ Giulio, tuy không giàu có nhưng nhờ đạo đức và tính tình thẳng thắn nên rất được mọi người thương yêu và vị nể. Sau khi chồng mất vì một tai nạn xe hơi, dì vẫn ở vậy, không hề có ý định tái giá. Không con cái, đời sống của dì  quạnh quẽ, nên từ đó Thuỷ thường hay qua lại thăm dì.

Thời gian sau dì Maria đau nặng. Có nhiều hôm Thủy phải bỏ cả việc nhà để đến thăm và chăm sóc cho dì. Nhưng bệnh ung thư máu đã cướp dì đi vĩnh viễn. Đám tang của dì Maria  diễn ra vào ngày thứ bảy, nhưng chỉ có loe hoe có vài người quen biết với gia đình Giulio theo đưa linh cữu. Phần đông những người đưa tang là bạn bè của Thuỷ, thuộc cộng đồng người Việt mới qua định cư ở Ý. Sự kiện này đã làm cho gia đình Giulio rất cảm phục tình liên đới của người Việt và từ đó ông bà Mandelli càng quý mến con dâu. Còn Giulio, nếu lúc đầu chỉ yêu vợ nhưng xa cách với cộng đồng bé nhỏ của người Việt, giờ như đã trở thành một thành viên của họ. Lúc rảnh anh cũng thường tham dự vào các buổi sinh hoạt, lễ lộc hay ăn uống. Đó là chưa kể những đứa bé Việt Nam, thế hệ thứ hai  ở Ý, đã được anh trực hay gián tiếp giúp đỡ trong việc mở mắt chào đời.

Tuy bận chuyện gia đình nhưng Thủy rất chăm học. “Em không muốn anh phải hổ thẹn vì em trước mặt bạn bè” cô thường nói như thế và Giulio cảm thấy vô cùng thương yêu vợ.  Hạnh phúc như còn chắp thêm đôi cánh khi Thủy chờ đợi đứa con đầu lòng. Nhiều đêm cô thức giấc, nằm yên trong bóng tối lắng nghe tiếng máy động trong cơ thể, nước mắt cô tuôn tràn vì sung sướng. Cô ngẫm lại đời mình và cám ơn Trời Phật đã dành cho cô nhiều may mắn. Giulio cũng vô cùng phấn khích : “Có lẽ anh sẽ phó thác chuyện sinh nở của em cho một đồng nghiệp, bởi anh sợ vì xúc động quá đáng khi thực hiện chuyên môn của mình” Giulio đề nghị như thế nhưng Thuỷ cực lực phản đối:  Anh đừng nói chuyện này. Đó là một kinh nghiệm mà chúng ta phải cùng nhau trải qua chứ làm sao em có thể chia xẻ với người khác được?”

Nhưng buổi sáng hôm đó Giulio có cảm giác là mọi việc không trôi đi một cách thuận buồm xuôi mái như mong đợi. Có điều gì không ổn và có thể đó là một cuộc sinh nở khó khăn và phức tạp: đứa bé đang nằm ngược và cuống rún lại quấn quanh cổ nó. Giulio đã tận dụng mọi khả năng nghề nghiệp để cứu con mình nhưng con tim của đứa bé đã ngừng đập trước khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nó đã chết. Vĩnh viễn nó sẽ không bao giờ được biết thế nào là đời sống, chẳng bao giờ có thể biết được cái gì là màu sắc, là hương vị, là tình cảm, ý nghĩ, hay niềm vui và nỗi bất hạnh của đời người.

Chàng bác sĩ bật khóc như một đứa bé và những ý nghĩ bi thiết đã làm anh quên đi Thuỷ vừa thức dậy sau khi tỉnh thuốc gây mê, đang gọi tên anh và hỏi thăm đứa bé. Lúc bước ra khỏi phòng sản, anh cúi đầu bước dọc theo hành lang bệnh viện. Ở cuối đường, khi sắp quay sang phải, nhìn bức tranh người mẹ đang cho con bú treo ở cuối đường, nhìn cái miệng nhỏ xíu của đứa bé trai đang ngậm lấy bầu vú căng đầy của người mẹ, anh thấy tủi thân khi nghĩ mình đã giúp đỡ biết bao nhiêu đứa trẻ ra đời, nhưng oái ăm thay anh lại không đủ khả năng để giúp con mình. Sự chuyên tâm học hỏi của anh, những phiên trực ngày đêm trong bệnh viện và kiến thức của những ca mổ khó đã trở thành vô ích, không thể giúp được gì cho chính anh.

Những ngày sau biến cố đau buồn ấy, tính tình hoạt bát và cởi mở của Giulio cũng không còn nữa. Nét ủ rũ của anh càng ngày càng tăng thêm và hiện rõ trước mắt mọi người. Hai má anh gầy hóp, tia nhìn dường như tắt nghẹn, và nụ cười thoải mái mà mọi người yêu mến, dần dần hiếm hoi. Anh bỗng dưng ít nói. Đầu óc anh dường như luôn luôn bị ám ảnh bởi chiếc giường trắng toát và lạnh lẽo trong phòng mổ mà anh đã không đem ra được an toàn mầm sống của anh, của vợ anh để giúp nó tiếp tục nẩy nở và lớn khôn. Anh mãi mãi ngụp lặn trong cơn đau xé ruột, nhồi dập bởi những mặc cảm của người cha và một chuyên gia không làm tròn bổn phận.

Tinh thần của anh hoàn toàn suy sụp và Giulio đã rơi vào một cơn khủng hoảng nghề nghiệp. Vết thương sâu thẳm trong tâm hồn anh đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời  tình cảm của anh và Thủy, càng về sau càng trở nên nhạt nhẽo và có khi căng thẳng.

Tiếng còi tàu lại hú lên, xe lửa đang chuẩn bị vào ga Roma, thành phố của muôn đời. Những hành khách trước mặt Thăng đang bắt đầu nhốn nháo, đứng lên lấy sẵn hành lý đặt dưới sàn. Thăng phải cố gắng lắm mới có thể nghe nổi câu chuyện đang tiếp tục với giọng kể chìm trong muôn ngàn tiếng động.

Rồi thời gian qua đi với những thăng trầm trong cuộc sống. Thủy tế nhị và kiên nhẫn giúp chồng vượt qua khỏi cơn đau xé ruột đã đòi hỏi rất nhiều thới gian mới thành sẹo được. Cuối cùng, bằng tình yêu và sự cảm thông, cô đã giúp anh khôi phục lại niềm tin.

Đến kỳ thai nghén thứ hai, Thuỷ yêu cầu chồng giúp mình khi sinh nở nhưng Giulio hãy còn do dự. “ Lần này tất cả  sẽ tốt đẹp, em tin chắc như thế !”

Và đúng vậy, mọi việc đều diễn ra thật dễ dàng. Một đứa con gái được sinh ra và thể theo phong tục Ý, Thuỷ đặt tên con là Giulia để cám ơn và nhớ mãi người chồng tuyệt diệu của mình. Hai năm sau, họ lại có thêm một  bé trai kháu khỉnh.

Từ bấy đến nay đã gần hai mươi năm. Giulio lúc nầy đã hoàn toàn khôi phục lại phong độ cũ và Thuỷ cũng đã thành y tá trưởng trong bệnh viện. Ai biết chuyện cũng đều nói gia đình họ là một gia đình hạnh phúc.

* * *

Xe lửa lúc này đang từ từ tiến vào ga La Mã. Thăng lúng túng không biết làm gì khi nghe tiếng chuẩn bị hành lý vọng lại từ phía sau lưng mình. Anh do dự không biết có nên bắt chuyện để hỏi thăm cô gái trẻ về Thuỷ hay không. Cộng đồng Việt nam ở Ý vốn hiếu khách vì bé tẻo teo, không mấy lăm người, việc quen thêm một đồng hương nơi đất khách là một điều mà anh thường mong mỏi. Nhưng lúc anh dợm đứng lên thì hàng ghế bên kia đã không còn ai nữa. Thăng bước về phía cửa sổ thì nhìn thấy một cô gái dáng người thanh thoát, mái tóc đen và dài buông xoã xuống lưng đang đi bên cạnh một thanh niên cao lớn. Nhìn về phía ga Thăng còn thấy một thiếu phụ Á đông chừng bốn mươi tuổi đứng bên cạnh một người đàn ông Ý mặc complet, thắt cà vạt, bộ dáng rất nghiêm trang. Vừa thấy bóng cô gái trẻ, thiếu phụ chồm người tới :

-  Giulia!
-  Mamma ! Papa !

Rồi họ ôm chầm lấy nhau.

Thăng chợt hiểu. Anh vui vẻ thò đầu ra khung cửa kính và vẫy tay chào. Cả bốn người cùng ngơ ngác quay lại nhìn anh. Đến lúc này anh mới thấy rõ cô gái trẻ mà lúc đầu anh cứ ngỡ là một cô gái Ý : Khuôn mặt thanh tú, mũi cao, nhưng có nhiều nét hao hao giống người thiếu phụ.  Anh vừa định giải thích và trao đổi vài câu với họ, hỏi địa chỉ, để liên lạc về sau … nhưng lúc đó xe lửa đã từ từ lăn bánh.

Trương Văn Dân

1 nhận xét:

  1. nguyen ngoc tho15:06 11/5/13

    “...Anh lầm lũi lao vào phía trước như một kẻ lữ hành cô đơn đang mò mẫm trong bóng tối của sa mạc về đêm. Tự dưng anh thèm lắm một tiếng động của con người, nghe được một tiếng khóc của trẻ thơ hay một tiếng hát ru con vào những buổi trưa hè. Trong đầu anh hình như có vang lên đâu đó những bước chân loẹt xoẹt trên vỉa hè giữa những tiếng rao hàng quen thuộc. Nhưng liền sau đó anh biết ra ngay là không phải. Xung quanh anh lúc ấy chỉ có tiếng máy, hậu quả của một đời sống tự động hoá nên chỉ có những âm thanh không còn mang dáng dấp con người. Anh hãi hùng vì nỗi cô đơn và có lúc anh đã muốn thét lên, gọi tên những người thân yêu, những người bạn cố tri giờ này vẫn còn đang ở một nơi nào xa thăm thẳm ở quê nhà. Nhưng âm thanh của tiếng gào kia dường như tắt nghẹn trên vành môi, không sao chuyển được thành lời...”(TVD)

    Đọc đoạn văn này,lòng em cảm thấy “đau nhói, rát buốt” cho thân phận con người như đang “lạc lõng, cô đơn”& giãy chết trong “xã hội văn minh_ hiện đại vật chất”! Và “lòng người” như đang dần dần xơ cứng, biến thành những cỗ máy “vô cảm” tự nghiền nát lẫn nhau mà sống, phải không Anh Dân?


    Trả lờiXóa