Kiến
trúc ở làng khá phong phú và cũng làm nên đặc điểm của kiến trúc ở nơi này.
Trước
hết phải nói về nhà tranh vách đất, vì đó là ngôi nhà của phần đông nông dân.
Nhà
tranh vách đất có nền, móng bằng đất đắp, khung nhà bằng tre, mái lợp tranh.
Cũng có nhà khá hơn, làm móng đá ong, cột kèo là những thân cây cau, cây xoan đứng
thẳng hạ từ trong vườn nhà… Người ta thường gặp những nhà tranh vách đất ba
gian hai chái ở trong một mảnh vườn cây trái, giữa một xóm quê. Ngôi nhà có nhiều
gian phụ làm buồng, bếp, kho lẫm…được gọi là nhà trên (để phân biệt với những
gian kia là nhà dưới). Nhà trên làm nơi thờ phượng là chủ yếu: gian giữa đặt
bàn thờ gia tiên, hai gian bên đặt giường nằm (chỉ dành cho đàn ông: ông chủ
nhà và những anh con trai; phụ nữ không được phép lên nhà trên). Người ta thường
chọn hướng cất nhà là hướng Đông - Nam hoặc Tây - Nam và
cũng tránh hướng gió độc (gió tây, gió bấc, theo kinh nghiệm dân gian).
Nhà
nghiên cứu đồ cổ Vương Hồng Sển đã từng khen vẻ đẹp của nhà tranh và ông cho
hay có cái nhà tranh đẹp, đến khiến có một anh công chức (thời Pháp thuộc) gặp
rồi mê, ngỏ ý đem nhà ngói đổi… Mà không đổi được. Dân gian không hoàn toàn tin
rằng hạnh phúc hôn nhân và gia đình là nhờ giàu có; mà vẫn lưu truyền câu nói:
“Nhà tranh, vách đất, gáo nước lã và hai quả tim vàng” ý nói dẫu nghèo mà biết
yêu nhau bằng cả trái tim yêu thương thì vẫn có hạnh phúc như thường. Người ta
có ý thức phòng tránh gió bão, cho nên cất thấp nhà ở, dẫu biết khi vào nhà, vô
ý đụng đầu.
Trong
các làng quê Bình Định, giữa những nhà tranh vách đất, mọc lên mấy ngôi nhà lá
mái, nhà ngói Tây.
Nhà
lá mái là một công trình kiến trúc bề thế và rất đặc trưng Bình Định. Toàn bộ
ngôi nhà đặt trên nền móng đá ong và một khung gỗ (danh mộc) với các hàng cột
(hàng nhất, hàng nhì, hàng ba) và các cột -
kèo - xiên - trính… chịu lực, liên kết với nhau. Có những
chủ nhân vì quá yêu nhà lá mái mà phải lặn lội lên rừng, tìm gỗ quý mua đem về
cất nhà. Nhà tọa lạc giữa một khuôn viên, trước có sân rộng, tường rào cao, nhà
ngõ bước lên tam cấp; sau có vườn cây lúc lỉu quả, khóm tre trúc lả ngọn. Nổi bật
trong nhà lá mái lá nếp cổ. Trước nhà có bờ tường, nhà ngõ, hàng cau liên
phòng, lê lựu trồng trong sân, hoa hồng tường vi nở nơi giọt tranh… Sau nhà có
vườn rộng, ao sâu… Nội thất nhà là một công trình chạm trổ và là một kho chứa đồ
cổ. Đà nhà, cột, kèo, xiên, trính… đều được chạm trổ chữ Phước hoặc chữ Thọ
(theo lối chữ triện) ở các đầu cây. Cửa bàn khoa được chạm nổi hoặc chạm thủng;
có những bộ cửa bàn khoa 4 tấm chạm thủng thành một bộ tứ bình: Mai - Lan - Cúc
- Trúc hoặc Long - Ly - Qui - Phụng. Những đồ phục vụ cho sinh hoạt, như tràng
kỷ, rương xe, giường hộp… vừa chạm trổ vừa khảm xà cừ. Hoành phi liễn đối khảm
xà cừ các câu chữ đã trở thành thi phú làm rung cảm hồn người và mang ý nghĩa
giáo dục về lòng biết ơn Tổ tiên, về đạo lý Thánh hiền… Cái kho chứa đồ cổ
trong nhà lá mái, còn phải kể: các đồ đồng (độc lư, chân đèn, hộp thau…) đồ mỏng
(người Bình Định gọi đồ sứ Tàu - chén bát, tô, đĩa… là đồ mỏng) để thờ.
Khách
quý đến chơi nhà được chủ nhân đón từ nhà ngõ, và buổi khách ra về, cũng tiễn tại
nhà ngõ này.
Trước
thời Tây sang, đã thấy có nhà xây tường, móng bằng đá ong, lợp mái ngói âm dương.
Vật tư kết dính thời đó là vôi vữa, chứ chưa có xi măng. Tới khi Tây sang, người
Tây xây công sở (Cơ quan, nhà ga, nhà giây thép, nhà thương, trường học ở tỉnh
lỵ và các huyện ly… ) bằng gạch nung và xi măng. Từ đó, trong các làng quê, nhà
gạch bắt đầu mọc lên. Có những ngôi nhà gạch to, đẹp với tường vôi trắng, cửa
vòm, thềm cao, hè rộng, mái cao (không sợ gì bão to, gió lớn), nền xi măng hoặc
nền gạch Bát Tràng. Lúc đầu, nông dân vẫn nói “tiếng Tây” về ngôi nhà này: Cái
pla – phông (plafond: trần nhà), ô - văn (auvent: hiên nhà), bộ sa - lông (salon:
bộ bàn ghế trong phòng khách), đi - văng (divan: ván nằm)…Như một thời, người
ta vẫn nói tiếng Tây về bóng đá: Nu (Nous: chúng tôi), manh (main: chạm tay), a
- ri - e (arriere: hậu vệ), goal… Phối cảnh của nhà gạch thường là vườn xoài, mận
sai trái, hàng cau vươn cao phất phơ khóm lá và một vòm trời xanh. Nhà sân rộng,
lối đi êm, đến cuối tuần thì thường đón khách.
Dân
miền Trung thường truyền khẩu câu: “Tiếng đồn Bình Định tốt nhà / Phú Yên tốt
lúa, Khánh Hòa tốt trâu”. Có lẽ câu ca dao đã nói về những ngôi nhà lá mái, nhà
ngói ở Bình Định đó.
Nhà
công ở trong làng là các đình chùa, miếu mạo, chợ quê…Và cũng chắc, có ngôi trường
làng nữa.
Kiến
trúc đình, chùa, miếu mạo là những công trình kiến trúc cổ mang đậm nét tâm
linh, tín ngưỡng lâu đời của người Việt.
Đình
lập nên để thờ Thành hoàng. Mái đình lợp ngói âm dương, nóc đắp lưỡng long chầu
nguyệt (hoặc lưỡng long tranh châu), mặt tiền là một hàng cửa cuốn (hay cửa
võng), cờ vuông trên cột cờ … Khách vào đình phải qua cổng tam quan, hàng trụ
biểu, dừng chân trước bình phong rồi đi qua khoảng sân rộng mà vào đình … Thường
trước đình có ao sen soi bóng cửa tam quan. Vẫn bóng dáng thầy lý, cụ tiên chỉ
khăn áo chỉnh tề trước thềm, trong sân.
Kiến
trúc Miễu gần giống như đình, nhưng nhỏ hơn nhiều. Xung quanh miễu có bờ thành
(cắm miểng chai), cổng vào có nhà ngõ, trụ biểu, bình phong… Mặt tiền miễu thường
xây chấn thủy, sẵn đó đắp tên miễu bằng chữ Hán (cũng có miễu đề chữ Quốc ngữ).
Nếu đình là nhà chung của cả làng thì miếu là nhà chung của xóm để thờ các bộ hạ
của các vị thần linh. Hầu hết các làng đều có miễu Thanh minh, nhiều làng có miễu
Hà Bá, miễu Mục đồng ở bên bến sông, ở giữa đồng, vẫn nghi ngút khói hương.
Đến
chùa. Thường thì đình xây dựng ở trung tâm làng, miễu ở giữa xóm. Nhưng chùa
thì lập ở nơi phong cảnh đẹp, chỗ thanh lam u tịch. Nhiều chùa lập ở lưng đồi,
như chùa Linh Phong ở Phù Cát, chùa Long Giáng (trong tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ
Tiên của Khái Hưng). Phải chăng vì thế mà dân gian có từ “lên chùa”: “Lên chùa
gặp Phật muốn tu / Về nhà thấy mẹ, công phu chuyên cần” (Ca dao). Kiến trúc
chùa với những góc mái cong, nóc cao đắp hình chữ Vạn hoặc biểu tượng Chuyển
pháp luân. Chùa có nhiều gian: Chánh điện, nhà Tổ, nhà khách, nhà chúng, nhà
trù. Hai bên chánh điện có lầu chuông, lầu trống, sân chùa thường trồng cây đại,
cây ngọc lan, góc vườn có giếng chùa thường ngọt trong (cho người dưới xóm lên
gánh nước về pha trà – Nguyễn Tuân có tả trong sách Vang Bóng Một Thời)… Khách
thập phương về chùa đông khi chùa có lễ Phật đản Rằm tháng Tư, giỗ Tổ, lễ Vu
lan báo hiếu Rằm tháng bảy. Ngày thường, cảnh chùa vắng vẻ, nhiều bữa có người
bổn đạo phát thiện tâm đến với người nghèo khó, bất hạnh, đến thỉnh sư Trụ trì
cùng đi với mình…
Chợ
quê lều quán đơn sơ: Mấy túp lều chợ bằng tranh tre. Cho nên, chợ thường nép
bên cây cổ thụ: “Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ” (Thơ Đoàn Văn Cừ). Chỉ có làng giàu (như làng Háo Lễ, thuộc xã
Phước Hưng – Tuy Phước) mới xây ngôi chợ với trụ gạch, mái ngói. Chợ thường lập
bên bến sông hoặc bên bến xe ngựa, cho thuận tiện việc đi lại. Chợ quê bán buôn
nông thổ sản, họp mỗi tháng 6 phiên. Ngày thơ ở làng, tôi thích đi chợ Tết để
xem cảnh chợ đông người và nhiều hàng hóa, thích nhất, được ngắm những tấm bức
viết đại tự, treo ở dãy cột lều bày bán hàng mã.
Trường
làng mái ngói, có từ 2 – 3 phòng học, thường nấp dưới bóng cây bàng cổ thụ (bởi
thế, học trò trường làng thường có thú chơi nhặt quả bàng). Địa điểm xây trường
thường ở một góc sân đình, cũng có nhiều làng mượn nhà hương hội (nhà họp của
làng) để mở trường. Tôi có cái duyên cũng ngộ. Cả thời học Tiểu học, rồi Trung
học (1945 – 1954) tôi đều ngồi học cùng chúng bạn trong các đình, miễu: Học Tiểu
học (từ lớp Năm đến lớp Ba) ở trường Cơ bản Háo Trung trong Miễu Sở Ba của làng
Háo Đức (Nhơn An – An Nhơn) học Tiểu học (2 năm Nhì, Nhất) ở trường Tiểu học Nhơn
An trong đình làng Tân Dân (An Nhơn), học Trung học trong đình làng Hòa Bình
(Nhơn Phong – An Nhơn). Cho đến khi mái đầu đã bạc, mỗi lần nhắc đến trường
làng, nhiều người không khỏi nhớ mẹ mình xưa: “Tiếng trống mỗi lần vang dưới
xóm / Mẹ tôi hay bảo, cố đi nhanh” (Thơ Khuyết danh).
Kiến
trúc ở nông thôn ngày nay không còn giữ được mấy nét xưa: Cuộc tiến hóa đã
không còn chỗ cho nhà tranh vách đất; nhà lá mái còn ít lắm mà cũng khó bảo tồn;
nhà ngói mọc lên thay nhà tranh; nhà mái bằng, nhà hộp hiện đại mọc lên thay
nhà ngói Tây trước kia… Ông nông dân ngày nay lái máy cày, lái xe nông nghiệp,
cô thôn nữ ngày nay đứng trước sân nhà mái bằng, nói chuyện điện thoại di động
(chứ không cầm liềm cắt từ nhà tranh đi ra, trước khi khép cánh cửa liếp, như hồi
xưa)…Người ta đang muốn phục hồi cái cổng làng xây gạch cù cũ kỹ có cái cộ trâu
chở rơm chui qua, nhưng đã không thành. Vì đã mọc lên cái cổng làng bê – tông,
sơn nhiều màu và chiếc xe tải nặng đi qua.
Huỳnh Kim Bửu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét