KonTum - Tranh của Nguyễn Như Khôi |
Trong hồi ký Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum, Ngô Đức Đệ có nhắc một số người hoạt động cách mạng bị thực dân Pháp và chính phủ Nam triều đày lên Kon Tum trước mình (trước tháng 6-1930). Trong đó có một người tù rất độc đáo, có khả năng cảm hóa người khác, kể cả kẻ “đối trọng” với mình. - Ấy là Đồng Sỹ Bình.
Trong ký sự Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến cũng có nhắc đến Đồng Sỹ Bình: -“Sau các cụ già, lại đến bọn thanh niên biết tiếng Pháp. Lính thường ghét bọn này lắm, vì biết tiếng Pháp tức là nói trực tiếp được với “ông quan” để kêu kiện chúng nó. Nên ai biết tiếng Pháp là chúng đánh chết, không tha. Nói đến đây, tôi nhớ lại một anh em chính trị phạm tên là Đồng Sỹ Bình, cũng vì thạo tiếng Pháp mà bị “ăn hèo” một bữa thất điên bát đảo! Nguyên trước Bình có đi đày Ban Mê Thuột mấy năm, học nói tiếng Rhadé rất thạo. Khi bị bắt lần thứ hai, Bình bị đày lên Kon Tum, rồi Đăk Xút, Đăk Pao. Bấy giờ Bình tự tin rằng biết tiếng dân tộc thiểu số thì chắc được biệt đãi, khỏi phải bị hành hạ, đánh đập như người khác. Vô ý trong lúc nói chuyện với lính, Bình lại lộ rằng mình thông thạo cả tiếng Pháp, làm cho tên đội Kiáp là người độc ác nhất trong bọn để ý đến Bình. Rồi một hôm trong lúc làm việc, Bình bị Kiáp đánh cho một trận gần chết! Nó vừa đánh vừa nói: “Mày ỷ biết tiếng ông quan, tao đánh cho biết mặt”! Bình bị đánh bữa ấy rất nặng, kêu gào đến tắt tiếng, về lao ăn ngủ không được, chỉ mong chết cho khỏe thân! Sau lúc đó bệnh ho lao của Bình nặng thêm mãi đến lúc được tha về, sau một tháng thì chết!”. Và đoạn: -“Qua hôm sau, tôi ra làm việc, đem hết sức ra mà cuốc đất để cho khỏi bị hèo, thế mà cũng không tránh khỏi. Tự nhiên thấy năm sáu tên lính cầm hèo mây to tướng đua nhau bổ vào người tôi như mưa giông, tôi nằm lăn dưới đất, lăn lóc dưới trận mưa hèo, kêu la hết sức mà chúng cũng cứ thẳng tay. Còn tên Kiáp thì ngồi trên cao nhìn xuống, lấy làm đắc ý lắm! … Xong một ngày đầu về, trong mình tôi như phỏng lửa, đỏ bầm thâm tím, không còn chỗ xót lằn roi! (…) Bạn nằm gần tôi là Đồng Sỹ Bình mới trao cho tôi một cái “bí mật” là ngày mai phải mặc ít nữa là ba cái quần, năm cái áo như mọi người, để khỏi chết dưới ngọn hèo của lính. Té ra ai nấy đều thụng thịnh trong bộ năm, bộ ba cả mà tôi không biết!”.
Đồng Sỹ Bình sinh ngày 22-9-1904 tại làng Mậu Tài, xã Phú Mậu huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Học Quốc Học Huế đến 1924 xong Ban Thành chung, được bạn bè (trong đó có Phạm Văn Đồng) hứa giúp ra Hà Nội học tiếp Tú tài, nhưng do hoàn cảnh riêng ông không học tiếp, xin vào làm Phán sự Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế, đến tháng 10 năm 1924 thì chuyển vào Quy Nhơn. Ở đây Đồng Sỹ Bình bị bắt giam sau vụ tự tổ chức đi viếng mộ và làm lễ truy điệu lãnh tụ Cần vương Mai Xuân Thưởng. Cuối năm 1926 ông nghỉ việc để hoạt động cách mạng. Ông gia nhập Đảng Tân Việt (tiền thân của Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn), tổ chức diễn thuyết tại Bến Ngự, nơi Phan Bội Châu đang bị quản thúc, để hô hào chống chính quyền. Ông bị bắt và kết án 9 năm tù, đày đi Buôn Mê Thuột. Năm 1928 chuyển qua Kon Tum giam ở Đăk Tô. Ra tù ngày 1-3-1930 thì ngày 2-4-1930 bị bắt lại trong lúc chuẩn bị xuất dương. Trong nhà tù Kon Tum ông bị đánh đập tàn nhẫn nên bệnh lao tái phát nặng, được trả về gia đình. Về nhà được 25 ngày sau thì qua đời, vào ngày 15-8-1932, vừa tròn 28 tuổi.
Trong thời gian tù đày ông có bài thơ tứ tuyệt nói lên nỗi uất ức và lên án chính phủ Nam triều tay sai bán nước. (Bài thơ này được ông Hoàng Phương Thảo chép lại trong bài hồi ký in trên tạp chí Sông Hương số 11 năm 1985). Chiếu theo nghĩa lý, chúng tôi xin phép gọi tên chung chung là “Cảm tác”:
CẢM TÁC
Viết hai chữ Cách mạng
Tù chín năm khổ sai
Ký giấy bán dân nước (*)
Tù ấy mấy vạn ngày?”.
("Ký giấy bán dân nước" là ý chỉ việc triều đình nhà Nguyễn ký Quy ước ngày 6-11-1925 nhượng tất cả quyền hành còn lại của Nam triều cho thực dân Pháp).
Chuyện Đồng Sỹ Bình nổi tiếng, có uy tín, được nhiều người mến phục, đến độ có khả năng cảm hóa người khác, kể cả người đang làm việc cho thực dân Pháp chịu trách nhiệm giám sát mình, được truyền kể như giai thoại.
Chuyện thứ nhất: Quan Tổng đốc Bình Phú (Bình Định – Phú Yên) Nguyễn Đình Hiến vì mến tài Đồng Sỹ Bình mà gần như “công khai” biệt đãi người chí sĩ yêu nước trẻ tuổi này. Ấy là vào năm 1926, Đồng Sỹ Bình mới 22 tuổi, chuyển từ Huế vào làm Thông phán Tòa sứ Quy Nhơn, nhưng lại âm thầm tham gia hội kín chống Pháp. Có lần Đồng Sỹ Bình cùng một số đồng chí khác vượt gần 50 cây số từ Qui Nhơn lên mạn Tây Sơn hạ đạo - vùng Phú Lạc – Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn – Bình Định) để viếng mộ lãnh tụ Cần vương Mai Xuân Thưởng, rồi tổ chức lễ truy điệu vị Bình Tây Đại Nguyên soái này và viết đôi câu đối tỏ lòng khâm phục để thờ. Thực dân Pháp biết được, bắt giam Đồng Sỹ Bình vào nhà tù Bình Định, giao cho quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến xét hỏi. Lạ thay, quan Tổng đốc không những không điều tra xét hỏi gắt gao như bao người tạm giam khác mà còn sai người hằng ngày lén mang cơm nước vào nhà giam cho người tù trẻ. Thỉnh thoảng quan còn tới tận nhà giam thăm viếng, hoặc bảo người đưa Đồng Sỹ Bình về tư dinh cùng đàm luận văn chương, thế sự.
Chuyện còn kể, có khi đọc bản tự thuật của Đồng Sỹ Bình viết bằng chữ Hán, thấy hay quá, quan bèn cao hứng cầm bút khuyên son lên cả trang giấy! Sau sực nhớ ra, quan vội bảo “tù nhân” viết lại bản khác để xếp vào hồ sơ lưu!
Việc làm ấy của quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến bị Công sứ Quy Nhơn biết được, gửi thư khiển trách. Quan Tổng đốc không trả lời, coi như chẳng có việc gì! Quan Công sứ bèn bẩm báo lên tòa Khâm sứ Trung Kỳ, yêu cầu triều đình Huế điều Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến về lại Kinh sư để cách ly chuyện làm “xằng bậy”, tránh ảnh hưởng không tốt trong dư luận quần chúng!
Chuyện thứ hai: Đồng Sỹ Bình cảm hóa một cách nhanh chóng một Xếp lao ở Kon Tum! Ấy là vào năm 1928, Đồng Sỹ Bình đang bị giam giữ tại nhà tù Buôn Ma Thuột thì bị mắc bệnh ho lao. Thực dân Pháp chuyển Đồng Sỹ Bình sang giam ở Kon Tum. Ông được đưa về tạm trú tại nhà ngục Kon Tum vài hôm để chuyển tiếp lên nhà giam Đăk Tô. Chỉ có 2 hôm ở nhà ngục Kon Tum thôi mà Đồng Sỹ Bình, không biết bằng cách nào, cũng đã kịp làm cho ông Đội Phụng (tức Huỳnh Đăng Thơ, chỉ huy lính Khố xanh canh gác nhà ngục) tỏ lòng khâm phục và bắt đầu suy nghĩ về ý thức chính trị. Chuyện này được Ngô Đức Đệ viết trong hồi ký: -“Năm 1928 khi anh Đồng Sỹ Bình bị địch đưa từ nhà lao Buôn Ma Thuột đi giam ở Đăk Tô, tạm trú ở lao Kon Tum hai hôm, Huỳnh Đăng Thơ đã tỏ ra khâm phục anh Bình và đồng chí Thơ đã bắt đầu có ý thức chính trị từ đó”! Có lẽ đó là tiền đề để 2 năm sau - năm 1930 - khi Ngô Đức Đệ bị đày lên Kon Tum, đã tuyên truyền giác ngộ được Đội Thơ một cách dễ dàng và nhanh chóng giới thiệu kết nạp ông Đội này làm đảng viên đầu tiên ở Kon Tum, rồi sau đó là Bí thư Chi bộ đầu tiên ở Kon Tum.
Hai câu chuyện nhỏ kể trên cho thấy con người này nếu không sớm hy sinh thì có thể là một nhân vật lớn của nước ta thời kỳ đấu tranh giành độc lập. Và xứ Kon Tum cũng vinh hạnh đã có mặt con người “độc đáo” ấy đến đây, dẫu là đến trong cảnh tù đày. Và bài thơ dẫn ở trên dù chưa xác định được Đồng Sỹ Bình làm vào khi nào và ở đâu trên bước đường tù đày của ông, nhưng sự có mặt của ông ở xứ này thì phải được xứng đáng xếp vào gia tài văn học Kon Tum.
Khi Đồng Sỹ Bình mất, có người tên Bùi Thế Mỹ làm thơ viếng:
KHÓC ĐỒNG SỸ BÌNH
Đồng Sĩ Bình ơi! Đồng chí Sĩ Bình
Một người yêu nước đã hy sinh
Thương ai tuổi trẻ gan bằng đấu
Xét kẻ lòng son chí chửa thành
Cô Trúc mây lồng, trăng vặc vặc
Mịch Hà sóng gợn, nước xanh xanh
Thân anh dù nát, anh đâu nại
Trách nhiệm mong tròn lũ hậu sanh.
Mộ ông hiện còn tại quê nhà, và thành phố Huế ngày nay có một con đường mang tên Đồng Sỹ Bình nối từ nội thành đến đầu làng Tân An.
Tạ Văn Sỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét