Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

TỪ TRUYỆN SANG THƠ



Hôm 24/04/2012, Website Câu Lạc Bộ Xuân Diệu có bài Hòn Vọng Phu Từ Truyện Sang Thơ, Báo Bình Định trên mục Văn Hóa - Nghệ Thuật cũng với bài viết nầy đăng dưới tiêu đề Về Truyện Thơ Hòn Vọng Phu. Bài của nữ PV Sao Ly Báo Bình Định. Như vậy Trường Thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh đã được quê nhà mở rộng vòng tay đón tiếp.

Đêm ra mắt Trường Thi Hòn Vọng Phu ở Sài Gòn và sau đó ở Quy Nhơn chỉ mới là bước giới thiệu. Khi Trường Thi đi vào lòng người mới là bước đi chính của một sản phẩm văn hóa. Câu chuyện của quê hương, vương vương những hình ảnh của cây cỏ quê nhà, mang tâm tình của vùng đất đầy dằn vặt nhưng cũng đầy hào sảng, Trường Thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh đang lần bước đi vào lòng quê hương. Từ Truyện đã chuyn sang Thơ. Thơ ca chắp cánh cho tâm tình. Bình Định là vùng đất võ đất thơ. Thời điểm hiện tại, Trường Thi Hòn Vọng Phu đang như là một sản phẩm mẫu dùng đ đo lường sức sống của truyện thơ có còn hiện diện trong cuộc sống bon chen !? 


Quang Trung Bình Khê hy vọng và mong muốn Trường Thi đọng được trong tâm người Bình Định.


HÒN VỌNG PHU TỪ TRUYỆN SANG THƠ
Website CLB Xuân Diệu, ngày 24/04/2012

Đêm ra mắt Trường Thi Hòn Vọng Phu tại Quy Nhơn 21.4.2012

Tối 21.4, tại Café Tiếng Thời Gian 288 - Trần Hưng Đạo TP Quy Nhơn, CLB Văn học Xuân Diệu tổ chức giới thiệu tập truyện thơ Hòn Vọng Phu của tác giả Vũ Thanh. Gần 100 hội viên CLB và những người yêu thơ đã đến tham dự đêm giao lưu này.

Hòn Vọng Phu, một sự tích nổi tiếng trong dân gian Việt Nam nói về thiên diễm tình ngang trái huynh muội trở thành phu thê từ lâu đã là nguồn cảm hứng của văn chương, âm nhạc. Trên đất nước ta, những hòn đá có hình dáng hao hao một thiếu phụ ôm con được xem như “bức tranh diễm tuyệt trần hoàn” có ở núi M'drak (Đắk Lắk), núi Nhồi (Thanh Hóa), bờ khe Giai, bản Cơ Lêc (Nghệ An), thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn)… Tại Bình Định, sự tích hòn Vọng Phu hiện sừng sững trên đỉnh núi Bà, Phù Cát.

Truyện thơ Hòn Vọng Phu (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành) của tác giả Vũ Thanh dài 2466 câu lục bát, gồm 21 hồi. Thiên tình sử oan khiên này được Vũ Thanh thu vào mấy câu thơ não lòng: “Giờ đây mọi sự lỡ làng/ âm thầm ta cứ để tang trong lòng/ cứ mang danh nghĩa vợ chồng/ để cho em gái yên lòng nuôi con (…) Con thơ giờ bế trên tay/ tay rày là cậu tay rày là cha/ Một tay khuấy động phong ba/ tay kia đập nát cảnh nhà ấm êm/ Bây giờ gọi vợ hay em/ Bóng hình nào ở trong tim bây giờ/ Bây giờ tăm tối mịt mờ/ đường nào ra khỏi bến bờ si mê” (hồi 15).

Không chỉ lấy cốt truyện dân gian về sự tích hòn Vọng Phu, Vũ Thanh đã mang vào tác phẩm những tái hiện về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước: sự suy tàn của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sự mục nát của triều đình Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài, cuộc khởi nghĩa Truông Mây của chàng Lía, khởi nghĩa Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Nội dung kết hợp dân gian, dã sử và chính sử, thể hiện bằng thể thơ lục bát theo lối chương hồi cổ điển, Truyện thơ Hòn Vọng Phu vừa gần gũi vừa cho thấy tài viết của một người sáng tác không chuyên.

Tác giả Vũ Thanh, tên thật là Võ Thanh Quang sinh năm 1956 tại thôn Tân Hội, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, hiện định cư tại bang Florida (Hoa Kỳ). Ngày còn là cậu thiếu niên sống ở quê nhà, hình ảnh hòn Vọng Phu trơ gan cùng tuế nguyệt trên ngọn Núi Bà cũng như những truyền miệng về chuyện tình oan khiên này luôn là nỗi ám ảnh với ông. Tác giả tâm sự: “30 năm trước, khi là một nông dân ở quê nhà Tân Hội, Phước Hưng, tôi bắt tay viết Truyện thơ Hòn Vọng Phu với tay bút tay cày. Viết được đến 1.800 câu lục bát thì phải dừng vì bế tắc trong giải quyết vấn đề tư tưởng của tác phẩm. Tập thơ dở dang đó thất lạc trong thời gian tôi lưu lạc ở nước ngoài. Sau này tôi viết trở lại với mạch tư tưởng thông suốt, có thể lý giải thỏa đáng những bế tắc trước đây của tác phẩm”. Vũ Thanh cũng cho biết thêm, để hoàn thành Truyện thơ Hòn Vọng Phu, ông lao động miệt mài trong 5 năm, nhiều lần trở về quê hương khảo cứu tư liệu cả dân gian lẫn lịch sử và bồi đắp xúc cảm.

Đêm 21.4 tại Quy Nhơn, gần 100 người sáng tác và yêu văn nghệ đã có buổi giao lưu thân tình cùng tác giả Vũ Thanh, như những người bạn văn chương chào đón một người xa quê trở về trong vòng tay bè bạn. Trước đó, ngày 14.4 tại TP Hồ Chí Minh, trang web xunau.org và tác giả Vũ Thanh cũng đã có buổi ra mắt tác phẩm này. Tại buổi ra mắt Truyện thơ Hòn Vọng Phu ở Quy Nhơn, người dự khán còn biết đến một Vũ Thanh nhạc sĩ qua việc thưởng thức các ca khúc: Đá Vọng Phu  Chuyện tình người chiến binh (viết cho tập Truyện thơ Hòn Vọng Phu), Mẹ ơi, Mùa xuân của chị, Quy Nhơn - đôi mắt người xưa, Tiếng ca buồn,  Xuân tha hương… của ông.

Sau Truyện thơ Hòn Vọng Phu, Vũ Thanh chứng tỏ bút lực dồi dào khi tiếp tục hoàn thiện các bản thảo và sẽ cho ra mắt 3 ấn phẩm thơ-nhạc: Trường ca Quy Nhơn, Đôi mắt người xưa; Tình thơ Trương Chi - Mỵ Nương và Trường thi Tình sử Huyền Trân. 

SAO LY

Từ tiền phát hành tập truyện thơ Hòn Vọng Phu, sáng ngày 22.4 tác giả Vũ Thanh đã nhờ Ban Chủ nhiệm CLB Văn học Xuân Diệu gởi tặng 15 triệu đồng cho bệnh nhân ở làng phong Quy Hòa.

Tác giả Vũ Quang và PV Sao Ly


4 nhận xét:

  1. Cảm ơn QuangTrungBinhKhe đã luôn đứng bên cạnh Vũ Thanh trong những ngày mình về lại quê nhà. Mong rằng nội dung của HVP không làm các bạn thất vọng. Mình có viết đôi điều cảm nhận sau chuyến đi và gởi cho Viết Dũng nhờ post lên đây như một lời cảm ơn đến tất cả bè bạn, anh em nơi quê nhà.
    Chúc các bạn vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. Đồ lại23:36 29/4/12

    Tâm huyết của Vũ Thanh thật dáng phục.

    Trả lờiXóa
  3. Đồ lại23:38 29/4/12

    Tâm huyết của Vũ Thanh thật đáng phục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời buổi cơm áo gạo tiền nầy, ở VN thì hiếm có người như vậy đấy Đồ lại ...

      Xóa