Thư trung hữu nữ nhan như ngọc
Văn hóa đọc đang là câu chuyện thời sự được nhiều người quan tâm, có không ít người đã liên hệ chuyện đọc sách của các cụ thời xưa với cái văn hóa đọc thời nay để biết xưa sao, nay thế nào mà buồn vui mà trăn trở cùng người.
Ở quê tôi hồi xưa, không ít bà nội trợ mỗi lần đi chợ mua sắm, thường không quên ghé lại hàng cườm, chọn mua vài cuốn sách bỏ trong rổ đi chợ đem về. Khi mua sách, các bà không khỏi thầm bảo: “Bắt con cháu đọc nghe chơi”. Tại sao, các bà không tự đọc sách mà bắt con cháu đọc cho nghe? – Đó là do họ sống trong thời dân ta tới hơn 90% dân số bị nạn mù chữ, mười bà mua sách kia, tới hơn 9 bà không hề biết đọc.
Những sách các bà (cũng có khi các ông) đi chợ mua về, thường là các tiểu thuyết Trung Quốc (Tam quốc chí, Thủy hử, Thuyết Đường, Tây du ký…) viết theo lối chương hồi, rồi truyện thơ Việt Nam (Lục Vân Tiên, Kim – Vân - Kiều truyện…), truyện dân gian Việt Nam diễn bằng văn vần (Thoại Khanh – Châu Tuấn, Chàng Nhái – Kiểng Tiên, Mục Kiền Liên…). Còn phải kể thêm, họ cũng thích đọc những tiểu thuyết Việt Nam viết những chuyện diễm tình mà duyên nợ éo le, không thành, khiến ai đọc cũng động mối thương tâm, như: Giọt máu chung tình (tác giả Tân Vân Tử), Tố Tâm (Song An Hoàng Ngọc Phách) Bên dòng sông Trẹm (Dương Hà)… Những sách trên đều do Nhà Tín Đức Thư Xã, trong Chợ Lớn – Sài Gòn in, theo công nghệ hồi đó, không đẹp, bán với giá vài hào một tập mỏng. Còn những cuốn sách giáo khoa như Việt Nam giáo khoa thư, do nhóm ông Trần Trọng Kim biên soạn, Đại Nam quốc sử diễn ca của ông Phạm Đình Toái thì con cháu học tới đâu, ông bà, cha mẹ (nghe) theo tới đó, lấy làm thích thú và cũng mau thuộc bài.
Nhờ đọc sách theo kiểu đó mà dân ta (có tới hơn 90 % dân số không được đến trường - như đã nói ở trên) có kiến thức, vốn liếng hiểu biết, đào luyện được tâm hồn, bồi dưỡng nên tình cảm. Ca dao, tục ngữ, truyện cổ dân gian là túi khôn muôn đời của họ. Sách lịch sử, sách văn học làm cho họ biết sử Tàu, sử ta, yêu thêm cuộc sống, biết những giá trị Chân – Thiện – Mỹ ở đời mà theo đuổi. Thế là trong họ, không thể thiếu cuốn sách. Hồi xưa, vào trong làng, khách thường nghe tiếng đọc sách. Người ta bảo ban nhau, nhà không có tiếng đọc sách là nhà tầm thường. Nhà có con cái đi học, cha mẹ vẫn nhắc nhở “đèn sách”, cuốn sách vẫn đêm đêm mở trước ngọn đèn dầu nửa tỏ nửa mờ, cho nên mở đầu Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu mới viết: “Trước đèn xem truyện Tây Minh”. Người ta tin ở sách đến nỗi trò chuyện với nhau, cũng đòi “nói có sách, mách có chứng”, ghét thói ăn nói “vô sư vô sách”, khen người chăm đọc sách:“Chu Mãi Thần vai gánh củi, miệng hằng đọc sách”. Thật là tuyệt vời, khi người ta còn để cho trái tim rung cảm trước vẻ đẹp liên quan với sách: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng / Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” (Ca dao).Và cũng thật tuyệt vời, khi ở trong các làng quê, ta gặp những cụ già ngồi đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối Lục Vân Tiên, Kim – Vân - Kiều truyện (tên sách các cụ thường gọi thay cho tên Truyện Kiều)… Thử hỏi cử nhân, tiến sĩ giấy thời nay, ai chịu nổi?
Trên đây, nói chuyện người bình dân với sách. Còn sĩ tử, nhà Nho đối với sách như thế nào? Các cụ nhà Nho bảo “Độc thư cao” (đọc sách là thú thanh cao, cái thú của người thanh tao, cao nhã ) hô hào “tích thư” (chứa sách), chăm chú, siêng năng đọc sách để tìm trong sách vàng và lúa, tìm trong sách người con gái nhan sắc ngọc ngà (Thư trung hữu kim túc, thư trung hữu nữ nhan như ngọc). Nối tiếp giới nhà Nho cựu học là giới trí thức tân học. Giới này có nhiều người cho thấy rõ sự thành đạt, nổi tiếng là nhờ tự học, nhờ đọc sách, chứ không phải nhờ bằng cấp, khoa bảng, do các nhà trường cấp. Họ thực là một tấm gương sáng về đọc sách, tự học và nghiên cứu. Đó là nhà văn Nguyễn Hiến Lê với sự nghiệp trước tác đồ sộ, nhà báo, nhà văn Phạm Quỳnh khi ông là chủ bút tạp chí Nam Phong; còn nhiều vị, nhà trí thức tầm cỡ khác nữa. Một thời, người ta vẫn nhắc tới những thư viện Nguyễn Hiến Lê, Phạm Quỳnh, Phạm Liệu, Vương Hồng Sển, Đông Hồ (với Diễm Diễm thư trang), Quách Tấn, Lê Ngọc Trụ…Và thành tích “tích thư” của những thư viện đó. Ông Lâm Ngữ Đường (1895 – 1976) là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Giới ham đọc sách, giới trí thức Việt Nam đã tiếp nhận câu nói (vừa hóm hỉnh vừa nghiêm túc) của ông về đọc sách từ giữa thế kỷ trước: “Người trí thức ba ngày không đọc sách, nhìn vào gương thấy mặt mũi khó coi mà ăn nói cũng nhạt nhẽo, khó nghe” để tự nhủ mình, không bao giờ dám xao nhãng việc đọc sách.
Xưa, văn hóa đọc vui thế. Nay, văn hóa đọc sút giảm như thế nào và tại sao?
Việc sút giảm, ai cũng biết, vì báo chí đã báo động. Xin kể vài mẩu chuyện như để minh họa: Tôi có ba anh bạn viết văn. Anh thứ nhất, xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 10 của mình, tặng cho anh bạn thân (có bằng Kỹ sư) một tập. Mấy tháng sau, hai người gặp nhau :
- Sách ông tặng, tôi mới đọc được 6 chữ: Tên tác giả và tên sách in trên trang bìa cứng, ông Kỹ sư nói.
- Cảm ơn, vậy là ông còn siêng đọc hơn người nhiều người bạn khác của tôi, nhà văn nói.
Anh thứ hai tặng anh bạn thân là giáo viên Văn một trường Cấp 3 tập tiểu thuyết thứ 4 của mình. Một tháng sau, nhà văn gọi điện, hỏi: “Ông đã đọc sách tôi tặng chưa? Được trả lời: “Mình đọc 5 trang, rồi bận quá, bỏ luôn”. Anh thứ 3, (tác giả 1 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết). Trong một cuộc trà dư tửu hậu, tôi hỏi, ông thấy thế nào về thơ văn hiện nay?
Nhà văn trả lời: “Văn, được vài tập truyện ngắn, còn thơ thì bái dài, vì nhà thơ cách tân quá, mình đọc không hiểu!”
Tôi có gặp một bài báo, tác giả tổng hợp những số liệu về tình hình đọc sách trên thế giới. Ở Nhật, tờ Yomiuri Shimbun (tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất ở Nhật) mở một cuộc điều tra. Hỏi 1869 người về đọc sách trong tháng, được kết quả như sau: 1 / 2 nói quá bận, 18 % nói không quan tâm. Ở Hồng Kông, nơi có nhiều loại hình giải trí, đặc biệt là karaoke, điện ảnh… Kết quả trả lời, lặp lại như ở Nhật. Thái Lan 55, 3 triệu dân biết đọc, nhưng chỉ có 61 % thường đọc mà 2 / 3 trong số đó đọc báo, số còn lại, 1 / 2 đọc tiểu thuyết và truyện tranh.
Bây giờ văn hóa đọc xuống cấp toàn cầu, chứ không riêng gì ta! Nhưng dù sao, đọc sách cũng là một nét văn hóa, lại là cấp cao, cho nên ta phải tìm cách chận đứng đà xuống cấp và phát triển nó chứ? Giải pháp gì, thật khó. Người đọc sách ít mà ai có đến với sách thì cũng mua sách đẹp về chưng, còn đọc thì đọc trên mạng, theo lối lướt web. Vậy thì đề nghị, ngày nay ta cứ như hồi xưa, in sách cầu tiện lợi (theo kiểu những mặt hàng tiện lợi khá phổ thông thời nay), bán với giá rẻ, để cho người ta dễ mua, bỏ túi, tranh thủ lúc rảnh đọc, chứ đừng bài bản quá. Dù sao, sách cũng phải là sách hay. Nhớ hồi xưa mà thèm, cuốn sách người ta đọc tới nhàu nát, phải hô “giấy rách giữ lấy lề”, còn bây giờ sách cứ dày cộp, bìa cứng, mười năm còn mới tinh trong tủ.
Huỳnh Kim Bửu
Em đã xem “TẢN MẠN VĂN HÓA ĐỌC” Thầy HKB đăng trên tạp chí KTNN Số 775 ra ngày 20.02.2012 .
Trả lờiXóaTản văn Thầy viết thật hay, sâu lắng ,nhẹ nhàng nhưng man mác buồn…đọng lại trong em nhiều “Nét Xưa”thời còn đi học…
Nay đọc lại “Tản văn này” trên Trang Nhà lòng vẫn thấy thích thú, gợi nhớ nhiều suy tư…Ngẫm lại “văn hóa đọc”bây giờ người ta cho là phong cách lạc hậu,dành cho thú vui những người già hay những kẻ rỗi hơi vô nghề… buồn nhỉ ?
Thành kính cảm ơn Thầy và Ban Biên Tập QTBK
Bài viết quá hay đến nỗi chẳng ai dám còm.
Trả lờiXóaKhổ thật!