Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

CHỐN QUÊ

HoaiAn



“ Ta đi đã nhiều, biết đã lắm, nhưng chưa thấy nơi nào đẹp bằng quê hương mình cả … ”

Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa có câu chuyện Người đi du lịch về :

Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giếng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi :
-    Ông đi du sơn du thủy, th tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả ?.
Người du lịch đáp lại rằng :
-    Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở lại chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất củ kỷ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được. 


Đọc lại chuyện ngày xưa trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, chuyện đơn sơ nhưng sao thấy thấm thía, thấy lòng đau đáu ảnh quê hương.

Trong mỗi người, chắc chắn ai cũng có trong lòng, trong nỗi nhớ có thể là một góc vườn, một bờ ao, một con đường khúc khuỷu …, hoặc đơn giản là một khung cửa sổ, một góc bàn đọc sách …, chốn yên lành của hồi ức tuổi thơ. Tuổi thơ ngày xưa, ai mà không có kỷ niệm những ngày chơi banh trên hè phố, những ngày ở chốn quê cùng nhún nhảy với nhịp lắc lẻo cầu tre … Đó chính là quê hương trong lòng của mỗi người.

Những ngày còn đi học. Trường học ở xa quê. Mỗi tuần đạp xe về nhà, nhớ sao từng đoạn đường, từng ngọn tre xanh lấp ló hiện dần trên đầu dốc. Ngày nay bôn ba nơi đất khách, mỗi lúc hoàng hôn xuống, mỗi cơn mưa về là mỗi lần sùi sụt bóng quê. Quê hương trong mỗi người, không ai bắt mình phải thương phải nhớ, tự nó chiếm lấy trong lòng những hình ảnh không thể xóa nhòa, không thể quên dù có bận bịu, dù có sống nơi cảnh tiên như chàng Từ Thức thuở xưa.

Quê hương, nơi ta thở, nơi ta có những sẻ chia của những hình ảnh, những con người có cùng nỗi niềm. Thật là dằn vặt nếu những bóng hình nầy bị gặm nhấm lần vì những đổi thay ở chung quanh. Ở xa về với quê hương, đau sao khi phải hỏi ĐI hay VỀ ?

Đàn ngỗng trời mà còn nhớ nơi đề về hàng năm... huống gì người Việt tha hương. Nhưng về rồi  hai ba tuần lại thấy bồn chồn trong dạ vì những đổi khác không tên... không thể nào tìm lại được ngày cũ như đàn ngỗng trời đã tìm được mỗi lần về.
Đến khi có người hỏi  "Chừng nào về lại Mỹ?" mới thấy giật mình mà nghĩ...  "Đi VN hay về VN?  -  Đi Mỹ hay về lại Mỹ ?"
( Xem  ĐI hay VỀ !?TCT )

Đâu mới là quê hương !?
Đã có ai từng Sống giữa quê nhà mà giống như đang sống nơi đất khách !?
Quê hương chỉ thật sự là Quê hương khi nó tồn tại trong con người nỗi nhớ ! Nỗi nhớ tồn tại với thời gian trong mỗi người.
Quê hương không thể là Quê hương khi nó chỉ là những hình ảnh của không gian ba chiều cây đa, giếng nước …

Phải thật thế không khi đọc Độ Tang Càn của Lãng Tiên Giả Đảo (793 - 865)


渡桑乾

客捨並州已十霜,
歸心日夜憶咸昜。
無端更渡桑乾水,
卻望並州是故

ĐỘ TANG CÀN

Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương 
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương 
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy 
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.

Tạm Dịch Nghĩa:

QUA BẾN TANG CÀN

Thân làm khách đã mười năm ở trọ Tinh Châu, 
Lòng luôn ngóng quê nhà, đêm ngày nhớ đất Hàm Dương 
Bỗng dưng nay qua bến Tang Càn (để về Hàm Dương )
Ngoảnh nhìn Tinh Châu, lại thấy Tinh Châu là quê cũ.

Tạm Dịch Thơ:

QUA BẾN TANG CÀN

Tinh Châu quán khách dầm sương
Hàm Dương hôm sớm lòng vương vấn lòng
Tang Càn đò tách sang sông
Tinh Châu ngoảnh lại, bềnh bồng cố hương

Quê hương, Quê nhà, Quê cũ, Cố hương … Đâu là Chốn quê!?


Viết tặng NL, TCT, Những kẻ ở xa quê

3 nhận xét:

  1. Bạn dùng bài Độ Tang Càn dẫn ý cho bài viết rất hay.
    Tôi thích câu cuối của bài dịch thơ đã toát được tứ thơ của Giả Đảo.
    Nhưng để hay hơn nữa nếu bạn tải được thêm ý nghĩa mười năm nơi đất khách. Mười năm của người xưa rất dài. Khi Giả Đảo bỗng dưng "cánh độ Tang Càn thủy" là đột nhiên "đốn ngộ khi lại sang sông" lần nầy. Khoảng thời gian dài và khoảng thời gian chợt ngộ ra chính là cái thần của "Độ Tang Càn".
    Đôi điều trao đổi. Có gì thất thố, các bạn bỏ qua.

    Trả lờiXóa
  2. Dịch Đường Thi đã khó mà dịch thơ của Giả Đảo lại càng khó hơn.
    Giả Đảo rất cẩn trọng trong thôi xao. Mỗi từ, mỗi chữ của ông không thừa, không thiếu.

    HoaiAn dùng lục bát dịch thoát ý, chưa đủ từ để diễn đạt ý của câu Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy nên mất luôn ý của dĩ thập sương.

    Cám ơn nhiều nhận xét của Nhật Huy.
    Mong các bạn có sưu tập những bài dịch khác gởi về QuangTrung BinhKhe để làm phong phú thêm trang nhà.

    Trả lờiXóa
  3. Đồ Đi Đồ Lại có kho sưu tập ĐỘ TANG CÀN đây

    Bản dịch của Tản Đà :
    Tinh Châu đất khách trải mươi hè,
    Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê
    Qua bến Tang Càn, Vô Tích nữa
    Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê

    Bản dịch của Khương Hữu Dụng :
    Tinh Châu nương náu trải mười sương,
    Lòng nhớ Hàm Dương sớm tối thường.
    Dời đến Tang Càn chi thế nữa,
    Tinh Châu ngoảnh lại cũng Hàm Dương.

    Bản dịch của Trần Trọng San :
    Quán khách Tinh Châu trải chục sương,
    Lòng quê ngày tối nhớ Hàm Dương.
    Chợt đâu lại vượt dòng Tang thủy
    Trông ngóng Tinh Châu, ngỡ cố hương.

    Bản dịch của Đồ Đi Đồ Lại :
    Không dám đứng chung với mấy đại thụ ở trên
    Tạm gởi bên Non Nước Bình Khê

    Trả lờiXóa