Đào Đức Chương
3.2 NÓI LÓNG
3.2.1 Chen tiếng đệm vào câu nói :
Lối nói lóng có chen một số từ ngữ với nghĩa qui ước mà chỉ những người trong nhóm mới hiểu được. Nói lóng ở Bình Định, chen vào sau mỗi chữ của câu nói một tiếng đệm, cấu tạo bởi phụ âm hoặc nguyên âm khởi đầu và dấu giọng của từ ngữ gốc, rồi ráp nối với vần ÂN. Do đó, câu nói lóng sẽ tăng gấp đôi số từ ngữ của câu nói gốc.
Thí dụ:
Sáng nay chúng ta đi dạo phố (câu nói gốc có 7 chữ).
Sáng sấn nay nân chúng chấn ta tân đi đân phố phấn (câu nói lóng tăng thành 14 chữ).
Trường hợp ngoại lệ, vì cách ráp vần tiếng Việt, có một số từ không thể tạo thành chữ đệm đúng với nguyên tắc đã qui định. Thí dụ:
Anh em như thể tay chân
Anh ân em ân như nhân thể thẩn tay tân chân chân.
3.2.2 Nói lóng của nghề nghiệp :
Bình Định còn những câu mang tính nghề nghiệp, như: "Cho che ăn mía" hay câu "Ngồi che", tức là cán mía, lấy nước ngọt, chế biến thành đường theo lối thủ công. Che là dụng cụ ép mía, gồm hai trục cán bằng gỗ, dựng đứng, ăn khớp nhau bởi hai đầu có xẻ răng cưa và nối với một cần quay. Khi trâu, bò kéo cần quay di chuyển quanh che, theo chiều kim đồng hồ, làm hai trục cán quay ngược chiều và ép dẹp thân cây mía, lấy nước ngọt. "Cho che ăn mía" tức dí đầu cây mía vào khe trục cán. "Ngồi che" là người ngồi bên trục cán để làm công việc "cho che ăn mía".
3.3 NÓI LÁI
Nói lái là cách chuyển đổi trật tự một tổ hợp có hai hoặc ba âm tiết để thành một tổ hợp khác hẳn với tổ hợp ban đầu. Có thể hoán chuyển phần nguyên âm hay phụ âm đầu, phần vần, phần thanh điệu để tổ hợp mới hoàn toàn khác với ngữ nghĩa ban đầu, nhằm mục đích chơi chữ, bông đùa, châm biếm hoặc trao đổi riêng với nhau.
3.3.1 Về cấu trúc :
Nói lái ở Bình Định giống với nói lái ở miền Bắc là không hoán chuyển vị trí dấu giọng, nhưng lại khác nhau nhiều điểm quan trọng. Nói lái Bình Định, vẫn giữ vị trí phụ âm hay nguyên âm khởi đầu và chỉ hoán đổi phần âm vận. Trong khi nói lái ở miền Bắc, hoán chuyển nguyên cả chữ. Như vậy, nói lái của Bình Định phức tạp hơn vì phải sử dụng cách ráp vần tiếng Việt.
Thí dụ:
Bình Định : lọ tương thành lượng to
Bắc : lọ tương thành tượng lo.
Bình Định : đấu tranh thành đánh trâu
chứ không hoán chuyển âm đầu: đấu tranh thành trâu đánh.
- Trường hợp ngoại lệ phải hoán chuyển cả dấu giọng để có thể đọc được các từ trong tổ hợp mới, theo cách ráp vần tiếng Việt.
Bình Định : cốt tu thành cu tốt,
chứ không nói lái 2 lần: cốt tu – tu cốt – tốt cu .
- Trường hợp biệt lệ. mặc dù cấu trúc hai cách nói lái khác nhau nhưng có một số tổ hợp vẫn cho ra cùng một đáp số.
Bình Định : con cầy thành cây còn
Bắc : con cầy thành cây còn.
3.3.2 Lối chơi chữ trong nói lái:
3.3.2.1 Nói lái một câu dài, cứ ghép hai hoặc ba âm tiết vào một tổ hợp để nói lái, nếu tổ hợp ba âm tiết thì nói lái ở âm tiết thứ nhất và thứ ba, giữ y âm tiết thứ hai.
Thí dụ: Ông cha/ trồng cây mít/ ba năm/ có trái/ được ăn/ trèo lên/ vỗ cái bum/ hái xuống/ đem vô/ xẻ ra/ lấy hột/ chị em/ xúm lại ăn/ cho rồi.
Nói lái thành: A chông/ trít cây mồng/ băm na/ cái tró/ đặc ương/ trền leo/ vũm cái bô/ huống xái/ đô vem/ xả re/ lột hấy/ chẹm y/ xắn lại um/ chôi rò.
3.3.2. Nói lái giả âm tiếng nước ngoài, trong cách chơi chữ, Bình Định còn dùng nói lái có âm điệu như đang nói tiếng Pháp.
Thí dụ: Quăng xơ mít bên sông ăn mót.
Nói lái thành: Quích xơ măng bông sên ót măng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét