Gần đây trên mạng và lan truyền qua email (lạ)
về công dụng vạn năng của dầu dừa, nào là chữa khỏi viêm họng, nhiễm trùng máu,
lậu mủ, giang mai, sỏi thận, alzheimer, tim mạch, tiểu đường, huyết áp, giảm
cân, ung thư, thậm chí chữa luôn cả căn bệnh thế kỷ HIV/AID, và còn nhiều, nhiều
nữa. Qúy ngài bác sĩ, dược sĩ nên chuẩn bị sẵn cho một tương lai đen tối thất
nghiệp đi là vừa.
(Vũ Thế Thành)
Các nhà dinh dưỡng rất ngán dầu dừa vì nó chứa quá nhiều acid béo bão hòa (hơn 90 %). Mỡ heo, mỡ bò khét tiếng với chất béo bão hòa (40 -50%) cũng phải chào thua dầu dừa. Acid béo bão hòa được cho là yếu tố rủi ro cao gây ra các bệnh tim mạch.
Nói nghe cũng có lý
Tính siêu thần dược của dầu dừa được giải
thích là do acid lauric, một loại acid béo có độ dài phân tử trung bình (chỉ từ
6 – 12 carbon).
Hầu hết các loại dầu mỡ đều có dây phân tử
dài (với chuỗi dài trên 12 carbon), chẳng hạn dầu đậu nành có 100% là dây dài.
Dầu dừa chứa khoảng 60% dây phân tử có độ dài trung bình, phần còn lại là dây
dài.
Vào ruột, dây dài và dây ngắn tiêu hóa khác
nhau.
Dây dài cồng kềnh nên tiêu hóa phức tạp hơn:
phải tháo rời acid béo ra khỏi glycerol mới ngấm được vào ruột. Vào rồi lại ráp
lại thành chất béo, tụ tập với nhau, đóng gói rồi phát tán qua hệ bạch huyết
vào gan. Cơ thể xài không hết đem lưu kho ở mô mỡ.
Dây trung bình linh hoạt, khỏi cần tới muối mật
phân tán, ngấm được vào ruột, là theo đường máu đi thẳng tới gan. Nếu cơ thể cần
thì đem dây trung bình ra đốt luôn, khỏi cần lưu kho chi cho…mập. Dầu dừa có
nhiều acid dây trung bình (60%), nên được cho là làm giảm cân
Chưa hết, bình thường cơ thể tạo năng lượng bằng
cách đem glucose ra đốt, thiếu glucose thì đem chất béo ra xài. Riêng tế bào
não chỉ chịu xài glucose, chứ không ưng chất béo. Nếu kẹt lắm thì mới xài tới
các thể ketone* (keton bodies) để đốt. Những người bị bệnh alzheimer hay
parkinson không hiểu vì sao não của họ cứ kém dần khả năng xài glucose, nên
ketone trở thành hàng quý hiếm. Trong quá trình biến dưỡng dây trung bình của dầu
dừa, lại sinh ra được thể ketone. Thế là dầu dừa trở thành thần dược chữa bệnh
alzheimer và parkinson.
Cholesterol có 2 loại: cholesterol xấu (LDL)
làm đóng bựa ở thành mạch máu, và cholesterol tốt (HDL) “dọn sạch” đám bựa này.
Trong y học, người ta thường lấy tỉ lệ tổng cholesterol / cholesterol tốt (HDL)
để phác họa tốt xấu. Tỉ lệ này càng nhỏ, càng tốt. Dĩ nhiên phác họa này chỉ
tương đối, và còn nhiều ngoại lệ. Acid lauric là loại dây trung bình có trong dầu
dừa (hơn 50%) làm tăng cả cholesterol tốt lẫn xấu, và tỉ lệ phác họa quá đạt.
Thế là kết luận dầu dừa chữa được bệnh tim mạch
luôn cho đẹp.
Nghe vậy mà không phải vậy
Nghiên cứu của M.P. St-Onge của đại học
Columbia University trên 31 người béo phì ăn kiêng dùng dầu dừa và dầu olive
trong 4 tháng, cho thấy nhóm xài dầu dừa chỉ sụt được chưa đầy 2 kg so với nhóm
ăn dầu olive, và không biết nếu tiếp tục thì có sụt thêm không. St-Onge thừa nhận
kết quả này quá khiêm tốn. Trong dầu dừa chỉ có khoảng 60% acid dây trung bình.
Còn bệnh alzheimer ? Thí nghiệm với loại bột
gồm 100% acid dây trung bình cho chắc ăn (trích từ dầu dừa và dầu cọ hạt). Kết
quả sau 45 ngày bệnh nhân có cải thiện nhận thức một chút so với nhóm đối chứng
dùng giả dược, nhưng sau 90 ngày, hai nhóm này…giống nhau, nghĩa là chẳng
thuyên giảm gì cả.
Với bệnh tim mạch, xin trích dẫn nhận định của
Frank Sacks, giáo sư về phòng ngừa bệnh tim mạch của đại học Y tế Công cộng
Havard, “ Mức chlolesterol xấu cao làm tăng rủi ro bệnh tim mạch, nhưng không
thể nói, nâng mấc cholesterol tốt từ thực phẩm hay thuốc lại làm giảm rủi ro
này. Do đó không thể khuyến cáo thay dầu olive hay dầu đậu nành bằng dầu dừa”.
Cho đến nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học
nào nói dầu dừa chữa được bệnh này bệnh nọ. Acid lauric trong dầu có tính kháng
khuẩn, nhưng khoa học vẫn đang nghiên cứu, và còn rất thận trọng khi đem vào ứng
dụng trong điều trị bệnh. Các tổ chức như WHO, FDA,… vẫn khuyến cáo người tiêu
dùng nên né chất béo bão hòa càng nhiều càng tốt.
Các mẫu chuyện lan truyền trên internet về
huyền thoại dầu dừa nghe như thiệt, may rủi khó lường, nhưng hấp dẫn như chuyện
liêu trai.
Vũ Thế Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét