Tôi e rằng không thể hiện hết ý
và tình khi giới thiệu thơ và quê hương thi sĩ Quách Tấn, có chăng là
một vài điểm xuyết. Khi còn học phổ thông trước 1975, một lần ông về
Trường Trung học Quang Trung, Bình Khê nói chuyện. Ông không nói về ông
mà kể chuyện về một người bạn. Rằng người bạn có hai đứa con trai,
một đứa cho đi học đến nơi, đến chốn; một đứa thì không. Hỏi vì sao,
người bạn Quách Tấn trả lời: Thằng này tính nó xấu, nếu nó đi
cày, cùng lắm cày lấn bờ ruộng người ta, nó học chữ sẽ làm hại
nhiều hơn. Qua câu chuyện mới thấy rằng Quách Tấn điềm đạm quan tâm
chuyện nhân sinh và điều này thể hiện khá rõ trong thơ ông.
Nhưng trước hết Quách Tấn là
một hiện tượng thơ đặc biệt với hai thi phẩm Một Tấm Lòng ra đời
1939 và Mùa Cổ Điển 1941, sau này ông còn nhiều tập nữa và cả di
cảo. Nhưng nói đến Quách Tấn người ta thường nhắc đến hai thi phẩm
này với một kỹ thuật thể hiện thơ Đường điêu luyện. Nói đến thơ
Đường nhiều người e ngại không khí cổ trang và điển tích nhưng nghe
hai câu này trong bài Đêm Thu Nghe Tiếng Quạ Kêu (trong tập Mùa Cổ
Điển) ai mà chẳng chạnh lòng:
Bồn
chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh
lẽo sầu ai rụng giếng vàng ?
Sầu mà “rụng giếng vàng”, nghe
thơ Đường mà thấy hiện đại trong kỹ thuật dùng từ, trước đó hai câu
thực là:
Trời
bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu
sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Từ “nguyệt” mà đứng độc lập
thành công như trong câu thơ trên dường như chỉ có Quách Tấn và sau này
Trịnh Công Sơn có ca từ “Từ khi em thôi là nguyệt …”
Bài thơ này liên quan đến quê
hương của ông, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, nay là huyện Tây Sơn.
Rằng gốc quê nội của ông bên An Thái (Nơi ba anh em Nguyễn Huệ học nhà
thầy Giáo Hiến), một đêm trăng nọ ông qua một bến trên sông Côn gần An
Thái về quê ngoại ở Trường Định bên kia sông. Khi qua bến đò, sau đó
về thôn Trường Định, đi dưới những lũy tre có tổ quạ trên đó, nghe
tiếng chân người, quạ kêu, gợi tứ
ông viết bài thơ này nên cuối cùng là câu: “Tiếng dội lưng mây đồng
vọng mãi - Tình hoang mang gợi tứ hoang mang …”
Như nói ở trên, Quách Tấn có
kỹ năng làm thơ Đường điêu luyện, Cảm Thu là một trong những bài như
vậy :
Gầy
úa rừng sương đeo giọt sầu
Đây
lòng ta đó một trời thu
Gió
vàng cợt sóng, sông chau mặt
Mây
trắng vờn cây, núi bạc đầu .
Dìu
dặt tiếng ve còn vẳng đấy,
Vội
vàng cánh nhạn rủ về đâu?!
Hỡi
người chinh phụ nương rèm liễu,
Sùi
sụt chi thêm bận vó câu!
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài
Thanh viết rằng, “Quách Tấn đã tìm được những lời thơ rung cảm chúng
ta một cách thấm thía. Người đã thoát hẳn cái lối chơi chữ nó vẫn
là sở trường của nhiều người trong làng thơ cũ”.
Thơ Đường là một di sản văn hóa
thế giới, trong Amanach những nền văn minh thế giới xác định Thơ Đường
là tinh hoa nhân loại, chúng ta có những đại biểu xứng đáng như Lê
Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan và gần hơn là Quách
Tấn … Biên Hòa - Đồng Nai có câu lạc bộ Thơ Đường Trấn Biên .
Thôn Trường Định ngày nay thuộc
xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, qua Bảo Tàng Quang Trung và điện thờ Tây
Sơn tam kiệt một quãng đường chừng 5 cây số là tới. Bài văn bia ca
ngợi công đức Quang Trung Hoàng Đế - Nhà Tây Sơn được Quách Tấn thay mặt
nhân dân Bình Khê phụng thảo khắc trên tấm bia trước điện thờ, nay còn
trưng bày tại Bảo Tàng ./.
TRẦN CHIÊM THÀNH
Khóa
5 QuangTrung BinhKhe
"Thằng này tính nó xấu, nếu nó đi cày, cùng lắm cày lấn bờ ruộng người ta, nó học chữ sẽ làm hại nhiều hơn"...
Trả lờiXóaTính xấu mà có chút chữ nghĩa trong mình ấy sao. Chu cha ơi thiệt khủng khiếp !