NHÂN NGÀY PHẬT ĐẢN
NÊN HIỂU BI & TRÍ & DŨNG TRONG ĐẠO PHẬT NHƯ THẾ NÀO
Tất cả chúng ta đều hiểu Đạo Phật là Đạo của Từ bi,
của Trí tuệ, của Dũng mãnh; nên người ta vẫn thường nói Đạo Phật là “Đạo
Từ Bi”, lấy câu “Duy tuệ thị nghiệp” làm phương châm, dựa
vào huấn dụ “Tự dũng mãnh thắp đuốc lên mà đi” làm nền tảng, trong quá
trình tu tập và hoằng dương chánh pháp!
“Từ/ Bi” là
hai trong bốn tâm cần phải đạt đến, nếu muốn bước dần vào cửa Đạo, sống đời an
vui, sau tâm “Hỷ /Xả”. Bốn Tâm nầy (Từ/Bi/ Hỷ/Xả), được gọi là “Tứ
Vô Lượng Tâm”- bốn tâm rộng lớn, có thể bao trùm vạn vật, đem lại vô lượng
an lạc cho mình, cho người. Người không có đủ bốn tâm cốt yếu đầu tiên nầy, Tâm
không thể an định, nên sẽ chẳng bao giờ hiểu biết được Chánh pháp. Không hiểu
biết hết Chánh pháp, thì Trí tuệ sẽ không sanh trưởng được! Và tất yếu, sẽ dần
dần lạc bước vào đường tà đạo, tạo nhiều nghiệp xấu ác, uổng phí một đời tu học
Phật pháp khó gặp!
Có tâm “Từ” đúng chánh pháp, trong sáng và an nhiên,
thì tâm “Bi” tự nhiên sanh trưởng. Từ - Bi có thể hiểu là một tâm khắn khít,
không thể tách rời, để thể hiện lòng thương tưởng, lắng nghe, cảm thông và chia
sẻ cùng mọi ngừơi mọi nỗi bất hạnh, khổ đau. Cảm thông, yêu thương, đùm bọc,
che chở, đem an vui cho người với tâm Từ Bi thì tất cả đều có được lợi lạc vô
lượng. Đó là một sự thật không thể khác! Ngược lại, sự “thương người” (Từ Bi)
trong phân biệt, mong cầu, và so sánh đối đãi - thì chẳng những không sanh
phước huệ cho ai, mà còn tạo thêm phiền não, khổ đau! Trong thực tế đời sống,
sự “thương người” với lòng ngã mạn hay ban phát (xin cho) theo kiểu giả dối nầy
được thấy khá phổ biến, đến nỗi, đã trở thành một cái “nếp” không hề bị phản
đối, góp phần tạo nên sự vô cảm máy móc nơi nhiều lớp người, chỉ vì lợi dưỡng
hay danh hão, kể cả người được “ca ngợi” là có “tâm từ bi”!
Bởi vậy, chúng ta không ngạc nhiên, khi Đạo
Phật đã quan tâm đến Trí Tuệ đi liền sau Từ Bi! Từ Bi mà không có Trí Tuệ, dễ
đi lạc vào đường tà, chẳng lợi gì cho Chánh pháp, mà còn làm suy yếu Chánh pháp
nữa! Không có trí an tịnh, sáng suốt, là ngọn đuốc Pháp dẫn dắt, soi sáng, thì
Tâm vô minh phân biệt giả trá sẽ thao túng lôi cuốn, dìm người vào chốn tham
đắm, và phóng túng dễ dàng!
Trí tuệ trong đạo Phật không chỉ là sự học rộng,
biết nhiều (đa văn), mà chính ở lòng khát ngưỡng chân lý, mong cầu giải thoát
từ những thực chứng đời sống, từ sự tinh tấn hành trì theo đúng lời Phật dạy.
Trí tuệ gói gọn trong học vị danh vị, cũng chỉ là những lớp vỏ bọc ngoài của
viên thuốc! Trí tuệ Phật pháp sanh trưởng trong sự thanh tịnh và yên lặng, chứ
không có nơi xô bồ huyên náo với nhiều danh xưng, nhiều hình thức lộng
lẫy. Trí tuệ còn được nhận ra bởi sự “chính tâm tu tập các pháp
giác chi (là “thất Bồ đề phần” hay “thất giác chi”: niệm giác chi,
trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, tự giác chi, khinh an giác chi, định
giác chi, xả giác chi) xa lìa tánh cố chấp, rời bỏ tâm nhiễm ái, diệt hết
mọi phiền não” (Pháp Cú 89). Trí tuệ trong Đạo Phật có ý nghĩa thiêng liêng
rộng lớn, bằng nỗ lực tu rèn tự thân mà đạt, chứ không ai có thể “ban phát” cho
ai được! Bởi lẽ ấy, Đức Phật đã từng dạy về mẫu ngừơi “đại trí” như sau: “Như
ngọn núí kiên cố chẳng bao giờ bị gió lay, những lời hủy bán hoặc tán dương
chẳng bao giờ làm lay dộng được người Đại Trí” (Pháp Cú 81).
Khi đã kinh qua tâm từ bi, và đạt trí tuệ đúng như
pháp, thì “Dũng” phát sanh! Lòng dũng mãnh kiên định đã được vun đắp bởi tâm từ
bi, và trí tuệ, thì sẽ không bao giờ bị lay chuyển trước mọi uy quyền, thế lực,
không sợ hãi trước mọi hiểm nguy rình rập phía trước. Sự dũng mãnh kiên cố ấy
được thể hiện qua câu chuyện về vị đại đệ tử Phú Lâu Na (Punna) xin Phật đi hoằng
pháp ở xứ Sronàparanta”:
Đức Phật dạy: “Người dân ở xứ Sronàparanta nóng nảy,
bạo lực, dữ dằn. Họ nói những lời dữ dằn, thô lỗ. Nếu họ nói với ông những lời
dữ dằn, thô lỗ, hỗn láo thì ông nghĩ thế nào?” Punna: “Con sẽ nghĩ rằng người
dân ở Sronàparanta quả thực là những người tốt bụng và hiền lành, vì
họ không đánh con bằng tay, cũng không ném đá vào con.” Đức Phật : “Nhưng nếu
họ đánh ông bằng tay hay ném đá vào ông thì ông sẽ nghĩ thế nào?” Punna: “Con
sẽ nghĩ rằng họ là nhữngngười hiền lành và tốt bụng vì họ không
đánh con bằng gậy, không đâm con bằng gươm.” Đức Phật: “Nhưng nếu họ đánh ông
bằng gậy hoặc đâm ông bằng gươm thì ông sẽ nghĩ thế nào?” Punna: “Con sẽ nghĩ
họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ không giết chết
con!” Đức Phật: “Nhưng nếu họ giết ông, này Punna, ông sẽ nghĩ thế nào?” Punna:
“Con sẽ nghĩ rằng họ là những người hiền lành và tốt bụng vì
họ giải thoát cho con khỏi cái thân xác thối tha này môt cách dễ dàng. Con biết
rằng có nhiều tu sĩ đã hổ thẹn vì cái thân xác của mình, đã bối rối, chán nản,
và các vị ấy đã tự tử bằng khí giới, đã dùng thuốc độc, đã tự treo cổ bằng dây
thừng hay lao mình vào vực sâu!
Đức Phật: “Này Punna, ông có thiện tâm, nhẫn nhục
cao nhất. Hãy đi đi mà dạy cho họ làm sao để họ được giải thoát như chính ông –
ông đã giải thoát.”
Qua mẫu chuyện nhỏ thuật lại cuộc trò chuyện giữa
Đức Phật và Tôn giả Phú Lâu Na – một đệ tử lớn của Phật, khi Tôn giả cầu xin
được đến xứ Sronàparanta để dạy đạo cho người xứ này, chúng ta vô cùng cảm phục
đức “Bi/ Trí/ Dũng” của Ngài.
Sở dĩ Phú Lâu Na có được suy nghĩ, lời nói, và việc
làm chân chính, kiên cường như thế, là vì Tôn giả đã sẵn có cái tâm an tịnh,
trong sáng (Bi), cái nghị lực bền vững phi thường (Trí); lòng tin bất thối
chuyển vào Đạo pháp (Dũng). Ở ngài Phú Lâu Na, chúng ta thấy đã có đủ ba đức
tính cốt lõi của Đạo là “Bi/Trí/Dũng”. Do vậy, không sự xấu ác nào có thể khuất
phục được ngài, cho dầu phải bỏ thân mạng, trong trách nhiệm cao cả hoằng dương
Chánh pháp; quyết tâm chuyển hóa và diệt trừ cái xấu ác, để Chánh pháp được lưu
chuyễn, trường tồn; mang lại lợi lạc cho tất cả.
Nhìn lại thực tế, khi sự xấu ác chưa có sự “nóng
nảy, bạo lực, dữ dằn”, mà đã có sự thối chuyễn, không nổ lực chống lại cái xấu
ác, thì làm sao việc tu tập, và hoàng dương Chánh pháp có thể đạt được kết quả
tốt? Sự sợ hãi, coi trọng thân tạm, hay vì chút lợi dưỡng, danh hão, mà đánh
mất cái “Dũng” cần thiết của người con Phật, thì Phật pháp làm sao hưng thịnh?
Sự im lặng (hay làm ngơ) trước cái xấu ác cũng đồng nghĩa với sự thỏa hiệp yếu hèn!
Đi xa hơn nữa, là sẽ vô tình tạo điều kiện dễ dàng cho cái xấu ác sinh trưởng
nhanh hơn, ngày một nhiều và lớn mạnh hơn! Tỷ như loài cỏ dại mọc trong đám
lúa, nếu không diệt trừ, nhổ tận gốc, thì một ngày kia cỏ dại phát triển gấp
trăm ngàn lần, sẽ lấn át, lúa còi cọc và chết dần đi…
Tóm lại: Bi mà không Trí,
là tà vạy!
Trí mà không Dũng, là yếu
hèn!
“Bi/ Trí/ Dũng” nghe rất đơn giản, mà đã là một điều
rất khó thành tựu ở một người con Phật chân chính ngày nay vậy!
Mang Viên Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét