Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

DƯ ÂM NGÀY 20.11


Ngày 20 tháng 11 năm nay lặng lẽ trôi qua. Hình ảnh của nó chìm lỉm giữa bốn bề đổ nát, đau thương của mấy ngàn người vừa trải qua con lũ lên nhanh một cách kỳ quặc ở quê hương miền Trung. Nhưng cũng thật là vô tâm nếu không tìm đến những đôi dòng liên quan đến Người Thầy, những Người đã tốn biết bao công sức để lũ học trò nhỏ ngày sau có ít nhiều kiến thức nhìn đời …


NGƯỜI XƯA TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

Ngày nay, chúng ta có "Ngày nhà giáo Việt Nam", như là ngày lễ hội và là ngày "tôn sư trọng đạo", nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành giáo dục, để các học sinh, đặc biệt là cha mẹ học sinh, đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy, cô giáo.
    
Thời chúng tôi còn cắp sách đến trường, không có ngày này mà chỉ có "mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy". Người khác thì sao không biết chứ riêng tôi thì chưa bao giờ tôi tặng hoa hay tặng quà gì cho thầy, cô giáo cả, ngoài việc chúc tết thầy. Tôi chưa bao giờ được thầy, cô giáo dạy "phụ đạo" hoặc cho "học thêm", "học kèm", nhưng vẫn nhận được kết quả "học lực: giỏi", "hạnh kiểm: tốt". Trong lòng tôi, hình ảnh người thầy, cô giáo lúc nào cũng đáng kính và không bao giờ, cho dù là một thoáng chốc, có ý nghĩ tiêu cực về thầy, cô giáo của mình. Chúng tôi vẫn khắc sâu tinh thần "tôn sư trọng đạo"!
    
Xa hơn nữa về trước, tuy dưới chế độ phong kiến, thực dân, nhưng tinh thần "tôn sư trọng đạo" đó cũng được thượng tôn và vẫn còn ghi dấu mà tôi được thấy và biết rất cụ thể ở chính trong gia đình mình. Đặc biệt là học sinh còn đến tặng quà cho thầy sau khi thầy đã mất ngót 30 năm! Tôi xin được ghi lại ở đây:
     
1./ Trường hợp thứ nhất: Ông cố (tằng tổ) của tôi là một thầy đồ dạy chữ Hớn, có thời gian dạy học khoảng 4, 5 năm, vì ông mất sớm (mới gần 40 tuổi, sau 3 keo thi rớt tú tài Hán học) nên thời gian dạy học không nhiều. Tuy vậy, hơn 30 năm sau khi ông mất, một số môn sinh (khi đã đứng tuổi, có danh phận và sự nghiệp) còn đến tặng một món quà, đó là 1 cặp liễn đối khảm xà cừ (1). Ấn tượng hơn nữa, một vài người con của học trò ông còn đến dự và cúng lạy người thầy của cha mình, nhân ngày giỗ ông hằng năm mà ngày còn bé tôi đã từng chứng kiến (2).
    
2./ Trường hợp thứ hai: Ông cố của tôi có một người anh trai cũng là một thầy đồ dạy chữ Hớn, nhưng ông có thời gian dạy học lâu hơn (khoảng 15 năm). Sau khi ông mất các học trò của ông đã tặng ông  (chính xác là tặng cho con cháu ông) một món quà, còn đặc biệt hơn, là mấy khoảnh ruộng (diện tích khoảng 5.000 m2) để con cháu lấy hoa lợi mà hương khói và cúng giỗ cho thầy. Những khoảnh ruộng này tục gọi là "ruộng đồng môn".

Tiếc thay, sau ngày 30/4/1975, Nhà nước ta đã đưa những khoảnh "ruộng đồng môn" này vào Hợp tác xã nông nghiệp. Chắc chắn rồi mai đây, chỉ cần dăm ba năm nữa thôi, khi lối mươi người còn lại ở lứa tuổi U80 ở xóm Trung Hòa Đông, làng Trinh Tường quê tôi đã ra người thiên cổ thì không còn ai biết được những khoảnh "ruộng đồng môn" này cũng như tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" đã từng được trân trọng và thượng tôn cụ thể và sâu sắc như thế nào!

BuuChau
Nguồn :  chaubuu.blog 


CHÚ THÍCH

(1Nội dung câu liễn đối


山 斗 髙 懸 顒 懿 笵
箕 裘 永 裕 慰 潜 靈
SƠN ĐẨU CAO HUYỀN NGUNG Ý PHẠM
CƠ CỪU VĨNH DỤ ỦY TIỀM LINH

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (viện Hán Nôm) đã dịch nghĩa :

Như Thái Sơn, Bắc Đẩu treo gương ngưỡng vọng khuôn phép
Ấy nghiệp nhà tốt đẹp truyền mãi an ủi linh hồn tiền nhân.

Sơn = Thái Sơn;  Đẩu = Bắc Đẩu (tên sao);  Cơ, cầu: Cái nong (nia), cái áo cầu (áo lông cừu). Kinh Lễ có câu: Cung gia chi tử tất học vi cơ. Dã gia chi tử tất học vi cầu = con nhà thợ làm cung, tất phải học cách uốn của người làm nong nia. Con nhà thợ đúc, ắt phải học cách lắp ghép của người làm áo cừu (chắp các mảnh lông cừu lại để may áo). Ý câu này nói con cháu nối theo nghiệp nhà."

Khúc Thần ở Viện Việt Học cũng có lời dịch:

Sơn Đẩu (Thái Sơn, Bắc Đẩu) treo cao, ngưỡng mộ đức độ cao cả tốt đẹp
Sự nghiệp (để lại) mãi dồi dào, an ủi vong hồn người quá cố

Có người thường né tránh, không muốn dùng hoặc không muốn đề cập đến những điển những tích của người xưa. Nhưng không thể không biết đến điển tích để hiểu rõ hơn tâm ý của các cụ qua những áng văn cổ. Chẳng hạn như phải hiểu nghĩa của Sơn Đẩu và Cơ Cừu (cơ cầu) thì mới rõ hơn ý nghĩa cặp liễn đối trên. Chú giải của Ts. Nguyễn Xuân Diện trên kia đã đủ, nhưng cần nói để rõ thêm :

Về Cơ Cừu
-  Con nhà thợ làm Cung, nối nghiệp nhà ít ra cũng đã học, tất biết cách uốn cong vật liệu như cánh cung nên làm được nong, nia.
-  Con nhà thợ Rèn (đúc), nối nghiệp nhà ít ra cũng đã học, tất biết cách lắp ghép các mảnh rời liền lại với nhau nên biết may áo cừu.

Về Sơn Đẩu
-  Hình tượng núi Thái Sơn các cụ thường dùng để nói đến sự cao cả (vì xem ra nó cao lớn nhất)
-  Hình tượng sao Bắc Đẩu các cụ thường dùng để chỉ sự chân chính (vì lúc nào nó cũng quay chỉ một hướng Bắc)

Sơn Đẩu khi ghép với nhau lại thường dùng để nói đến đức độ của người Thầy. Thời nhà Trần, Ông Ngoại của Nguyễn Trãi là Băng Hồ - Trần Nguyên Đán có bài thơ mừng Tiều Ẩn - Chu Văn An nhận chức Quốc Tử Tư Nghiệp, trong đó có câu :

Học hải hồi lan tục tái thuần
Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân

Xoay làn sóng biển học làm cho phong tục lại được thuần hậu,
Nhà trường đã được bậc đạo đức như Thái Sơn, Bắc Đẩu đến dạy

(2)  Ảnh Bác Đỗ Bá Khải (phía trái, cựu HS Trường cấp II Bình Khê, cựu giáo viên Trường Tài chính TW3) đến dự ngày giỗ kỵ người Thầy đã dạy thân phụ mình cách nay ngót 1 thế kỷ. Giá trị và ý nghĩa Tinh Thần Tôn Sư Trọng Đạo là ở chỗ đó!


QuangTrung BinhKhe


1 nhận xét:

  1. Lấy ý từ cặp liễn ở trên, mình diễn nên câu đối nầy :

    Mô Phạm Gương Treo Đời Ngưỡng Vọng
    Thư Hương Mạch Nối Tổ Lưu Truyền

    Học cách sống của người xưa, mình bập bẹ đôi câu vui cùng với BuuChau.

    Trả lờiXóa