TRƯỜNG LŨY QUẢNG NGÃI – BÌNH ĐỊNH (2)
TruongNghi
Núi Thạch Bích - Quảng Ngãi |
Theo GS Nguyễn Phan Quang trong “Việt Nam Thế Kỷ thứ XIX” :
Trải qua các triều vua từ Gia Long đến Tự Đức, “lũy Bình Man” liên tiếp được củng cố, đồn bảo trên lũy liên tiếp được sửa đắp, tăng cường, nhưng triều Nguyễn vẫn không sao đè bẹp được cuộc đấu tranh của dân tộc Đá Vách … [1].
Dân tộc Đá Vách, nói theo chữ của người xưa là Man Thạch Bích.
Thạch Bích là tên núi đất Cổ Lũy xưa. Khi Nguyễn Cư Trinh đến trấn nhậm vùng đất nầy năm 1750 đã liệt núi Thạch Bích là một trong những cảnh đẹp của Quảng Ngãi qua bài Thạch Bích Tà Dương.
Núi Thạch Bích nằm phía Đông Nam huyện Sơn Hà - Quảng Ngãi. Vùng núi phía Tây Quảng Ngãi là nơi cư trú nhiều sắc tộc như Bana, Ktu, Kor, Sedang, đông nhất là tộc Hré. Người Hré xưa phần lớn dùng họ Đinh, đã biết làm lúa nước, nên thư tịch cổ gọi họ là Mọi Đồng, hoặc còn gọi là Mọi Lũy, Mọi Đá Vách, hay Man Thạch Bích … Từ Mọi là tên Nôm mà ngày xưa gọi chung các sắc tộc thiểu số. Không nên cho là từ Mọi hàm chứa ý nghĩa khinh miệt, chê bai … khi sử dụng nó. Chỉ thể hiện sự khinh miệt khi người sử dụng nói bằng thanh điệu nhấn giọng, trề môi, dùng bằng cách so sánh cường điệu tỷ hóa …
Cuộc nổi dậy của tộc Đá Vách thời Nguyễn Cư Trinh (1750) và Đặng Đại Độ (1761), chưa sưu tập được tư liệu dẫn giải rõ có nguyên nhân nào khác hơn không. Nhưng thời các Vua triều Nguyễn có Đại Nam Thực Lục chép khi Gia Long lên ngôi, đã ban hành những loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng này làm cho dân Man nộp thuế không lúc nào rỗi, … Hậu quả là dân phải nhặt củ, rau và quả núi để ăn cho no bụng … [2]
Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn (1822 – 1871) có trình bày kế sách cai trị vùng Đá Vách của mình trong cuốn Vũ (Phủ !?) Man Tạp Lục :
Đánh thuế chớ đừng cho chúng tích trử vật thực, bỡi vì nếu chúng tích trử được lương thực thì chúng dễ bề làm phản … Nếu bọn chúng còn ngoan cố không chịu nạp thuế thì ta phái quân lên gặt hết lúa của chúng mà ăn, lần thứ hai nếu còn không chịu nạp thì đánh … (Vũ Man Tạp Lục – Nguyễn Phan Quang – Dẫn lại từ nguồn Wikipedia)
Ăn theo kế sách nầy là ra tay vơ vét. Chính Nguyễn Tấn trong một lần đưa quân lên Làng Nông năm 1864, “bắt được vài ngàn con trâu” [1]. Nguyễn Tấn là viên quan không từ một thủ đoạn nào trong việc trấn áp tộc Đá Vách, dùng đến cả những hình phạt tàn khốc như chặt đầu, lột da, cắt tai, phơi nắng … Với tàn bạo vơ vét, khi Nguyễn Tấn mất, “Số đất hương hỏa mà con cháu ông Tấn thừa hưởng là 215 mẫu ruộng” [1].
Ngoài việc nhũng nhiễu, vơ vét, nhà Nguyễn còn cho rằng dân Đá Vách là : “Bọn Man Mọi ngu dại chưa thấm nhuần phong hóa, cần buộc họ cắt tóc, ăn mặc và sinh hoạt giống người miền xuôi …” [1]. Tất cả những hành động trên đã đưa đến việc tộc Đá Vách luôn có những phản kháng với Vương triều Nguyễn cùng những cư dân người Việt chung quanh.
Một góc Trường Lũy |
Tộc người Hré là những chiến binh dũng cảm. Cuộc chiến đấu của họ là cuộc chiến chống cường quyền, chống lại những áp bức đè nặng lên cuộc sống của họ. Người Hré đã biết làm lúa nước, họ cần trao đổi sản vật, công cụ với miền xuôi. Chính sách thuế má khắc nghiệt của các Chúa, Vua triều Nguyễn là nguyên nhân đưa đến sự phản kháng của họ, có lúc họ gia nhập cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trở thành một lực lượng xung kích đáng gờm.
Nhận xét về tộc Đá Vách, Nguyễn Tấn ghi trong Vũ Man Tạp Lục :
Người Man ở tỉnh tôi tính tình hung hãn, đi đứng chạy nhảy lanh lẹ, đến như luồng điện sáng, đi tựa ánh chớp. Dựa vào nơi hiểm yếu, bắn tên phóng lao, đó là môn sở trường của họ vậy … Trước đây quan binh đã từng bị đánh thua, và chẳng phải chỉ một lần … (Vũ Man Tạp Lục – Dẫn lại từ nguồn Bùi Thụy Đào Nguyên)
Căn cứ vào những gì sử sách triều Nguyễn viết về các vị Tướng có công tiễu trừ giặc Đá Vách như Nguyễn Cư Trinh, Đặng Đại Độ, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân … có thể hình dung được cuộc chiến đấu của người Hré. Qua đó cũng có thể hệ thống lại quá trình xây dựng Lũy.
Năm 1750, thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Cư Trinh được bổ Tuần Phủ Quảng Ngãi, trong tác phẩm Sãi Vãi của ông có đề cập đến tộc Đá Vách mà ông có nhiệm vụ tiễu trừ :
Những sợ nhiều quân Đá Vách
Tưởng thôi lạc phách, nhớ đến kinh hồn
Nguyễn Cư Trinh là tướng giỏi dùng sách lược “tàm thực”(tằm ăn dâu), “dĩ man công man”(lấy người man đánh người man). Bình định xong giặc Đá Vách, ông không rút quân mà cho lập Quảng Ngãi đồn binh với 6 đạo lo việc canh phòng, mở đồn điền … Trong khoảng thời gian nầy, việc mở đồn điền có thể đã tạo nên mối giao thương giữa miền ngược với miền xuôi, việc lập các đồn binh có thể được nối kết nhau bằng lũy – bảo.
Chừng 10 năm sau, 1761, tộc Hré lại phá tan đồn lũy canh phòng, Đặng Đại Độ lúc nầy là Ký lục Bình Khang nhận cầm binh đánh dẹp. Với thời điểm nầy, có thể Trường Lũy đã dần dần định hình. Rồi hơn 10 năm sau nữa, Tây Sơn khởi nghĩa, người Hré đứng chung dưới cờ của ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ. Con đường dọc Trường Lũy được Tây Sơn sử dụng hành binh chớp nhoáng tiến chiếm Thuận Hóa, quân xuất hiện như người từ trên trời rơi xuống.
Suốt bốn triều vua Nguyễn, từ Gia Long đến Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, người Hré thường xuyên quấy phá các đồn bảo khiến quân nhà Nguyễn ăn không ngon, tướng ngủ không yên. Để đối phó nguy cơ quấy nhiễu của tộc Đá Vách, việc tu bổ, nối kết các đồn bảo thành Lũy công sự được Lê Văn Duyệt tấu xin Gia Long cho thực hiện năm 1819. Từ đó về sau, “lũy Bình Man” liên tiếp được củng cố, đồn bảo liên tiếp được xây đắp, tăng cường.
Trường Lũy thời Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt cầm binh đã trồng hàng rào tre gai, đào hào chắn. Quân thứ lúc nầy trên nghìn người phân chia canh giữ 115 đồn bảo. Đến triều Tự Đức, khi người Đá Vách tấn công bảo Ngân Hòa, Vĩnh Khánh, Tuy An, viên Hiệp quản phải bỏ chạy, Đại Nam Thực Lục chép lại lời vua : “Ác man là bọn giặc hèn mọn mà quân ta ở quân thứ đã đến 4.000 người. Nay tạm cho thêm 1.000 lính nữa để mau dập tắt …” . [2]
Quân thứ tăng cường, Trường Lũy luôn được tu bổ nhưng triều Nguyễn cũng không sao đè bẹp cuộc nổi dậy của tộc Đá Vách. Chính sách cai trị của triều Nguyễn áp dụng qua kế sách của Nguyễn Tấn : đánh thuế chớ đừng cho chúng tích trử vật thực, dùng kế sách áp đặt cái đói lên người Đá Vách để họ không có sức chiến đấu bỡi vì nếu chúng tích trử được lương thực thì chúng dễ bề làm phản … Kế sách nầy khác hẳn chủ trương của vua Gia Long năm 1807, vua đã căn dặn Lê Văn Duyệt trước khi đưa quân vào Đá Vách :
“Động binh không phải là điều hay. Chỉ vì bọn ác man quấy rối nên phải dùng đến quân lính … Nay ngươi nên tùy cơ chiêu dụ để dân cư được yên, đó là thượng sách dẹp giặc”.
Không rõ Lê Văn Duyệt đề ra kế sách như thế nào để thực hiện chủ trương “tùy cơ chiêu dụ” dân Đá Vách. Theo Hoàng Việt Hưng Long Chí của Ngô Giáp Đậu (1853 - ?), Lê Văn Duyệt đã cho chém đầu một viên quan trong quân thứ :
“Dạo ấy có viên Phó Quản cơ là Lê Quốc Huy đối xử với người Man rất hà khắc, Duyệt liền bắt Quốc Huy, hài tội rồi tâu xin chém …”
Việc chém đầu một viên quan hà khắc với dân không phủ dụ được người Đá Vách. Vì chẳng bao lâu sau quân Đá Vách đánh bảo Giang Ngạn, giết viên Thủ ngự, kéo xuống phá thôn Bồ Đề chính là quê hương của Lê Văn Duyệt.
Mặt trong của Lũy đắp thành 2 tầng ở La Vuông - Bình Định |
Những năm Nguyễn Tấn và sau đó con là Nguyễn Thân làm Sơn phòng Tiễu phủ sứ Quảng Ngãi, ở Bình Định có Cụ Tú Nguyễn Văn Chơn được điều vào quân thứ sơn phòng. Quê quán ông hiện giờ thuộc thôn Thượng Giang, Xã Tây Giang, Tây Sơn. Người dân ở đây gọi ông là Tú Năm để phân biệt với Tú Bốn cũng họ Nguyễn, là người cùng thời địa phương. Tú Bốn Thượng Giang là nhạc phụ của cụ Nghè Nguyễn Trọng Trì ở Vân Sơn, một chiến sĩ của Phong Trào Cần Vương Bình Định 1885. Tú Năm Thượng Giang là thân phụ của Chánh Tổng Vĩnh Thạnh Nguyễn Hàm, một chiến sĩ Phong Trào Kháng Thuế Bình Định 1908 bị đày Côn Đảo.
Theo lời kể lại của những lão niên trong họ tộc của cụ Tú Năm, khi được điều vào quân thứ sơn phòng, đáp ứng với 4 yêu cầu của người Đá Vách, cụ đã thực hiện được 3 điều, hai bên tạm thời bãi binh ... Từ lời kể nầy, dù chưa chắc chắn, nhưng đây cũng là một căn cứ để tìm hiểu và xác định lại xem có phải đoạn Trường Lũy ở địa phận Bình Định hiện nay là do Cụ Tú Năm trông coi xây đắp - tu bổ - quản hạt …, một đáp ứng nữa mà cụ chưa thực hiện được có phải liên quan đến kế sách phủ dụ dân của cụ đối nghịch với kế sách của Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân.
Giống như những sắc tộc thiểu số khác, tộc Đá Vách chất phác, thật thà, trọng tín … chính sách cai trị bằng quân binh, đồn lũy, dùng kinh tế bao vây cuộc sống của họ không thể khuất phục được người Đá Vách ở đây. Gần trăm năm, cuộc giao chiến giữa người Đá Vách với người Kinh đã tổn thất nhiều xương máu. Ngăn chặn người Đá Vách bằng Trường Lũy, nhưng Tĩnh Man Trường Lũy đóng góp hiệu quả thực sự chỉ khi nào người cai trị có tài và có cái tâm biết yêu thương dân.
[1] Việt Nam Thế Kỷ XIX – Nguyễn Phan Quang
[2] Đại Nam Thực Lục – Dẫn lại từ nguồn Wikipedia
Đọc hết bài nầy cũng tạm rõ mục đích, vai trò, hiệu quả của Trường Lũy.
Trả lờiXóaTrường Lũy đóng góp hiệu quả thực sự chỉ khi nào người cai trị có tài và có cái tâm biết yêu thương dân.
Sự vững mạnh của Chiến lũy nào cũng không qua tình thương yêu đồng loại.