Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

TĨNH MAN TRƯỜNG LŨY

TRƯỜNG LŨY QUẢNG NGÃI – BÌNH ĐỊNH (1)
TruongNghi


Trường Lũy người Man cách tỉnh thành 23 dặm về phía tây. Phía bắc lũy giáp huyện Hà Đông (thuộc phủ Tam Kỳ) tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định … (Trích Viêm Giao Trưng Cổ Ký - năm 1900).

Gọi theo sử sách Triều Nguyễn, Tĩnh Man Trường Lũy là công trình quân sự kiến trúc đa phần bằng đất và đá, nằm dọc suốt chiều dài phía tây Tỉnh Quảng Ngãi, kéo dài từ Huyện Trà Bồng vào đến Huyện An Lão và Hoài Nhơn của Tỉnh Bình Định. Lũy trước xưa được xây dựng để ngăn chặn sự quấy nhiễu của mọi Đá Vách (man Thạch Bích). Hiện nay gọi là Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định, gọi tắt là Trường Lũy Quảng Ngãi, hay gọi tắt hơn nữa là Trường Lũy.

Từ năm 2005, Viện Khảo Cổ Học Việt Nam phối hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội đã tiến hành khai quật, nghiên cứu di tích Trường Lũy. Sau 5 năm miệt mài, ngày 16/4/2010, đoàn khảo cổ chính thức công bố kết quả nghiên cứu của mình. Tháng 1/2011, hãng thông tấn CNN của Mỹ đăng tải bài của Adam Bray ca ngợi về trường thành cổ nầy. Các nguồn thông tin trong cũng như ngoài nước bắt đầu lưu tâm đến Trường Lũy. Ngày 10/3/2011 Trường Lũy được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia. Hôm 8/5/2011, UBND Tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích tại huyện Nghĩa Hành.

Căn cứ từ nguồn thông tin của Bùi Thụy Đào Nguyên, là người tham gia viết cho Wikipedia, có thể sơ lược lại tình hình Trường Lũy:

-   Độ dài Trường Lũy được đoàn khảo cổ xác định chừng 300km, riêng đoạn thuộc lãnh thổ Bình Định là 30km. Theo Ts. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thì độ dài của Trường Lũy chỉ xấp xỉ 200km.
-  Về cấu tạo, Trường Lũy đắp bằng đất và đá (to bằng đầu người), cao trung bình 2m, phía ngoài lũy là hàng tre gai, có hào sâu, rộng trên 3m.
-  Lũy cắt ngang qua nhiều sông suối, tùy theo địa hình Lũy chạy dài khi thì trên đỉnh núi, khi thì dọc sườn đồi. Còn vết tích những đồn bảo canh phòng của Lũy.
Hiện vật được khai quật lân cận Lũy có một số gốm nung sành miền Trung, gốm Chu Đậu, Bát Tràng phía Bắc, gốm sứ Trung hoa triều Thanh …
-  Theo tham luận của các nhà khoa học tại Hội thảo Lịch sử quan hệ kinh tế và dân tộc về Di tích Quốc gia Trường Lũy, tổ chức ngày 27/3/2011 ở Quảng Ngãi, có các đoàn Đại sứ các nước châu Âu tham dự, Trường Lũy vừa có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, vừa là nơi giao thương, mua bán giữa đồng bào miền ngược và miền xuôi, giữa miền núi và miền biển …

Khảo sát, khai quật Trường Lũy

Theo một số nguồn thông tin bổ sung khác, Trường Lũy có nơi cao đến 5m, chân đáy 6m, mặt trong đắp thành 2 tầng, trên mặt lũy rộng đến 3m. Nơi nào có địa hình dốc lớn, lũy được xếp toàn bằng đá. Về dấu tích đồn canh, riêng khu vực thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có đến 3 nền đồn canh, mỗi đồn cách nhau chừng 1km. Nền đất đồn canh thường hình vuông, diện tích chừng 500m2 , bờ ngăn cao trên 1m, có cửa ra vào …

Các thông tin bổ sung khác trên mạng đa phần chỉ xoay quanh việc giới thiệu Trường Lũy, ít có thông tin cho ta biết tường tận lịch sử hình thành để có cái nhìn rõ hơn về công trình quân sự nầy. Để có được thông tin nầy, chỉ có thể căn cứ vào các thư tịch cổ. Tiếp cận được tư liệu cổ liên quan quả là một sự khó khăn.

Thư tịch cổ hầu hết là những văn bản Hán Nôm mà người am tường cổ ngữ lại không nhiều để trích dịch và công bố. Việc lưu giữ và bảo quản thư tịch ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều khiếm khuyết. Bị hư hỏng, mất mát và thất lạc như trường hợp Mộc Bản Triều Nguyễn, hơn 50.000 tấm mộc bản còn nguyên vẹn trước năm 1975, do quản lý lỏng lẻo nay chỉ còn  34.618 tấm ở Trung Tâm Lưu Trử Quốc Gia IV Đà Lạt. Gần đây, ông Trần Văn Phong (82 – Đống Đa, Phường 3, Đà Lạt) đã hiến tặng lại Trung Tâm Lưu Trử một tấm mộc bản khi biết mình đang vô tình có trong tay một báu vật của di sản thế giới (lao động.com). Còn biết bao tư liệu quý giá khác đang lưu giữ rất tốt thì lại nằm tận trời Âu. Cũng từ các tư liệu nầy mà các chuyên gia Trường Viễn Đông Bác Cổ mới lần qua Việt Nam xin khảo sát, khai quật Trường Lũy.

Viết về lịch sử Trường Lũy mà chỉ có những tư liệu thứ cấp thì chẳng ra làm sao cả. Nhưng dù sao có cũng còn hơn không, sưu tập được bao nhiêu ghi chép lại bấy nhiêu để giới thiệu đôi nét về quá khứ của Trường Lũy.

Mộc bản triều Nguyễn

Theo sử nhà Nguyễn, để ngăn nguy cơ “ bị uy hiếp, tràn lấn của ác man Đá Vách ”, năm Gia Long thứ 18 (1819) đã cho đăp “Lũy Bình Man”. Sách Viêm Giao Trưng Cổ Ký (Ghi chép sưu tập di tích cổ nước Nam) của Tổng Tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục, hoàn thành năm 1900, có chép :

Trường Lũy người Man cách tỉnh thành 23 dặm về phía tây. Phía bắc lũy giáp huyện Hà Đông (thuộc phủ Tam Kỳ) tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định. Lũy dài 177 dặm. Xét : Một dãi dọc theo ranh giới xung quanh tỉnh thành, trước nay thường có bọn ác man Thạch Bích ngang ngạnh hoành hoành …
 Năm thứ 18, Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt đắp Trường Lũy, trồng hàng rào, đào hào chắn … Trải lâu năm Lũy bị đổ nát, nhiều toán quân Man vượt quan lũy đến cướp bóc các làng dưới xuôi. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), trùng tu Trường Lũy[1]

Căn cứ vào ghi chép trên, mấy vấn đề có thể được đặt ra :

            -   Mục đích xây dựng Lũy
            -   Thời điểm xây dựng Lũy
            -   Vai trò, hiệu quả của Lũy

Tìm hiểu các vấn đề trên, chưa hẳn là biết được nhiều về Trường Lũy. Nhưng để hiểu được các vấn đề trên, chỉ với một số tư liệu ít ỏi, không dễ gì có được cái nhìn đầy đủ về Trường Lũy.

[1] Nguồn dẫn lại từ Wikipedia

1 nhận xét:

  1. " Lũy trước xưa được xây dựng để ngăn chặn sự quấy nhiễu của mọi Đá Vách (man Thạch Bích) ".

    Đoạn trên đã chép như vậy cũng đã nói được mục đích xây dựng Lũy. Nhưng theo tôi bao nhiêu đó cũng chưa được đầy đủ.

    Trả lờiXóa