Trường Luận
Tượng Trần Nguyên Hãn & Chợ Bến Thành |
Ông đến làm chi giữa chợ đời
Vàng thau lẫn lộn chúc chen phơi
Ngựa hồng thuở trước lơi chân bước
Kiếm báu ngày xưa bạt ánh ngời
Thói tục bão bùng giông tố thét
Nhân tình điên đảo gió mưa rơi
Bể dâu xoay chuyển lòng nhân thế
Hỏi mãi sao ông chẳng trả lời!
Huy Thu Họa
Lừng lẫy thân danh tiếng để đời
Vẫy vùng xuôi ngược gió mưa phơi
Ngang trời giục ngựa xông pha bước
Bạt núi so gươm ánh thép ngời
Biến loạn gào kêu lòng hận thét
Yên bình chưa tắt lệ hờn rơi
Thăng trầm đảo lộn nơi trần thế
Giương mắt vung đao vẫn bặt lời!
Đỗ Kinh Thi Họa
Dẹp Bắc chinh Đông nức tiếng đời
Trớ trêu lịch sử mở bày phơi
Trần suy chẳng lụy danh trinh khiết
Hồ mạnh không qui tiết sáng ngời
Kiếm báu thuở xưa hồn Liễu dựng
Chim thư thời ấy khí Vương rơi
Lợi danh, đố kỵ oan trung nghĩa!
Mượn nước vùi thân để trả lời!
Trước chợ Bến Thành SG có tượng đài Tướng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa, tay cầm con chim bồ câu đưa thư. Chắc tác giả bài xướng làm bài vịnh từ tượng đài nầy.
Trả lờiXóaBể dâu xoay chuyển lòng nhân thế
Hỏi mãi sao ông chẳng trả lời.
HiHi !!! Cái tượng làm sao trả lời được mà hỏi. Nhưng câu hỏi thật hay. Biết vậy mà vẫn hỏi. Câu trả lời là của từng người đọc ngậm ngùi theo từng suy ngẫm.
Tương truyền Tướng Trần Nguyên Hãn là người dùng chim bồ câu làm phương tiện truyền thông trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Là võ tướng lập nhiều công đầu dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi, nhưng sau đã quy ẩn mà vẫn chết do lòng nghi kỵ của vua.
Trả lờiXóaBiết được cuộc đời của Trần Nguyên Hãn mới hiểu được nỗi lòng trước :
"Thế tục bão bùng giông tố thét
Nhân tình điên đảo gió mưa rơi"
Nỗi chua xót thế nhân, chim đưa thư nào !!! chuyển đến cho ai đây !!!
Giữa chợ đời người người đang ngụp lặn với mưu sinh, hẳn là thấy nhan nhản nhân tình, thói tục. Nhưng có lẽ ít có người thường tự hỏi đâu là thói tục, nhân tình, đâu là cánh chim thư, thanh kiếm báu của cha ông ...
Trả lờiXóaNhư Gia Hưng đã nói, càng đọc càng thấy ngậm ngùi.
Đọc càng hiểu tại sao người xưa nói người ẩn cư giữa chợ là bậc đại ẩn.
1./ Do việc ông "dùng bồ câu đưa thư " đấy nên ngày trước quân đội SG lấy ông làm Thánh tổ của binh chủng Truyền Tin. (Trần Quốc Tuấn: Thánh tổ binh chủng Hải Quân, Phù Đỗng Thiên Vương: Thánh tổ binh chủng Thiết Giáp,...)
Trả lờiXóa2./ Thiệt là tiếc, về lịch sử và nhân vật lịch sử thì tớ rất thích nhưng ngặt một nỗi là tớ lại không biết làm thơ (chỉ biết thưởng thức và ngâm nga 1 mình, còn "làm" thì chỉ khi bắt buộc phải làm đại loại như: "Dù ai buôn bán ngược xuôi/ Nhớ ngày bầu cử... ).
Quý bạn đề cập đến một danh tướng của triều Lê khiến tớ nhớ lại một câu chữ Hớn (mấy chữ này học lỏm - tức là đọc phiên âm Hớn-Việt - trên sách vở chớ hổng phải học của Thầy Kim Bửu nghen!) đại ý :"Phi điểu tận, lương cung tàng. Giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh" (Chim bay mất hết, cung tốt được cất đi. Thỏ khôn chết, chó săn bị nấu).
Ghê quá! Nhưng lại là thường tình tự cổ chí kim, mấy ai thoát được. Lịch sử Tàu và cả Ta, theo như tớ biết thì chỉ có Phạm Lãi là "thoát" thôi và là người "đã nhứt" nữa đó(vì được 1 trong 4 mỹ đồ mà)
3./ @HoàiAn: Tướng quân Trần Nguyên Hãn không "ẩn cư" đâu (dựng phủ đệ lớn, đóng thuyền to,...).
4./ @Mọi người: Mọi thứ đều nghe nói thì nói lại cho vui thôi chớ biết đâu được sự thiệt lịch sử nó như thế nào? Như ai đó đã viết: "Phần lớn lịch sử là những điều phỏng đoán;
Phần còn lại là những thành kiến..."
Có gì chưa đúng, với tấc lòng thành (thấy, nghe, nghĩ sao thì bộc bạch vậy) xin mọi người miễn chấp!
Ừ BuuChau, Trần Nguyên Hãn xin về trí sĩ. Nhưng do Ông dựng phủ đệ lớn, đóng thuyền to ... nên là cái cớ để Lê Lợi hạch xử.
Trả lờiXóaBậc đại ẩn HoaiAn nói ở đây là những người sống giữa chợ, ở bên chen chúc lợi danh, thấu hiểu thế tục, nhân tình. Những người có lòng an nhiên mà chí lại vá trời lấp biển.