Hoài An
Đọc bài CHÚ BÉ NGƯỜI NHẬT VÀ MÂM CƠM VIỆT NAM trên trang Non Nước Bình Khê, thấy rằng những tấm lòng có được không chỉ từ tính giáo dục nơi gia đình. Hoài An bổ sung thêm tính giáo dục ngày xưa dưới mái nhà trường. Đi học thời thập niên 50, 60 chắc ai cũng đều nhớ đến chú bé An Di trong Tâm Hồn Cao Thượng của Hà Mai Anh dịch từ tác phẩm Les Grands Cœurs của Edmond De Amicis. Hoài An muốn nói đến CHÚ BÉ NGƯỜI Ý VÀ NHỮNG TRANG NHẬT KÝ.
CHÚ BÉ NGƯỜI NHẬT VÀ MÂM CƠM VIỆT NAM
Weblog Non Nước Bình Khê
Tháng 3 vừa qua, khi Nhật Bản hứng chịu trận động đất - sóng thần khủng khiếp, rộ lên chuyện chú bé Nhật mới 9 tuổi đã biết ý thức cộng đồng, biết chia sẻ nhau trong khốn khó.
Người Nhật đã từng gặp không ít tai ương, thảm họa. Những tai ương ập đến từ thịnh nộ của thiên nhiên, những thảm họa trút xuống do cuồng say tham vọng của con người … Nhưng người Nhật trước tai ương, thảm họa vẫn đứng lên được trong nhẫn nại. Sau khi đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945, chỉ 25 năm sau, Hội chợ Expo Osaka 1970 đã chứng tỏ sự vươn dậy của nền kinh tế Nhật. Động đất 1995 tàn phá sạch thành phố, nhưng chỉ 3 năm sau Kobe đã trở lại sầm uất, Thịt bò Kobe Nhật vẫn củng cố được thị trường.
Người Nhật vượt qua được các cơn hoạn nạn không hẳn riêng họ đã quen với thiên tai, không hẳn riêng họ có sẵn tính kiên cường, kỷ luật trong đối phó, không hẳn riêng họ có niềm tin tuyệt đối vào chính quyền sẵn đủ bản lĩnh chăm lo cho họ … cái của họ có mà mọi người phải khâm phục là những tấm lòng mà mới 9 tuổi họ đã biết chứng tỏ, biết thực hiện như là một việc tự nhiên trong cuộc sống.
Chưa rõ nền nếp giáo dục Nhật có những yếu tố chính yếu nào đã tạo cho những đứa trẻ Nhật biết sẻ chia, biết nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ ?
Từ lâu đời, Việt Nam chúng ta đã có sẵn tính giáo dục biết sẻ chia qua mâm cơm hằng ngày.
Không như cách ăn của Tây phương là ăn theo món, đĩa ai nấy ăn, mâm cơm Việt Nam chứa hết cả các món từ canh, rau đến cá, mắm … , nghĩa là mọi món đều dọn cả lên mâm để tất cả cùng ăn. Học ăn, học nói, học gói, học mở … Trong một cộng đồng nhỏ bé là gia đình, học biết sẻ chia bắt đầu ngay chính từ miếng ăn.
Với mâm cơm Việt Nam, cùng ngồi nhau ăn, tùy sức chứa của bao tử, người nầy có thể ăn nhiều hay ăn ít hơn, tùy vào khẩu vị, người kia có thể gắp món nầy mà không gắp món khác. Hẳn nhiên nếu dọn theo món, đĩa ai cũng đều phải có món đó, lỡ không thích cũng đành rán nuốt hoặc đôi khi phải bỏ thừa lại.
Cái chính yếu trong ăn uống là lúc vào mâm, phải biết “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Ăn không nên ăn lua ăn láu. Phải biết dừng chén khi trông vào nồi thấy cơm đã vơi. Biết dừng đũa để người khác gắp thêm miếng thịt, phải biết gắp thêm cho ông, cho bà một miếng chả ngon. Vợ nhường cho chồng, ông bà nhường cho cháu, đầm ấm của một mâm cơm trong ý thức sẻ chia …
Mâm cơm Việt Nam, bàn ăn của Việt Nam ngày xưa cùng thường là hình tròn. Ngồi tròn lại với nhau, quây quần bên nhau … Ngồi sát vào mâm lắm té ra là kẻ ham ăn, ngồi xa mâm quá sẽ giống như kẻ bên lề. “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, ngồi vào mâm quây quần sao để cùng trao đổi nhau chuyện hằng ngày, quây quần sao để cùng thuận tiện chăm sóc miếng ăn cho nhau … trong một mái ấm cùng chung mấy thế hệ.
Tính cộng đồng sẵn có từ truyền thống gia đình, tính sẻ chia sẵn có trong mâm cơm hằng ngày, nhưng ý thức sẻ chia trong hoạn nạn, trong khốn khó, hiện nay người Việt thể hiện được qua những hiện thực nào đáng để suy gẫm !?
CHÚ BÉ NGƯỜI Ý VÀ TRANG NHẬT KÝ
Học đường – Tâm Hồn Cao Thượng bản dịch Hà Mai Anh
Thứ sáu, ngày 28
An Di con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường.
Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.
Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới ba vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẻm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng : chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi "xe trượt" trên những bãi băng giá lanh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.
Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.
Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.
Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia ! Cố lên ! Con ơi ! Hãy lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát.
Các bạn Quang Trung Bình Khê chắc có cuốn Tâm Hồn Cao Thượng ngày xưa. Thỉnh thoảng đăng vài trang cho mấy sắp nhỏ vào xem. Được không.
Trả lờiXóaCám ơn các bạn trước.
Năm Đệ thất bắt đầu bập bẹ học tiếng Anh. Thế mà giờ Văn, Thầy Đỗ Công Tiếp gò cho cả lớp đọc cho ra cái tựa tiếng Pháp Les Grands Cœurs muốn xỉu luôn.
Trả lờiXóaNăm đó mỗi đứa phải sắm một cuốn sổ tập viết Nhật ký, thỉnh thoảng phải trình cho Thầy chỉnh sửa cách hành Văn, xây dựng ý tưởng ...
Bây giờ trong bạn bè mình ai còn gìn giữ món đồ cổ đó nè !?
1./Bi giờ cũng có bản dịch (nếu mình nhớ không lầm) là "Những tấm lòng cao cả". Tớ đã đọc bản dịch "mới" này cách đây trên 30 năm ở thư viện h. Phù Mỹ, nhưng thú thiệt (không biết có phải vì định kiến chăng vì mình không đọc được từ nguyên tác), cảm thấy không hay bằng bản dịch của cụ Hà Mai Anh. Tớ có nêu nhận xét đó thì được cô thủ thư giải thích "Những tấm lòng cao cả" được dịch từ nguyên tác "Cuore" tiếng Ý-Đại-Lợi của Edmondo De Amicis, còn "Tâm hồn cao thượng" được dịch từ bản dịch tiếng Pháp "Les Grands Cœurs" của nhà văn Piazzi!
Trả lờiXóa2./Qua mấy cuộc bể dâu, "tâm hồn cao thượng" tớ đã được có nhưng đã thất lạc rồi, "nhật ký năm đệ thất" (mà các đồng môn ai cũng phải có), riêng tớ là "bắt buộc phải có", cũng đã mất rồi. Những thứ đó, giờ đây chỉ còn trong hồi ức...
Cám ơn bạn Đạm có ý hay cho mấy sắp nhỏ.
Trả lờiXóaQuangTrungBinhKhe sẽ sắp xếp.
Thân chào bạn,
Trả lờiXóaMình đang cần tìm lại bản dịch đầu tiên của nhà giáo Hà Mai Anh (cuốn Tâm Hồn Cao Thượng, với tên nhân vật như là An Di, không phải Enrico).
Nếu bạn có thể hỗ trợ được, làm ơn email hoặc chat cho mình biết nhé: LHViet88@gmail.com
Thân.
Thụy Du, mình có link bản dịch của cụ Hà Mai Anh, bản in năm 1944. Bạn vào xem thử :
Xóahttp://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=tdKpAS1944.2.1.1&e=-------vi-20--1--img-txIN-------
Tuyệt vời! Cám ơn bạn. Bạn reply lâu rồi mà mình không biết. Giờ tình cờ vào lại mới thấy. Thanks.
Xóa