Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

NGƯỜI HÁT RONG

THƯ VIỆN NGƯỜI HÁT RONG TRÊN CÕI TẠM
Trương Văn Dân - Milano 30/5/2003


Trương Văn Dân người Bình Khê, hiện sống ở Ý, anh là bào huynh của Trương Tuyết Nga (hs Trung Học Quang Trung Bình Khê khóa 68 - 75). Bài viết đã lâu, nay được chuyển đến anh em, bạn bè quê nhà nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ns Trịnh Công Sơn.


Tôi và vài người bạn xa nhau hơn 30 năm rồi một hôm gặp lại! Bỡ ngỡ nhìn nhau, tưởng như một sự tình cờ đến với nhau trên cõi tạm, nhưng ngẫm lại thì cuộc hội ngộ này đã được sắp đặt bỡi một người đã khuất. Điều kỳ lạ là đối với người giờ đây đã thành thiên cổ, tất cả chúng tôi đều biết, nhưng chẳng mấy ai quen.
Không quen, chỉ biết, ấy thế mà với anh, chúng tôi đều có cảm giác là mang chung một món nợ. Một món nợ tinh thần. Bởi vì từ rất lâu anh đã nói hộ chúng tôi rất nhiều điều : Trong tình yêu anh nhắn nhủ những tự tình, trong cuộc sống anh bày tỏ những niềm đau, khắc khoải hay gửi gắm những ưu tư về thân phận con người, mà trong đó thế hệ chúng tôi đều sinh ra trong bom đạn, lớn lên trong chiến tranh rồi trưởng thành trong chia lìa, mất mát.
Là chứng nhân nhưng chúng tôi chỉ lặng lẽ đi qua cuộc đời hay chịu đựng trong câm lặng.
Và anh, anh đã nói những nỗi niềm cho tất cả chúng tôi, nói bằng một thứ âm thanh và ngôn ngữ mà khi ngân lên, như len lỏi vào máu thịt, đi thẳng vào trái tim và làm rung động đến những phần sâu thẳm nhất.
Những ca từ của anh đã chạm đến đáy lòng của lớp thanh niên triền miên sống trong âu lo, phập phòng trước cuộc chiến đang làm rách nát quê hương và dày xéo lên lương tâm những người yêu chuộng hoà bình.
Người ấy Trịnh Công Sơn.
Nhưng Trịnh Công Sơn, Anh là ai ?
Tôi đã nghe anh tự nói về mình : “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này đã hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo” hoặc lắng nghe một trí thức lỗi lạc từ miền bắc, sau 1975, đã phải thốt lên: “ Cái anh Trịnh Công Sơn này lạ thật, anh ta muốn ôm hết những mâu thuẩn và khát vọng vào mình.”
Đối với anh Sơn, ca khúc là “đời sống thứ hai, sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành” (phác thảo chân dung tôi, TCS, 1987) và anh đã diễn đạt lòng mình qua giai điệu.
Hơn 30 năm nhiều người đã hát, đã say mê giai điệu của Ca khúc da vàng và tôi tin là thời gian sẽ kéo dài, vì những nốt nhạc đẫm nỗi buồn thân phận kia sẽ còn ngân nữa và làm cho nhiều trái tim thổn thức.
Dù, một ngày đầu tháng tư của hai năm trước người hát rong về tình yêu kia đã không còn nữa. Anh đã rời cõi tạm này, để lại một gia tài ca khúc thật đồ sộ, nhưng có lẽ cái cao quý nhất vẫn là tấm lòng thiết tha của anh đối với cuộc đời.
Và hôm nay những ca từ của anh đang ngân vang và vẫy gọi anh em chúng tôi tìm đến nhau và đến với anh, hội ngộ trong một đêm văn nghệ tại một thành phố đầy thơ mộng trên đất Ý .
Buổi sinh hoạt này do Quỹ Tương Trợ Người Việt tại Italia tổ chức (31-5-2003) theo lời mời của chị Sandra Scagliotti, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam (CSV- Torino) nhằm gây quỹ và đóng góp cho việc thành lập Thư viện Trịnh công Sơn tại Italia.
Đến Ý từ những năm đầu của thập kỷ 70, sau một khoá học tiếng Ý ngắn hạn tại trường Đại học cho người ngoại quốc ở Perugia, chúng tôi phân tán, phần lớn theo học ở những phân khoa kỹ thuật nằm ở miền Bắc Ý. Tuy vậy cũng có một số ở lại miền trung Ý. Và tuy củng ở trên một đất nước không lớn lắm nhưng có một vài người từ bấy đến nay chưa một lần gặp lại.
Ba mươi năm, lúc quen nhau tóc hãy còn xanh, giờ gặp lại tóc đã nhuốm màu sương tuyết. Thời gian, nói theo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn, mỗi năm trôi qua là mỗi lần mang đi những giấc mơ của tuổi thanh xuân, mang theo một thời hoang tưởng, của những cuộc rong chơi, không quan tâm về nơi đến chốn về.
***
Thính phòng đang nhốn nháo bỗng im bặt, một người Âu từ phía sau hậu trường bước ra, trịnh trọng rót rượu rồi nâng ly cao lên khỏi đầu. Chén rượu vàng sóng sánh trong ly, bàn tay anh run run va giọng nói cũng run theo xúc cảm : “Anh Sơn ơi, em mời rượu Anh đây.” Lời vừa dứt anh ngửa cổ uống cạn một hơi. Nghe tiếng khà...của anh mà bỗng dưng tôi thấy mùi nồng cay, như dâng lên trong lòng mình một nỗi bồi hồi.
Người Âu đó chính là Frank Gerke, giáo sư ngôn ngữ học Châu Á tại đại học Bonn (Đức) và cũng là người em kết nghĩa của Trịnh Công Sơn, anh lấy họ Trịnh và tên Việt là Trịnh Công Long.
Trước mắt anh là màn bạc, trên đó có hình Trịnh Công Sơn đội nón kết, mang kiếng trắng với cái nhìn đăm chiêu hướng về hàng chữ : “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Sau lời giới thiệu bằng tiếng Việt thật chuẩn của Trịnh Công Long, các ca khúc lừng danh của Trịnh như “Hãy yêu nhau đi”, “Diễm xưa”, “Biển nhớ” đã được hát lên. Có người bạn cứ ấn tượng mãi về lời chia tay trong tiếng hát Thái Hoà : “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về” vì quê hương luôn dang rộng vòng tay đón những người con, người bạn trở về. Trở về để “Nối vòng tay lớn” để “Dựng tình người trong ngày mới”.
Sau “Nối vòng tay lớn”, những bài hát phản chiến “Người con gái VN da vàng” “Tôi có người yêu ” đã được cất lên. Tiếng hát như bày ra sự toang hoác trần truồng của chiến tranh, cùng với tâm trạng hụt hẫng của tuổi trẻ trước bi kịch đất nước mà anh đã đớn đau nhận lãnh rồi biến hoá thành nghệ thuật. Anh đã hát cho Việt Nam mà cũng nói hộ cho nhân lọai nỗi tuyệt vọng của cuộc nhân sinh, sự phẫn nộ của chiến tranh, và lòng khao khát hòa bình.
Anh đã từng nói về người Việt: “Mỗi con người Việt Nam đều sống cùng một lúc hai thân phận. Thân phận chiến tranh và cái thân phận bình thường của nhân loại, nó như một loài lạc đà hai bướu gánh nặng một hành trang quá tải qua cuộc sống này.”
Trong một trang nhật ký của mình, một chiến sĩ giải phóng đã viết từ bên kia chiến tuyến lần đầu nghe hát bài Nối vòng tay lớn : “Bài ca có tác động làm chùng tay súng, một ngày, một giờ mà sinh mệnh hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc. Mặt đất bao la...anh em ta về ...gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng... Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ, không phải là tiếng bể máu như kết cục thường có của chiến cuộc, mà lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học.”
Hơn hai mươi lăm năm chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, và sự tàn khốc của nó vẫn còn là một vết thương chưa khép miệng trên lương tâm nhân loại.
Và lịch sử đã dạy cho chúng ta điều gì ?
Nếu con người có thể rút ra được những bài học thì tại sao cứ mỗi thời kỳ, thế giới lại tiếp tục tái phạm những sai lầm và thực hiện những tội ác phi nhân ? Vừa dứt chiến tranh, bức tường Bá Linh đổ xuống, ai cũng hy vọng là con người trưởng thành thêm một chút, sợ hãi hơn, chín chắn hay nhân ái hơn, nào ngờ cuộc chiến Yugoslavie, Afghanistan, Iraq, Đông Timor lại bùng nổ. Người ta khủng bố, giết nhau vì dầu lửa, vì quyền lợi phe nhóm và tàn sát như thuở còn man di mọi rợ.
Trong ánh sáng của toàn cầu hoá, đang san bằng văn hoá và tất cả mọi giá trị, những thành phố xa lạ.....cách nhau hàng nghìn km, bỗng trở nên giống nhau vì tất cả đều đã biến thành đống gạch vụn ; Những con người đủ mọi màu da, tập quán, kinh nghiệm sống và ước mơ khác biệt... bỗng chốc giống nhau, không phân biệt được vì thân xác đã biến thành những mảng da thịt thiêu cháy, thân thể tách rời...
Chúng ta đã học được gì từ những tan hoang ? Đổ nát ? Hay chỉ nhìn thấy máu chưa kịp khô đã liền đổ nữa ?
Và bởi con người trì trệ, trơ trơ...nên những ca khúc, văn chương phản chiến cần phải có để làm cho chúng ta thức tỉnh và đưa tâm hồn chúng ta có thêm hy vọng và cuộc đời có thêm ánh sáng. Bởi cái đích của văn nghệ là nhắm đến Chân Thiện Mỹ cần phải vươn tới, dù có thể ngã gục giữa đường.
Ngã gục vì dường như con người càng thông minh thì càng gian ác, bạo tàn. Trí thông minh mà thiếu lòng nhân ái thì chỉ mang đến huỷ diệt.
***
Sau cuộc thay đổi của đất nước, Trịnh Công Sơn đã ở lại. Tất cả những hứa hẹn, những mời mọc ân cần từ các nơi trên thế giới, Nhật, Canada, Hoa kỳ... anh đều từ chối và chấp nhận gắn bó với quê hương mà anh đã sinh thành và lớn lên, dù có khi chính quê hương ấy đã gây cho anh nhiều hệ luỵ và đớn đau, mất mát.
Và chính sự ở lại này đã mang lại cho anh nhiều tiếng khen chê. Trước những bình phẩm ấy, anh chỉ yên lặng, hoặc vỏn vẹn trả lời bằng hai chữ “ thôi kệ” như mỗi khi có ai lừa gạt hay làm anh phật ý. Thái độ sống của anh, ngoài bản chất nhân ái hiếu hoà, còn đứng trên mọi khôn dại toan tính đời thường.

Trịnh Công Sơn đã được người yêu và bị người ghét. Nhưng dù muốn dù không, một vị trí đặc biệt trong trái tim của họ đã bị anh chiếm giữ, bởi ca từ của anh, bằng cách này cách nọ đã thấm sâu vào cái mầm thiện trong lòng họ. Vì thế, kẻ chống, người theo, khi riêng mình vẫn nghe hay hát nhạc Trịnh.
Chính điều này đã minh chứng là ca khúc của anh đã vượt lên trên lòng thù hận.

Trong tiếng hát âm vang của các bạn đến từ khắp nơi trên nước Ý, có người lặn lội từ Thuỵ Sĩ, Pháp, Đức hay từ tận Canada xa xôi... tôi nhìn khắp khán phòng. Tôi cố ghi lại trong trí những khuôn mặt của họ và đối chiếu với ngày vừa đặt chấn đến sân bay Fimumicino bao nhiêu năm truớc.
Bước đi của thời gian vô hình hơn 30 năm qua cũng dễ dàng thấy được, qua những sợi tóc trắng đã chiếm đa số trên mái đầu của bạn bè, đây là những đổi thay không bao giờ trở lại.
Năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu dòng nước đã chảy dưới cầu, trên đó dấu chân tình yêu đã đi qua cùng những khắc khoải của chiến tranh. Những đứa bé ngày xưa giờ trở nên chững chạc. Những thiếu nữ ngày nào đã trở thành thiếu phụ và những nấm mộ bây giờ cỏ đã xanh xao... tất cả bốn thế hệ đã và đang hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn ; Còn những bài ca chống chiến tranh, đó đây vẫn vang lên những tiếng ngân căm phẫn và tuyệt vọng vì thế giới đã chứng minh là chiến tranh không bao giờ chấm dứt.
Cảm ơn chị Sandra mà Thư viện Trịnh Công Sơn đã được ra đời
Đây cũng là lần đầu tiên tài sản âm nhạc của một nhạc sĩ Việt Nam được lưu giữ tại một thư viện riêng mang tên chính mình. Nhân dịp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trao tặng Giải thưởng Âm nhạc Hòa bình Thế giới,


Trương Văn Dân
Thành viên sáng lập QTT người Việt tại Italia

Bài viết nhân ngày giỗ năm thứ hai Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn do Quỹ Tương Trợ Người Việt tại Italia tổ chức hai buổi sinh hoạt văn nghệ, ngày 29-05-2003 tại Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam (CSV-Centro di studi vietnamiti - TORINO) và ngày 31-05-2003 tại Cavaion Veronese, thuộc thành phố Verona, nơi phát xuất chuyện tình lãng mạn của Romeo và Giulietta.
Buổi họp mặt có sự tham gia đóng góp, cộng tác của chị Sandra Scagliotti người đã sáng lập Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam,(CSV) các bạn Việt kiều vùng Torino, Brescia, Bergamo, Verona, Mantova và các bạn Việt Nam sinh sống tại Pháp (Lyon, Paris), ca sĩ Thái Hoà đến từ Canada và anh bạn người Đức Frank Gerke
Ý tưởng thành lập Thư viện Trịnh Công Sơn là của chị Sandra Scagliotti và được những anh em trong Quĩ tương trợ người Việt tại Ý hết lòng hổ trợ.
Thư viện Trịnh Công Sơn tại Ý sẽ phối hợp chặt chẽ cùng gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các bè bạn tại VN, các hội đoàn và tổ chức văn hóa yêu mến Trịnh Công Sơn ở các nước để thực hiện việc lưu trữ, dịch thuật, phân loại, đánh giá về gia tài âm nhạc và con người của Trịnh Công Sơn, phục vụ công chúng và giới sinh viên, các nhà nghiên cứu ở nước ngoài.
Thư viện Trịnh Công Sơn là một phần của Trung tâm văn hóa Việt - Ý do chị Sandra Scaglotti, làm Giám đốc. Hiện nay Trung tâm đã có một thư viện Việt Nam với khoảng 5000 cuốn sách viết về Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, chủ yếu do cá nhân chị Sandra và bạn bè sưu tập từ suốt mấy mươi năm qua.
 Quỹ tương trợ người Việt tại Ý -  Là tổ chức của người Việt tại Italia , được thành lập (2002) bởi sự gợi ý của 6 sáng lập viên nhằm qui tụ người Việt định cư tại Ý với mục đích hướng về quê hương. Hoạt động chủ yếu trong 3 lãnh vực : Từ thiện, văn hoá , xã hội
Tính đến 2010 thì QTT đã cấp khoảng 1000 học bỗng cho các học sinh, sinh viên nghèo ở Việt Nam, đã xây dựng lại trường Tây Thuận ( Tây Sơn, Bình Định) bị đổ nát vì bão lũ và đóng góp hơn 300 triệu đồng cho các công tác từ thiện khác ( cứu trợ bão lụt, giúp trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật...)

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn Anh Dân. Bài viết của anh hay quá. Tôi đã nhiều lần muốn viết về người nghệ sĩ tài hoa,"ma quái" này nhưng đành chịu. 4o năm trước thì tôi còn nhỏ, nghe những Biển nhớ, Diễm xưa... cứ thấy hay hay vậy thôi, còn lời bài hát thì có khi chẳng hiểu gì cả thế mà cứ khen hay. Rồi đến khi học Đại học( trước 1975) thì lại thích những loạt bài như Đại bác ru đêm, Nối vòng tay lớn, Huế - Sài gòn - Hà nội...mấy bài nhạc phản chiến mà lũ trẻ mới lờn như tụi tui rất khoái. Giờ nghỉ hưu rồi nghe NHẠC TRỊNH nó thấm trong ruột, trong gan mình, hình như nỗi lòng mình từ tình yêu, thân phận con người, cuộc sống, tu hành ... hình như TRỊNH biết hết, nói hết. Cho tới bây giờ và chắc còn lâu lắm nữa tôi vẫn còn thích nhạc TRỊNH. Nhưng hỏi vì sao? xin thật thà mà trả lời rằng " Tôi hổng biết"!
    Nguyễn Đình Thi.

    Trả lờiXóa