Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Hiện
Chim Phượng ở Thiên sơn là một trong những truyện ngắn trong tập KHÚC RỌ RƯA của Thầy Nguyễn Thanh Hiện, Thầy dạy Văn – Triết lớp 68 – 75 Trường Trung Học Quang Trung Bình Khê. Thầy đã cho phép KHÚC RỌ RƯA được đăng trên Quang Trung Bình Khê, thật là một khích lệ lớn lao cho lớp học trò nhỏ của Thầy ngày xưa.
Đây không không phải con phượng hoàng người ta thường nói . Vì chim vốn là cô gái đưa đò ở sông Cát , con sông ngăn cách Lâm Thượng với rừng núi Thiên Sơn . Khách sang đò hầu hết là những người đàn ông đi buôn trầu . Họ mua trầu ở các làng thượng , mang về miền xuôi bán . Trầu ở rừng núi Thiên Sơn tươi tốt quanh năm . Nên ngày nào cũng có khách buôn trầu sang sông . Tương truyền cô gái đưa đò ở sông Cát là người tài sắc . Ai sang sông một lần đã thấy yêu mến cô ngay . Có một năm trời bỗng nắng hạn . Sông Cát khô cằn. Con đò đành úp lên bãi . Cô gái lén lút làm nghề buôn hương bán phấn để sống qua cơn nắng hạn . Chẳng mấy chốc đã thành thói quen . Từ đó, chuyện đưa đò chỉ là phương cách đón khách làng chơi . Tiếng đồn đến tai tri huyện Thiên Sơn . Ông liền mở cuộc công du vùng tây nam huyện . Quả nhiên ông ta cũng thấy chết lòng trước một sắc đẹp trời ban . Lập tức quan huyện sai lính băm nát con đò. Rồi lệnh :
- Hãy rời bỏ bến sông này , để về với ta thôi .
Cô gái đáp liền :
- Em nay như chiếc lá bị dập vùi . Nên rất sợ rơi vào tay ai từng dính máu người .
Chẳng dám làm kẻ tiểu tâm trước đám thương khách , quan huyện đành nuốt hận quay về .Chỉ mấy bữa sau , chức sắc địa phương nhận được tờ lệnh như sau :
" Tri huyện Thiên Sơn truyền cho lý trưởng Lâm Thượng làm các việc : một là xem xét sổ bộ , coi thử xuất thuế thân của người đàn bà đưa đò chỗ sông Cát đã thu đủ chưa . Nếu chưa , thì phải truy thu cho đủ . Hai là báo cho thị biết , kể từ nay mức thuế thân của nó không phải như những người làm ruộng , đốt than . Mà phải chiếu theo mức kiếm được hàng ngày của thị, mỗi năm nó phải nộp cho nhà nước ngàn quan thuế thân, trăm quan thuế đò".
Xem xong lệnh , lý trưởng Lâm Thượng toát mồ hôi . Vì tính ra, mức thuế thân của cô gái đưa đò gấp ngàn lần so với những người đốt than hay làm ruộng .
Trong đám khách buôn trầu có một người đem lòng yêu cô gái ấy từ lâu . Anh vẫn khăng khăng trong lòng là trước sau gì cũng thuyết phục được cô gái bỏ nghề đón khách, về sống với mình như bao đôi vợ chồng khác . Giữa lúc đám thương khách tất tả bán buôn , thì anh lặn lội vào rừng tìm tre ngô với khối đèn ( dầu rái ) . Chỉ trong mấy hôm , bến nước cũ đã có một con đò mới thay cho con đò bị băm nát hôm nào . Anh thương khách đa tình lại tiếp tục ngồi lặng lẽ bên mái chèo của cô gái để sang sông .
Phải tăng khách làng chơi lên ngàn lần mới đủ tiền nộp thuế cho quan trên . Cô gái đưa đò tàn tạ đi thấy rõ . Anh thương khách trẻ tuổi đau đớn trong lòng , nhưng chẳng dám chia xẻ với ai . Trên đường đi mua trầu , anh nghĩ ra cách lượm trái ư , trái gắm . Để mang về xuôi bán cả trầu xanh lẫn trái rừng . Rồi mang cả muối, vải với cá khô trở lên núi . Tiền lời kiếm được là để góp vào xuất thuế thân của cô gái . Nhưng chẳng ăn thua . Cô gái cứ tiếp tục tàn tạ đi . Đã thành tính trời , nên rất khó đổi . Cô gái vẫn ngày đêm lặn ngụp trong đám khách thương hồ .
Năm đó tri huyện Thiên Sơn bước sang tuổi năm mươi . Tức tuổi hồi xuân . Chợt nhớ người con gái tài sắc dạo nào , ông liền mở cuộc công du về vùng núi Thiên Sơn . Và lần này thì giả làm khách buôn trầu để được ung dung ngồi vào khoang thuyền của kẻ từng làm ông mê đắm . Nhưng vừa đặt chân đến bến nước cũ , ông cảm thấy như trời nghiêng đất lở . Cô gái tài sắc thuở ấy giờ như một xác ma đang ủ rũ cầm chèo đứng đợi khách sang sông. " Ta đã ngu dại để mất em ". Vừa đau đớn nghĩ , ông vừa cùng đám khách buôn bước lên đò. Rồi chẳng hiểu vì sao , quan huyện rút phăng cây gươm từ gói hành lý , chém sả vào cô gái đưa đò . Một cánh tay rụng xuống khoang thuyền . Máu phụt đỏ dòng sông . Nhưng đấy không phải là máu cô gái . Mà của người thương khách đa tình . Dùng cánh tay còn lại, anh xốc vội cô gái , nhảy xuống dòng sông . Bấy giờ là giữa ngọ . Mặt trời đang đứng đỉnh đầu . Nhưng nắng cuối đông còn se lạnh . Anh con trai dìu cô gái cùng bơi về phía bên kia . Bến sông rất lặng lẽ, nên hết thảy những người còn lại đều nghe thấy lời đối đáp của hai người :
- Dẫu đem cả thân xác này đổi lấy sự sống cho em , anh cũng phải làm. Thì sá chi chỉ mất mỗi cánh tay .
- Nhưng em là đứa bán phấn buôn hương, đâu xứng với tình yêu cao cả của anh . Dẫu thay kiếp khác , em cũng sẽ mãi mãi là con chim phượng giang hồ. Nhưng em vẫn mãi yêu anh .
Bỗng mọi người đều sững sờ trước điều kỳ lạ : Một đám mây ngũ sắc từ đâu sà xuống hai người . Thoắt cái , chỉ thấy còn lại mỗi anh con trai vừa bơi , vừa giơ cánh tay còn lại lên , gào lớn :
- Con chim phượng của ta !
Đám mây chợt tan mất . Và một con chim phượng đỏ thắm hiện ra trên bàn tay của người khách thương tuổi trẻ .
Tháng 02.1994.
Đã lâu, tôi có mua được tập truyện ngắn Khúc Rọ Rưa. Chuyện con chó Phoc, Chuyện ông Đạo rau, Chuyện anh Thầy thuốc gì đó ... Đọc bài nào cũng thấy đất ngửa trời nghiêng. Tiếc là tập truyện đã chu du đâu đó không về lại. Nay được đọc lại Chim Phượng ở Thiên sơn. Hay quá là hay.
Trả lờiXóaLực lượng viết bài ở Bình Định của mấy bạn đâu có thua ai. Trang web của mấy bạn được lắm.
Ở đây tôi thấy đôi tay của người khách thương rõ nét hơn.
Trả lờiXóaĐôi tay đan lát lại con thuyền cho cô gái. Đôi tay hái từng trái gắm rừng để góp vào suất thuế thân cho kẻ bị dập vùi. Đôi tay che chắn lưỡi gươm hằn thù ti tiện ... Chỉ những đôi bàn tay ấy mới nâng niu được con chim phượng. Con chim phượng dù đã như chiếc lá bị dập vùi vẫn không muốn kề cận, rơi vào tay kẻ dính máu người.
Bài viết đã in thành sách mà nay mới được đọc. Ôi chao !
Có bàn tay cũng nên nêu ra :
Trả lờiXóaBàn tay băm nát con thuyền, đập bể nồi cơm kẻ nghèo để bức họ về với mình.
Bàn tay ký tờ lệnh truy nâng thuế thể hiện hằn thù kẻ không chịu về với mình.
Bàn tay vung kiếm muốn xóa dấu tích mà mình đã làm cho tàn tạ.
Truyện viết ngắn, mà đọc xong không thấy ngắn.
Cô gái đưa đò bến sông Cát ngày đêm lặn ngụp trong đám khách thương hồ, bị dập vùi, tàn tạ, chịu đựng. Nhưng trong cô là tấm lòng son, là màu đỏ thắm của con chim Phượng trên tay người khách thương tuổi trẻ.
Trả lờiXóa