Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

THẦM LẶNG

VỀ QUÊ ĂN TẾT                            
TruongNghi
                                                 

Ai xa xứ cũng đều muốn có mặt ở quê 3 ngày Tết. Tết Nguyên Đán là ngày đoàn tụ gia đình. Dù đang ở chân trời góc biển, dù đang sống nơi phố thị phồn hoa, Tết đến, có cái gì đó thôi thúc trong lòng người xa xứ phải về quê. Về ăn Tết ở quê …
Về quê ăn Tết, một chút ấm cúng không khí gia đình rồi phải hối hả đi thăm bà con láng giềng, họp mặt thầy cô, bạn bè … Thế mà đã kỳ họp mặt thứ 22 !  Rồi tất bật với công việc phải quay lại Saigon. Quay cuồng với hối hả, cả tuần nay mới ngồi lại viết đôi dòng.
Nhớ năm nào cô bạn nhỏ tâm sự về năm đầu tiên phải ăn Tết Saigon thời thập niên 70, 80 sáng mồng 1 ra ngồi vỉa hè, ước gì có được chuyến xe về quê ăn Tết muộn. Về được đến quê, nếu có  gặp ngay người lâu nay ghét cay ghét đắng đi nữa cũng ôm chầm lấy mà cười như pháo Tết ! Cái thôi thúc của quê hương sao mà lạ, nó mang cả sự bao dung, hiền dịu đến cho con người. Nơi phố thị dù cũng có láng giềng, dù cũng có niềm vui gặp gỡ, thăm hỏi nhau 3 ngày Tết, nhưng cái ý tưởng ăn Tết ở quê thôi thúc phải đi, phải về … con người chấp nhận quần quật với cái hối hả của cuộc sống.
Năm nay về quê ăn Tết, cuộc sống ruộng đồng làng quê miền Trung hình như cũng bị cái hối hả lấn chen. Năm ngoái đến thăm một nhà quen, cô con gái chủ nhà niềm nở mời “chú dùng với cháu miếng mứt gừng riêm ấm bụng …”, năm nay đến nhà chỉ toàn bánh mức công nghiệp, cô cháu gái ở thành phố cũng chỉ kịp về hôm 28 tháng chạp. Các loại bánh ăn chơi 3 ngày Tết thuở xưa đòi hỏi sự kỳ công làm nên đã vắng bóng lần. Bánh mè, bánh tai yến, bánh thuẫn, bánh bò … của đất Bình Định hình như không còn thấy hiện diện trên đĩa bánh Tết. Đĩa bánh Tết ngày xưa không những để ăn chơi mà còn thể hiện sự khéo tay của người con gái trong gia đình. Sự kỳ công trong bánh trái tạo nên nữ hạnh, nữ công hình như nay đã không còn cần thiết trong cuộc sống xô bồ, hối hả … Khái niệm nữ hạnh, nữ công cho rằng không cần thiết nên đã có vài cô gái thản nhiên mặc quần soóc đi giữa làng quê giống như đi giữa đường phố Saigon. Cũng thật lạ, cái gì ở phố phố chê thì mang về làng biểu diễn, cái gì ở làng làng chán thì mang ra phố khoe khoang. Khoe cả cung cách ngồi ghếch cả 2 chân lên bàn mặc nơi đó là hàng quán hay công sở.
Tết ngày xưa qua diễn tả của cụ Tú Xương :
Công đức tu hành, Sư cũng lọng
Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe
(Năm mới)
Hình như thời buổi nầy cũng chẳng khác gì thời cụ Tú 100 năm trước. Cái gì khoe được cứ mang ra khoe. Ngày thường còn khoe được huống chi 3 ngày Tết. Có ai cùng nghĩ rằng sự khoe khoang là đầu mối hám danh hám lợi để rồi đẻ ra nhiều tệ nạn khác, đẻ ra nhiều nguy hại khác cho xã hội !? Lễ khai ấn Đền Trần, giẫm đạp lên nhau để mua cho được lá ấn Đền Trần đêm rằm vừa rồi ở Nam Định không còn là đức tin dân gian nữa mà đã “hiện đại hóa, cụ thể hóa” tính cách hám lợi, hám danh.
Cũng may, đây đó còn có những người thầm lặng làm được những gì cứ làm cho những người chung quanh. Năm nay cùng về ăn Tết ở quê, Lê văn Giai, người bạn học cũ  hiện là Bác Sĩ Trưởng Khoa của một bệnh viện ở Biên Hòa, cũng như mọi năm, mồng 3 Tết khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nơi mình đã cắt rốn, chôn nhau - Mỹ Thạch, Bình Tân, Tây Sơn, Bình Định. Gọi là gì cũng được, cứ xem như là sự tri ân với quê hương, cứ xem như một việc làm khi về quê ăn Tết .
 Một công việc thầm lặng chắc chắn là không vì lợi, vì danh …

Mồng 3 Tết Tân Mẹo   -   05 / 02 / 2011


4 nhận xét:

  1. Thời đại công nghiệp,cuộc sống hối hả,người người bận bịu kiếm tiền,lo toan...thời gian cũng dưa vào lập trình,quy định đến từng giờ vậy lấy đâu ra thời gian giã bột ,phơi sương,tán đường làm bánh hở bạn?lấy đâu ra quỹ thời gian để thể hiện nữ công gia chánh? may ra chỉ còn ở người già,các cụ hưu trí,những người ở quê không còn sức bươi chải, bon chen.Bánh mứt công nghiệp là sự phân công xã hội mà lị

    Trả lờiXóa
  2. Theo đường dẫn bên Non Nuoc Binh Khe qua đây. Thấy các bạn mới thành lập mà đã có những bài viết, những comments hay hay.
    Bánh mứt công nghiệp là sự phân công xã hội. Nhưng bánh mứt xưa là chỗ để đào tạo nữ công. Nghĩa là nơi nhào từng cụt bột, khơi từng ánh lửa để hình thành nên nữ hạnh. Có thể chẳng cần biết làm bánh mới có được nữ hạnh. Nhưng cần phải sợ nữ hạnh hiểu theo thời đại công nghiệp.
    Chắc anh TruongNghi sợ cái thầm lặng nầy sẽ phá hủy lớp trẻ. (Anh TruongNghi cho biết ý kiến ?). Tôi hiểu vậy vì thấy anh đưa ra một việc làm thầm lặng khác của bạn anh, việc làm mà tôi thấy rất có ý nghĩa.
    Trang blog của các anh thầm lặng nhưng đáng hoan nghênh.
    Tôi sẽ vào đọc nhiều. Cám ơn các anh nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Dear GiaHung,

    Viết cho mọi người đọc, mỗi người đọc có một cảm nhận riêng. Trân trọng từng cảm nhận của mỗi người. Ý kiến của TruongNghi là vậy.

    Có thể chẳng cần biết làm bánh mới có được nữ hạnh.
    Chắc bạn định nói : Có thể chẳng cần biết "phải" làm bánh mới có được nữ hạnh.

    Thanks

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn anh TruongNghi đã đọc rõ ý trong cách viết sơ suất của Gia Hưng.
    Cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa