Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

NHỚ BA


        Năm tôi được hai tuổi, ba đi làm cách mạng, mẹ dẫn anh em chúng tôi về ở với bà ngoại. Nhà ngoại tôi ở thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú ,quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, nay là huyện Tây Sơn, Bình Định.

        Khoảng năm 1966, khi mới 7 tuổi, tôi được mẹ dẫn vào Xuân Lộc tỉnh Long Khánh thăm ba tôi. Mẹ và tôi được một người dẫn vào rừng. Tôi nhớ lúc đó ba đã đứng chờ sẵn. Ba đã ôm tôi vào lòng rồi ngồi im lặng với ánh mắt buồn và ẩn chứa điều gì đó, còn tôi thì ngơ ngác nhìn ba, mẹ khóc. Hình ảnh đó đến bây giờ tôi vẫn nhớ.

       Cha mẹ và tôi ngồi trong rừng có rất nhiều cây lá bên một con suối nước đang chảy róc rách… Sau đó ba dẫn mẹ và tôi về nhà. Nhà của ba có rất nhiều người cùng ở chung. Sáng hôm sau tôi vừa thức dậy đã được các chú cho một hộp bánh ngọt. Sau này tôi mới biết nhà đó là căn cứ cách mạng, bánh ngọt mà tôi ăn, được dân cho các chú.

        Mẹ và tôi ở đó ít ngày. Một hôm ba dẫn mẹ và tôi theo đoàn người rời căn cứ đi sâu vào rừng, tôi chỉ nghe loáng thoáng là tránh giặc lùng. Đêm đến, tôi được ngủ võng với ba còn mẹ nằm võng bên cạnh, ôi sung sướng làm sao…! Hai, ba hôm sau chúng tôi trở về chỗ cũ, nhà cửa, rau, mì, vẫn còn nguyên vẹn, giặc đi càn nhưng chưa đến đây.

        Lạ thật, thời kỳ chiến sự ác liệt, mà sao tôi thấy ba vẫn tiễn mẹ và tôi ra tới đường lớn tráng nhựa. Khi mẹ con tôi lên xe, ba vẫn đứng nhìn theo xe chạy cho đến khi không còn thấy nữa.Trước khi tiễn mẹ và tôi ra thành, ba chỉ đổi có đôi dép râu thành đôi dép da và thay bộ đồ trong rừng bằng áo sơ mi trắng, quần tây dài và bỏ áo trong quần đàng hoàng. Như thế, ba có thể tự do, đi ra tới đường mà không gặp trở ngại gì.

        Kể từ hôm đó, tôi xa ba tôi mãi mãi…

        Mẹ dẫn tôi trở về nhà ngoại. Thôn Phú Mỹ giàu có, nhờ dân chúng ở đây siêng năng làm rẫy trên núi, trồng chuối và đu đủ, nhà mái ngói san sát, cây trái sum suê. Thôn nằm lọt ở giữa, xa xa chung quanh thôn đều có đồi, núi. Vòng quanh thôn là một nhánh của con sông Kôn chảy giữa những cánh đồng lúa phì nhiêu. Ngoài ra còn có hai cái đập là đập Kiền Kiền và đập Hầm Hô. Nghe nói đập Kiền Kiền do tổ tiên của họ Võ thời Tây Sơn đào đắp.

        Dưới Bến Đồn bên sông Kôn có một hòn đá to gọi là hòn đá voi, dưới nữa là thác có hòn đá bàn. Thời thơ ấu mẹ thường dẫn tôi đến hòn đá bàn này để giặc quần áo. Tôi vẫn thường thấy mẹ ngồi lặng lẽ khóc một mình ở đây.

        Mẹ thăm ba rồi trở về nhà ngoại, chừng một năm sau, thì bị bệnh, mất.

       Trong thời kỳ giặc giã, thôn Phú Mỹ cũng tương đối yên lành hơn so với những nơi khác. Thường thì lính bắn pháo vào trong núi lúc ban đêm, còn trong thôn thì ngày là của “Quốc Gia” đêm là Cách mạng. Ban ngày dân sống với lính, đến chiều thì lính rút ra thị trấn Phú Phong, “nhường lại” cho bộ đội về thôn, dân ở đây đã sẵn sàng nào gạo, muối, đưòng, sữa, thuốc tây tiếp tế cho bộ đội.

      Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, dân thôn Phú Mỹ cũng bắt đầu đi lánh nạn, phần lớn bồng bế nhau vào trong núi đào hầm để trốn đạn, một số chạy ra quốc lộ 19 để tản xuống Qui Nhơn.

     Bà cháu tôi cũng chạy theo họ vào núi. Anh tôi cõng bà ngoại còn tôi gánh hai thùng gồm gạo, bột mì, quần áo và những đồ linh tinh khác để dùng. Khi tôi gánh chạy vừa qua khỏi dốc Phóng, anh tôi cõng bà ngoại tôi vừa xuống khỏi dốc thì một quả đạn pháo nổ trên dốc, hú hồn bà cháu không sao! Bụi đất bay mù mịt. Tôi nghe tiếng niệm Phật của bà tôi càng dồn dập. Một vài quả pháo khác nổ nữa nhưng xa hơn quả trước, ba bà cháu núp ở dốc Phóng tới xế chiều mới đến đựoc ở Hòn Giữa.

       Ở đây khoảng một tuần thì về nhà, đã thấy có bộ đội và du kích rải rác ở trong thôn, nhà cửa trong thôn không có hư hại gì nhiều. Riêng nhà ngoại có cây xoài trước nhà bị trúng đạn pháo toác ra và gãy một phần nhưng nó vẫn không chết, sau này ra trái rất nhiều. Tiếp vài ngày nữa là 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng Sài Gòn, Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước. Điều mà cả dân tộc Việt Nam mơ ước suốt hai mươi năm, nay đã thành hiện thực, mọi người dân trong thôn tôi đều hồ hởi, phấn khởi mừng chảy nước mắt. Bộ đội ở đây đã tổ chức các buổi sinh hoạt với thanh niên nam nữ, đêm nào cũng tập trung ca hát, diễn văn nghệ, chiếu phim công cộng trên bãi đất trống để cho đồng bào xem.

       Cuộc sống những ngày sau đó là bắt đầu sự trông chờ. Bà ngoại tôi chờ con trai là cậu Sáu tôi đi tập kết sẽ về và con rể là ba tôi ở miền Nam sẽ có tin tức, còn tôi trong lòng rất nôn nóng muốn gặp ba ngay. Nhưng chờ hoài… vài tháng rồi gần một năm, ba tôi vẫn chưa về !

       Riêng câụ tôi, vài tháng sau gải phóng, cậu đã về nhà thăm ngoại, qua hai mươi mốt năm xa cách, mẹ con mới được gặp nhau, mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc. Tôi lúc đó mới mười sáu tuổi và cũng lúc ấy, mới biết mặt cậu tôi lần đầu. Thấy bà và cậu ôm nhau khóc, tôi cũng ngỡ ngàng khóc theo.

      Không riêng gì tôi, thôn tôi có biết bao người đang chờ người thân, có cô chờ chồng, có em chờ anh, có người chờ bạn…

      Vào một buổi chiều của một ngày nắng vàng rất đẹp có một người lạ đến nhà ngoại tôi, nhìn ông, tôi cứ ngỡ là bạn cùng chiến khu với ba tôi… Thế nhưng, tôi đã khóc rất nhiều… Bóng hoàng hôn rồi cũng khuất dần vào núi, ngày mai, bình minh lại lên, nhưng tôi biết ba mãi mãi không về thăm tôi được rồi…

      Sau này, khi lớn lên anh em tôi mới đi tìm hài cốt của ba nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm đươc, chỉ biết rằng ba tôi đã bi địch bắt và bắn chết tại rừng Long Khánh.

      Nay đã ba mươi năm sau ngày giải phóng đất nước, nhưng ba tôi vẫn chưa về thăm quê hương, và còn biết bao nhiêu người đã ngã xuống mà chưa được về nhà…

Bài đã được đăng trên báo Quân đội nhân dân số 15777 thứ tư ngày 30-3-2005
Xà Thị Ngọc Nhung
Khóa 9 QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét