Sương mù, café và tôi. Ở Daknong lúc nào cũng
vậy, 6 giờ sáng là tôi thả bộ ra quán. Đi sớm để chọn chỗ ngồi gần cửa sổ sát
đường, để ngắm nhìn cho thỏa mắt và nhất là để tắm sương. Tôi nói tắm sương không
sai đâu, sương đặc như sữa sa xuống như mưa phùn, cứ ngồi im một lúc thì tóc và
vai áo phía sát cửa sổ sẽ lấm tấm ướt. Tôi thích cái cảm giác thỉnh thoảng rùng
mình vì lạnh nơi này đã làm tôi nhớ: nhớ Pleiku, nhớ Sa Thầy, nhớ Chư Pah, nhớ
cả Kon Tum, Dak Tô…
Tôi hào phóng độ lượng: nghiêng người ra mái
hiên để đón nhận những nàng sương vội vàng tìm nơi trú ẩn, dĩ nhiên còn nơi nào
ấm hơn tóc và áo tôi (?) cả bàn tay tôi nữa cũng xòe ra hứng lấy những anh
chàng sương trẻ tuổi như lũ học trò nghịch ngượm chen lấn bổ nhào xuống tay tôi
đang sẵn lòng chờ đón. Cửa sổ, bàn, ghế, café… nhìn sương, tắm sương tôi vui một
mình.
8 giờ nắng bắt đầu lên, yếu ớt, chậm chạp buồn
rầu… Ông mặt trời uể oải chẳng buồn thò tay ra khỏi chăn, Ông cũng chẳng cần
quan tâm những tia nắng này có xuyên thủng được lớp sương dày đặc như bông ở
phía lưng đồi kia không. Bắt đầu từ tháng này đến Tết là Ông cứ ngủ nướng, cứ từ
từ 9 hay 10 giờ thức dậy cũng chẳng ảnh hưởng đến ai, vì đã có con gà rừng phải
nhớ bổn phận gáy đúng giờ. Nó có nhiệm vụ: gọi cỏ cây thức giấc, gọi những nụ
hoa chuẩn bị mở mắt vươn vai, gọi nhú măng đội những chiếc lá tre khô
vươn lên mặt đất, gọi chim chóc rời tổ đi tìm mồi… gọi tôi đưa tay mở cánh cửa
khu rừng ngày cũ:
Những đôi mắt tròn xoe, đen láy mi dày đứng
giữa tinh mơ: thật thà ôm con gà mái rừng non tơ trao cho tôi để đổi lấy một
chén muối Iốt. Có khi là nụ cười vô tư rụt rè khoe hàm răng khói thuốc chìa cho tôi một gùi củ Sâm rừng mà chỉ nhận một con cá khô xẹp lép vào cuối
chiều khi lá trên cây bắt đầu đi ngủ.
Ái ngại nên tôi nói:
- Lấy thêm vài con cá nữa đi bạn.
- Không được, Tao đưa mày một (gùi Sâm) thì Tao lấy một (con cá) thôi chớ.
Đưa
cánh tay đen nhẻm chỉ gùi Sâm, Bạn nói thêm:
- Đi rừng ăn cái này không khát cái nước, không đói cái bụng, không mỏi cái
chân đó.
Lúc ấy tôi chưa hiểu hết cái giá trị của gùi
Sâm rừng này và chẳng biết làm gì với chúng, mang về thị xã cho mỗi người một
ít mà dường như ai cũng dửng dưng như tôi. Giá mà lúc này có được một gùi sâm
Ngọc Lĩnh ấy nhỉ.
Nhớ và thương quá đỗi… tôi mơ:
Mơ được một ngày gặp lại những đôi mắt đen
tròn hoang dại và nụ cười rừng rú xưa cũ ấy.
Mơ được một lần hạnh phúc nắm chặt tay những
chị nàng xà rông ngây ngô, những anh chàng đóng khố man dại của tôi.
Mơ được một khoảnh khắc sống cùng những thật
thà nơi trùng trùng điệp điệp chốn này…
Rú yêu ơi!
Mona
Khóa 5 QuangTrung
BinhKhe
Thích lắm, bài ngắn, gọn nhưng mô tả được cảnh vật và con người ở Tây nguyên rất yêu quí, chân thật, bây giờ những năm của 2000 này có lẽ không còn như thế nữa rồi, tiết thậy, . . .
Trả lờiXóaBài viết đọc thấy thích thú phải không Trung.
XóaCủa em gái út người Thầy đa tài Nguyễn Đình Lương đó...
Sư huynh nhắc mới nhớ, nghe nói Út PP có một thời sống ở Tây Nguyên, hèn chi quá chan hòa với đất và người ở đó, bye sư Huynh./.
Xóa