Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

OKTOBERFEST SÀI GÒN


Bài Oktoberfest Sài Gòn tôi viết cách nay 9 năm, sau khi tham dự lễ hội tại khách sạn Equatorial ở Sài gòn. Nhưng đó không phải là lần đầu tiên tôi dự Oktoberfest, mà phải tới lần thứ 5, thứ 6 gì đó rồi, cũng chỉ lẩn quẩn ở Sài gòn, và 1 lần ở Cần Thơ. Vì có giao dịch với các doanh nghiệp Đức, nên được mời, vậy thôi, và mỗi lần đi đều mang về 1 vại bia bằng sành sứ làm kỷ niệm. Năm nào cũng đi, nên tôi chứng kiến những đổi thay trong mỗi mùa Oktoberfest, năm sau đông hơn năm trước, gần gũi hơn, nhộn hơn...

Những năm sau này, Sài gòn tràn ngập lễ hội Oktoberfest, khỏi cần tới Lãnh Sự quán Đức bảo trợ nữa. Các hotel lớn ở Sài gòn đều mở hội bia. Oktoberfest đã được thương mại hóa, cơ hội kiếm tiền mà, cũng vại bia, xúc xích, cũng nhảy múa,… Nếu hồi trước, đi dự lễ hội chỉ có mấy bà mấy cô là lên đồ, còn khách (mời) đàn ông thì ăn mặc lè phè (informal). Bây giờ khách (hàng) nam nữ đều diện đúng điệu thời trang, nhảy múa cuồng hơn, và thay đổi dễ thấy nhất là khách đã trẻ hóa đi nhiều.

Oktoberfest Sài gòn đã và đang mất dần đi cái chất “Đức”, và người ta vẫn gọi đó là lễ hội bia Oktoberfest, chứ biết gọi là gì bây giờ? Một cơ hội vui chơi, nhảy múa, ăn uống và đẳng cấp (Châu Âu) của giới trẻ.

Đọc lại bài này để thấy một Sài gòn đã thay đổi, tôi gọi đại đó là … “hội nhập”, hay “văn hóa toàn cầu”, những từ thời thượng ở VN lúc này, cũng lại “chứ biết gọi là gì bây giờ?”. Mời bạn đọc chia sẻ cho đỡ… buồn.

(VTT)



Những doanh nhân Đức qua VN làm ăn không quên được Oktoberfest. Hàng năm cứ đến tháng 10, với sự bảo trợ của Lãnh sự quán Đức ở Sài gòn, họ chung nhau tổ chức lễ hội bia tại… khách sạn cho đỡ vã. Vậy mà cũng được 19 lần Oktoberfest Sài gòn, 15 Oktobefest Hà Nội, và 9 ở Cần Thơ (tính đến năm 2005).

Tham gia lễ hội không chỉ có người Đức, họ mua vé mời cả bè bạn, nhân viên, khách hàng, đối tác người Việt để cùng chia sẻ đôi chút về  lễ hội  bia Oktoberfest với họ, các món ăn truyền thống, nhạc đồng quê, vũ điệu và nhất  là “giãn stress theo kiểu… Đức”.

Lịch sử kể, ông hoàng Ludwig xứ Bavaria cưới công chúa Theresa xứ Saxonia vào ngày 12 tháng 10 năm 1810. Ông hoàng “chịu chơi” này đã cho tổ chức tiệc cưới để chiêu đãi toàn thể thần dân xứ Bavaria tại cánh đồng Theresienwiese. Dân Bavaria cũng ham vui không kém, khi bia đã… vào, đám cưới trở thành lễ hội với đủ trò đua ngựa, múa hát..., Tiệc cưới thế kỷ này xài tới 40.000 con gà, 80.000 cây xúc xích và 1 triệu… gallon bia (khoảng 4 triệu lít).

Ngày vui khó quên… Tháng 10 năm sau, dân Bavaria lại tổ chức lễ hội “sau mùa gặt để  vừa “tiếp thị” nông sản vừa giải trí với… bia và vui chơi lễ hội. Riết thành quen, hàng năm cứ đến tháng 10 dân Bavaria lại “tiếp thị nông sản”. Chứng “ham vui” dễ lây…, lan dần khắp nước Đức, kéo theo hàng triệu du khách “ham vui” khắp thế giới. Người ta xem tiệc cưới ông hoàng Ludwig là Oktoberfest!

Nếu “niềm vui bia bọt” cứ đều đều, thì tính đến nay là Oktoberfest lần thứ 191. Nhưng trong suốt gần 200 năm qua,  24 lễ hội đã  lỡ làng do chiến tranh, kinh tế, nạn dịch... Năm nay, 2005, là Oktobefest thứ 167.

Munich là thủ phủ của bang Bavaria, miền nam nước Đức, là trung tâm văn hoá nghệ thuật lâu đời, với nhiều di tích lịch sử lâu đài, thánh đường xây từ thế kỷ 15. Thành phố của lễ hội bia này đã 2 lần mang dấu ấn buồn bã, lần đầu vào năm 1972, các vận động viên Do Thái bị bắt cóc lúc tham dự Thế Vận Hội tại đây, và lần thứ hai xảy ra vào Oktoberfest 1980, với vụ đặt bom làm 13 người chết. Bang Bavaria còn nổi tiếng về… ”bia”, với hơn 300 cơ sở sản xuất bia theo kiểu truyền thống. Và gần đây, Bavaria nổi tiếng như…”cồn”, vì là quê hương của giáo hoàng Benedict XVI, mới đăng quang hồi tháng tư năm nay.

Năm 2003, chỉ trong vòng 16 ngày, hơn 2 triệu du khách từ Âu, Á, Mỹ ,Úc… kéo nhau về Đức để tham dự lễ hội bia Oktoberfest, tổ chức hàng năm từ hạ tuần tháng 9 lai rai cho đủ 16 ngày, tới thượng tuần tháng 10.

Lúc này đây (năm 2005), dân Đức đang ngất ngưởng với Oktobefest lần thứ 176.

Và cũng lúc này đây (năm 2005), dân Sài gòn, cùng với những ông Tây bà đầm xa xứ cũng đang ngất ngưởng với Oktoberfest Sài gòn lần thứ 19

Quả là ngày hội dành cho những người… ham vui.

Lễ hội bia ở Đức ngày nay hoành tráng hơn nhiều. Theo truyền thống, bao giờ cũng khởi đầu tại thành phố Munich. Hàng đoàn người trong y phục cổ truyền múa hát, cùng với ban nhạc “áp tải” những thùng bia do ngựa kéo tiến về cánh đồng Theresienwiese. Tại đây, ông thị trưởng sẽ là người đầu tiên dùng búa gỗ đóng vòi vào thùng bia khai mạc lễ hội. Và bia cứ thế… chảy. Mỗi thùng bia có dung tích… 100 lít, còn ly uống 1 lít. Nhiều sinh hoạt văn hoá truyền thống múa hát, âm nhạc, y trang truyền thống không thể thiếu trong lễ hội. Nhiều trò chơi hiện đại cũng góp mặt như bắn súng, ghế quay tốc độ cao,…

Ai đã từng làm ăn giao dịch với người Đức đều hiểu rằng không dễ “mặc cả” với họ. Tính người Đức thẳng thắn, “win-win” và chính xác đến độ khi nào cười, lúc nào nói cũng đều… lập trình. Trong lễ hội ở Sài gòn, chỉ vài ly bia (loại ly 1 lít), cũng đủ làm họ nhảy nhót, leo lên ghế, đứng lên bàn, hò hét, ca hát, ôm vai bá cổ nhau rồng rắn khắp phòng theo điệu nhạc. Họ hồn nhiên như trẻ thơ và mời gọi những người chung quanh cùng giãn stress như họ. Khó lòng cưỡng nổi với không khí cuồng nhiệt như vậy, nếu bạn đã sừng sừng vài ve. Nhân viên người Việt cho dù lúc đó tưởng tượng đến khuôn mặt thừơng xuyên “khó đăm đăm” cuả ông xếp Đức, thì ít ra đôi chân họ cũng bị kích động… nhịp nhàng.

Nhảy nhót chắc là đặc thù của oktoberfest Sài gòn do tổ chức ở sảnh đường hotel nên thiếu không gian, chứ tôi nghe bè bạn Đức nói, nhảy nhót trên bàn là điều cấm kỵ tại Oktoberfest Munich.  Còn vài thứ cấm kỵ khác nữa, chẳng hạn, không được tán tỉnh những phụ nữ mặc bộ áo quần truyền thống mà cái "tạp dề“ thắt nơ về phía bên phải (đây là những người có chồng), nhưng tha hồ tán tỉnh mấy cô thắt nơ về phía trái (độc thân). Taboo này ngộ nghĩnh, có điều không thấy các bà các cô ở Oktoberfest Sài gòn ăn mặc kiểu này, thành thử "cấm kỵ" chỉ là chuyện… hên xui.

Có rất nhiều lều bia tại lễ hội bên Đức. Mỗi lều có thể chứa cả chục ngàn người ngồi uống bia tán phễu, Hơn 600 quầy bán bia, 12.000 người phục vụ. Mấy cô phục vụ có thể bưng một lúc10 ly bia trước ngực đến tận bàn khách hàng. Biểu diễn “kungfu” kiểu này thì mấy tay bợm cũng… ngại !. Đồ “mồi” là những món thịt gà, heo, bò chế biến kiểu truyền thống.  Có thêm món củ cải, ăn cho giã… bia.


Còn ở Sài gòn, ông Alexander Bischoff, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) ở VN nói “Ở Oktoberfest Sài gòn các lần trước, bia và thực phẩm như xúc xích, thịt muối, bánh mì đều nhập từ Đức, nhưng năm nay toàn bộ là thực phẩm và bia sản xuất ở VN theo tiêu chuẩn Đức. Chúng tôi tự hào về sự phát triển này…”.

E rằng đây là ngôn ngữ… ngoại giao, chứ mấy tay “phàm ăn uống” có thâm niên Oktoberfest Sài gòn như tôi đều phân biệt đâu là hàng chính hiệu và đâu là “hàng nhái chất lựơng cao”.

Thưa ông Alex (Bischoff), tôi biết chắc hàng nhập duy nhất năm nay tại Oktobefest Sài gòn là… ban nhạc nhập từ Áo quốc. Hàng chính hiệu luôn.

Ông Bischoff cho biết “Không thể mướn được ban nhạc từ Bavaria vào mùa cao điểm”.

Chẳng nhằm nhò gì…, vì chính ban nhạc Áo Donautaler này, qua nhiều mùa Oktoberfest Sài gòn, đã làm náo nhiệt lễ hội với những bài hát đồng quê bằng phương ngữ Bavaria đơn giản mà bạn dễ dàng “nhái” theo. Kích động cực kỳ khi quái kiệt Franz Greul vừa hát vừa làm điệu bộ kiểu “tục mà thanh” đã thu hút sự ngưỡng mộ của nhiều… nữ khán giả. Nhiều người trong số họ quay trở lại Oktoberfest năm sau vừa nhấm nháp bia (lấy lệ), vừa ngóng… thần tượng. Quái kiệt người Áo này cân nặng khoảng… 1 tạ rưỡi.

Oktoberfest đã trở thành lễ hội bia của cả nước Đức. Không chỉ thế, nó còn hấp dẫn cả triệu du khách khắp nơi trên thế giới tìm đến đến để cười giỡn, để nhảy múa, để quên đi phiền muộn của cuộc sống. Nhưng dù hội bia có ở khắp xứ sở Đức, thì Munich vẫn được xem “kinh đô” của lễ hội bia.

Còn ở Sài gòn, Oktoberfest xem ra là phương tiện văn hoá “lật tẩy” tính cách “khó đăm đăm và chính xác” của người Đức. Họ cũng nhộn, ham vui, và tình cảm qua phong cách gọi là… “ giãn stress kiểu Đức”

Vũ Thế Thành


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét