Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

MUỐI DƯA DỌC BỜ SÔNG CÔN


Ở Bình Định thì chuyện muối dưa không phải là chuyện khó hiểu. Mỗi vùng tùy theo thổ sản của mình mà có các kiểu muối dưa khác nhau. Một điều không thể chối cãi là chính trong cái khó, cái thiếu thốn đã làm cho các ý nghĩ của các bà nội trợ quê ta phong phú thêm.

Trước khi đến đất An Nhơn - Bình Khê tôi chỉ biết có một thứ duy nhất : môn muối dưa. Quê tôi dù làm muối nhưng chỉ cách ruộng ngọt một con đê, đó như là ranh giới giữa vùng nước mặn và nước ngọt. Con đê đó nay là tỉnh lộ 639 chạy từ Cát Minh – Phù Cát qua. Ở ven bờ ruộng ngọt người ta hay trồng một lùm môn. Chỉ chừng chục cây rồi sau này nó đẻ nhánh thành một lùm. Môn ăn không hết nên bà con hay cắt về, cắt thành đoạn, phơi héo héo, rồi bỏ vô thạp muối. Ngày còn nhỏ tôi đến nhà mấy đứa bạn xóm trên chơi. Chúng nó thường vào cái thạp móc lấy dưa môn ra ăn. Phía trên là cái gì nặng nặng cho dưa khỏi phồng lên trên một cái vỉ tre. Dưa môn dùng kho cá biển, nấu canh chua, trộn rau sống…

.
Chiều Sông Côn - An Chánh, Tây Sơn
Khi ngược dòng sông Côn vùng Kiên Thạnh, Vĩnh Lộc (không biết nay ở xã nào của huyện Tây Sơn) thì tôi biết đến món dưa gang muối. Dưa gang các bà nội trợ nơi đây muối nguyên cả trái trong thạp. Dưa gang có nhiều vào mùa hè và họ muối ăn cho đến mùa mưa luôn. Các bà cũng rất kỹ lưỡng trong việc đánh dấu các thạp vì tùy theo lượng muối mặn hay lạc mà sử dụng trong cách chế biến.

Có một điều rất lạ là không hiểu sao bà con không thích ăn cá đồng, chỉ thích cá biển. Nhiều khi tôi chài được một ít cá trắng bán rất rẻ họ cũng không mua. Chỉ có mấy bà già thì mua về kho nghệ. Thời gian đi dọc sông Côn đi đâu cũng thấy các món dưa gang muối. Kho cá, dưa bóp chua với chấm nước mắm. Có cả chuyện dưa muối xáo chung với lòng heo hay thịt ba chỉ (thời đó hơi hiếm). Đây chính là món tôi ghiền nhất thời đó.

Có một gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con ở gần bến Trầu. Tôi ở đó đúng một tuần để chài quanh khu vực đó. Một bữa tôi thấy bà vợ đi chợ mua về 2 lát cá ngừ cũng trộng trộng đường kính cũng bằng cái chén ăn cơm. Buổi chiều khi ăn cơm tôi thấy một nồi đầy dưa gang kho và nước. Mấy bữa sau tôi quay lại ăn cơm chung, thì vẫn còn thấy hai lát cá còn y nguyên trong nồi. Thì ra trong bữa ăn chỉ ăn dưa và nước cá chứ cá thì chưa đụng tới. Thấy vậy tôi và thằng Ngào con ông Mặn khi bữa trưa chỉ có mấy đứa nhỏ ở nhà, chúng tôi cho mấy đứa nhỏ ăn hết hai lát cá đó. Những lát cá do đổ nước nhiều lần đề kho nên thịt rất bở. Nhìn mấy đứa nhỏ ăn cơm với cá thấy mà thương. Chiều hôm đó hai thằng ra chợ bán cá đồng và mua lại 2 lát cá ngừ để bà chủ nhà kho tiếp…

Ngoài món dưa gang muối, bà con thời đó còn muối cả trái cà dĩa. Vùng Thị Nại và Đề Gi thì cà dĩa chưa thấy làm muối bao giờ. Chỉ ăn sống với mắm ruột. Mắm ruột và cà dĩa có thể nói là món ăn rất được ưa chuộng.

Nguyên quả cà dĩa lấy từ trong thạp ra, xắt lát nhỏ nhỏ cũng dùng để kho và ăn chung với rau và chấm nước mắm.

Dưa măng tre cũng là một là món lạ với tôi ngày đó. Bây giờ thì thấy ngoài chợ bán để về nấu canh chua với cá. Ngày xưa bà con bằm nhỏ rối muối dưa, khi ăn vớt ra chấm với nước mắm tỏi ớt. Khác với loại tre Mạnh tông trong miền Nam ít đắng. Măng quê mình là giống măng rất đắng, nhiều khi muối đã cả tuần mà vẫn còn đắng.

Chùa Thiên Tôn - Phú Phong, Tây Sơn
Còn một món rất “đặc sản” nữa mà nói thật chỉ thấy ở Phú Phong, đó là chuối chát làm dưa. Tôi không còn nhớ đó là ngày lễ gì của bà con Phật giáo. Có thể là lễ Phật Đản rằm tháng tư Âm lịch vì nước sông Côn đã cạn. Chùa Thiên Tôn rất đông người về dự lễ. Trong các món ăn bày lên mâm cho khách thập phương tôi thấy có 2 món khá lạ : Mít luộc trộn và dĩa gì như trái chuối chát. Khi ăn tôi mới biết đó là trái chuối chát. Không biết nhà chùa chế biến thế nào nhưng nhìn rất bắt mắt. Trái chuối đã gọt vỏ nên trắng ngần gấp lại như con tôm. Trái chuối không đứt hẳn mà các lát chuối hãy còn dính với nhau thành một khối. Hình như chuối chỉ ngâm với giấm và đường. Gắp từng lát chuối bỏ vào miệng vừa chua vừa chát chát vừa ngọt rất hấp dẫn kèm với mít nộm đậu phộng.

Cũng cần nói thêm là còn có cả quả giống như quả dưa hấu nhưng chỉ bằng cái chén ăn cơm cũng khá ngon. Mới đây hỏi chị Hoàn thì chị nói là dưa hồng. Còn đu đủ làm dưa trộn với dưa gang giòn với mắm là món chúng tôi thấy rất tiện. Ở ngoài sông, nấu cơm nóng ăn với món dưa này vừa tiện lợi vừa ngon.

Không biết hiện nay bà con vùng dọc sông Côn của huyện An Nhơn và Tây Sơn có còn giữ những món muối dưa đó hay không ? Nhưng nhiều khi nhớ lại vẫn cứ thấy thèm. Lại nhớ cả món bánh tráng dày nướng, đập quả dừa khô và cục đường tán vừa ăn, vừa ngắm trăng uống nước trà ...

Võ Mỹ Cát
FFC BinhDinh

9 nhận xét:

  1. Lâu lắm, tôi chưa có dịp về quê. Nghe admin giới thiệu đến những món này mà thấy nhớ quê đến lạ!!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hổng những nhớ quê đến lạ, mà còn thèm ăn những món dưa quê nữa Hàn Phi ơi !

      Xóa
  2. Đọc bài viết, thấy …thương “cái hồn” quê tui! Nhớ…
    Cảm ơn Tác giả!

    Trả lờiXóa
  3. Hê hê !!! Ai thèm thì dìa Phú phong DƯA gì cũng có hết. Xin mời...Xin mời...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hỏi có mấy thứ dưa?Dưa:gang,hồng,hấu,leo(chuột),lê... có món dưa lê muối chua không? chắc có món dưa "dây"dưa nữa hè....
      Thèm quá!!!


      Xóa
  4. Kiên Thạnh và Vĩnh Lộc thuộc xã Bình Hòa - Tây Sơn.
    Chùa Thiên Tôn trước thuộc xã Bình Tường.
    ...
    Cái món dưa hồng với chén mắm dầm ớt bay, xế xế ăn với cơm nguội, chua chua cay cay ngót ngót, ngon không thể tả nổi !

    Trả lờiXóa
  5. Võ Mỹ Cát.23:30 20/10/13

    Thực tình mà nói thì chuyện ngon hay dở của một món ăn thì tùy vào sở thích của từng người. Nhưng phải công nhận một điều là ngày đó Phú Phong có 2 món mà mấy ông đi chài như anh em chúng tôi thích nhất : Dưa gan muối và củ mì phơi khô nguyên củ xỏ dây treo trước hàng hiên. Dưa gan muối dễ ăn với cơm nguội. Lúc đó gạo cũng hiếm lắm, dân chài mà ăn cơm thì gạo nào chịu cho thấu, củ lang thì ăn nóng cổ khó chịu. Chỉ có củ mì hấp nguyên củ cho mềm, ăn với muối phộng có chút dừa vào là hết chê. Cái cơ bản là lâu đói, tiết kiệm được lương thực. Có lẽ món ăn này nay đã tiệt chủng rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái món mà bạn kêu là "củ mì phơi khô nguyên củ" thì quê tui kêu là ' Củ mì ủ" có điều củ mì phải ngâm nước cho thâm đen rồi mới phơi. Món này tuyệt cú mèo. Chợ Phú Phong thỉnh thoảng vẫn có bán đấy bạn ạ!

      Xóa
    2. Võ Mỹ Cát18:19 21/10/13

      Nó vẫn còn hè ? Thế thì còn có dịp để thưởng thức. Củ mì này hấp nó dẻo dẻo ăn sướng lắm. Đi chài hay cuốc ruộng ăn loại mì này lâu đói. Hay thật, ông bà mình cũng nghiên cứu ẩm thực thuộc hạng siêu phàm.

      Xóa