Thấy
tôi đứng loay hoay tìm kiếm mãi trên các kệ đầy nhóc băng đĩa ngổn ngang, cô bé
bán hàng đến gần hỏi:
- Bác muốn kiếm loại nào?
- Nhạc. Nhạc xưa.
Cô đọc vài cái tên gì đó…
- Không. Xưa hơn nữa kìa. Chừng nửa thế
kỷ trước. Có không?
- Bác chờ con lấy.
Một
lúc, cô mang ra một cái… giỏ, đúng hơn là một cái rổ to, hình chữ nhật, chứa
hàng ngàn đĩa CD, buộc dây thun từng cộc nói bác lựa đi.
Tôi
giật mình thấy trên thành rổ dán mấy mảnh giấy viết tay bằng chữ in khá to: SẾN
GIÀ NAM.
Tuần
trước, vào một siêu thị ở một tỉnh miền Đông nọ tôi thấy nơi người ta bán băng
đĩa có rất nhiều rổ đựng các thứ, được phân loại như có rổ phim hành động, phim
kinh dị, phim Mỹ, phim Hồng Kông… và đặc biệt có hai rổ ghi: Nhạc sến nam, Nhạc
sến nữ. Tôi định mua vài thứ xem sao, nhưng thấy kỳ kỳ nên thôi. Tuy vậy, tôi
cũng học được vài từ mới. Có điều ở cửa hàng này, một cửa hàng bán băng đĩa khá
lớn ở Thành phố có cách phân loại độc đáo hơn: Sến Già Nam. Tôi đoán đây là loại
nhạc “sến” dành riêng cho nam giới “già”!
-
Có Sến Già Nữ không cháu? Tôi tò mò.
- Dạ
có. Bác kiếm xong Sến Già Nam con đưa Sến Già Nữ ra bác lựa!
Thì
ra nam nữ đây không phải khách hàng mà là ca sĩ. “Sến” do “nam” ca sĩ hát cho
người “già” nghe thì gọi là … Sến Già Nam v.v…Tiếng Việt ta thiệt hay! Nhớ lần
ra Hà Nội năm xưa, người ta giới thiệu tôi một xí nghiệp có tên là Xí nghiệp
Cao Xà Lá. Hỏi “Cao xà lá” là cái gì? Là
Cao su, Xà bông và thuốc Lá, gọi tắt Cao Xà Lá!
Tôi
vừa tủm tỉm cười vừa lựa đống băng đĩa trong rổ Sến Già Nam, chọn được vài đĩa.
Nhiều khi cả đĩa chỉ có một bài ưng ý. Thôi vậy cũng được. Có một bài mình
thích là quý rồi ! Tôi hỏi còn Sến Già Nữ đâu? Cô bưng ra một rổ Sến Già Nữ nữa
và nhìn tôi có vẻ nghi tôi mê cô ca sĩ nào đó của năm mươi năm trước!
“Sến”
là gì ? Người ta bảo là do chữ Marie sến, tức người giúp việc, người ở đợ, con
sen, người nhà quê, ít học. Nhạc sến là
nhạc… tầm thường, nhà quê mà các cô gái này thường hát hỏng để trải tâm sự nỗi
lòng khi vô công rỗi việc.
Đã
có những bài báo, những tranh luận sôi nổi về thứ nhạc « sến hay không sến”
này. “Sến” mà sao người ta thuộc, người ta khắc cốt ghi tâm? “Sến” mà sao người
ta cười người ta khóc?… Gần đây trên mạng, nhiều bạn trẻ « còm » rằng nhờ “sến”
mà nuôi dưỡng được tâm hồn trong một thế giới vô cảm, và có bạn còn rất tự hào
rằng đã sưu tầm được hàng ngàn bản nhạc « sến » để làm của quý!
Còn
tôi, tôi chỉ biết nhạc hay hay dở với mình mà thôi. Hay là thứ làm tôi “rung động
sáu cách” (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý)…, còn dở là nhạc “nghe không vô” !
Chiều
làng em của Trúc Phương chẳng hạn, với tôi là một bài hay, không chỉ rất lãng mạn
“khói lam buồn như muốn ngừng thời gian” mà còn do tác giả viết bài này lúc ở
Bình Tuy, quê tôi, cho một cô gái mà tôi có lẽ cũng quen biết.
Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa,
Để nghe tiếng ngọt ngào ru
bóng dừa
Xa xôi bước người anh lữ thứ
Nhớ thương hoài câu hát chiều
làng em..
Còn
Mộng ban đầu của Hoàng Trọng làm sao quên được:
Trông em mừng vườn cau
Trái mập tròn xuân mới
Bỗng me cười me nói
Con bé lớn thật mau
Mai mốt mẹ ăn trầu
«
Mai mốt mẹ ăn trầu » bây giờ không còn nữa nên « đám trẻ » không biết là phải rồi.
Còn những trái cau « mập tròn xuân mới » cũng khó kiếm ! Bây giờ là bưởi, là
dưa hấu cả rồi!
Rồi
Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng
Có những chiều hôm
Trời nghiêng nắng xế đầu non
Nắng xuống làng thôn
Làm cho đôi má em thêm giòn
Lúa đã lên bông
Mắt già tươi sáng thôi chờ
mong
Tiếng hò cô gái bên Cửu Long
Mơ rằng mai lúa lên đầy
bông…
hay
Tình lúa duyên trăng của Hoài An
Quê hương ta đất xưa vốn
nghèo
Nhưng giàu tình thương nhau
Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời
cơ cầu
Gái trai biết làm tròn lời
thề khi ban đầu
Tôi
không hiểu vì sao những lời ca đầy tình quê hương, đất nước, tình gia đình,
tình gái trai « biết làm tròn lời thề khi ban đầu» như vậy mà « sến » được ?
Hà
Đình Nguyên trong một bài báo về vấn đề nhạc sến đã viết: « …nhưng không biết
do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác trước 1975 – nhất là những bản
có điệu boléro, rumba… đều bị quy là nhạc sến (tiếng “sến” được hiểu theo nghĩa
dè bỉu, mỉa mai, khinh thị…).
…
nhưng sẽ thật sai lầm khi quan niệm “nhạc sến” với hàm ý khinh thị, chê bai bởi
trong dòng nhạc bình dân này có rất nhiều tuyệt tác mà chưa chắc các nhạc sĩ
dòng nhạc “hàn lâm” đã sáng tác được, như: Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài
thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng
chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc
Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)…
»
Còn
nhà thơ Đỗ Trung Quân có một bài thơ được Vũ Hoàng phổ nhạc rất hay tên Phượng
Hồng có lần bực mình :
“Nói
chú đừng giận, bài Phượng Hồng phổ thơ của chú sến chảy nước”, chàng trai 20 tuổi
tóc tai kiểu hip-hop nói thẳng thừng. …Thế hệ trẻ 8X hôm nay không thể tin nổi,
không thể chấp nhận nổi có một gã nào đó trạc tuổi mình suốt một năm dài ngồi cạnh
bàn, học cùng lớp để ý cô bạn gái mà vẫn cứ: “bài thơ còn trong cặp… giữa giờ
chơi mang đến lại mang về…”. Nhát gái đến thế, “yếu” đến thế thì “sến” là cái
chắc. Bây giờ, chỉ cần một cú nhắn tin chớp nhoáng là alê hấp! Ra cà phê hộp ngồi
ngay. Yêu à? Tỏ tình à? Đây, nhanh gọn lẹ: “Anh là number one, vừa đẹp trai lại
vừa dễ thương…”. Không yêu nữa cũng chẳng sao: “thà như thế, thà rằng như thế…”.
Đỡ lôi thôi, đỡ mất thì giờ, khỏi mang tiếng “sến”…
******
Gần
đây nhiều ca sĩ bắt đầu quay về với nhạc « sến » có lẽ để đáp ứng nhu cầu tình
cảm của con người trong một thế giới ngày càng vô cảm chăng! Có điều, vì sến…
thiếu gốc nên nhiều khi hát sai mà không hay. Chẳng hạn « Đêm qua chưa mà trời
sao vội sáng » trong Chiếc lá cuối cùng
của Tuấn Khanh, có ca sĩ hát ngon lành « đêm chưa qua mà trời sao vội sáng » !
Qua chưa với chưa qua khác nhau xa quá ! Cũng như « Bây giờ tháng mấy rồi hỡi
em » của Từ Công Phụng mà hát thành « Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em ? »… thì
nguy tai !
Tôi
vẫn còn nhớ những đêm ngồi nghe Tuấn Khanh đàn piano dưới chân cầu sắt Đa Kao
trong một quán cà phê nhỏ chênh vênh…
Đêm qua chưa mà trời sao vội
sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở
mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh
giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn
bay xa …
(xin
đừng nhầm với Tuấn Khanh, Hoài An, các nhạc sĩ nổi tiếng hiện nay!)
Tôi
chắc rồi một hôm nào đó cậu trai 8X kia sẽ tìm đến bản nhạc “sến chảy nước” nọ
và rồi 8X sẽ được thay thế bởi 9X, 0X… Rồi sẽ có những người tìm đến Sến Già
Nam, Sến Già Nữ như tôi hôm nay cho mà coi!
Không
lâu lắm đâu! Hãy đợi đấy!
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon
3.3.2013)
Nguồn : Trang Nhà DoHongNgoc
Mari Sến hồi ấy bây giờ được gọi là mấy nàng Oshin. Đúng ra nhạc sến ngày xưa là nhạc của mấy nàng ưa sướt mướt, loại nhạc trữ tình, gọi để phân biệt với dòng nhạc phản chiến, du ca, đánh thức thân phận da vàng … Nhưng nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc gì gì đi nữa … nhạc nào chả sến nếu nó làm cho con người vô cảm, chai sạn trước đau thương của cuộc sống.
Trả lờiXóaNghe thử lại bài Lối Về Xóm Nhỏ mà anh DoHongNgoc có nhắc trên kia xem, sao lại gọi nó là Sến (!?)
Lối Về Xóm Nhỏ
[nct]http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=bwkq82sBnS[/nct]
...
Nhớ ngày xưa nhà bên cạnh có chú lính về phép thường hát ru con bằng giai điệu của bài hát trên : Ngày hôm qua con gái nó binh ba ...
XóaNhớ, nhớ ... nhớ ...
Theo tôi chưa có tiêu chí nào để phân loại nhạc nào là Sến nhưng trước đây có những bản nhạc mà lời ca nghe ẻo lả, rên rỉ, ý nghĩa cạn vô thưởng vô phạt như: Không phải tại anh, không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình yêu nhau.
Trả lờiXóaHay:
Tiền khô cháy túi có ai hiểu không... hay những bản na ná như thế.
Những tác phẩm tác giả bài viết nêu trên theo tôi không phải nhạc Sến.
"Những tác phẩm tác giả bài viết nêu trên theo tôi không phải nhạc Sến ..."
XóaĐúng rồi bạn, nhưng sau 1975 người ta bỏ chung vô một bị nhạc Sến hết rồi mà ! Vậy cho nên Bs Do Hong Ngoc mới có góc nhìn nầy.
Dù sao từ nhạc Sến ít nhiều vẫn có một chút gì đó rẻ tiền, những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ như: Phạm đình Chương,Phạm mạnh Chương, Phạm thế Mỹ, Trúc Phương, Hoàng thi Thơ, Trịnh Hưng,...
Trả lờiXóaNhững bản nhạc trên ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa rất thâm thúy gọi là bất tử, vượt thời gian mà cho là Sến là tôi hoàn toàn không thấy đúng chút nào. Không thể nào đồng cảm với Bs Đỗ hồng Ngọc được.
Một lãng tử có đôi ba người bạn. Trong một bữa lai rai với bạn bè, gã chỉ cái cây xoài ngoài vườn : Mấy ông thấy gì ở cái cây nầy.
Trả lờiXóaMột ông bạn có vẻ là họa sĩ trầm ngâm : Tán lá xanh, bông xoài trắng, màu trắng bông xoài làm tôi liên tưởng đến mái tóc bạc của người mẹ ngồi tựa cửa trông mong đứa con ở xa về.
Ông bạn nông dân thốt : Cây xoài nầy có vẻ trồng đã lâu, giỏi chăm sóc, to tới mấy ôm thế kia.
Ông bạn thợ rừng cướp lời : Cây xoài nầy cưa ra đủ làm tới mấy thớt ván. Nhưng ván của nó chả bằng cái gốc mít một ôm kia. Còn chủ nhân thấy gì đây !?
Gã lãng tử thản nhiên : Tôi thấy nó chỉ là một cây xoài thôi !
Nhìn một vật, một sự việc … quan trọng là đang đứng ở vị trí nào, thấy sự việc ở góc độ nào, người đó là ai … Văn học đã có thể xếp loại là văn hàn lâm, văn bình dân … Nhạc cũng đã có thời có một dòng nhạc được gọi là nhạc Sến, nhạc của mấy cô sen vô công rỗi việc, loại nhạc tầm thường, cạn cợt. Cái oan nghiệt là các dòng nhạc khác đã bị bỏ chung vô một rổ để ai cũng dễ cho cả lũ là loại rẻ tiền ! Nhưng quan trọng là tại sao “nhạc Sến” lại có một sức sống đến vậy !? Sau sự cấm đoán, bây giờ được bày bán, đưa tận tay đến người muốn cảm thụ. Sau nầy thì sao ? Nói như anh DoHongNgoc : Hãy đợi đấy !
SẾN GIÀ NAM đã được viết với một tấm lòng từng trải, chuyển tải được sự kiện đáng để quan tâm.
Việc bỏ chung một rổ nếu có đó là cách phân loại nhầm lẫn, nhưng ở đây không thấy có bản nhạc nào Sến cả.
XóaVà nhìn góc độ nào cũng không thể thấy cây xoài thành cây gạo được, chẳng qua là mỗi góc nhìn đều thấy có một vẻ đẹp hoặc một lợi ích theo mỗi cá nhân thấy mà thôi.