Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

MÙA SỨA



Giữa xuân, nắng ấm dần là thời kỳ ngư dân vùng biển đánh bắt sứa. Được mùa sứa đầy khoang thuyền, sứa ra chợ nằm im ắng trong những cái thau, cái thùng mà chờ giá cả rồi theo người mua về nhà để được nghe trầm trồ: Ô, sứa ngon quá!

Sứa ngon như thế nào thì chưa biết, cứ ngắm con sứa sống ở biển, thân hình tán, có nhiều tua, là động vật ruột khoang nên thịt dạng keo trong suốt, chứa nhiều nước, và đặc biệt sứa ở Việt Nam là ăn được. Nói như thế vì có những con sứa ở một số nước khác dùng vào bị ngộ độc. Tính đến nay tôi bao nhiêu tuổi là được ăn bấy nhiêu mùa sứa. Sứa không chỉ dùng trị bệnh hen suyễn, viêm phổi, ho nhiều đờm, hạ huyết áp trong cơ thể mỗi người. Sứa còn trị rôm sảy, bệnh phụ nữ và khi thiếu sữa cho con ăn. Nhưng mẹ tôi còn bảo sứa còn làm tiêu tóc trong ruột nữa chứ. Ôi cha, sứa còn là vị thuốc cho người bị bệnh béo phì vì nó cung cấp rất ít năng lượng. Xem ra chị em mình thích dùng sứa là cái chắc rồi!

Người ta bảo ăn sứa chân dai ngon hơn, còn sứa tai mềm lại ra nước. Nhưng thực ra khi đánh bắt sứa về, họ dùng dao cắt phần tua ra khỏi phần thịt. Phần tua dài khoảng hai, ba phân có độ dai giòn nên nhiều người ưa dùng giá thành thường gấp mấy lần so với phần thịt, người ta gọi đó là sứa chân. Còn phần thịt sứa mềm nhiều nước ấy ít người dùng, người ta gọi là sứa tai. Nhưng hiện nay trên khắp chợ lớn nhỏ, chợ sáng chiều ở miền Trung quê tôi thì con sứa vẫn để nguyên trong những thùng, thau chứa cho khách hàng tha hồ lựa chọn. Những con sứa mua về, được rửa sạch, ngâm lại nước muối khoảng mười lăm hay hai mươi phút. Đặt con sứa lên thớt cắt đôi, cắt tư hình tán ra, làm sao vừa có phần thịt và phần tua để khi ăn phần tua có độ dai giòn, phần thịt có độ mềm béo nhai chung vào mới ngon. Nấu nước nóng bỏ vào một ít muối iod trụng sơ qua thân sứa đã cắt, để ráo, sau đó ướp chung với đường.

Rau thơm cũng được rửa sạch. Quả xoài xanh vị chua chua ngọt ngọt cũng gọt sạch vỏ rồi bầm thật nhỏ. Bắp chuối chát (chuối hột) thái thật mỏng ngâm nước muối, sau đó vắt ráo. Còn đậu phộng nhớ mua sống về bỏ vào cái trã đất bắt lên bếp lửa riu riu, lấy đôi đũa tre đảo liên tục cho vừa chín tới mới thơm ngon. Để đậu cháy thì bị đắng, còn sống thì hôi nghĩ, còn mua đậu đã rang bày bán ngoài chợ thì chắc chắn là không ngon bởi đã qua gió qua mưa rồi, nhưng được cái là tiện lợi, đỡ tốn công. Đậu chín đế nguội hẳn chà vỏ mới tróc ra. Lưu ý là không giã nhuyễn, cứ để nguyên hột. Muốn ăn ngon là phải chịu khó một chút để được khoái khẩu đó mà.

Sứa, rau thơm, bắp chuối, xoài, đậu phộng nếu tất cả trộn chung lại thì gọi là món sứa trộn, nhưng chắc chắn rằng sẽ không ngon khi vừa ăn vừa nói chuyện hơi lâu thì sứa ra nước, đậu phộng sẽ mềm mất độ thơm chung của xoài, rau thơm, bắp chuối,… Còn nếu đặt tất cả các thứ vào chung cái rổ rá nhỏ bên dưới có thau hứng nước (dụng cụ này có bán ở các quầy hàng tạp hóa, siêu thị) thì khi gắp ăn đến miếng cuối cùng không bị nước sứa lan ra. Riêng đậu phộng bỏ trong cái chén, cái tô để bên cạnh. Còn một thứ không thể thiếu là nước chấm. Nước chấm có thế là nước mắm tỏi ớt chanh đường, có thể là nước tương dẽo chế biến từ đậu phộng giã nhuyễn, có thể là mắm ruốt Huế được pha chế tùy theo khẩu vị nữa. Nhưng đừng vội vàng, gắp riêng mỗi thức ăn đưa lên miệng nhai kĩ thì chưa ngon đâu. Bạn đã từng ăn chả cá Lã Vọng, chả cá Thăng Long ở Hà Nội chưa. Cứ gắp từng món bỏ vào chén riêng của mình theo thứ tự nữa kia. Gắp ít xoài và chuối chát, múc nước mắm rắc và trộn đều cho thấm kĩ, sau đó mới gắp sứa tiếp tục trộn chung lại, bỏ rau thơm lên trên với ít đậu phộng. Xúc chung bánh tráng mè được nướng chín với món sứa trộn ấy thì ôi thôi ngon tuyệt vời. Bánh tráng gạo giòn thơm mè, đậu phộng ran thơm béo, rau thơm đã có tên, cùng với vị chua ngọt của xoài, vị chát dai của bắp chuối đã làm nên món sứa dai dẻo chế biến từ bàn tay khéo léo của chị em quê tôi.

Không biết mùa sứa đi vào thơ ca hay chưa, nhưng rộn ràng trong từng buổi chợ, trong bữa cơm gia đình, và mỗi khi chị em trổ tài đảm đang cách làm món sứa dân gian truyền thống của quê hương.

22.3.2011
NguyenThiPhung

2 nhận xét:

  1. Út Phú Phong09:56 14/4/13

    Chị Phụng ơi! đọc hêt bài em nuôt ưc ưc không biêt mây lân...Vị chua của xoài,vị chát dai của băp chuôi...thât tình em chịu không nôi nưa. Mua đươc vé máy bay giá rẻ mà đên cuôi tháng 6 mơi vê ăn giô mẹ, chăng biêt lúc ây có còn sưa không.Nói thât xâu hô chư đã rât nhiêu lân năm chiêm bao đươc vê quê ăn sưa,thưc dây mà miêng còn nhai.Cảm ơn chị P nhiêu lăm lăm...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Út Phú Phong, cái người ngồi bên cạnh chị NguyenThiPhung cũng là cây bút viết chuyện ăn uống hết sẩy luôn nè . Hehe ...

      [img]http://2.bp.blogspot.com/-WVIw0Da8AIo/UWoeGogaipI/AAAAAAAADdA/3rUFjYWWEuc/s640/Oct2012-3.jpg[/img]
      .

      Xóa