Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

GIẤC NGỦ MÂY BAY


Trái tim ông Sơn Nam ngưng đập. Mắt ông đã khép vĩnh cửu lúc 12 giờ 40 ngày 13.8.2008 tại bệnh viện nhân dân Gia Định TP. HCM. Ông đang ngủ giấc nghìn thu trong lòng đất Nghĩa Trang Công viên Công ty Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa tại huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương.

Những tác phẩm đồ sộ trong sự nghiệp văn chương, đến cốt cách xuề xòa lão nông đời thường nhà văn Sơn Nam. Trong dân gian xã hội, sống mãi, nhắc nhỡ hoài. Nào đâu có phải chết là hết.

Những năm 2005, lúc sống ở Gò Vấp TP. HCM đến ngủ nhà bạn thân đôi bửa. Ông đều có mang theo bàn máy đánh chữ và văn phòng phẩm.

Đêm khuya bất chợt giờ giấc nào, trong nhà nghe có tiếng lách cách … Vấn vương áng mây bay mùi thuốc lá khắp nhà. Biết nhà văn đã thức làm việc. Cuối canh năm, trời dần sáng ông lặng lẽ đứng lên, tiến đến trước bàn thờ gia tiên gia chủ âm thầm thắp nén hương ân tình tưởng niệm.

Trong nhà tỉnh lặng, chỗ tối, chỗ sáng qua ánh đèn nhỏ chỗ bàn viết, có lắm lần tôi thấy cái dáng gầy của ông loáng thoáng sờ soạng trong bước đi. Lúc đụng cạnh giường, khi đụng cái ghế nghe có tiếng động. Ông đang định tìm kiếm cái gì đó. Bình thủy nước sôi, cái hộp quẹt gaz, cái gạt tàn thuốc lá … mặc dù lúc nào tôi cũng có sẵn một bên cho ông. Những năm ở tuổi sắp 80 mươi, ông đã có những biểu hiện hom hem lẩm cẩm, nhưng vẫn phải viết văn viết báo để sống.

Chỗ giường nằm của ông bừa bãi, vẫn với bộ quần áo mặc ban ngày, tối đến cứ để nguyên như vậy, hoặc có khi cởi ra cho mát, rớt ở chân giường, ngã lưng xuống nằm ngủ. Đèn bàn vẫn tỏa sáng, dưới nền nhà chỗ giường nằm tàn thuốc lá lác đác. Cạnh cái gối là cặp mắt kính, cuốn sách, tờ báo… Cái bóp thì rất xuống đất, tôi lượm lên thấy trong ruột sạch bách chỉ còn trơ cái vỏ. Tôi biết rất rõ hồi sáng chở ông đến dài tuyền hình TP. HCM và nhà Xuất Bản Trẻ  lãnh nhuận bút cả bạc triệu. Cớ sao ra nông nỗi này!

Thích đến sống với xóm hẻm dân “ruột để ngoài da”. Sáng ra họ pha cho ông ly cà phê đen đậm, bình trà thơm ngon nóng hổi. Rồi chạy đi mua cho ông tờ báo mới, gói thuốc lá, Ông cảm động thấy rõ.

Đến giờ cơm trưa chiều ít khi có mặt ông tại nhà. Chạy đi tìm chỗ mấy quán bình dân quen thuộc ngoài chợ hoặc hè phố là gặp ông ngay. Bên dĩa cơm đạm bạc, ông ngồi tìm hơi ấm và trò chuyện líu lo với mấy cô mấy bà buôn gánh bán bưng nhiều hơn là ăn uống.

Bửa nào ăn cơm tại nhà thì ông thèm món khô cá sặc nướng xé nhỏ, ăn với xoài xanh bằm chấm nước mắm me. Món cơm nguội, món bún ăn với mắm sống cá linh. Mắm tép Gò Công trộn với đu đủ y như sở thích cụ Vương Hồng Sển lúc sanh thời.

Ông chỉ chơi với hãng thuốc lá. Rượu bia không ghiền, chỉ ngồi uống chút chút và ngắm cái mượt mà thì nhiều hoặc có ý chờ xem có đứa con nào tới tìm thăm cha hay không. Còn công ty cấp nước sài Gòn ít khi thấy ông tắm giặt và thay bộ quần áo đã mặc cả tuần.

Từ nhà ra phố chợ hoặc quay về chẳng bao xa nhưng đi mất cả buổi, cả ngày “Cà kê dê ngỗng” vui đâu chúc đó. Dài dài theo hai bên đường hẻm ngoằng ngoèo, đông bà con quen biết thân thiện, ông đã từng sống lâu năm bên họ. Cô bác ai ai mời gọi cũng vào nhà, hoặc đứng xúm xít dọc đường trò chuyện huyên thuyên bất tận.

Các con em dân lao động cũng lắm bông hoa, đang là sinh viên các trường đại học. Chúng đem tác phẩm của ông ra xin chữ ký. Dan díu chảnh chệ đứng bên ông chụp hình lưu niệm, Ông hạnh phúc cười ấm áp tuổi già sống vô gia cư, ông nói:

- Các cháu hãy giữ kỹ sách và những tấm hình. Tuổi bác nay cũng đã gần đất xa trời rồi. Nữa có giá trị đó. Nay đã hiện thực.


GIẤC NGỦ ĐƯỜNG VĂN


Người dễ bị quần chúng “lôi kéo” nhất phải nói đến nhà văn Sơn Nam lúc bây giờ tuổi đã lên “chức cố” mà gót chân lãng tử vẫn náo nức như thưở nào. Đêm đêm cặm cụi chắt chiu từng chữ, ngày ngày không mái ấm sum vầy. Ai ai mến mộ rũ rê du sơn ngoạn thủy cùng khắp đó nay, còn gì thích thú cho bằng, lại gặt hái được nhiều chi tiết đa dạng đặc thù trong thiên hạ khắp nẻo đường văn.

Tâm tư gò bó, cảnh sống nhà trọ chật hẹp, chen chúc huyên náo ở hẻm cùng, phố tận. Con chim được sổ lồng bay ra ngoại thành nhân hòa địa lợi. Nhà rộng sân vườn khoáng đạt.

Chao ôi ! Một giấc ngủ nhạy cảm, hoa mỹ, chẳng là niệm gấm, giường sang … thân già trên ghế xích đu chiều dài chưa đầy một thước. Chữ nghĩa nằm trong trang sách có khuôn khổ, còn văn nhân nằm ngoài đời tuy đã co rúm tay chân  còn lòi ra trang bìa lượm thượm.  Mấy ai thấu hiểu, bút pháp đời văn tạm thu hình đôi ba bước để vươn tới nhiều bước dài hơn trên trang sách khôn cùng.

GIẤC NGỦ MÂY BAY


Quanh năm, chúng tôi thường có đi nhiều lễ hội ở ngoại thành bằng xe gắn máy. Sáng lại từ Gò Vấp TP. HCM ra đi, đến nơi 10 giờ. Đình miếu bắt đầu khai hội. Thường là các đình Thần ở Lái Thiêu – Thủ Đức… Chúng tôi lễ bái cúng Thần ăn uống hưởng lộc xong quay về giữa trưa. Đường làng, vườn cây trái xanh mát, sông nước mây bay, gió thoảng thơ mộng hữu tình.

Rành lãng tử. Tôi dặn Sơn Nam ngồi đàng sau xe thật nghiêm túc, phải sát vô lưng tôi. Hai chân hai đầu gối tỳ chặt vào hai bên yêng xe. Hai bàn chân gát đúng vị trí. Bốn ngón tay hai bàn tay thọc sâu, bấu vào giữa lưng quần, còn hai ngón cái kẹp thật chặt bên ngoài dây nịt. Ráng nhịn, không được hút thuốc lá. Vẫn cứ nói chuyện và liếc dọc ngang bóng hồng tà áo tung tăng một cách bình thường.

Thế nhưng, xe chạy êm ả đang “an cư lạc nghiệp” vừa được nữa đoạn đường dài. Cớ sao bỗng dưng chao đảo, tay lái tôi rung mạnh. Phần thì có dấu hiệu “cái đài” phía sau đã tắt. Nghi ngờ, giảm tốc độ tôi chạy chậm lại nép vào vườn cây lề đường, quay ra sau

Thôi rồi ! Đầu ông Sơn Nam gục gục lên xuống, ông đang lạc vào giấc ngủ mây bay, gió lướt như tiên trong tư thế còn biết sợ chết. Hai bàn tay vẫn ghì chặt vào lưng quần tài xế, hai chân kẹp chặt vào yêng xe.

Xe ngừng hẳn, ông dụi mắt tỉnh giấc ngủ hỏi :

-  Về tới nhà rồi hả ?
-  Cha ơi ! Nhà đâu mà tới. Tới nghĩa địa thì có ! Tôi trả lời.

Cười huề ! Ông liền sờ tay lên túi áo trên xem cái bao thơ tiền bồi dưỡng còn hay đã bay mất. Bước ra khỏi xe thư giãn giây lát liền đốt thuốc lá rít một hơi dài, đang thèm nặng. Chúng tôi tiếp tục về nhà trong cảnh giác.


Lúc sanh thời, nhà văn Sơn Nam đã có những giấc ngủ ngoại sử trong giang hồ. Nhưng cặp mắt văn nhân khép lại còn mở ra được tiếp tục đi vào đường văn trang viết.

Nay thì đôi mắt nhà văn chúng ta đang khép kín vĩnh cửu. Đã mang lấy nghiệp vào thân, để sanh ra được những đứa con lý tưởng, góp mặt cho đời. Chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm sâu tự lòng đất mới có được giấc ngủ vãng sanh cực lạc, Mà tác phẩm, tác giả hãy còn  vấn vương thổn thức ở lại đời.

ĐÀO TĂNG
(Bài và ảnh)

2 nhận xét:

  1. LAU LAM ROI, KHONG THAY CHU TAM ( DAO TANG ) VIET BAI TREN TRANG QUANG TRUNG BINH KHE. NAY DUONGVAN TRANG VIET CUA CHU XUAT HIEN LAI ROI. CHU TAM VAN MANH KHOE CHU, CHU CO VE QUE KHONG ? CO DIP GAP CHU CHAU NGOI TAM SU CHO VUI NHE. CHUC CHU VA GIA DINH SUC KHOE DOI DAO, VAN SU NHU Y.
    BECACE.

    Trả lờiXóa
  2. Chú Đào Tăng vẫn mạnh, mới phone cho TN cách đây 2 hôm. Nhưng vợ của chú nay kg dược khỏe lắm.
    Anh KC muốn gặp tâm sự với chú thì chú ấy mừng lắm. Hiện chú cũng giống như nhà văn Sơn Nam ngày nọ, thích lân la các quán vỉa hè, chuyện trò, lăn lộn cùng với các phó thường dân.

    Trả lờiXóa