Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

NHỮNG BÀI THƠ TÌNH CỦA NHỮNG CÂY BÚT NỮ


Một hôm, trong khu bán sách sale của một thư viện địa phương, tình cờ tôi bắt gặp một quyển sách còn khá tươm tất, bìa trình bày rất nhã, có tên là LOVE POEMS BY WOMEN, AN ANTHOLOGY OF POETRY FROM AROUND THE WORLD AND THROUGH THE AGES (Thơ tình của phụ nữ, một hợp tuyển thi ca khắp thế giới  qua mọi thời đại) (1).

Tôi vội mở ra xem thử. Lật xem trước mục lục thì thấy có tên HỒ XUÂN HƯƠNG trong danh sách các tác giả có thơ trích giới thiệu.Thế là tôi mua ngay, vì tò mò muốn biết các học giả tây phuơng đã xếp chung bà chúa thơ tình của chúng ta với những nữ thi sĩ nào trên thế giới qua mọi thời đại này.

Nói chung, thơ tình do các cây bút nữ xuất hiện trên văn đàn thế giới từ xưa đến giờ cũng không phải là it và cũng chẳng phải là một hiện tượng gì đặc biệt. Cách nay gần 4.300 năm, thơ của nữ thi sĩ Enheduanna (2285 - 2250 trước công nguyên) ở Sumer, vùng Lưỡng hà châu) đã được khắc bằng chữ hình nêm (cuneiform). Bà  cũng là  người được xem như là tác giả đầu tiên của nhân loại có tác phẩm còn được bảo tồn cho đến ngày nay và lưu lại cho hậu thế.

Nhưng hợp tuyển thơ gồm nhiều tác phẩm của nhiều nữ thi sĩ này, được những học giả nữ nổi tiếng giới thiệu, thiết tưởng cũng đáng cho chúng ta bỏ công tìm đọc.

Lúc đem sách về nhà, tôi đã vội vã đọc ngay bài thơ trích của Hồ xuân Hương. Thơ bà chỉ được trích có mỗi một bài, đó là bài QUẢ MÍT

Bài thơ này được giới thiệu qua bản dịch của GS Nguyễn ngọc Bích, như sau:

THE JACKFRUIT
I am like a jackfruit on the tree
To taste you must plug me quick, while fresh:
The skin rough, the pulp thick, yes
But oh, I warn you against touching-
The rich juice will gush and stain your hands

Bài dịch chỉ có bấy nhiêu dòng, không hơn, không kém! Tôi tự hỏi chẳng biết độc giả không phải là người Việt sẽ hiểu như thế nào về nghĩa đen câu thơ dịch thứ hai, khi bài dịch không có một lời ghi chú nào. Lĩnh hội được thơ của bà, điều lý thú nhất là hiểu được cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của bài thơ. Độc giả thế giới nếu không được giải thích rõ, có thể ngộ nhận ý nghĩa bài thơ, và từ đó không nhận ra giá trị đích thực của nó.

Tôi sực nhớ đến GS Huỳnh sanh Thông, giáo sư giảng dạy tại đại học Yale, người đã có công dịch ra Anh văn hầu hết những tác phẩm cổ có gíá trị, như : Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Trê Cóc, Ngư tiều canh mục, Bích câu kỳ ngô, Trinh thử, Lục súc tranh công và hầu hết thơ của các tác gia Việt Nam từ thế kỳ 11 đến thế kỷ 20, trong đó có thơ nữ sĩ Hồ xuân Hương. GS Huỳnh đã dịch ra Anh văn đến 16 bài thơ của nữ sĩ và đăng trong hợp tuyển thơ Việt Nam (An Anthology of Vietnamese Poems) do Yale University Press xuất bản năm 1996. Bài thơ QUẢ MÍT đã được GS Huỳnh dịch ra Anh văn như sau:

JACKFRUIT
My body’s like a jackfruit on the tree
The skin is rough - the pulp is nice and thick
If you love me, drive into it your plug.
Don’t fondle it or sap will stain your hands

Cuối bài còn có thêm phần ghi chú về 2 câu cuối :”The common practice is to drive a plug or wedge into a jackfruit to test it for ripeness.The jackfruit is known for the sticky sap that oozes from its rough skins”.

Chúng ta nhận thấy bài dịch của GS Huỳnh không dư câu, dư chữ, trong sáng và rất  sát nghĩa với bài nguyên tác. Tôi tin rằng bài dịch như thế này mới giúp độc giả thế giới thực sự hiểu được thơ chúng ta.

Thiết tưởng ở đây cũng nên chép lại bài thơ QUẢ MÍT để mọi người tiện đối chiếu với lời dịch của hai dịch giả


QUẢ MÍT
Thân em như quả mít trên cây
Da nó sù sì, múi nó dày
Quân tử có thương thì cắm cọc
Xin đừng mấn mó nhựa ra tay

Hợp tuyển thơ tình của nữ giới này gồm có 257 bài thơ của hơn 200 nhà thơ nữ khắp thế giới qua nhiều thời đại.Tác giả được trích thơ nhiều nhất là nữ thi sĩ Hi lạp Sappho (thế kỷ 6 trước công nguyên). Trong hợp tuyển có cả thơ của nữ hoàng Elisabeth đệ nhất (1533-1603), thơ của công chúa Ba Tư, Zeb-un-Nissa (1638-1702), thơ của La Comtesse de Dia (sinh khoảng năm 1040) xứ Provencal của  Pháp. Còn về thời gian thì trải dài từ nữ thi sĩ Enheduanna (2285-2250 năm trước công nguyên) cho tới những nữ thi sĩ sinh vào thập niên 70 của thế kỷ trước.

Trong một hợp tuyển tương đối có tầm cỡ như thế, không ai dễ gì đọc hết một lần. Sách dày hơn 300 trang, phần giới thiệu sơ lược ở đầu sách chỉ có 8 trang, còn thì toàn là thơ trích, không một lời khen chê, vì đây không phải là tác phẩm phê bình thơ. Tôi thích được đọc thơ có kèm theo lời phê bình hơn là thơ hợp tuyển. Đọc lời phê bình để mong mở rộng tầm hiểu biết của mình và cũng để đối chiếu, rồi nghiệm xem vốn kiến thức của mình lĩnh hội thơ người khác được tới mức nào, hiểu đúng hay sai thơ người khác. Vì thế tôi phải đọc đi, đọc lại thật kỹ những bài mà tôi thích và khi đã chắc chắn là mình hiểu đúng ý tác giả muốn nói thì mới  chọn đưa ra giới thiệu.

Tôi bỏ qua những bài thơ hóc hiểm của Emily Dickenson. Tôi cũng cho qua những bài thơ xuất hiện cách nay nhiều thế kỷ vì đã từng có nhiều người đề cập đến, như thơ của Sappho, Enheduanna, Sulpicia. Và tôi cũng cho qua luôn thơ của những nữ sĩ quen thuộc, từng có thơ được in trong nhiều tuyển tập thơ và ngay cả trong sách giáo khoa dạy về văn học sử, như: Elisabeth Barrett Browning, Emily Bronte, Edna St Vincent Millay, Gertrude Stein, Maya Angelou. Tôi không muốn lập lại những gì người ta đã khám phá và đã quảng bá cho mọi người biết. Vì thế tôi bỏ nhiều thời gian quanh đi, quẩn lại giữa trăm hoa khác trong vườn thơ và cố tìm những bông hoa đầy hương sắc lạ thường, chưa được nhiều người biết đến và nhắc đến. Số lượng tìm ra được cũng khá nhiều, nhưng không thể trình làng cùng một lúc, nên phải chọn lựa hai ba lần và chỉ xin giới thiệu dăm ba bài có tứ lạ, có tình dễ thương mà thôi.

Trong hợp tuyển thơ tình nữ giới này có giới thiệu 4 bài thơ khuyết danh : một của Pháp, một của vùng Provencal, đông nam nước Pháp, một của xứ Wales, và một của đảo Crete. Tất cả đều hay. Đọc những bài thơ khuyết danh này, tự nhiên tôi liên tưởng đến những bài ca dao của ta. Cũng mộc mạc, thơ ngây, đằm thắm, trữ tình và đầy bản sắc dân tộc. Bài tôi thích nhất trong bốn bài thơ khuyết danh là bài thơ  lưu truyền ở đảo Crete trong Địa trung Hải. Bài thơ này đã được Ruth Padel (3) dịch ra Anh văn như sau:

INVITATION
Mother! It’s snowing in the mountain
and raining in the valley
and a stranger’s coming
past our door. He’s wet
He’s covered with snow
Mother! Open up and let him in
Silly girl, we haven’t any bread
Why so you want the stranger?
Mother, there’s bread at the baker’s
Send me to get it. Darling,
we haven’t got wine, Why
do you want the stranger?
There’s wine at the tavern, Mother
Send me to get it. My love,
we haven’t any blankets
and the night’s cold. What
do you want with the stranger?
Mother, my small skirt
will cover us both

Tôi xin dịch ra theo thể thơ lục bát cho gần với ca dao Việt Nam:

LỜI MỜI
- Tuyết rơi trong núi mẹ ơi!
Và trong thung lũng đất trời mù mưa!
Có người lạ, ướt te tua
Đi ngang qua cữa, mới vừa đấy thôi
Khắp người tuyết phủ, mẹ ơi
Mở nhanh cữa trước rồi mời chàng vô
- Bánh mì hết ráo rồi cô!
Người xa lạ, muốn mời vô làm gì?
- Bánh đầy ở hiệu bánh mì
Cho con đến lấy khó gì, mẹ ơi
- Rượu vang cũng hết cả rồi!
Tại sao con lại muốn mời người ta?
- Rượu đầy ngoài quán kia mà
Cho con đi lấy, có xa xôi gì
- Nhà không chăn đắp mới kỳ
Qua đêm khách biết lấy gì ấm đây?
Con muốn gì, với người này?
- Mẹ ơi, váy nhỏ con bày đắp chung
Cả hai được phủ ấm cùng!

Rời Địa trung hải chúng ta lên vùng biển tây bắc sẽ gặp xứ Ái nhĩ lan xinh đẹp. Ở đó, trên bờ bắc ngạn dòng sông Shannon giữa thiên nhiên hoang dã, người tình của nữ sĩ Nuala Ni Dhomnaill đã dọn cho nàng một chiếc giường tình và họ qua đêm với nhau cùng hoa vân anh và lũ bướm đêm. Nữ sĩ không tiện nói ra mà mượn lời người tình viết thành bài thơ ca ngợi mình và tình yêu của hai người. Bài thơ có những ý rất lạ: Mái tóc gợn sóng của người tình là một đàn dê di chuyển qua đồi núi nhấp nhô, đồi có vách đá cao và hai hẻm núi sâu. Giữa cảnh thiên nhiên chung chung, không có gì đặc trưng tại sao lại có con số 2 (2 hẻm núi) giữa những ngọn đồi nhấp nhô và vách đá cao? Có phải đây là câu thơ tả nghĩa đen mà ngầm chỉ cho nghĩa bóng kiểu nữ sĩ Hồ xuân Hương?


Bài thơ tự do gồm 39 câu dài ngắn không đều viết bằng Anh văn. Tôi xin dịch ra 44 câu thơ 4 chữ:


GIƯỜNG TÌNH
Giữa đám cỏ cao
Vòm cây rợp bóng
Thân đan vào nhau
Chiếc giường tình mộng
Anh dọn cho em

Như tấm lụa đào
Da em dịu mềm
Trải trong bóng tối
Khi lũ bướm đêm
Bay ra phấp phới

Da em lấp lánh
Rạng rỡ thân ngà
Như dòng sữa lạnh
Rót từ bình ra
Trong bữa ăn tối

Tóc em sóng dợn
Như đàn dê đi
Núi đồi uốn lượn
Nhấp nhô xanh rì
Vách đá ngất ngưởng
Hẻm núi vĩ kỳ!

Môi em mọng ướt
Đẫm ngọt như đường
Ven sông sánh bước
Gió chiều ngát hương
Thổi qua sông nước

Vân anh từng đoá
Cúi thấp trước em
Trịnh trọng, khép nép
Như gặp người tiên

Anh ngắt đôi đoá
Làm khuyên tai xinh
Đeo cho người tình
Như cô dâu mới
Rạng rỡ nguyên trinh

Anh dọn cho em
Chiếc giường tình mộng
Vào lúc hoàng hôn
Khi chiều xuống chậm

Sung sướng xiết bao!
Hai tấm thân mềm
Quyện chặt vào nhau
Khi lũ bướm đêm
Bay ra phấp phới
Nuala Ni Dhomnaill (1952-Irish )

Rời Châu Âu, chúng ta quay về châu Á sẽ được gặp một cô gái biết cắt hai độ dài của đêm tháng mười một, tháng trọng đông có đêm dài nhất trong năm. Cô cuộn lại một nửa, giữ dưới tấm ra trải giường! Rồi  ướp nửa mảnh thời gian ấy bằng mùi thơm ngọt tựa  làn gió xuân buổi sớm và chờ đợi người tình về. Khi chàng đến, cô sẽ lấy ra nửa mảnh thời gian để dành thơm ngát đó và  từ từ mở ra, từng phân, từng phân chắp nối cho đêm hội ngộ được dài them ! Ôi ! lời thơ dễ thương làm sao !

Bài thơ này chỉ có 6 câu thơ ngắn, được Peter Lee dịch ra Anh văn, tôi dịch ra thành 10 câu thơ 4 chữ:

EM CẮT LÀM HAI
Em cắt làm hai
Đêm dài tháng một
Phân nửa giữ bớt
Dưới ra trải giường
Ướp ngọt mùi hương
Như gió xuân sớm
Rồi khi chàng đến
Em mở dần dần
Từng phân, từng phân
Nối dài đêm mộng
HWANG-CHIN-I

Rất tiếc, trong bản phụ lục liệt kê tiểu sử tác giả không thấy tên nữ thi sĩ này, cũng giống như trường hợp nữ sĩ Hồ xuân Hương của chúng ta, thơ có trích mà tiều sử không có! Nhưng theo cách phiên âm thì có lẽ đây là một người Trung Hoa mà không biết sống ở thời nào!

Ngược lên vùng băng tuyết Thụy Điển chúng ta bắt gặp một bài thơ trong đó diễn tả tâm tình của một cô gái lần đầu khám phá ra cảm xúc kỳ diệu lúc đôi bàn tay cô bỡ ngỡ nằm gọn trong đôi bàn tay người tình. David McDuff dịch ra Anh văn dưới dạng thơ tự do và bản Việt ngữ cũng xin dịch ra dưới dạng đó:

KHÁM PHÁ
Tình anh làm mờ vì sao của em
Trăng đang lên trong cuộc đời em
Tay em còn bỡ ngỡ trong tay anh
Tay anh là khát vọng
Mà tay em đang khao khát
Edith Sodergran(1892-1923 Thụy Điển)

Tôi chọn bài thơ này vì tôi liên tưởng đến hai câu hát trong bản tình ca Lặng nghe mùa xuân về, đậm đà  bản sắc dân tộc của nhạc sĩ Dương Thụ mà tôi rất yêu thích:

… Cho em nắm tay, nắm tay anh, khi mùa xuân về
Cho em khát khao, khát khao anh khi mùa xuân về …


Nhưng nỗi khát vọng đó rất dịu dàng, rất nữ tính, khác với nỗi khát vọng mà một nữ sĩ xứ Armenia mô tả. Bài thơ được Dianna Der Hovanessian dịch ra 20 câu ngắn, tôi rút gọn thành 16 câu lục bát:

KHÁT VỌNG
Muốn riêng chào đón mình anh
vào hồn em, tựa vị thần lang thang
Rã rời vì lỡ lạc đường
Để nghe anh gọi thân thương là nhà
Và em giới hạn vườn ta
Họa mi chỉ một giọng ca tuyệt vờì
Véo von riêng tặng em thôi
Ươm trong giọng hót một trời tự do

Muốn giam anh giữa tim này
Trong dòng máu chảy đêm ngày triền miên
Trong xương cốt của thân em
Từng khoe yểu điệu dáng tiên gọi mời
Khi em từ giã cõi đời
Muốn tên em khắc sâu vào tim anh
Tim anh là đá luyện thành
Tình đài kỷ niệm chúng mình thiên thu
Shushanig Gourghenian (1876-1927 Armenia)

Nhưng dù cho hai tâm hồn có nhập được lại làm một, như cặp tình nhân Iran trong bài thơ dưới đây, có khi ngồi bên nhau mà vẫn cảm thấy cô đơn. Như lời trong một câu thơ Việt: Hai người nhưng vẫn thấy cô đơn! Đó cũng là bi kịch của con người!

Bài thơ này được Hasan Javadi & Susan Sallee dịch ra Anh văn dưới dạng thơ tự do gồm có 13 câu, và tôi giữ nguyên số câu cùng cách ngắt câu của bài dịch đó:

ĐÔI LỨA
Đêm chìm xuống
và sau đêm là bóng tối
và sau bóng tối
là những đôi mắt
là những bàn tay
và nhịp thở, thở, thở
và tiếng nước
nhỏ từ vòi nước từng giọt, từng giọt, từng giọt
Rồi hai đóm lửa đỏ
của hai điếu thuốc đang cháy
tiếng tích tắc của đồng hồ
và hai con tim
Và hai nỗi cô đơn
Forugh Farrokhzad (1934-67 Iran)

Iran là xứ sở của nhiều thơ hay do nhiều thi sĩ, nam cũng như nữ sáng tác. Chỉ riêng trong hợp tuyển thơ này đã có đến bốn nữ sĩ có thơ chọn đăng. Trong khi đó, một nước Á châu khác cũng có nhiều nữ thi sĩ là Trung Hoa, thì chỉ có hai người có thơ chọn đăng, gồm có Wu Tsao, được giới thiệu là một nữ sĩ nổi tiếng trong giới đồng tính nữ, và Mei-mei Berssenbrugge là một người Mỹ gốc Hoa. Nếu kể cà Hwang-Chin-I ở trên nữa thì cũng chỉ có ba người.

Chẳng hiểu vì sao các tác giả hợp tuyển thơ này không nhắc đến Lương Ý Nương, một nữ sĩ nổi tiếng với bài thơ Trường tương tư, bài thơ hay lấy cảm hứng từ chính cuộc tình đầy nước mắt của bản thân mình. Tôi cho là thiếu sót nếu như chúng ta bỏ qua không nhắc đến bài thơ đó. Vậy tiện đây xin chép lại để mọi người cùng nhớ lại một bài thơ mà mình hằng  yêu thích.

Trường tương tư(2)
Hoa hoa diệp diệp lạc phân phân,
Chung nhật tư quân bất kiến quân.
Trường dục đoạn, hề trường dục đoạn,
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.
Ngã hữu nhất thốn tâm,
Vô nhân cộng ngã thuyết.
Nguyện phong xuy tán vân,
Tố dữ thiên biên nguyệt.
Hồ cầm thướng cao lâu,
Lâu cao nguyệt hoa mãn.
Tương tư đàn vị chung,
Lệ trích cầm huyền đoạn.
Nhân đạo Tương giang thâm,
Vị để tương tư bán.
Giang thâm chung hữu để,
Tương tư vô nhai ngạn.
Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ.
Trường tương tư, hề trường tương tư,
Trương tương tư, hề vô tận cực.
Tảo tri như thử quải nhân tâm,
Hồi bất đương sơ mạc tương thức.
Lương Ý Nương

Có nhiều bản dịch bài thơ này ra Việt ngữ, nhưng chẳng có bài nào được mọi người chấp nhận là hoàn chỉnh nhất. Gần đây, có một số dịch giả chẳng biết vì sao dịch ra một số chỗ rất ngớ ngẩn. Chẳng hạn như chữ NGÃ và THIẾP trong bài trên ai cũng hiểu là lời tự xưng của tác giả Lương Ý Nương, còn chữ QUÂN thì chỉ cho người tình Lý Sinh của nàng. Vậy mà có một dịch giả (Đ.V.N.) đã dịch câu thơ “Chung nhật tư QUÂN bất kiến QUÂN thành : “Suốt ngày mong nhnào đâu thấy NÀNG” (?!) đăng trên trang mạng THI VIỆN ở trong nước!

Hầu như sinh viên văn khoa Saigon thuở trước ai cũng đều thuộc lòng một bài dịch tương đối hoàn chỉnh, nhưng sau hơn nửa thế kỷ, bây giờ chỉ còn nhớ chừng một nửa. Muốn tìm lại đủ bài, lục khắp các trang mạng cũng chẳng thấy bài dịch đó, nên tạm thời dùng bản dịch tương đối khá dưới đây của Vũ ngọc Khánh, mặc dù có đôi chỗ chép nguyên văn những câu của bài thơ dịch mà trước đây chúng tôi đã từng thuộc lòng:

Tương tư dài
Hoa hoa lá lá rụng tơi bời
Lòng nhớ người, sao chẳng thấy người
Ruột muốn đứt thêm, thêm đứt ruột
Châu rơi thành ngấn lại châu rơi
Ta có một tấc lòng
Không có ai mà hỏi
Muốn nhờ gió đuổi mây
Để được cùng trăng nói
Ôm đàn lên lầu cao
Lầu cao trăng giãi khắp
Tương tư khúc chẳng thành
Lệ nhỏ dây đàn đứt
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu còn có đáy
Tương tư chẳng bến bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương
Hồn mộng bay không đến
Còn một chết thôi mà
Bước vào cửa tương tư
Mới biết tương tư khổ
Tương tư hoài, dài tương tư
Tương tư dài, dài khôn xiết
Sớm biết nỗi đau lòng
Xưa đừng cùng quen biết.
Vũ ngọc Khánh dịch

Qua dăm bài thơ tình tiêu biểu trên của nữ giới, chúng ta nhận thấy tác phẩm của họ đâu có kém gì thơ của các đấng mày râu. Có khi đọc thơ tình của họ, chúng ta còn cảm thấy thú vị hơn, vì có cảm tưởng như được nghe những lời tình tự, thủ thỉ bên tai từ một ngưòi tình!


Tôi chợt nhớ đến một bài thơ cổ :

Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp dù có khác
Một thả cũng tuyệt mù

Bài thơ tuy ngắn nhưng hàm chứa nhiều ý, trong đó ý chính là nhận ra khả năng tiềm ẩn và tài năng thực sự của nữ giới khi so sánh với tài năng của nam giới. Trong xã hội cũ, vai trò của người phụ nữ chỉ là phụ thuộc và giới hạn trong phạm vi gia đình. Vì thế, tài năng của họ không có cơ hội phát triển.Nhưng một khi có điều kiện, tài năng tiềm ẩn của nữ giới cũng thể hiện một cách xuất sắc trong mọi lĩnh vực như ngày nay chúng ta đã thấy.

Trong bài thơ trên, người phụ nữ khiêm tốn ví mình thấp kém như khói trong lò và tôn vinh người tình của mình như mây mùa thu bay trên trời cao. Nhưng dù ở vị trí nào, cao hay thấp, cả mây và khói, một khi được tự do bay thì cũng bay bỗng tuyệt mù.

Tôi rất tâm đắc với bài thơ này. Và mỗi khi nghĩ đến những gì liên quan tới sự so sánh tài năng giữa nam và nữ, nhất là trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, tôi thường thi vị hoá suy nghĩ của tôi bằng những hình ảnh đẹp qua bài thơ này. Vì thế, trong khi thưởng thức thơ tình của những cây bút nữ, tôi hình dung ra trong trí những sợi khói lam chiều thơ mộng, uể oải vươn mình lên khỏi những nếp nhà tranh vào một chiều thu đẹp như trong ca dao, để sánh vai cùng bay với những áng mây thu bàng bạc, lãng đãng bên trời.

P.Anh

(1) Đây là một công trình biên khảo của 4 nữ tác giả nổi tiếng của Anh và Mỹ. Các tác giả đã đọc hơn 3000 bài thơ và chọn lọc ra đượ 257 bài giới thiệu trong  hợp tuyển thơ này.Chủ biên là Wendy Mulford, gốc ở xứ Wales, nhưng nơi sống chính là Cambridge. Bà đã thực hiện được 7 tuyển tập thơ cùng 8 tác phẩm nghiên cứu khác.Cùng hợp tác với bà có:
-  Helen Kidd, cũng là một thi sĩ. Bà là giảng sư Anh ngữ tại Oxford Polytechnic, đồng chủ bút New Poetry from Oxford. Bà cũng giảng dạy thi ca hiện đại của phụ nữ tại Wolfson College, Oxford và có công đóng góp vào hai tuyển tập bình luận về thơ : Diverse Voices: Essays on Womem Writers Around the World, và Poetry and Theory.
-  Jukia Mishkin sống ở New York và Cambrifge, cũng là một thi sĩ. Thơ bà được phổ biến rộng rãi trên các tạp chí : Yale Review, Poetry, The nation, The Iowa Review, Pequod, và Paris Review
-  Sandy Russel là một ca sĩ nhạc jazz kiêm nhà văn gốc ở New York và sống ở Durham. Bà từng phỏng vấn nhiều văn sĩ Mỹ da đen, viết thành tác phẩm và  đã được xuất bản có tên là : Render Me My Song:African-American Writers from Slavery to the Present
(2) Ghi chú về nguồn gốc bài thơ Trường tưong tư và tác giả Lương Ý Nương: Trong Tình Sử có chép : “ Vào triều nhà Hậu Chu, đời Ngũ  Quý, có người con gái Lương Tiêu Hồ tên là Lương Ý Nương, cùng với Lý Sinh là họ hàng con cô, con cậu. Lý Sinh thường qua  lại thăm nàng nhiều lần. Nhân đêm trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không nỡ rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày thu buồn, Ý Nương viết bài thơ này
(3) Ghi chú về tiểu sử các tác giả có thơ chọn đăng và các dịch giả dịch thơ viết bằng các ngôn ngữ khác ra Anh văn:
Trong số hơn 200 nhà thơ nữ có thơ chọn đăng trong hợp tuyển thơ này chỉ có 197 người có ghi tiểu sử ngắn gọn từ 1 dòng đến 6 dòng. Còn một số thì không có tiểu sử, như nữ sĩ Hồ xuân Xương của chúng ta chẳng hạn.
Về dịch giả, trừ những tác giả Anh, Mỹ, Canada, Scotland, Ireland, Wales viết bằng tiếng Anh ra, còn một số lớn tác giả khác viết bằng ngôn ngữ riêng của họ, rồi được các dịch giả dịch ra Anh văn. Bỡi vậy số dịch giả rất đông.Ví dụ như về bài thơ QUẢ MÍT của nữ sĩ Hồ xuân Hương thì ghi tên dịch giả là Nguyễn Ngọc Bích. Nhưng rất tiếc, không có một dòng nào về tiểu sử các dịch giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét