Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

VUA NGU


1.  Đấy là tên của một vở tuồng hát bộ, mà cũng là đầu dây mối nhợ của sự đổ vỡ giữa hai anh em nhà ấy. Dường như ở cái làng ấy thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và lần này thì chuyện lại xảy ra giữa ông bầu và tay kép nhất của một gánh hát tuồng, và hai người này lại là hai anh em ruột thịt. Ông Sô là bầu hát, là em. Ông Thượt là kép hát, là anh.

2.  Vua nước Lư Lâu ỷ mạnh, tự dưng xua quân đánh chiếm nước Ngõa, giết vua cũ đi, và sai người đi tìm người ngu nhất nước ấy để lập làm vua mới. Người đi tìm người ngu nhất nước đi khắp nước Ngõa gặp ai cũng hỏi có muốn làm vua không, thì ai nấy đều nói không, duy chỉ có một người nói muốn. Vua Lư Lâu bảo đấy là kẻ ngu nhất nước. Và cho lên ngôi vua. Đấy là cốt tuồng Vua Ngu.

3.  Không phải ông Sô sinh ra để làm bầu hát. Vì ở cái làng quê ấy mọi người sinh ra là để cày ruộng. Và cũng không phải vì cái chí lớn muốn làm một công việc lớn hơn việc cày ruộng mà ông Sô đã rời bỏ làng quê mình ra đi vào năm ông mười chín tuổi. Này, thằng gì kia, mày có biết nấu cơm không? Thưa biết. Có biết chăm sóc ngựa không? Thưa biết. Đấy là cuộc tra vấn của ông chủ gánh hát tuồng, lúc thằng Sô, con trai út ông chánh bái Tòng, đến đầu quân xin làm công việc gánh rương hòm cho gánh hát. Như vậy ngoài việc gánh gồng đồ đạc mỗi lần gánh hát di chuyển, thằng con trai út chánh bái Tòng còn kiêm việc nấu cơm cho gánh hát và cắt cỏ cho ngựa của ông chủ gánh hát. Gộp hết các công việc ấy lại, nó thấy vẫn còn khỏe hơn đi cày ruộng. Tưởng sao chứ  kéo màn là làm thế, nó làm được. Tưởng sao chứ làm quân hầu vác cờ vác gươm chạy trên sàn diễn thế, nó cũng làm được. Có nghĩa, ngoài những công việc nói trên, thằng con trai út chánh bái Tòng còn xin làm công việc kéo màn, và đóng vai quân hầu mỗi lần diễn tuồng có quân hầu. Nhưng làm quân hầu đâu phải chỉ vác cờ vác gươm chạy trên sàn diễn, mà đôi lúc còn phải hát. Ông thầy tuồng của gánh hát có giật mình khi chỉ đọc một lần là thằng con trai út chánh bái Tòng nhớ ngay. Không phải là nó chỉ thuộc lời hát của đám quân hầu, mà còn thuộc cả những lời hát của các đào kép chánh. Ông thầy tuồng của gánh hát có cao vọng về nó thật, nhưng là cũng chỉ để ở trong lòng, chứ làm sao lại đi phân cho đứa giữ ngựa thủ vai kép, dù thầy tuồng là soạn tuồng, là tập tuồng, có  quyền phân bổ vai diễn trong gánh hát. Khi biết đứa con trai út của mình tìm vô tận tỉnh trong để theo gánh hòm rương cho một gánh hát tuồng, ông chánh bái Tòng chỉ còn biết thở dài, vì cho thế là hư hỏng. Nhưng ông Thượt, con trai cả của ông, đã nói một câu mặc may mà lại ứng với tương lai của em trai mình. Biết đâu thằng Sô lại làm nên sự nghiệp. Phải mất hơn mười năm cái tương lai ấy mới đến tay ông Sô. Hơn mười năm kiếm cơm áo ở cái gánh hát tuồng ấy, thằng trai út chánh bái Tòng ăn đòn của ông chủ gánh hát như ăn cơm bữa. Này thằng Sô, mày có biết ngựa là giống ăn cỏ chứ không ăn rơm hay không? Cứ một lần hỏi thì đánh mấy chục roi chà phun. Thằng trai út của chánh bái Tòng đã xén bớt thời gian cắt cỏ ngựa để học chữ với ông thầy tuồng. Khi bị đòn thì hứa không đi xin rơm cho ngựa ăn nữa. Nhưng cái lòng ham học chữ  giống như ma quỉ lại ám nó phạm tội nữa. Lần này thì phải nói cho mày biết, mày là đứa ngu nhất nước, cho nên mới không biết ngựa là giống không thể ăn rơm. Lần ấy thằng trai út chánh bái Tòng bị ông chủ gánh hát chửi thế, và bị đánh gần một trăm roi chà phun. Ông Sô không nói ra đấy thôi, chứ lời nguyền rủa có tính chất quả quyết kia là có tác động rất lớn đối với phần đời còn lại của ông. Phải nói bị trận đòn ấy thì thằng trai út chánh bái Tòng gần đạt đến chỗ tàn phế. Có nghĩa, roi chà phun làm rộp hết da đít, đêm nó chỉ toàn ngủ sấp, ngày nó chỉ rặt đứng, nấu cơm cũng đứng, cắt cỏ ngựa cũng đứng, chứ đít như thế làm sao ngồi. Sau trận đòn đó nó thề trong lòng là không để cho ông chủ gánh hát xâm phạm đến nhân phẩm của mình nữa. Ông thầy tuồng do có cao vọng ở nó, nên đã thức thâu đêm để dạy chữ cho nó. Đêm nào cũng thế, chờ  mọi người trong gánh hát ngủ cả, thầy trò mới bày đèn sách ra. Phải nói bấy giờ chuyện chữ nghĩa sách vở đã làm thằng trai út chánh bái Tòng quên hết chuyện gian khổ trong việc kiếm miếng cơm manh áo. Ông chủ gánh hát vốn là người không biết chữ, nên cũng chẳng biết là nó đang học những gì, với lại ông cũng chẳng thể cản được nó, bỡi việc học chữ là xảy ra sau một ngày nó đã làm tròn mọi phần việc của mình. Cuối cùng thì nó cũng đọc được các bản tuồng do ông thầy tuồng soạn. Vào các buổi diễn tuồng, thằng trai út chánh bái Tòng vừa làm công việc kéo màn, vừa ngồi ở nơi cánh gà mà ngẫm nghĩ về những chuyện cười khóc ở trên sàn diễn. Con muốn thử làm một vai kép, có được không? Sau hơn mười năm kiếm sống ở cái gánh hát ấy, thằng trai út chánh bái Tòng đã thử đề nghị với ông thầy tuồng. Thì hằng ngày con vẫn làm một anh kép hát trên sân khấu cuộc đời, còn thử gì nữa. Ông thầy tuồng nói. Và có vẻ hoảng hốt lắm khi đọc xong  bản tuồng do đứa học trò của mình soạn, tuồng Vua Ngu. Đã đến lúc con có thể rời khỏi nơi đây, có nghĩa là đã đến lúc con  có thể làm những việc ta đã từng làm bấy lâu nay. Ông nói với đứa học trò yêu của ông.

4.  Người làng Cù bảo chánh bái Tòng có sơ xuất thế nào ấy với các vị  thần và ma quỉ trong các cuộc cúng tế ở đình làng, nên ông chết rồi mà còn để lại cái họa cho đứa con trai út của mình. Sở dĩ người ta nói thế là do ông không biết chữ. Người tiền nhiệm của ông đã truyền miệng cho ông  danh sách các vị thần và đám ma quỉ được mời trong các buổi tế lễ, mà chỉ dùng trí nhớ không thôi thì nhất định ông không thể nào nhớ một cách đầy đủ cái danh sách ấy. Không phải ma ám là gì, sau hơn mười  năm bỏ làng  ra đi, giờ con trai út chánh bái Tòng trở về nhà với vài người con trai cùng lứa, rồi đêm đêm lại cùng ra đình làng để mượn trống đình mà tập hát bộ? Tuồng Vua Ngu thì dài, có đến mấy hồi mấy cảnh, trước mắt, ông Sô chỉ trích ra một số đoạn để tập. Khi rời khỏi gánh hát theo lời khuyên của thầy mình, ông Sô chỉ rủ theo được hai đứa bạn cũng làm công việc tạp dịch trong gánh hát như mình, nên trước mắt là chỉ tập được trích đoạn Vua Ngu đi kinh lý. Ông Sô đương nhiên phải thủ vai chính, vai vua ngu. Còn hai bạn ông thì thay nhau làm ngựa và làm vua Lư Lâu. Cách xưng danh trong hát bộ thường là rõ ràng và sòng phẳng. Như ta đây là kẻ ngu nhất nước được làm vua là cũng nhờ vua nước Lư Lâu. Đấy là câu nói của vua ngu, mở đầu cho trích đoạn ấy. Cái ông già vốn là bạn thân của chánh bái Tòng được nhờ việc điểm trống chầu cho đám ông Sô tập tuồng, đâu biết tuồng tập là gì, chỉ khoái chí đấm trống liên hồi kỳ trận, nên cũng bị dân làng Cù cho là bị ma ám. Cho người khác là bị ma ám, nhưng rồi ai nấy cũng muốn ra đình làng xem thử đám ông Sô làm những trò chi. Đêm nào thì cũng vua ngu đi kinh lý. Cái trích đoạn tuồng chỉ có ba nhân vật mà có đến hai nhân vật làm vua. Ở cái làng quê ấy mọi người sinh ra là để làm ruộng, giờ bỗng dưng thấy ông Sô đêm nào cũng làm vua, khiến ai nấy đều cảm thấy thèm muốn. Như vậy là đêm nào cũng có người tình nguyện  tập tuồng với ông Sô. Cuối cùng thì gần nửa đám con trai con gái ở làng Cù xin tập hát tuồng với ông Sô. Dường như cuộc đời là cần phải có những phút giây như thế. Một ngôi vua, hay một cuộc tình, những thứ xảy trên sân khấu là giả, nhưng dường con người ta là cần có những cuộc đời giả như thế để quên bớt  cay đắng nhọc nhằn của cuộc đời thật. Nhưng việc ông Thượt trở thành kép hát thì coi như một thứ định mệnh. Thấy mọi người tập hát tuồng, ông cũng thử cho biết. Cái hôm ông tập đóng vai vua ngu thì ông Sô đích thân cầm chầu. Nghe con trai cả chánh bái Tòng tập tuồng, dân làng đã kéo đến chật sân đình. Là đêm giữa tháng, trăng đủ sáng cho việc diễn xuất và xem diễn xuất. Dân như rơm như cỏ, mà vua thì như con bò ăn rơm ăn cỏ, cho nên vua không có dân thì vua không sống nổi. Ông Thượt uốn môi uốn giọng nói những lời thương dân thương nước vốn được vua Lư Lâu soạn cho ông vua ngu học thuộc trước khi đi kinh lý. Trời sinh ra anh là để đóng vai ông vua ngu. Ông Sô khoái chí quá, hét tướng lên, sau khi đã đấm thủng cái trống của đình làng. Còn ông Thượt thì cứ ôm chặt lấy em trai mình, và những giọt nước mắt thì cứ việc lăn tròn trên đôi gò má rám nắng của ông. Cho đến khi cái gánh hát của bầu Sô đã nên hình dạng, tức là khi đã được người ta rước đi hát, thì đám con hát của gánh hát ấy vẫn là chân hia chân ruộng, tức, có ai kêu đi hát thì ráp lại tập tuồng, hát xong ai nấy đều trở lại với việc ruộng đồng. Ông Hai Thượt khi đã thành kép chánh của gánh hát, một hôm diễn xong vai vua ngu, lúc cởi hia thì nghe mùi bùn đất xông lên mũi, nghĩ mới nhớ là đi cày về thì chạy liền đến nơi hát cho kịp giờ, chưa kịp rửa chân. Cái thú xướng ca rặt mùi thôn dã ấy lại làm cho người ta đắm say nhau. Mười lăm năm kép Thượt và đào Triềng đã đắm say nhau trong vai vợ chồng vua ngu ở trên sàn diễn, và trong vai vợ chồng thật ở trong đời thường

5.  Nói việc ông Thượt trở thành kép hát như một thứ định mệnh, là bỡi vì sau mười lăm năm nổi tiếng trên sàn diễn, khi không còn nhan sắc để ca hát ông cũng lui về với ruộng đồng như mọi người, thì cái ý nghĩ dẫn đến cốt nhục tương tàn ấy lại nảy nở trong tâm trí ông. Có cố gạt bỏ mấy thì cái ý nghĩ coi như thứ tai họa đối với anh em nhà ông vẫn cứ lẩn quất trong đầu ông. Phải nói trong quảng mười lăm năm ấy, ông vua ngu do ông thủ vai đã làm dấy lên trong cảm xúc người xem những cung bậc vô cùng mãnh liệt. Từ căm ghét, căm giận… chuyển sang khinh bỉ, rồi từ buồn cười đến không thở nổi chuyển sang ghê tởm và thương hại. Mười lăm năm gánh hát bầu Sô đã có mặt ở khắp các làng quê của một vùng đất nước. Một gánh hát suốt mười lăm năm chỉ diễn độc một vở tuồng, là tuồng Vua Ngu, nhưng ở nơi này chưa xong kỳ hạn hát, nơi khác đã đến mời đi. Người ta mê ông vua ngu do kép Thượt đóng, ông vua vẻ mặt thì toát lên vẻ mông muội, đần độn, nhưng miệng lại nói những lời sang trọng của một bậc quân vương, mê đến nỗi cả cái nhân vật vua ngu ấy lẫn ông Thượt đều trở thành huyền thoại. Có lời truyền rằng lúc ông Thượt lọt lòng mẹ thì có thứ hơi màu đen toát ra ở nơi đỉnh đầu, mẹ ông bảo con trai mình có mạng làm vua, nhưng cha ông nói nếu có làm vua thì cũng chỉ làm một ông vua ngu, quả nhiên đến khi em ông lập gánh hát thì ông đã thủ vai ông vua ngu. Biết đâu cái huyền thoại nghe ra có vẻ rất huyền thoại ấy lại là một cách bình phẩm văn chương của một tay đại bút nào đó. Nhiều lắm. Có bao nhiêu cách  bình phẩm về nhân vật vua ngu. Kẻ vị tha cho rằng ông vua ngu chỉ là nạn nhân của cái thế gian mà những kẻ làm ra luật pháp và canh giữ luật pháp cứ tưởng là đang nắm giữ trật tự của cuộc sống, thật ra là đang nắm giữ một cuộc chơi mà sự nghiêm túc và không nghiêm túc là có vẻ ngang bằng nhau. Nhưng kẻ quá khích thì nghĩ khác, có vẻ nhiêu khê hơn. Rằng trong cuộc tiến hóa của sinh vật người lại xảy ra cái ngẫu nhiên là sự chậm lại của tiến trình, một trong những trường hợp chậm lại ấy là con người đã làm vua nước Ngõa. Có nghĩa ông vua ấy là cái sinh vật người vẫn còn đang trong quá trình biến đổi, một con người còn trong giai đoạn hoàn chỉnh về mặt cơ thể cũng như trí tuệ mà lại thích làm công việc trị nước. Gánh hát của bầu Sô rã từ lâu. Nhưng hình ảnh ông vua ngu do ông Hai Thượt tạo nên trong mười lăm năm ấy thì vẫn tồn tại trong nhân gian. Ở làng Cù, hình ảnh ông vua ngu đã trở thành một thứ trò chơi thông thuộc của lũ trẻ nít, giống như những trò đánh trổng, đánh cù, hay cởi ngựa chưn đưng. Ở đây cũng có ngựa, nhưng là ngựa của ông vua ngu. Trò chơi là dựa theo trích đoạn Vua ngu đi ngựa. Vốn là anh dân quê đâu biết đi ngựa là gì, nên đến khi làm vua, đi ngựa, lại leo lên ở đằng đít của ngựa, nên vua đã bị ngựa đá văng ra đất. Trong tuồng Vua ngu thì đoạn đó chỉ để làm cho tuồng sinh động. Nhưng với lũ trẻ nít thì đoạn đó có thể biến hóa thành thứ trò chơi lặng lẽ giữa hai người. Đứa làm vua ngu bị ngựa đá thì lặng lẽ chuyển sang làm ngựa. Mà làm ngựa thì cũng đơn giản thôi. Chỉ cúi người xuống, đi cả hai chân hai tay, là tức thì thành ngựa. Mỗi lần ông Hai Thượt nhìn thấy lũ nhỏ trong làng chơi cái trò chơi ấy thì nghe sôi máu ở trong người. Nghiệt nỗi là mỗi khi  thấy có ông xuất hiện ở ngoài đường thì bọn chúng mới tụ lại để gầy ra cái trò chơi ấy. Ông nhân danh cái gì để cấm đoán chúng? Mỗi lần trông thấy cái đứa đóng vai vua ngu bị ngựa đá văng ra đất, thì ông lại gầm lên ở trong đầu, rằng phải băm thằng em trai ông ra muôn mảnh, cũng bỡi thằng em trai ông nên ngày nay ông mới rơi vào cảnh dở khóc dở cười này.

6.  Việc lũ trẻ nít làng Cù chơi trò vua ngu đi ngựa cũng chỉ là một trong những điều khiến ông Thượt oán giận em trai mình. Gánh hát không còn, nhưng ông Sô vẫn giữ được cái tên tuổi sáng giá một thời. Người ta vẫn gọi ông là ông bầu Sô, chứ không gọi trơn là ông Sô. Và cũng không phải gọi trơn là bầu Sô, mà là bầu Sô tác giả tuồng Vua Ngu. Nhưng ông Thượt thì  mất hết tất cả, cả cái tên cha sanh mẹ đẻ, lẫn cái tên kép Thượt. Mấy đám ruộng ông vua ngu mùa này coi như tốt nhất đồng. Nhà ông vua ngu hình như bữa nay có đám giỗ thì phải? Thế đấy. Con trai cả của chánh bái Tòng, cái ông Hai Thượt ấy, giờ không còn là Hai Thượt, mà là vua ngu. Ở trong làng, thay vì gọi ông là bác Hai Thượt, chú Hai Thượt, người ta gọi ông là bác vua ngu, chú vua ngu. Có vẻ như người đời đã dứt điểm coi ông là nhân vật của tuồng. Giờ thì Hai Thượt này chỉ như thứ hồn ma vất vưởng thoát ra từ tuồng tích của bầu Sô. Ông phải nói ra nỗi đắng cay này với bà vợ thân yêu của ông. Bà Thượt thì không bằng lòng về cách suy nghĩ ấy. Phải nói là có chú ấy thì cha lũ nhỏ mới được người ta mến mộ đến mực ấy. Bà nói. Thôi đi, ta phải chém đầu thằng đó mới hả giận. Câu đó là vua ngu nói ở trong tuồng mỗi khi tức giận ai. Nói xong câu đó thì ông Thượt nghe cay đắng trong lòng. Thì ra chính ông cũng chẳng biết là mình giống vua ngu đến mực nào. Ông Sô chẳng hay biết gì về nỗi cay đắng của anh mình. Và cuộc anh em đã thực sự đổ vỡ vào hôm có nhà nghiên cứu văn hóa thế giới đến gặp ông Thượt, một ông Tây có vẻ rất am hiểu về các nền văn hóa phương Đông. Tất nhiên là trước khi đến gặp ông Thượt, người đã thành công vang dội trong vai vua ngu, thì ông ta đã có trong tay những tư liệu về tuồng Vua Ngu, và tất nhiên là có cả người am hiểu tuồng ở địa phương cùng đi với ông. Vừa gặp nhau ở sân thì ông ta đã đề nghị ông Thượt cho ông xin một tấm ảnh. Nhà nghiên cứu văn hóa ngắm người nghệ sĩ tài hoa, bấm máy, và tủm tỉm cười. Ông Thượt hỏi liền, là ông ta cười cái gì. Người thông dịch cũng liền thuật lại lời của ông ta, rằng ông từng gặp rất nhiều nghệ nhân tuồng, nhưng chưa hề thấy có nghệ nhân nào mà trong đời thường cũng biểu hiện một cách đầy đủ tính cách của nhân vật trong tuồng như vậy, ông không nhịn được cười vì trông ông Thượt có vẻ đần độn đúng như trong kịch bản tuồng. Trời đất ơi hết cái đám trẻ nít làng Cù biêu riếu ông ở trong làng, giờ đến lượt thằng Tây đem ông ra biêu riếu trên thế giới. Nghe có nhà nghiên cứu châu Âu đến phỏng vấn ông Thượt, ông Sô sang để chúc mừng anh trai mình. Ông sang đúng vào lúc ý nghĩ nói trên vừa hình thành trong đầu ông Thượt. Chú phải ra khỏi nhà tôi ngay, bỡi tôi với chú là chẳng anh em gì cả. Ông Thượt hét. Ông Sô cứ đứng thẩn người trước anh trai mình và đám khách. Buộc lòng bà Thượt phải giảng giải cho ông Sô hiểu. Bấy lâu nay ông nhà tôi vẫn cho là tại chú nên mới có việc ngày nay người ta gọi ông là vua ngu. Bà nói, khóc ròng. Như vậy là thân bại danh liệt, rõ chưa? Ông Thượt lại hét. Và tát ông Sô cùng lúc tới mấy bạt tai trước vẻ hoảng hốt của ông khách Tây.

7.  Trước lúc chết, ông chánh bái Tòng có tiết lộ với đứa con trai cả của ông một điều bí mật. Là trong những tháng năm làm công việc cúng tế ở đình làng ông có làm một việc có tính cách tự tư tự lợi là đã xin riêng các vị thánh thần phù hộ cho đứa con hư hỏng của ông sớm tỉnh ngộ, quay trở về nhà. Bấy giờ thì ông Sô đang phiêu bạt khắp bốn phương trời, ông chánh bái có tức giận trong lòng, nhưng vẫn luôn nhớ mong con. Đêm ấy ông Thượt cứ nằm nghĩ ngợi suốt về điều bí mật cha của ông đã từng tiết lộ với ông. Trời đất ơi ngày ấy thì cha của ông vì em trai ông đã dám đem cái lòng tự tư ích kỷ ra mà nói với thần thánh, còn ngày nay thì trước mặt bàn dân thiên hạ ông lại tuyên bố rằng em trai ông không còn là anh em với ông nữa. Lòng oán giận như thế là đã đúng cách chưa? Quả tình là ông Thượt đang rất bối rối, một thứ tư biện vốn chỉ xảy ở loài giống con người, cái loài giống đã xuất hiện lên từ sự hỗn độn của mặt đất có cả cái giá buốt cái thiêu đốt của thời tiết khí hậu, có cả sự dời đổi của núi sông, cả sự ăn nhau và giẫm đạp  nhau của các loài thú lớn thú nhỏ, cả sự lấn áp nhau của biển của đất của rừng, và mang theo với mình cả niềm vui sống, lẫn sự sợ hãi, điên giận, căm hờn, nhưng đồng thời cũng mang theo thứ xúc cảm có tính cách vô thức về nhóm, về bầy đàn, mà mãi về sau, khi con người đã biết suy nghĩ về chính mình, thì biết đấy là tình yêu nòi giống, tình yêu gia đình ruột thịt. Quả tình là ông Thượt đang nghĩ ngợi rất nhiều về em trai ông. Biết rõ là sau khi bị ông đuổi ra khỏi nhà, ông Sô vì đau xót trước sự đổ vỡ ấy, đã ngã xuống, cả ngày đêm ông ấy nằm bẹp trên giường, biết thế, nhưng ông vẫn cứ lo em trai mình chết. Trời vừa sáng, ông đã sang nhà ông Sô, và sà xuống giường người bệnh. Chú là em của tôi nên chú không được chết trước tôi. Ông Thượt nói đến đó thì nghe nghẹn ở cổ. Đời anh có chuyện chẳng mấy vui là tại tôi đã bày ra bản tuồng quỉ quái đó. Ông Sô có vẻ gắng lắm mới nói được. Ông Thượt vội đỡ ông Sô dậy, và ôm chặt lấy ông ấy. Đừng chết nghe chú, là tôi đã nghĩ không đúng về chú, không phải tại chú, mà tại cuộc đời quỉ quái có lúc đã tỏ ra chó má với chú, thành ra chú mới soạn ra tuồng Vua Ngu. Ông Thượt khóc, nói.

8/Kết thúc của tuồng Vua Ngu là không có hậu. Cuối cùng thì ông vua ngu đã làm cho dân nước Ngõa trở nên u tối, lầm than, không còn sức chiến đấu, và vua Lư Lâu đã sáp nhập nước ấy vào nước của mình. Kết thúc cuộc anh em giữa ông Thượt và ông Sô coi như là có hậu. Cuối cùng thì ông Thượt cũng đã hiểu được em mình. Cuối cùng thì ông Thượt cũng ôm lấy ông Sô khóc, y như lần ông diễn thử thành công vai vua ngu. Lần ấy là những giọt nước mắt vui sướng. Nhưng lần này thì người ta không rõ là nước mắt gì.

Nguyễn Thanh Hiện 
Mùa thu, 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét