Bên
trong các ngôi nhà cổ, chủ nhà thường trưng diện nhiều đồ gỗ quý giá : án thờ,
tràng kỷ, tủ chè … Và thường không thiếu bộ phản.
Phản
là một bộ ván, thường từ 1 đến 2 – 3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân phản
vững chải, còn gọi là bộ ngựa. Phản là loại tiện nghi đồ gỗ, dùng để nằm, ngồi,
như giường, chõng... Mỗi tấm ván thường có gáy từ 15 – 20cm, rộng 0,6m, dài
1,8m. Phản là tên gọi chung của các loại phản, chớ còn có phản gõ, bộ gõ, ngựa
gõ (phản làm bằng gỗ gõ - khá phổ biến) phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản
giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà) … Người ta cũng hay gọi phản:
bộ ván ngựa. Hồi xưa, những đồ gỗ quý thường được chạm trổ, nhưng phản là một
trường hợp ngoại lệ, không chạm, tiện, chỉ cần cưa cắt thẳng, bào láng. Ngoại
trừ bộ chân đế được tiện hình mũi hài, hình lưỡi ốc sên, cho vừa đẹp vừa vững.
Những bộ ván ngựa xoài, mít và gỗ tạp… thường mỏng, đặt trên bộ chân đế thẳng,
không tiện.
Giá trị của các bộ phản tùy thuộc vào cây gỗ danh mộc hay tạp, sự dày mỏng và số tấm ván ghép lại. Phản giá trị nhất là phản gõ, do 3 tấm ghép lại, tạo thành phản vuông (1,8m x 1,8m), bề thế. Ngôi nhà cổ ở Bình Định là các nhà lá mái 3 gian hoặc 5 gian hai chái, nó sang trọng từ ngoài tới trong: kể từ bậc thềm đá ong, nền gạch Bát Tràng, hàng ba cột hè, hàng cửa cổng, bàng khoa … đến bên trong nhà - nơi có một không gian nội thất âm u, tĩnh lặng được làm bằng cột, kèo, đà, ván chạm hoa văn và hiển hiện một màu nâu láng của nước gỗ. Trong nội thất đó, người ta tùy theo giá trị và sự bề thế của phản mà tìm chỗ kê đặt cho thích hợp, tương xứng. Bộ gõ vuông bao giờ cũng đặt ở gian giữa nhà (nên còn gọi phản giữa) những bộ gõ 2 tấm trở xuống đặt ở gian chái tây mở cửa sổ ra vườn cây, còn gọi phản chái. Nhiều nhà có bộ ván đặt ở hiên trước, ngó ra sân, ra ngõ. Cách bài trí phản trong đình, chùa cũng chẳng khác mấy các tư gia; chỉ khác, đình, chùa có không gian nội thất lớn, cho nên kê đặt được nhiều bộ phản hơn.
Người
ngồi phản có ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi vào phản nào cũng được. Chỉ
có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa (cũng có tên gọi phản vuông), còn
phản chái dành cho hàng vai vế thấp hơn. Nội tôi được người trong làng An Định
gọi là Ông Cả. Trong gia đình, chỉ có Nội ngồi phản giữa, mỗi khi có khách là
thầy Đồ Thịnh, ông Tú tài Hiến, ông Cử nhân Đạt…đến chơi nhà, Nội mời khách
cùng Nội ngồi phản giữa; khi ra đình họp hương đảng, Nội cũng được mời ngồi phản
giữa cùng với các bô lão, kỳ mục khác trong làng An Định. Vì việc ngồi phản giữa,
phản vuông là vinh dự, cho nên nảy sinh ra cái tệ trong hương đảng : Tranh ngồi
trên, tức tranh chức quyền và ngôi thứ. Trên phản giữa thường được đặt cái tợ
(bàn con, chân thấp) ở giữa; ở xung quanh là các gối xếp (gối nhiều tấm vuông,
may liên kết, chồng khít lên nhau, có thể mở thấp cao tùy ý). Trên tợ đặt kỷ
trà, xe điếu, ống nhổ, sòi thuốc lá …Dưới gầm tợ để sẵn một chồng chừng 4 -5 cái
quạt lông gà nhuộm xanh đỏ tím vàng, hình trái tim, tra cán dài. Trong những
ngôi nhà lá mái, vẫn có những bộ ván tạp đặt dưới nhà bếp, cho bà nội tướng dọn
mâm cơm thường bữa của gia đình.
Người
quê tôi vẫn “ca ngợi” thú nằm phản gõ. Phản gõ hình như để ngồi là chủ yếu, nằm
thì cũng chỉ ngả lưng tạm nơi phản chái, không được nằm phản giữa, vì ở trước
bàn thờ gia tiên. Ai nằm phản gõ thì được hưởng một cái thú tuyệt hảo: Hơi mát
từ phản gõ tỏa ra rồi thấm vào làn da, thớ thịt, nhất là trong thời tiết nóng bức
của mùa Hè. Mà cái hơi mát đó ở đâu? Trước hết, ở trong thớ gỗ gõ, rồi thớ gỗ
gõ lại được tẩm một lần hơi mát nữa của không gian nội thất nhà lá mái. Cũng
nên nói, nhà lá mái ở quê tôi là một kiểu nhà đặc biệt, trát vách đất hom vôi, hai lớp mái: mái trên lợp
tranh rạ, che nắng mưa; mái dưới đắp lớp đất nhồi rơm dày trên lớp sìa đan nan
tre (hoặc trên lớp ván dày đóng khít nhau) giữ cho bên trong nhà luôn dịu mát về
mùa Hè, ấm áp về mùa Đông. Phản gõ chỉ thích hợp với nhà lá mái với vườn tược
xung quanh, chỉ có nhà lá mái mới “phát huy” được cái thế mạnh của phản gõ;
không thích hợp với nhà xây gạch, lợp ngói Tây, nhà ống đúc bê tông của thời
nay. Ở quê tôi, các gia đình giàu sắm phản gõ, đặt bên cạnh tràng kỷ, tủ chè,
giường hộp, để làm tiện nghi sinh hoạt, chủ nhà thể hiện trọng cổ, làm của cải
truyền tử lưu tôn… Nhà bình dân cũng ráng sắm bộ ván mỏng để thêm chỗ ngả lưng
sau buổi lao động mệt nhọc, gặp lúc cần vác ra bờ mương, tấn ngang mương, tháo
nước vào ruộng, cũng tiện. Kỷ niệm tuổi thơ ấu đáng nhớ nhất của mấy anh em nhà
tôi với các bộ phản là mỗi khi cha mẹ vắng nhà, chúng tôi bày ra một đám hát bội,
lấy một bộ phản làm sân khấu, còn tuồng tích thì sẵn thuộc lòng Cổ Thành, San Hậu…
Đọc
văn chương bình dân, gặp không ít ca dao, câu đố về cái phản :
Đưa
lưng cho thế gian nhờ
Lòng
ngay dạ thẳng bị ngờ bất trung …
Anh
cưới em chẳng phải bạc tiền
Mời
anh ngồi phản chái, cha “riềng” đôi câu
Đã
thương thì phải thương lâu
Tới
chừng đầu bạc vẫn âu duyên tình
Cha
mẹ ngồi phản giữa tác thành
Nhận
sính lễ một trăm quả cau xanh, đủ rồi.
Còn
nhiều lắm. Trong dân gian Bình Định xưa giờ, người ta vẫn thích kể chuyện: Lía
lập sơn trại ở Truông Mây (1) để đánh đổ bất công, cướp của nhà giàu chia cho
nhà nghèo. Một đêm ở nơi sơn trại, Lía đang ngủ say trên phản gõ, bất thình
lình bị quân Tổng đốc Bình Định tấn công, chàng giật mình thức dậy, không sẵn gươm
dáo, bèn xách phản làm vũ khí chống cự. Đánh một chặp, quân Tổng đốc khiếp hãi,
thua, chạy tán loạn. Lía Thắng trận, nhưng mệt quá, bèn bứt dây rừng, cột phản
đeo trên lưng, thủng thẳng đi đến một sườn núi, tựa lưng mà nghỉ.
Thời
vàng son của phản gõ đã qua rồi, cái thời kéo dài tới ngàn năm! Đó là thời ông
cha ta ở nhà lá mái, mặc áo dài khăn xếp, bộ vạt hò, nói chuyện chi hồ giả
dã...Các cụ ngồi phản gõ, xếp bằng xung quanh tợ, xung quanh kỷ trà, một cánh
tay, một hông tựa vào gối xếp, phe phẩy quạt lông…Ngồi lâu, đến bình trà nhiều
lần súc bã, chuyện thêm đề tài mà hứng chí cứ tăng thêm. Ngày nay, nhà lá mái mỗi
ngày mỗi ít, phản gõ cũng bởi đó mà ít theo. Ít thấy có chủ nhân những ngôi nhà
Tây, nhà hiện đại có ý tưởng sắm bộ phản, nếu thấy cần, họ đã có tấm đi – văng
thay. Người thời nay mặc Âu phục, bụng bự, nói chuyện từ trên xa lộ thông tin
kéo xuống, nhỡ mà có được nhà hoài cổ nào đó mời ngồi phản gõ uống bia Tiger,
thì anh bạn thấy trước như mình sắp bị tra tấn, hành xác, cho nên tìm cách
lãng. Sự vât hiện hữu phụ thuộc vào cái dụng, một khi cái dụng không còn nữa
thì sự vật mất, chỉ tội cho cuộc sống bị giảm đi ít nhiều lý thú.
Huỳnh Kim Bửu
(1) Lúc Lía bị bao vây lâu, Ca dao Bình Định có
câu: “Chiều chiều én liệng Truông Mây / Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”.
Lại còn có Vè chàng Lía lời lẽ bi tráng để cảm thương người nghĩa khí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét