Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

NHỮNG KẺ TỰ PHONG


Nam, con một gia đình nông dân nghèo, chỉ mới lớp 7 đã phải bỏ học đi làm phụ hồ, thoắt một cái đã trở thành “Kỹ sư xây dựng”. Cô Ba Lài, người suốt ngày chạy chợ bán chuối, không rõ học tới đâu, nhưng tối ngủ sáng dậy bỗng nhiên trở thành “Thánh Cô” ban phước cho thiên hạ. Phi Hùng, một học sinh trung bình, mấy năm liền thi trượt đại học, tự dưng cũng trở thành “Giáo sư” của Trung tâm luyện thi Đại học … Những nhân vật “kiểu dáng” nầy không chỉ bao nhiêu đó trong truyện ngắn Những Kẻ Tự Phong. Và nó cũng không ít ở ngoài đời hiện nay.

Những Kẻ Tự Phong cũng chính là tên tập truyện đầu tay của Trần Minh Nguyệt, một giáo viên Trung học ở Tuy Phước, Bình Định. Minh Nguyệt có cách viết nhẩn nha kể chuyện, nhẹ nhàng, không gai gốc. Nhưng truyện của Minh Nguyệt luôn dẫn dắt người đọc phải tự vấn trước những gì chuyện đã kể ra.

Với tập truyện trên tay, ngập ngừng không biết nên chọn giới thiệu bài viết nào, 20 truyện, 20 mảnh đời đôi lúc có giống nhau, nhưng Minh Nguyệt có cách dẫn dắt khác nhau. Thôi thì chọn truyện có tên là tên của tập truyện : “Những Kẻ Tự Phong”. Chúng ta đọc, bước đầu đọc làm quen với cách viết của Minh Nguyệt.
(QuangTrung BinhKhe)



NHỮNG KẺ TỰ PHONG



Con người không ai là bản sao của ai - mỗi người có một cuộc sống, một nhân sinh quan, một số phận riêng - không ai giống ai cả. Tất cả hợp thành cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của thế gian tươi đẹp mà "lắm chuyện" này...

Tôi ra trường tới nay đã hơn mười năm, dù bằng cấp đủ, năng lực cũng không tồi nhưng vẫn cứ lẹt bẹt làm một anh nhân viên quèn trong công ty; lương mỗi tháng chỉ đủ ăn, đủ chi tiêu, cuộc sống tương lai phía trước còn mờ mịt mênh mông lắm ... Không hiểu thiên hạ đã sống ra sao mà có lắm người lên như diều gặp gió vậy? Tội tự hỏi mãi, hỏi mãi mà cũng không biết trả lời làm sao cho ổn cả? Thôi thì cứ cam phận miệt mài bước đi từng bước cho xong..

 Ấy vậy mà lũ bạn quậy của tôi có để cho tôi yên đâu, chúng luôn lôi tôi ra để so sánh với người này người khác đến là phát bực. Nhiều khi đùa quá trớn, chúng còn gọi tôi là "con người đần độn còn sót lại của thế kỉ 20 ".

Tôi ít khi để ý đến chuyện của ai và cũng hiếm khi đem chuyện của người này nói cho người khác vì tôi không muốn "một con gà rụng một cái lông thành bảy con gà trụi lông". Nhưng lũ bạn cứ gặp là kể cho tôi nghe đủ chuyện trên trời dưới biển, chuyện bi hài của số phận, chuyện oái ăm của cuộc đời này.... Tôi nghe - góp nhặt trong đầu, và hôm nay sẽ kề lại cho các bạn nghe chuyện của "Những Kẻ Tự Phong" - tôi tạm đặt tên như vậy. Đó là những con người có thật, những cuộc sống có thật mà cứ như những chuyện đùa, chuyện ai đó phịa ra và đôi khi giống như chuyện cổ tích thần tiên vậy.


Nam, cậu bạn học của tôi thời phổ thông cơ sở, là một người "thành đạt" như vậy. Nam ở cạnh nhà tôi, là con của một gia đình nông dân nghèo quanh năm chân lấm, tay bùn. Cha, mẹ cậu sinh quá nhiều con nên lo cho chúng cái ăn còn khó nói gì đến việc học. Nam ngoài giờ đến lớp, thời gian còn lại cậu phải chăn hai con bò, tài sản duy nhất có giá trị của gia đình, và mò cua, bắt ốc kiếm đồ ăn tươi cho gia đình mỗi ngày. Vì vậy việc học của Nam ngày càng sa sút hẳn. Đến năm lớp bảy, Nam ở lại lớp và bỏ học luôn từ đó. Mười tám tuổi Nam xin đi làm phụ hồ với một người bà con ở Quy Nhơn để học nghề thợ vôi. Sau đó Nam theo đám bạn vào Sài Gòn và bẵng tin một thời gian.

Khi tôi và các bạn còn khổ sở với những kỳ thi, phải thức khuya dậy sớm, lo sợ đủ điều thì Nam đã trở thành "một kĩ sư xây dựng" rồi. Cậu ta nói vậy và gia đình cậu ta cũng nói vậy với cả làng. Lần nào tôi về thăm nhà, mẹ cũng đem cậu ấy ra làm tấm gương cho tôi soi vào để phấn đấu cả. Ở vùng quê tôi, những con người hiền hòa chân chất, hai tiếng " Kĩ sư xây dựng" như một danh hiệu gì đó to tát, hiếm có. Khi Nam có dịp về quê, gặp anh ai cũng ngả mũ chào "ông kĩ sư"  hết sức trọng vọng. Có người còn đem con gởi ông kĩ sư nhờ xin việc giúp.

Công trình xây dựng của "Kĩ sư Nam" gần nơi nhà trọ của sinh viên Đại học kinh tế, và cuối năm ấy Nam lấy vợ, một cử nhân kinh tế mới ra trường - trẻ đẹp. Nhìn vẻ rạng ngời và hãnh diện của cô dâu bên chồng, ai cũng mừng cho Nam. Vậy mà chỉ ba tháng sau họ đưa nhau ra tòa với lí do thật đơn giản là sống không hợp nhau. Không biết đám bạn nhiều chuyện của tôi moi tin từ đâu mà kể chuyện của Nam tường tận như người trong cuộc vậy?  Sau ngày cưới một thời gian - Hoa phát hiện ra chồng mình nói dối để lừa tình cô. Anh không có bằng cấp gì, ngay cả bằng cấp ba cũng không có nốt. Cô cảm thấy xấu hổ khi nghe mọi người gọi anh là kĩ sư này nọ. Cô đính chính lại cái danh này, và đồng thời cô khuyên chồng nên dành thời gian đi học bổ túc cấp 3 rồi sẽ học tiếp. Nhưng mỗi lần như vậy Nam bảo cô đã làm nhục anh, cố tình hạ uy tín của anh - và những cuộc cải vã nảy lửa  đã xảy ra.  Không ai nhường ai nên cuối cùng đưa nhau ra tòa chấm dứt một mối tình.

Ly dị với Hoa xong, Nam vẫn vậy - vẫn là một ông kĩ sư đáng kính ở làng và với một số người chung quanh …
.

Sau khi cúng thất tuần cho chồng, cô Ba Lài bỗng dưng nói những lời kì lạ như người ở cõi nào xuống vậy. Người trong làng lúc đầu nghĩ cô quá đau khổ vì mất đi người yêu thương nhất nên đâm ra ngơ ngơ, ngẩn ngẩn như vậy?  Nhưng khi nghe cô kể về giấc mơ được một bà thánh nhập vào để cứu rỗi cho những người bất hạnh ở trần gian này thì không ai hiểu gì cả!

Cô ba Lài hàng ngày vẫn đi bán chuối ở chợ, và thường hay kể về những chuyện đi mây về gió, những chuyện kì lạ làm hút hồn người. Vậy là một đồn mười, mười đồn trăm - chỉ hơn một tháng sau cứ ra chợ hỏi tới "Thánh cô Ba Lài " là ai cũng biết cả. Thánh cô từ đó chỉ bán chuối một buổi ở chợ, một buổi nữa về hành đạo cứu người. Ban đầu Thánh cô cúng cho những bà bạn hàng ở chợ cầu cho họ gia đạo bình yên, mua may bán đắt. Lâu dần cao tay hơn nên Thánh cô có thể chữa được nhiều bệnh như tà nhập, ma nhập, cúng giải sao hạn xuôi, cầu con - ngay cả chuyện cúng cầu thăng quan tiến chức. Nói chung, mọi sự rắc rối trên đời, mọi yêu cầu ham muốn mà không đạt - nếu đến với Thánh cô bằng lòng nhiệt tình và hậu lễ là giải quyết được hết .

Làng Thanh An trở nên đông đúc hẳn, người tấp nập ra vào. Con đường dẫn đến nhà Thánh cô nhỏ hẹp nên những ngôi nhà có vườn rộng ở đầu làng trở thành những bãi giữ xe, đậu xe bất đắc dĩ. Thôi thì xe hơi, xe máy đủ loại, xe từ trên tỉnh xuống hoặc từ vùng khác đến. Dịch vụ hàng quán mọc lên tua tủa : quán ăn, quán nước, quán bán trái cây, đèn nhang, vàng mã, hương hoa… Ngôi làng nhờ "phước" của cô Ba mà trở nên nhộn nhịp hẳn lên.

Thánh đường của cô Ba mở cửa từ lúc 7h sáng đến hơn 9h đêm. Thánh cô Ba Lài giờ không còn thời gian bán chuối ở chợ nữa, ngay cả hai đứa con cũng phải gửi cho bà ngoại chúng nuôi hộ. Cô ba còn nhận thêm bốn đệ tử nữa, nghe người ta đồn rằng bốn cô gái này trước đây đã bị tà nhập đối diện với tử thần, may nhờ thuốc của Thánh Cô mới còn sống ở trên đời. Bốn đệ tử này giúp Thánh Cô sắp xếp các cuộc hẹn của những con bệnh,  giúp những con bệnh lấy số thứ tự, và cấp phát thuốc theo đơn mà Thánh phán. Đơn thuốc được viết bằng thứ chữ gì không ai biết, chỉ thấy nó ngoằn ngèo, khi thì giống chữ Trung quốc, lúc giống chữ Thái Lan, chỉ có đệ tử bổn môn mới đọc được mà thôi - không có một vị bác sĩ đông tây y nào đọc được!

Chẳng ai rõ được Thánh cô có thiêng không - nhưng những người đến đây với tấm lòng hăm hở, thì khi rời khỏi phòng Thánh vẻ mặt ai cũng rạng ngời niềm tin và hi vọng. Còn dân ở cái làng Thanh An này lúc đầu báng bổ không tin, nay dù cho họ có mua thuốc Thánh uống chăng nữa thì bệnh cũng không thuyên giảm mà không dám hở môi?. Vì thế, khi đau bệnh - họ vẫn phải thầm lặng dắt díu nhau đến bệnh viện của Huyện nhờ cứu chữa!

Chỉ mới hơn một năm thôi, Thánh Cô Ba Lài nhờ tiền công đức của bá tánh, thiên hạ  "cúng tạ" , cô đã cho xây cất lại Thánh Đường qui mô hơn, hoành tráng hơn...
.

Thu, người em gái của bạn tôi, một cô gái sắc nước hương trời. Thời xưa Nguyễn Du tả vẻ đẹp Thúy Kiều làm sao thì Thu cũng có dáng dấp như vậy. Ông trời vốn công bằng không để ai được cả hay mất cả mọi thứ. Thu đẹp không chê vào đâu được nhưng học thì trầy trật mãi, hết thi lại, tới ở lại lớp. Mãi đến năm 21 tuổi cô mới tốt nghiệp được THPT. Thu không thi đậu vào trường đại học hay cao đẳng nào với sức học của mình, mà học trung cấp thì cô không muốn. May sao Trường Đại học kinh tế Kinh Đô có mở lớp Đại học kế toán tại chức ở thành phố nơi cô ở. Thu thi đậu và trở thành cô sinh viên gần như là trẻ nhất trong lớp học nhiều thành phần và nhiều độ tuổi này. Bốn năm học trôi qua, cũng qua nhiều đợt sát hạch : Thi viết, thi vấn đáp nhưng Thu đều vượt qua một cách dễ dàng và đôi khi còn có điểm cao nữa. Tổng điểm các môn qua bốn năm học cô đạt 7,1 thang điểm khá của bậc Đại học. Nhưng một lần nữa số phận lại trêu đùa kiếp hồng nhan, cô không vượt qua khỏi kì thi tốt nghiệp ra trường. Ở nhà nửa năm, cô khăn gói ra ngay trường đại học Kinh Đô học thi lại. Lần này cô may mắn vượt qua với số điểm lơ lững giữa ngưỡng đậu và rớt : Năm điểm.

Lấy được bằng Đại học, Thu vào thành phố Hồ Chí Minh xin việc, nhưng khi nhìn đến bằng cấp của cô không có công ty nào tuyển dụng, cuối cùng Thu phải xin làm công nhân cho khu chế xuất Biên Hòa. Một lần có việc phải lên Thành Phố, cô tình cờ gặp chú Nam - anh em chú bác ruột với ông Ngoại cô. Biết được tình hình của cô cháu, ông xin cho Thu vào làm văn thư cho trường Đại học dân lập Bình Minh mà ông là một thành viên quan trọng trong hội đồng quản trị. Từ khi làm việc ở trường, Thu không còn phải thức khuya dậy sớm nữa, sắc đẹp của cô tỏa sáng như ánh ban mai những ngày mùa xuân vậy.

Lập, giảng viên trẻ, có bằng thạc sĩ ở nước ngoài và là trưởng khoa kinh tế của trường đã đem lòng yêu Thu - cô gái đồng nội thiên thần này. Được ông chú tác hợp, vun vào, vì vậy chỉ hơn nửa năm sau Thu chính thức là vợ Lập, con dâu duy nhất của một ông chủ cửa hàng xe gắn máy lớn của thành phố.

Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, Thu được nhà trường cử đi học cao học kinh tế, và lần này cô không còn khổ sở vì phải thi lại hay thiếu điểm nữa. Cô bảo vệ luận án thạc sĩ loại khá và trở thành Thạc sĩ kinh tế khi mới 32 tuổi. Về lại trường, Thu - cô văn thư thuở nào, nay là Thạc sĩ Thu, giảng viên của trường. Mơ ước của vợ chồng cô là phải lấy cho được bằng tiến sĩ kinh tế trước 40 tuổi.

Cậu bạn của tôi nói "Mỗi lần Thu về quê nó giống như một bà hoàng vậy, giàu sang, quyền thế, ai ai cũng nể trọng. Còn tôi với cậu vẫn giống như hai cây cỏ dại giữa rừng mà thôi". Tôi nghe xong chỉ biết cười đáp lại lời bạn, vì sự thật vẫn sờ sờ, tôi còn biết nói gì nữa đây?
.

Mai - bạn tôi, thuở còn trung học được mệnh danh là "tổng Tám của lớp", có nghĩa là người đứng đầu của các "bà Tám" (người nhiều chuyện) - có câu chuyện kể về anh chàng đẹp trai hàng xóm của nó như sau :

Anh chàng tên Sơn, cao 1m70, vóc người vạm vỡ, mũi cao, mắt sâu, lông mày rậm. Trong giao tiếp cậu ta rất khôn khéo, có giọng nói êm nhẹ khẽ khàng, và nụ cười luôn nở trên môi. Sơn học rất dốt - nhất là các môn tự nhiên, nhưng được bạn bè tận tình giúp đỡ nên năm nào Sơn cũng được lên lớp thẳng mà không phải thi lại. Lổ hổng kiến thức ngày càng sâu trong đầu Sơn cho đến một ngày người hàng xóm cạnh nhà sang nhờ anh giải bài toán lớp hai của con mình. Sơn nghĩ mãi, nghĩ mãi mà vẫn làm không ra đành nói với người hàng xóm là đề bài toán đã cho sai rồi, không thể giải được! Mọi người lúc đầu còn  nghi ngờ, rồi dần dần kiểm tra lại đề bài - mới ngộ ra một sự thật là Sơn rất dốt. Tốt nghiệp xong lớp 12, Sơn xin đi làm ở xưởng gỗ để nuôi sống qua ngày ...

Ông chú của Sơn về thăm xuân, ông ấy là một nha sĩ có trung tâm làm răng thẩm mĩ ở quận Một Thành Phố Hồ Chí Minh. Ông nghe nói Sơn đi làm gỗ khổ nhọc mà lương không có là bao, nên đưa Sơn vào trung tâm làm phụ việc vặt và học nghề làm răng luôn. Sơn là một con người siêng năng, chịu khó và như đã nói - anh rất khôn khéo trong giao tiếp và ứng xử nên không lâu sau anh rất được lòng các nha sĩ, y tá ở trung tâm và bệnh nhân, khách hàng thường lui tới...

Ngọc Cẩm - một bác sĩ trẻ mới ra trường, cũng đã xin đến làm việc ở trung tâm của người chú Sơn. Cẩm không đẹp, hơi lùn, nước da ngâm, mắt, mũi, miệng không có gì đặc biệt nhưng cô là một bác sĩ có tài và có óc thẩm mĩ cao. Mới làm ở trung tâm hơn một năm mà bệnh nhân đến trung tâm nhiều người để nghị đích danh cô làm răng cho họ. Sơn phụ tá cho Cẩm hơn một năm và mối tình nảy nở giữa họ.

Sơn cưới Cẩm vào một ngày đầu Đông năm ngoái - anh bây giờ không còn là "thằng Sơn" học dốt, làm gỗ ngày nào nữa mà đã là "Nha sĩ Sơn" áo quần bảnh bao, luôn đeo cà vạt trên cổ như một ông giám đốc, cũng có cặp kính trắng bệ vệ - trông rất trí thức. Vợ chồng Nha sĩ mỗi lần về thăm nhà là đi bằng xe hơi riêng - món quà của cha, mẹ vợ dành cho chàng rễ quý. Mai còn nói them : "Hiện giờ vợ chồng "Nha sĩ Sơn" đã mở một trung tâm làm răng riêng cũng ở quận Một. Trung tâm của Sơn đang ăn nên làm ra lắm."
.

Chủ nhật vừa rồi, đám bạn "nhiều chuyện" của tôi lại tụ tập cà phê buổi sáng, và câu chuyện cuối tuần của họ chỉa vào một chàng trai nào đó có cái tên khá ấn tượng là Phi Hùng. Tôi chỉ im lặng, vừa nhâm nhi chút café, vừa nghe mà không biết góp ý ra sao cả!

Phi Hùng - thời phổ thông có sức học chỉ ở mức trung bình thôi, nhưng gia đình và chính Hùng lại có mộng rất cao. Cậu ta nộp đơn dự thi vào các trường đại học hàng đầu của Việt Nam như Đại học Y Dược, Đại học Bách Khoa, Đại học Kiến Trúc... Và kết quả là cậu "đạp vỏ chuối" luôn hai năm. Năm thứ ba, Phi Hùng không dám liều lĩnh nữa nên nộp đơn thi vào trường Đại học sư phạm nhưng kết quả vẫn trượt dài ...

Phi Hùng không thi nữa mà về quê ở với bà nội. Chỉ vài năm sau - nghe nói cậu đã mở một "Trung Tâm luyện thi đại học" bốn môn : Toán, Lý, Hóa, Sinh do "Giáo sư Phi Hùng đảm trách". Học trò đến với thầy không hiểu vì mến tính hiền lành không bao giờ rầy rà hay vì khả năng truyền thụ dể hiểu của thầy không biết nữa? Chỉ biết lớp học ngày càng đông. Con em trong vùng đậu vào lớp 10 nhờ các bậc phụ huynh đem gởi con cho Thầy Hùng kèm cặp. Tiếng tăm của thầy ngày càng vang xa. Học sinh từ các xã khác đổ về theo thầy cũng không ít, Lớp học nào của thầy cũng trên 50 học sinh; ngồi chen chúc nhau, lớp trong, lớp ngoài như đi xem hát vậy.

Có phải đây là một trường hợp đau lòng của cảnh "Học tài, thi phận" không?  Thầy Hùng không có "duyên trường" chăng? Hay là nhờ vào mãnh lực tự phong "vô hình" nào ?
.

Cha, mẹ tôi thường dạy rằng: "Được làm người, là phải sống sao cho khi ngẩng mặt lên không thẹn với trời, ở trần gian không thẹn với người, và chết đi không thẹn với đất mẹ thân yêu! Luôn đi tới bằng chính đôi chân của mình. Sống được như vậy mới không uổng kiếp làm người !". Có đúng như lời cha mẹ tôi đã nói vậy không? Tôi chưa được qua ngưỡng cửa "tri thiên mệnh", hãy còn non trẻ nên cũng không biết nữa? Tôi chỉ biết cuộc sống này không có một chuẩn mực cụ thể nào, không có một con đường dẫn tới đích sẵn nào cả mà chúng ta phải kiên tâm, rèn chí, dò từng bước để tìm ra con đường sáng mà tiến bước. Đó là con đường dẫn đến đích để chúng ta có thể an nhiên ngắm nhìn ánh bình minh - nhìn từng hạt sương long lanh còn đọng lại trên lá cỏ buổi sáng; thong dong ngắm từng áng mây nhẹ trôi, từng cánh én chao liệng buồi hoàng hôn - và có giấc ngủ say nồng không  ác mộng vào ban đêm - thế là đủ....

Trần Minh Nguyệt

2 nhận xét:

  1. Nếu không có " Hỷ,Nộ,Ái,Ố..." thì sao là cuộc đời ? phải không Minh Nguyệt.
    Phương án " Tri túc tâm thường lạc" có tối ưu chăng ?

    Trả lờiXóa
  2. XIN GÓP THÊM MỘT CHÚT SUY NGHĨ VỀ CÂU CHUYỆN CỦA NAM:
    ........
    Thời này, những người "hám danh" hay vì "chủ nghĩa cá nhân" mà bất chấp thủ đoạn để đạt được "ước mơ hão" nhưng thực lực....tạm gọi là "chưa theo kịp" những ước mơ đó vậy ! Ví như Nam - một câu chuyện có thể nói là bi hài nhưng theo chủ kiến của tôi nó rất thật. Cái thật ở Nam "một kỹ sư xây dựng" nhưng không có thực học, để đến khi được khuyên là "phải bổ túc để được bằng cấp 3" thì cũng là lúc sự thật được phơi bày và hạnh phúc giữa hai người cũng sụp đổ. Người phụ nữ, người vợ của Nam biết vậy nhưng vẫn khuyên chồng nên "bổ túc" có lẽ cô nhận thấy những lo âu trước mắt....Riêng Nam, bạn nghĩ sao? Không đời nào anh ta chịu làm theo lời khuyên của vợ! Vì sao ư? Có lẽ là "sỉ diện", thôi thà im lặng để "khỏi lộ chân tướng", thế rồi họ chia tay. Rồi đây cuộc đời đưa đẩy và với cái mác "kỹ sư" kia ai dám đảm bảo rằng sẽ không có một cô Hoa thứ hai đi vào vết xe đổ(?!). Kết thúc câu chuyện bằng cuộc chia tay và chấm dứt một cuộc tình "ngỡ là đẹp" nhưng nó lại mở ra một suy luận khác cho người đọc về thực tại của những con người như Nam. Đất nước này cần họ, vì họ là tương lai, ấy vậy mà cái tương lai kia sẽ ra sao nếu trao "Đất nước" vào tay những con người như vậy(?!)
    .......
    http://hanphi.blogspot.com

    Trả lờiXóa