Bài chòi là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian diễn ra trong các dịp lễ tết ở các tỉnh duyên hải miền Trung, kéo dài từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Nếu các thứ bài bạc khác cần phải giấu diếm, đóng cửa lại yên lặng nghiến răng mà đánh thì bài chòi được phép chơi công khai. Hội bài chòi được tổ chức ở một khoảng đất rộng của làng xã. Khán giả tham gia hội bài chòi gồm cả trăm người; người chơi ngồi trong từng chòi riêng.
Và đặc biệt nhất, người ta chỉ chơi bài khi chòi trung tâm có một hoặc hai anh (chị) hiệu hô lên trên nền nhạc gồm đờn cò và trống chiến. Vậy bài chòi là một hình thái chơi bài tập thể có kết hợp với ca nhạc diễn xướng. Bản chất của nó là một thú vui giải trí cho đông đảo người bình dân, không phải là hình thức cờ bạc.
Mỗi con bài trong bài chòi có một cái tên riêng. Kèm theo cái tên là một hình vẽ đơn giản, ngộ nghĩnh, màu sắc lộn xộn. Bởi do dân gian sáng tạo, mà chữ nghĩa của dân gian thì có hạn nên tên con bài cũng kết hợp lộn xộn Hán - Nôm, viết sai chính tả tè le tét lét. Thí dụ chữ Ngũ (số năm) bị người bình dân đọc sai âm thành Ngủ và do vậy có con Ngủ ngày!
Một cách khái quát, tên các con bài bắt đầu từ Nhứt (một) tới Cửu (chín): Nhứt: Nhứt trò; Nhị: Nhì bí, Nhì nghèo, Hai lát; Tam: Tam quăn, Ba gà, Bánh ba; Tứ: Tứ cẳng, Tứ gióng, Tứ tượng; Ngũ: Năm rún, Ngủ trưa; Lục: Sáu tiền, Sáu suốt; Thất: Thất nhọn, Bảy sưa, Bảy liễu; Bát: Tám tiền, Bát bồng; Cửu: Chín gối, Cửu chùa, Chín cu.
Ngoài ra, tên con bài còn có những con yêu. Đó là các con bài Bạch huê (bộ sinh dục nữ), Nọc thược (bộ sinh dục nam), Ông ầm, Bà đỏ mỏ, Thái tử. Điều hài hước nhất của bài chòi là bà con bình dân đã can đảm đưa… hai vật tổ trong văn hóa lúa nước phương Đông là dương vật và âm hộ vào. Nọc thược còn được gọi tên khác là con Đượng hay Dượng nó. Bạch huê còn được gọi tên khác là Tuyết, Bạch tuyết hoặc Dì nó.
Tùy theo tỉnh, tên gọi con bài có khác nhau. Phú Yên và Bình Định có con Học trò thay Nhất trò. Quảng Ngãi có con Ba bụng thay Ba lát. Nếu ở các tỉnh khác phong trào chơi bài chòi chưa được phục hồi thì ở Quảng Nam, thành phố Hội An coi bài chòi là một mũi nhọn trong việc giới thiệu văn hóa dân gian, rất được khách nước ngoài hâm mộ.
Vì là loại hình văn hóa dân gian nên văn chương bài chòi chú trọng yếu tố hài hước, gây cười. Để có thể hài hước, gây cười nhanh nhất, bài chòi phải nói tới… đời sống tình dục - chữ sex. Chữ sex trong bài chòi phong phú một cách kỳ lạ nhưng không hề dung tục.
Con Bạch huê được bài chòi Bình Định hô một cách… trí tuệ:
Hoa phi đào phi cúc,
Sắc phi lục phi hồng.
Không cành, có cuống có bông,
Ở trong có nhụy bốn bên vòng có tua.
Nhà dân cho chí nhà vua
Ai ai cũng muốn cưới mua để giành.
Tử tôn do thử nhi sanh.
Bạch huê mỹ hiệu xin… phành ra coi!
Cũng con Bạch huê, bài chòi Quảng Nam hô:
Bắc thang lên hỏi ông trời già,
Ông… sinh ra chi cho lắm mấy bà Bạch huê.
Để bây chừ tui lếch thếch lê thê.
Đứng ngồi không được cũng tại mê mấy bà.
Suy cho cùng, người đàn ông thương yêu phụ nữ cũng vì chuyện… họ có Bạch huê. Nếu phụ nữ mà (xin lỗi!) không có Bạch huê thì đàn ông thương yêu làm cóc gì. Bài chòi nói rứa mà đúng.
Cũng con Bạch huê, bài chòi Quảng Nam lại có lời hô khác:
Trời mưa, cục đất lăn cù.
Hễ con chị có chết thì bù con em.
“Con em” tức là… Dì nó. Mà dì nó thì dứt khoát là trẻ hơn con chị và đương nhiên, hấp dẫn hơn má nó. Cho nên Dì nó chính là Bạch huê vậy, không lầm lẫn đâu được.
Con Nọc thược được bài chòi Quảng Nam hô:
Con quạ bẻ bắp bên sông.
Nó kêu: - Bớ mẹ đừng lấy chồng, bỏ con.
Một mâm năm bảy miếng ngon,
Ông Nọc thược ăn hết để con nhịn thèm.
Cũng con Nọc thược, bài chòi Quảng Nam có câu hô khác:
Không tai, không mắt, có đầu,
Đầu mi trọc lóc (mà) hàm râu đen sì!
Sáng tới chiều mi vác mặt đi.
Tau mà bắt được tau thì trị ngay.
Nói “trị ngay” là một cách ngoa dụ. Thực sự, chị em phụ nữ miền Trung hiền hậu, ít khi “trị” thằng Nọc thược. Thương còn không hết, ai hơi đâu trừng trị nó.
Con Chín cu cũng được hiểu là con Nọc thược. Người phàm có một đã mệt, huống chi bài chòi lại có con Chín cu? Tuy nhiên, tên gọi anh chàng Chín cu này cũng khá vui vẻ. Đầu tiên, người bình dân hiểu “cu” là tên một loài chim trời chuyên ăn đậu, mè. Từ ngữ nghĩa vô tội đó, cu chuyển sang ngữ nghĩa… cái dùi đục của anh thợ mộc. Lời hô con Chín cu ngắn gọn nhưng chất hài hước về sex thì bao la, ai hiểu thế nào thì hiểu:
Cu tui ăn đậu ăn mè,
Ăn chi của mụ, mụ đè con cu tui?
Hì hà hì hục tui xách dùi đục chạy rông.
Mấy cô chổng mông kêu: - Bớ anh Nọc thược!
Không chỉ sex trong Bạch huê và Nọc thược, văn chương bài chòi còn sex ở nhiều con bài khác. Thí dụ con Tứ cẳng. Tứ cẳng được hiểu là… bốn cẳng giường. Giường bà con miền Trung ngày trước được đóng bằng tre. Dù có gia công đến mấy, giường tre cũng không chắc bằng giường gỗ hay giường sắt. Văn chương bài chòi bèn “sản xuất” ra một con Tứ cẳng như vầy:
Tui lấy chồng từ thuở mười lăm.
Chồng chê tui nhỏ, không nằm với tui.
Bây chừ mười tám, đôi mươi,
Tui ngủ dưới đất thì chồng cũng lôi lên giường.
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn cẳng giường hắn gãy sạch trơn!
Bài chòi Quảng Ngãi có con Ba bụng, được hô một cách giàu hình tượng. Cái hay của bà con bình dân là cứ nói tưới hột sen ra còn người nghe - tùy theo đầu óc nghiêm chỉnh hay không, trí tưởng tượng giàu hay nghèo, hiểu thế nào đó thì hiểu:
Chồng nằm chính giữa,
Hai mụ vợ hai bên.
Lấy chiếu họ đắp lên
Ấy là… con Ba bụng.
Nhưng không phải cái gì liên hệ tới thân xác thì khuynh hướng sex mới xuất hiện. Ngay đến hai con Bảy dày và Tám tiền - hai con ngây thơ vô tội nhất, bài chòi cũng diễn đạt hết sức giật gân. Chữ “dày” - đối lập với mỏng, được bà con miền Trung đọc như âm “giày” - một đồ dùng mang dưới chân. Nếu phía Bắc nói đi giày, phía Nam nói mang giày thì bà con Nam Trung Bộ nói xỏ giày. Vì vậy, con Bảy dày được hô:
Trên da thì dưới cũng da,
Xỏ vào thì ấm, rút ra lạnh lùng.
Bậu ơi đừng nghĩ lung tung.
Bậu mà muốn… xỏ sang cùng với ta.
Con Tám tiền được hiểu là tám đồng tiền xu. Ấy vậy mà trong bài chòi Quảng Nam, Tám tiền trở thành hình tượng tiêu biểu của một người phụ nữ giàu sang. Tám tiền được hô:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người quân tử, nhớ niêu nước chè.
Nhớ hồi mô khoai lang luộc chấm muối mè,
Bậu với ta hủ hỉ ngủ phè mấy đêm.
Bây chừ tại chả tại nem,
Bậu bỏ khoai luộc, bậu quên muối mè.
Chuyện đời sao quá éo le,
Bậu quên tình nghĩa, cứ vuốt ve con Tám tiền.
Tôi sinh ra ở miền Trung, từ nhỏ đã lậm tính hài hước, mê nghe nói dóc, yêu văn chương bài chòi. Phải đợi đến 30 tuổi, tôi mới viết báo chọc cười thiên hạ, 59 tuổi mới đi dạy sinh viên viết tiểu phẩm, 63 tuổi mới can đảm bàn về chữ sex trong văn chương bài chòi. Kệ, chậm mà chắc!
Vũ Đức Sao Biển
Nguồn Tuần San Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét