Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

NỮ PHI TẶC


Sáng sớm ngày 13 tháng 2 năm 1935, Chu Gia Minh chủ Hiệu thuốc đông y “Lục Hòa Đường” thành phố Nam Kinh phát hiện trong nhà kho bị mất trộm toàn bộ những dược phẩm quý báu như dã sơn sâm, ngọc trai thiên nhiên…
   
Ông chủ Chu liền đến Đồn Cảnh sát phân cục thuộc Ty Cảnh sát báo cáo. Điều tra cơ bản, chỉ có một kết quả: Vụ án Lục Hòa Đường do không có manh mối, tạm thời treo lại.

Chưa đầy mấy hôm Hiệu cầm đồ Nhân Phát Đang cách Lục Hòa Đường chỉ vẻn vẹn 100 bước cũng gặp phải kẻ trộm viếng thăm.

Hôm ấy khoảng 9 giờ 30, một quý bà giàu có đến đây muốn chuộc đồ - một chiếc áo bành tô da tử điêu (chồn đen). Sau khi quản gia làm thủ tục đầy đủ, người thủ kho đi lấy. Thủ kho đi vào phía sau kho phát hiện kho mất trộm, đồ đạc bị mất trộm là chiếc áo da tử điêu này và một chiếc áo bành tô da cáo màu bạc. Ông chủ quá kinh ngạc liền báo cáo Đồn Cảnh sát phân cục.

Phân cục trưởng Hoàng Địch Phi ra lệnh Đội trưởng Cảnh sát hình sự Phùng Trang Nhất dẫn quân đến hiện trường kiểm tra xem xét. Qua điều tra kết luận: Kẻ trộm dùng tua vít loại tốt cạy ổ khóa bằng đồng trên cửa nhà kho, đồ đạc cất trong kho hình như kẻ trộm biết rất rõ, thoắt ra tay là lấy ngay hai chiếc áo bành tô hàng tốt giá cao. Các tủ, hòm rương khác không hề lục lọi.

Nữ phi tặc bị bắt lại chạy thoát

Liên tiếp ba ngày Cảnh sát hình sự đã điều tra hết thảy các đối tượng bị nghi vấn nhưng không phát hiện ra bất kỳ manh mối nào. Một nhân viên cảnh sát họ Trần bàn với Phùng Trang Nhất : Có thể can án đem tang vật đến tiêu thụ ở vùng ngoại ô chăng ?

Phùng Trang Nhất nghe cảm thấy cũng rất có lý, tức thì ra lệnh điều động tổ của Nhược Can chia nhóm đi điều tra ngoại thành, còn bản thân dẫn cảnh sát họ Trần và Tiêu Tiểu Cang đến thị trấn huyện Giang Ninh thuộc vùng đông nam ngoại ô. Gần 5 giờ sáng, họ đến gõ cửa chính Hiệu cầm đồ Thái Nguyên, tìm ông chủ Hà Mao Điệp để hỏi một số vấn đề. Tình hình Hà Mao Điệp cung cấp đã chứng thực những suy đoán của cảnh sát Trần: Buổi sáng hôm qua có một chàng trai đội mũ, mang khẩu trang đến Hiệu cầm đồ Thái Nguyên cầm cố một chiếc áo bành tô da cáo màu bạc. Đối phương nói: Nếu như giá tiền hợp lý, anh ta còn có một chiếc áo bành tô da tử điêu cũng có thể nhượng lại. Hai bên thỏa thuận giá tiền là 2200 đồng đại dương (đồng bạc trắng). Đối phương đề xuất hôm nay sẽ đem chiếc áo bành tô da tử điêu đến. Hà Mao Điệp tính toán ở quầy hàng có thể không đủ tiền, hẹn đối phương ngày mai lại đến.

Hà Mao Điệp nói xong, đem chiếc áo ấy ra. Phùng Trang Nhất xem biết đó là tang vật của vụ trộm Hiệu cầm đồ Nhân Phát Đang nên mừng vui ra mặt, liền quyết định ngủ lại hiệu cầm đồ, ngày hôm sau “há miệng chờ sung”.

Hơn 10 giờ sáng hôm sau, một quản gia bước nhanh đến giữa phòng thu chi báo cáo: “Người đó đã đến, một chiếc áo khác cũng đã mang theo!”

Phùng Trang Nhất đến quầy hàng xem, cười nói: “Chiếc áo này là áo da tử điêu, đắt tiền lắm đây!”

-  “Ông rất biết người biết của, là dân nhà nghề.”

-  “Đã quá khen! Thực ra tôi cũng chẳng thạo nghề cho lắm, tôi là kẻ ăn cơm cảnh sát.”

Người đó nghe nói giật mình, quay người bỏ chạy, bị cảnh sát Trần và Tiêu Tiểu Cang bắt lại.

“Là phụ nữ!” Tiêu Tiểu Cang đụng đến bộ ngực của người đó, không kìm được kinh ngạc kêu lên.

Cảnh sát hình sự đem cô ta tạm giam ở Cục Cảnh sát huyện Giang Ninh. Khi thẩm vấn ba người đã tốn biết bao nhiêu lời lẽ nhưng cô ta một chữ cũng chẳng khai ra. Phùng Trang Nhất không thể làm gì được, quyết định dẫn cô ta về Nam Kinh rồi mới lo liệu.

Chiếc thuyền họ ngồi là một chiếc thuyền gỗ nhỏ 3 tấn. Ông chủ thuyền và đứa con trai chèo chống, ngồi ở mũi thuyền là một cảnh sát của Phân cục Cảnh sát huyện. Phùng Trang Nhất ngồi ở đuôi thuyền. Cảnh sát Trần và Tiêu Tiểu Cang ngồi chính giữa coi giữ người bị bắt. Thuyền chạy được nửa tiếng đồng hồ, lúc sắp qua một cây cầu đá, cô nương đó đột nhiên đứng dậy, ngoảnh mặt nhìn ra phía trước.

Đột nhiên cả người cô ta phút chốc vọt lên cao, nhảy phóc lên không trung, chân phải duỗi lên trên, chỉ một thoáng đã nhảy lên cầu, sải bước chạy.

Chẳng chờ đến phản ứng của Cảnh sát hình sự, chiếc thuyền gỗ đã chạy vào vòm cầu.

Chiếc thuyền gỗ ghé sát vào bờ đậu lại, ba người Phùng Trang Nhất vội vã nhảy lên bờ, súng trong tay, vừa nhả đạn vừa truy đuổi.

Cô nương ấy chạy rất nhanh thoát khỏi phạm vi tầm bắn của súng ngắn, chuồn vào bãi tha ma rừng bách rậm rạp. Phùng Trang Nhất đuổi theo tới bãi tha ma thở hổn hển, xong trận phân công nhau tìm kiếm chỉ phát hiện chiếc còng tay bị tháo nằm ở trên  một cái bàn thờ đá.

Bốn ngày sau, tại dinh của phú thương Phan Bách Hanh ở Kim Lăng gần Đại Chung Hanh cổ lầu, giữa thanh thiên bạch nhật cũng “vinh dự được đón tiếp” nữ phi tặc, ba món đồ cổ trị giá hàng vạn lạng vàng và một quyển sổ gửi tiền cũng bị trộm mất.

Tưởng Giới Thạch hạ lệnh truy nã

Ngày hôm ấy, hai người làm thuê đi quét dọn căn gác nhỏ của Phan Bách Hanh. Bất ngờ phát hiện một cô nương trẻ đang ngồi chờ trong thư phòng. Cô ta đang cầm một gói giấy nhét vào cái túi xách tay trang trí hoa vải. Thấy có người xông vào, cô ta trố mắt bất ngờ nhưng ngay lập tức giữ bình tĩnh trở lại, tự xưng là Phan Bách Hanh gọi cô ta đến, qua đêm ở đây, ý nói “Nhân tình”.

Cô nương vừa nói vừa xách đồ lên chuẩn bị đi nhưng bị người làm chặn lại giữa đường, đối phương nói ra có vẻ thách thức: “Hì hì! Dựa vào hai người các ngươi mà cũng muốn chặn ta hả?” Vừa dứt lời, nhanh như chớp cô ta đá ngã nhào hai người làm công té xuống đất, đoạt cửa đào thoát.

Hai người làm công bò dậy vừa kêu la “Bắt cướp” vừa đuổi theo, anh đầu bếp cũng tạt qua giơ cây đòn gánh chặn ở hành lang hô: “Đứng lại!”

Nữ phi tặc thấy tình hình như thế liền quay người chạy theo vườn hoa ở hai bên, nhẹ nhàng nhảy bổ vào bức tường cao vây quanh sân. Bức tường cao 7 thước, nữ phi tặc bước “xẹt, xẹt,xẹt” leo lên đến đầu tường! Thận trọng nhảy xuống, lúc rơi xuống cái ngõ nhỏ ở bên dưới bức tường, không một tiếng động!

Kiểm kê lại “Phi tặc” đã lấy đi ba món đồ cổ quý hiếm: Một con dấu Điền Hoàng thạch, một cây quạt xếp trên có đề thơ hoàng đế Sùng Trinh triều đại nhà Minh, một chiếc bình cổ có tai men da cà tím. Trong ba món đồ cổ ấy thì chiếc bình có tai màu cà tím là quý giá nhất. Chiếc bình là sản phẩm cao cấp trong cung nhà Thanh truyền ra, mười năm trước Phan Bách Hanh đã mua tới 730 lạng vàng.

Bình có tai, men da cà tím

Đương thời, Phan Bách Hanh do lòng dạ hoảng hốt rối bời nên đã quên quyển sổ gửi tiền 12000 đồng bí mật cất giấu trong chiếc bình có tai da cà tím bị mất đó. Đồn Cảnh sát phân cục nhận được báo cáo, Cục trưởng Hoàng Địch Phi đích thân dẫn hàng loạt cảnh sát đến Hanh phủ để điều tra hiện trường. Ngoại trừ biết được kẻ gây án là một nữ phi tặc, ngoài ra chẳng thu thập được một chút manh mối nào có giá trị.

Tin tức nữ phi tặc “viếng thăm” Hanh phủ được báo “Kim Lăng Tân Văn” đăng tải, lập tức truyền khắp thành phố Nam Kinh. Ngay cả Tưởng Giới Thạch cũng biết rõ vụ án như thế nào. Ông ta liền sai thư ký trực ban nối điện thoại với Trưởng ty Cảnh sát Ôn Kiếm Cang để gặp.

-  “Hừm, trách nhiệm Ty Cảnh sát gánh vác là đảm bảo trị an khu thủ đô bình yên, lẽ nào có thể chịu đựng bọn trộm cắp hung hăng càn rỡ như thế! Hôm nay chúng nó có thể bất ngờ trộm nhà dân, ngày mai trộm dinh quan và cơ quan cơ mật Quân Chính Quốc Đảng! Ông là Trưởng ty Cảnh sát ông làm gì? Hừm!”

Ở đầu dây bên kia Ôn Kiếm Cang nói rõ: “Báo cáo hiệu trưởng, nữ phi tặc trước đó đã hai lần gây án, Đồn Cảnh sát phân cục chưa từng báo cáo cho bổn ty, lần này ti chức đã nghiêm lệnh cho phân cục đó phải dốc hết toàn lực để điều tra, nhất thiết phải nhanh chóng phá án.”

Tưởng Giới Thạch giờ mới biết nữ phi tặc gây án lần này là lần thứ ba, hầm hầm tức giận, lập tức hạ lệnh cách chức Phân cục trưởng Hoàng Địch Phi, giáng xuống làm cảnh sát thường, đồng thời chỉ thị Ty Cảnh sát trực tiếp điều tra vụ này.

Ôn Kiếm Cang liền quyết định: Nắm vững điều tra cụ thể do Đại đội trưởng Trâu Bá Xung Đại đội cảnh sát hình sự.

Con dấu Điền Hoàng Thạch

Nữ phi tặc “hương nhang u lan”

Để trinh sát vụ án này, phía cảnh sát Nam Kinh đã điều động tổng cộng hơn 200 cảnh sát, nhưng qua một tuần điều tra lại chẳng có mảy may manh mối. Bên cạnh đó, viên hầu phòng Tưởng Giới Thạch liên tục gọi điện thúc hỏi làm cho Ôn Kiếm Cang đứng ngồi không yên, nhưng qua 10 ngày đột nhiên phát hiện ra manh mối.

Ngày đó, Phan Bách Hanh bỗng nhiên nhớ lại quyển sổ gửi tiền, ông ta liền điện thoại tới Ngân hàng hỏi xem tiền có còn trong sổ. Sau khi Ngân hàng kiểm tra trương mục, báo cáo cho biết khoản tiền trong sổ được một cô gái trẻ đổi thành vàng tại chỗ, sau đó lấy đi.

Bên cảnh sát nhận báo cáo, khẩn cấp đến Ngân hàng điều tra thu thập được hai đầu mối như sau: Sau khi nữ phi tặc đổi tiền thành vàng rồi ra đi trên một chiếc xe taxi Tuyết Thiết Long (Citrion của Pháp) màu đen. Trâu Bá Xung liền ra lệnh : Chia nhau đi điều tra. Đương thời số xe taxi của thành phố Nam Kinh chưa tới 100 chiếc, loại xe Tuyết Thiết Long khoảng chừng mười mấy chiếc. Cảnh sát hình sự nhanh chóng điều tra chiếc xe nữ phi tặc đón để “ làm ăn” hôm ấy. Theo tài xế họ Quách cho biết, anh ta theo sự sai bảo của vị khách nữ chở cô ta đến Tiệm thuốc lá ở phố Hán Tây Môn Đường Tử.

Cảnh sát hình sự lập tức đến Tiệm thuốc lá, theo lời ông chủ nói, mấy hôm trước có một cô nương đến đây thuê nhà nhưng cô ta chưa dọn đến đây ở, chỉ thấy ngày hôm ấy thuê taxi chở đến mấy thùng gỗ nặng trình trịch.

Căn cứ tình hình số lần dời chuyển tang vật trong ngày của nữ phi tặc mà ông chủ Tiệm thuốc lá cung cấp, Cảnh sát hình sự cho rằng nơi cất dấu của trộm cắp cách phố HánTây Môn Đường Tử không xa lắm, liền chọn một biện pháp vụng về nhưng đáng tin cậy- lấy Tiệm thuốc lá làm tâm vòng tròn tiến hành điều tra các hàng quán, nhà dân trong phạm vi 5 dặm đường kính.

Mục điều tra đã tiến hành 14 ngày, kết quả lại chẳng được chút gì.

Lúc này, thời gian nữ phi tặc ăn trộm ở Lục Hòa Đường cách đã hai tháng. Bộ phận chuyên án nhận lệnh đem hồ sơ bàn giao cho Phòng hồ sơ hình sự thuộc Khoa hồ sơ Ty Cảnh sát đóng kín bảo quản, viên quản lý hồ sơ hình sự tên Hoàng Tích Phúc, nhà có mở Cửa hàng bán nhang đèn. Lúc anh ta vào sổ vật chứng “Vụ án nữ phi tặc”, đã ngửi thấy mùi “hương nhang u lan” từ quyển sổ gửi tiền ấy. Hoàng Tích Phúc lập tức liên hệ Trưởng khoa hồ sơ Chúc Phùng Tam cùng Trâu Bá Xung, Trâu Bá Xung nghe qua rất đỗi vui mừng, liền bắt tay vào điều tra, đã mời ông chủ Tiệm nhang đèn đến kiểm nghiệm, ngoài mùi “hương nhang u lan” trên sổ gửi tiền còn có hai, ba loại  mùi hương nhang khác. Việc đem trộn những loại hương nhang này để đốt, chỉ thấy có ở các chùa miếu am tương đối nhỏ, kẻ trộm là giới nữ, vì vậy Cảnh sát hình sự cho rằng nên đi tìm đầu mối từ các am ni cô.

Trâu Bá Xung liền lệnh bốn nữ Cảnh sát hình sự cải trang bí mật đến các am ni cô điều tra. Ngày hôm sau nữ Cảnh sát hình sự Dư Quế Hương tại Lý Cô Am đã phát hiện  một nữ cư sĩ có khuôn mặt rất giống nữ phi tặc. Trâu Bá Xung vui mừng liền dẫn 24 Cảnh sát hình sự đến Lý Cô Am. Tiến vào am viện, nữ phi tặc lập tức phát hiện ngay việc không bình thường, quay người định chạy. Bốn nữ Cảnh sát hình sự bổ nhào tới tóm lấy ả, đang tra còng. Nữ phi tặc giãy một cái phút chốc đã phi lên cây, búng nhảy tới đỉnh điện thờ, bị một Cảnh sát hình sự nổ súng trúng bụng dưới, rơi xuống đất hôn mê tại chỗ.

Sau khi khiêng nữ phi tặc đi, Trâu Bá Xung mời sư Gíac Từ trụ trì Lý Cô Am đến hỏi tình hình. Theo lời Giác Từ cô gái này đến ở trong am năm ngoái, nói rằng vâng lời phụ thân đến am viện kinh đô năm đầu để tóc tu hành, nguyện quyên góp100 đồng đại dương.

Cảnh sát hình sự tra khám căn phòng nhỏ nữ phi tặc cư trú một mình nằm ở sân sau am viện, đào nền đất ở đuôi giường nằm thu được ba món đồ cổ của Hanh phủ bị mất, nhưng chưa tìm được số vàng cùng dược liệu quý của Lục Hòa Đường. Vì tình trạng vết thương của nữ phi tặc nghiêm trọng cứu chữa không có hiệu quả nên đã tử vong nửa đêm hôm ấy, để lại cho phía cảnh sát một chuỗi câu đố không có lời giải.

Thùy Linh
Khóa lớp 72 - 79
(Dịch theo Thanh Niên Bác Lãm Trung Quốc)


.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét