Hà Giao (1937 - 2011) |
Cuối năm 1981, Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình xuất bản quyển THƠ CA YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG NGHĨA BÌNH I. Thấy trong sách này có trích đăng nhiều bài thơ của các Danh nhân Bình Định có mặt trong sách NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH của tôi xuất bản năm 1971, văn hữu Trần Nhâm Thân liền mua tặng tôi một quyển với lời đề tặng: “Mua tặng anh Đặng Quí Địch tập sách này để thấy đưa con tinh thần – NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH – đã ăn nói với đời”.
Vài tháng sau đó, chẳng biết nhà báo Phạm Cao Viết Hiền hỏi ai mà biết được tôi đang ẩn cư tại thôn Bình Chương xã Hoài Đức huyện Hoài Nhơn nên đã đến tận nhà thăm tôi. Anh về Quy Nhơn liền viết bài “đã tìm gặp tác giả NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH” rồi cho đăng trên báo Nghĩa Bình.
Nhờ hai thông tin trên mà Hà Giao – đương chức Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình – đã tìm đến nhà thăm tôi. Buổi sáng hôm ấy, anh đi xe đò từ Quy Nhơn ra nhà tôi. Tới trưa, xe chạy tới đèo Phủ Cũ thì bị hỏng máy, tài xế loay hoay sửa mãi vẫn chưa được, anh đón xe khác để đi tiếp thì không có vì thời ấy xe cộ rất hiếm, anh đòi tiền lại, tài xế không chịu trả cứ bảo: “Chờ chút! Chờ chút!” Mãi tới hai giờ chiều, xe vẫn chưa sửa được, anh đành bỏ tiền xe, cuốc bộ ra nhà tôi. Từ đèo Phủ Cũ ra nhà tôi hơn bốn cây số, anh vừa đi vừa nghỉ, mãi đến bốn giờ chiều mới tới nhà tôi.
Gặp tôi, anh tự giới thiệu:
- Tôi tên Đặng Phùng Mãi ở Tiên Thuận - Tây Sơn, đến thăm anh Đặng Quí Địch như thăm một người bà con trong họ.
Tôi hỏi:
- Cảm ơn anh. Trong ĐẶNG GIA PHỔ KÝ bằng chữ Hán do phụ thân tôi soạn năm 1939 có cho biết: Họ Đặng Lộc Trung – Tuy Phước có “bà con” với họ Đặng ở Bỉnh Đức – An Nhơn. Bỉnh Đức và Tiên Thuận tuy ở hai huyện khác nhau nhưng đường đất lại gần, đi bộ chừng một buổi là tới. Biết đâu chừng anh với tôi có chung một ông Thuỷ tổ cũng nên. Gia dĩ, người Tàu cho rằng cùng họ tức chung huyết thống nên có lệ “đồng tánh bất hôn” nhưng giá như tôi có biết anh cùng họ với tôi thì tôi chưa thể tới tìm thăm anh vì …
Anh ngắt lời tôi:
- Không sao. Tôi viết văn làm thơ ký bút hiệu Hà Giao. Nay tới với tư cách nhà văn, nhà thơ đến thăm anh là thăm tác giả sách NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH, một quyển sách mà từ lúc còn ở trên núi tôi đã say mê đọc và lâu nay chúng tôi thường hay dẫn dụng sách của anh và quyển NƯỚC NON BÌNH ĐỊNH của bác Quách Tấn để viết báo, viết sách về Bình Định, tôi đến thăm chúc sức khoẻ anh vừa để bày tỏ lòng biết ơn anh.
Anh ở chơi với tôi chiều hôm ấy đến sáng hôm sau mới cáo từ. Anh hỏi tôi về quá trình biên soạn rồi tự xuất bản quyển NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH. Anh thấy trên bàn viết của tôi bộ KINH THI tôi vừa dịch xong liền hỏi mượn đọc. Đêm ấy, anh đọc KINH THI tời mười giờ mới chịu đi ngủ. Tôi thấy anh ghi chép lên quyển sổ của anh, ngừng viết thì miệng lẩm nhẩm đọc, đầu gật gù ra vẻ tán thưởng, xong lại tiếp tục viết, nhiều lần như thế. Sáng ra, anh nói với tôi:
- KINH THI là ca dao của Trung Quốc, hầu hết theo thể tứ tự, anh chuyển sang thơ Việt bằng lục bát tôi thấy rất gần gũi với ca dao của ta. Anh dịch hay quá, chẳng thua gì thơ Nguyễn Bính, anh có ý định xuất bản không?
Tôi nói:
- Bộ sách đồ sộ quá, dày gần ba ngàn trang viết tay, tôi không đủ tiền in. Tôi để danh tiền để xuất bản các tập sách dịch các tác phẩm của Danh nhân Bình Định và viết thêm Danh nhân Bình Định để bổ sung cho quyển NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH in từ năm 1971.
Anh vui hẳn lên, hào hứng nói:
- Phải lắm! các cụ nhà ta đã để lại rất nhiều tác phẩm nhưng nếu không chữ Hán thì cũng bằng chữ Nôm, chẳng cứ gì lớp trẻ, ngay như chúng tôi ngày nay muốn tiếp cận cũng đành “Kính nhi viễn chí”. Anh có căn bản Hán văn, nên làm cái điều mà anh vừa nói. Tôi đang chờ được đọc sách của anh đây.
Từ ấy trở đi, trong chúng tôi, ai có sách gì mới xuất bản cũng đều gởi tặng cho nhau, cùng động viên nhau viết thật nhiều, in thật nhiều để phục vụ quê hương.
Năm 1994, anh Nguyễn Mộng Giác ở California in của tôi quyển MAI VIÊN CỐ SỰ (chuyện cụ Đào Tấn), tôi gởi tặng Hà Giao một quyển, có viết thư riêng tỏ ý lo ngại về an ninh bản thân. Anh nhận được sách và thư, gọi điện cảm ơn tôi và trấn an tôi: “Không sao đâu! Phổ biến cho Việt kiều biết sự nghiệp văn chương to lớn của Văn hào Đào Tấn để họ không quên nguồn gốc, còn trưởng dưỡng tình tự yêu mến quê hương là việc làm tốt, không ai nỡ hại anh đâu!”. Sau đó, giáo sư Nguyễn Lộc đang biên soạn bộ TỰ ĐIỂN HÁT BỘI, thông qua anh, muốn có một quyển “Mai Viên cố sự”, anh gọi điện cho tôi, tôi gởi sách vào nhờ anh chuyển tặng.
Năm 1998, cô Phạm Vân Anh công tác tại NXB Phụ nữ tại Hà Nội có liên kết với nhà xuất bản Thanh Hoá in của tôi hai quyển: ĐÀO DUY TỪ KHẢO BIỆN và CỐ SỰ QUỲNH LÂM I. Quyển trước biên khảo về thân thế và sự nghiệp văn chương của Danh nhân Đào Duy Từ, đồng thời hiệu khảo hai tác phẩm chính của ông là “Ngoạ Long cương vãn” và “ Tư Dung Vãn”. Quyển sau dịch sách cổ của Trung Quốc. Bản dịch Bộ CỐ SỰ QUỲNH LÂM gồm 4 tập gần ba ngàn trang viết tay. Bây giờ cô Vân Anh mới in được có tập I. Tôi đều có gởi tặng anh.
Giữa năm 2000, anh đi Hà Nội vận động xuất bản sách, tôi có nhờ anh đến gặp cô Vân Anh để cảm ở và hỏi thăm xem thử bao giờ thì CỐ SỰ QUỲNH LÂM II, III, IV ra đời. Anh làm việc ở Hà Nội xong thì về Quy Nhơn liền viết thư cho tôi:
Quy Nhơn, ngày 24 tháng 6 năm 2000
Anh Địch Thân!
Tôi ra Hà Nội có đến gặp “cô đỡ” Vân Anh, người đã “đỡ” “Đào Duy Từ khảo biên” và “Cố sự quỳnh lâm I” của anh. Cô ấy cho biết hiện nay làm ăn khó hơn trước nhiều nên chưa thể đỡ tiếp “Cố sự quỳnh lâm II, III, IV” cho trọn bộ được. Cô ấy cũng lấy làm tiếc là không thể “đỡ” nổi bộ sử thi Bahnar Kriêm của tôi được. Trông cô ấy mãnh mai quá, “đỡ” được hai quyển của anh đã quí lắm rồi, giờ ép cô ấy “đỡ” thêm nữa sợ cô ấy quị mất! Bởi vậy tôi không dám nài nỉ.
May thay! Tôi chạy được mánh khác, có thể in hai tập Sử thi nói trên, mỗi tập chừng 500 trang. Anh Địch ơi! Có ai làm văn hoá như bọn mình không nhỉ? Làm ra bản thảo rồi còn phải luỵ nhiều khâu, quá khổ sở và không vẻ vang chút nào! Chung qui cũng chỉ tại nghèo và cô thế mà thôi! Đọc bài thơ “Tự hoà” của anh, tôi thấy anh viết hai câu rất đúng :
Muốn in thì phải có ba :
Một thân, hai thế, ba là sẵng xu.
Nhưng tôi không thúc thủ như anh
Lui về nhá chữ cho khuây sự đời!
Mà tất tả ngược xuôi để tìm đầu ra.
Xin gởi lời thăm chị và các cháu
Thân
Hà Giao
Trong giao tế, anh chỉ xưng Hà Giao, chị vợ cũng kêu anh là “Anh Giao” nên nhiều người lầm tưởng anh mang họ Hà. Sách anh gởi tặng tôi đều ký tên Hà Giao. Chỉ có mỗi một quyển thơ lục bát tứ tuyệt của Quách Tấn anh photo gởi tặng tôi, anh viết: “Đặng Phùng Mãi gởi tặng Đặng Quí Địch”.
Tập thơ đầu – Giọt mưa – anh gởi tặng tôi chẳng biết anh hỏi ai mà biết được bút hiệu của tôi thuở còn là học trò, anh viết: “Thân tặng Trúc Sinh”. Những tập thơ sau, anh không đề bút hiệu của tôi mà viết tẳng tên cúng cơm của tôi là “Đặng Quí Địch” với những lời đề tặng vô cùng trìu mến như anh em ruột viết cho nhau.
Năm 2005, sau cơn tai biến lần thứ ba, anh xuất bản tập thơ “Nắng tím”, anh gởi tặng tôi với lời đề tặng: “Thân mến tặng anh tập thơ cuối cùng của Hà Giao”. Nhưng đó chưa phải là tập thơ cuối cùng của anh.
Ngày 19.11.2011, anh bị tai biến lần thứ tư, nằm tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định 28 ngày rồi đi luôn. Mấy ngày đầu anh đã cấm khẩu, con gái anh là Đặng Lam Kiều từ Sài Gòn hay về thăm anh, cầm tay anh, nói vào tai anh rằng:
- “Trước đây ba hỏi xin con năm triệu để in tập thơ “Đất tháp mơ”. Nay con mang về cho ba mười triệu để ba in thơ. Ba dậy để lo việc in thơ. Còn quyển sách ba viết chung với bác Võ Ngọc An nữa. Ba về để làm việc với bác chứ…”.
Tay anh không cử động được, miệng anh không nói được nhưng Lam Kiều thấy nước mắt anh trào ra từ con mắt độc nhất còn sót lại sau chiến tranh.
Ngày sách in xong, chị Miên cầm vào Bệnh viện cho anh một quyển, đặt sách vào tay anh, nói vào tai anh việc “Đất tháp mơ” đã chào đời, nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ anh còn cảm giác. Cái đó y học gọi là “Đời sống thực vật”.
Đêm 17.12.2011, chị nhờ xe của Bệnh viện đưa anh về nhà, anh trút hơi thở cuối cùng vào nửa đêm hôm ấy.
Sáng ngày sau, chị gọi điện cho anh Trần Đình Trắc, biết chị muốn nhờ tôi đặt cho câu liễn thờ, tôi đọc qua điện thoại cho anh Trắc ghi một câu liễn cổ giờ được khắc vào bia mộ. Tôi hỏi anh Trắc là đã ai cho chữ triệu chưa, anh Trắc bảo thấy có rồi, tôi nhờ anh đếm thử bao nhiêu chữ, anh cho biết 53 chữ. Tôi thấy 53 chữ thì chữ cuối cùng rơi nhằm chữ “quỉ”. Phép đặt chữ triệu thì đếm “Quỉ, khốc, linh, thính” cứ thế mà đếm cho tới chữ cuối cùng, nam trúng chữ “Linh” nữ trúng chữ “Thính” tránh hai chữ “Quỉ” và “khốc”. Anh Trắc nói cho chị Hà Giao biết, chị đồng ý đốt bỏ lá triệu đó và nhờ tôi cho chữ triệu khác. Tôi đặt xong, đọc qua điện thoại cho anh Trắc ghi. Anh Trắc hỏi kích thước là triệu, tôi đọc hai câu thơ mà Hoà thượng Bích Liên dịch từ “Mông Sơn thí thực khoa nghi”:
Lụa hồng bảy thước đề tên
Đất vàng một nấm lấp nền văn chương!
Thước dây là thước một bằng 0m,34, bảy thước vị chi là 2m,38. Anh Trắc cùng anh Nguyễn Thanh Quang, tới tiệm vải mua lụa rồi mang lại nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật Hát bội Vũ Ngọc Liễn viết thành chữ Hán. Hai giờ chiều hôm ấy, anh Quang đến nhận lá triệu thấy ông Liễn hai tay nang lá triệu trao cho anh Quang mà hai hàng nước mắt rưng rưng, bởi lẻ Hà Giao cũng là bạn của ông Liễn.
Tang lễ xong, tôi gọi điện hỏi ông Liễn về lá triệu, ông cho biết có rút bớt mấy chữ cho gọn nhưng vẫn giữ hai chi tiết quan trọng là: “Văn thi sĩ, văn học, khảo cứu gia, tánh Đặng Phùng, huý Mãi, hiệu Hà Giao” và “thuỵ viết Đoan Cẩn chi linh cửu” và chữ cuối cùng vẫn đúng là chữ “Linh”. Ông nói thêm:
- Các cụ ngày xưa rất coi trọng lá triệu. Mấy thằng bàn hòm không biết mà viết bậy viết bạ. May có ông và ông Trắc kịp thời sửa sai nếu không thì tủi cho vong linh của ông bạn của chúng ta quá! Giờ thì tốt rồi! “Sanh vi Học giả, tử vi thần tiên”. Hà Giao xứng đáng được như thế!
Hà Giao qua đời, tôi vì mắc bệnh rối loạn tuần hoàn não, đầu lảo đảo nên không dám vào đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng nhưng vẫn thường xuyên liên lạc bằng điện thoại với cháu Đặng Lam Kiều để biết diễn tiến của lễ tang, buổi sáng an táng anh, tôi lấy mấy tập thơ của anh ra mà đọc chỉ để điếu thầm mà thôi!
Tôi nhớ trong “Chu tử gia huấn” có câu:
Giao bằng hữu quí hồ tín dã
Nghĩa là: Bạn bè giao hảo điều quí nhất là phải giữ cho được chữ TÍN.
Liên hệ đến Hà Giao, chẳng những đối với tôi mà đối với các bạn trong và ngoài giới văn nghệ anh đều đối xử rất chân thành, chưa từng thất tín với ai bao giờ.
Hà Giao – Đặng Phùng Mãi là một mẫu người Quân tử của đời nay vậy!
LỘC XUYÊN - ĐẶNG QUÝ ĐỊCH
Nguồn BinhDinh Quê Tôi
Anh Hà Giao là người luôn tiếp cận sự việc từ nhiều chiều.
Trả lờiXóaCòn nhớ năm 1982 anh về gặp tôi, hỏi mượn sách viết về Quách Tấn, Hàn Mặc Tử và các tập thơ in trước 1975, loại khổ lớn ngày xưa như Lỡ Bước Sang Ngang, Thơ Thơ, Gửi Hương Cho Gió ... (quên mất Nhà Xuất Bản). Tôi chỉ rõ đoạn giới thiệu tập thơ có câu nhận xét về Văn Nghệ Sĩ - tác giả các tập thơ hiện đang sống ở miền Bắc. Anh cười :
Em không đốt, còn giữ được sách. Cũng như em, Anh dùng sách chứ không nệ hà với sách.
Hiếm có người nói được như anh trong thời điểm ấy !
Còn tui, không tự đốt, không bị buộc phải đốt, mà được yêu cầu phải nộp cho chánh quyền những sản phẩm văn hóa "nô dịch, đồi trụy và phản động", là những tập thơ HoaiAn đã kể trên, cả tập Lửa thiêng, Điêu tàn,... cả bộ EFT, luôn cả quyển "Tự điển danh nhân thế giới" của Trịnh Chuyết (vì tuy có xếp Karl Marx và Friedrich Engels là danh nhân thế giới, nhưng không có Bác Hồ),...
XóaGiá như tui gặp được ông Hà Giao vào lúc bấy giờ!!!
Năm 2004 Bác Hà Giao có đi trại sáng tác ở Hà Giang . Khi dìa Phú Phong chơi nghe Bác nói có cảm tác về Cao Nguyên Đá Đồng Văn.Mong BBTQTBK sưu tầm đăng bài thơ này trên trang nhà, để mọi người thấy được tình cảm của Bác về nơi mảnh đất thiêng liêng địa đầu của Tổ quốc .
Trả lờiXóa