Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè
Ăn chè rồi lại ăn xôi
Còn ba cái bánh để rồi hạ nêu
Nay mồng 7 hạ nêu, vậy rồi cũng qua một cái Tết. Sau những ngày sum họp, giờ bắt đầu quay lại với công việc thường ngày. Ở Tây Sơn – Bình Khê may có ngày kỷ niệm Chiến Thắng Đống Đa mồng 5 tháng giêng, bà con còn rán ăn Tết thêm được mấy ngày nữa. Các nơi khác mồng 4 đã vào việc, con cháu đã bắt đầu ra Bắc vào Nam. Thời buổi công nghiệp không còn ăn Tết cả tháng như mấy cụ ngày xưa. Nhưng thời buổi công nghiệp cũng như thuận tiện giao thông đã đưa mối quan hệ giữa các miền đến với nhau gần gũi hơn ngày xa xưa trước. Điều kiện làm việc cùng chung công sở, chung chỗ trọ, nay gái trai Nam Bắc đã dễ gặp nhau hơn. Nhưng với cách biệt cá tính Bắc Nam, không rõ được bao nhiêu phần trăm Nam Bắc đã đến được với nhau.
Ngày còn đi học, qua ca dao tôi đã thấy tính cách của 2 miền Nam Bắc khác nhau rõ rệt. Cách tán gái của trai Bắc đẩy đưa xa xa cho tới gần gần :
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Mốt nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho,
Giúp cho một gánh xôi vò
Một con lợn béo, một vò rươu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
Trai Nam thì khác, khi thương là nói huỵch toẹt Tôi thương :
Trên trời có cây hóa kiểng
Dưới biển có cá hóa long
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Đến đây trời khiến đem lòng thương em.
Một dạo đem chuyện nầy nói với các cháu miền Tây đang mưu sinh ở Saigon, các cháu cười :
- Chuyện đấy xưa rồi chú. Nay hổng cần thương cần yêu gì đâu chú, nay chỗ mấy cháu gặp nhau là hô “Bằng lòng đi em, Anh dzìa quê dắt má lên liền …”
Lúc đó tôi bật cười nhưng cũng ngố ra trước đổi thay của thời đại. Nhưng cái ngố đã thể hiện chẳng thảm hại bằng cái ngố của mình khi mấy cậu bé đó hỏi lại :
- Bắc có, Nam có vậy miền Trung của chú có câu tỏ tình nào hông?
Đúng là cái thảm hại của người chỉ thấy cái rác trong mắt của người ta mà không thấy cái đà trong mắt của mình. Lúc ấy tôi lục trong đầu ra mà không nhớ nổi một câu ca nào của miền Trung, của Bình Định quê tôi để nổ cùng trai trẻ miền Tây.
Trai miền Tây Nam bộ bây giờ vẫn còn mang phong cách khoáng đạt của thời thò tay xuống nước là có con cá, quơ bậy chung quanh là đã có cái ăn. Tôi thích cái phong cách ngang tàng của những chàng trai sông nước :
Ra đi là sự đánh liều
Nắng mai không biết, mưa chiều không hay
Lên non mới biết non cao
Xuống sông mới biết chỗ nào cạn sâu
Tôi thích cái tính trọng nghĩa khinh tài của vùng đất hội tụ những lưu dân thời mở đất :
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thưở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi
Và cũng thích luôn cái hồn nhiên của anh thương lái :
Gió đưa con buồn ngủ lên bờ
Mùng ai có rộng cho ngủ nhờ một đêm
Khi xẻ đàn 50 con lên núi, 50 con xuống biển, dù Bắc dù Nam cũng đều từ một bọc trăm trứng mà ra. Vùng đất nuôi dưỡng các đứa con đã hình thành nên tính cách của chúng. Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy. Người nhân nghĩa ưa thích núi, người trí dũng ưa thích nước. Người Bắc, Người Trung đến với miền sông nước Nam bộ, lâu ngày rồi cũng giống như cha ông trước kia mà sẽ có được trong tâm cái nhân, cái nghĩa, cái dũng, cái quảng đại như những chàng trai trẻ miền Tây mà tôi đã gặp.
Gặp những chàng trai Nam bộ dạo trước Tết ấy, tôi được các cậu đọc cho nghe những câu ca thời đại Tình Gái Ba Miền mà mấy cậu sưu tập được ở đâu đó. Chép ra đây để cùng vui mấy ngày Tết, nhưng mong mấy cô mấy bà đừng ghé mắt đọc :
TÌNH GÁI BẮC
Em chả đâu
Ngượng lắm đấy
Ai lại thế
Cứ như ranh
Tí tẹo thôi
Nhớ đấy nhé
Mặt dầy tợn !
Chỉ nghịch ngợm !
Không ai bằng !
Cứ hung hăng
Như ăn cướp !
Thôi cũng được
Phải giao trước
Cấm chạy làng
Hễ lang bang
Em xẻo trước
TÌNH GÁI TRUNG
Dị kể chi
Răng làm rứa ?
Người chi mô !
Nhột thấy mồ
Anh bên nớ
Tui bên ni
Răng cớ gì ?
Ưa lấn đất
Đừng lật đật
Mạ ra chừ
Mang tiếng hư
Nói nhỏ nì
Tối nay hĩ ?
TÌNH GÁI NAM
Ý chèng ui
Hổng được đâu
Cái mặt ngầu
Tui ớn lạnh
Ngồi bên cạnh
Rục rịch hoài !
Lỡ gặp ai
Kỳ quá hà !
Thôi zdô trỏng
Cho thõa lòng
Đồ quỷ sứ !
Để từ từ
Nè cha nội !
Cách thể hiện tình yêu của 3 miền đã có đủ. Nhưng tôi vẫn cứ canh cánh bên lòng với tình quê. Cách tán gái của Bình Định tôi chưa nhớ được câu ca nào để làm vốn, gặp luôn chuyện nầy cũng đành bó tay không biết cái kiểu của Gái Bình Định có ai đã diễn đạt ra sao chưa. Chuyện tế nhị nầy ai lại đi hỏi người lạ. Cũng may khi đi hỏi ông anh “hai rưỡi” - đại ca ĐỒ BÌ của tôi thì ông cười hề hề “Có của tao đây”. Chỉ ngày sau là tôi nhận được liền bài Tình Gái Bình Định :
GÁI BÌNH ĐỊNH
Cái gì dzẫy
Đồ mặt chai
Đã nói quài
Mà cứ quậy
Thâu nà !
Đừng làm ẩu
Trời dzừa tấu
Nẫu cừ cho
Chu cha nhột
Quỷ yêu mà !
Phá cửa na !?
Ừ dzô đây
Coi chừng tột
... ... ...
Tui nè …
Đồ Bì (2012)
Ghi Tình Gái Bình Định ra đây mà không mong được phổ biến rộng rãi, ai nỡ lấy chuyện thâm cung của mấy chị em Bình Định nhà ta trình ra trước bàng dân thiên hạ.
Tết Khai Hạ 2012
TruongNghi
.
Đi “ Từ Bắc vào Nam “hay ra nước ngoài bất kể vùng , miền nào ; người Việt Nam xa xứ cũng dễ hòa nhập vào cộng đồng mới để “an cư lạc nghiệp”.Nhưng tính cách ,tình cảm,phong tục_tạp quán của từng vùng , miền vẫn còn đó _”Có cái riêng trong cái chung”,tạo thành một bản hòa âm cuộc sống cộng sinh đầy cung bậc .
Trả lờiXóaBài viết như để gợi nhớ , hồi tưởng… tận sâu thẳm tâm hồn họ vẫn còn đọng lại một chút gì sâu lắng _Có lẽ đó là hồn quê hương ?
Bài viết hay ! Cảm ơn tác giả về chất tình trong ca dao mỗi vùng , miền !
Đọc 3 bài chung và một bài nhà , nghe quen lắm . Cảm ơn tác giả về vè gái yêu 3 miền đầy thú vị.Chúc khỏe để sưu tầm các loại thơ ca dân gian nhiều hơn nữa .
XóaHê hê hê ...
Trả lờiXóaCái mùi thơ của Đồ Bì sao tui thấy giống cái mùi của KIẾN THAN quá.
Mấy bữa nay không thấy đại ca Kiến Than xuất hiện.
Đi đâu dzậy cà !
Ăn chơi mấy ngày Tết mệt thấy mồ,nay hạ nêu mà mấy cha dọn đặc sản nữa.Ai tìm ra cái Tình gái ba miền độc dữ dzậy ta?!!
Trả lờiXóaCứ qua hết một miền là "lòng tôi dậy sóng",phải nốc đế vào hòng làm dịu cơn đau.
Cái món Tình gái Bình Định tôi dớt đến ba ly liền cũng bỡi Bà nhà tôi là người B.Đ.
Càng đọc càng ngứa ngáy tại cái anh chàng Đồ Bì này ,thò tay ra gãi lưng đụng phải vợ đang ở sau nghía vào màn hình ???!!!
Mình say rồi vào trong ngủ đi.
Tôi khệnh khạng chân thấp chân cao
Coi chừng tột
...
Tui nè !
Tết này dzui quá xá.
Anh Ba hồi nhỏ chắc học giỏi lắm hở ?
XóaHọc đi đôi với hành hê hê hê!!!
Đại ca Đồ Bì là ai mà sao hổng thấy giới thiệu hở anh Trường Nghị ?
Trả lờiXóaĐồ bì phải con dân QTBK ?
Đại ca ĐỒ BÌ chính hiệu con dân Quang Trung Bình Khê đấy bạn. Làm quen một đôi bài của người viết mới đi, QTBK sẽ giới thiệu vài nét về tác giả nếu tác giả đồng ý.
Trả lờiXóaĐọc xong bắt rùng mình !!!
Trả lờiXóaGái miền nào cũng kinh thiên động địa
Kinh Thien ,xin loi Bac , dung quo dua ca nam . Cam on .
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaCũng tại bỡi tôi có tật hay rùng mình ,mà rùng mình của tôi sao mà kinh thiên động địa .Nguyetpp có bị sao thì nõ anh Trường Nghị chớ sao lại bắn tôi ?
XóaĐại Ca Kinh Thiên Động Địa ơi,
XóaNguyetpp là Nguyetpp chớ phải NguyetNu đâu mà dám nõ TruongNghi.
Từ Bắc Vô Nam mà Đại Ca rùng mình thì ăn đạn là phải