Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

NGƯỜI KỂ CHUYỆN LÀNG

HUỲNH KIM BỬU KỂ CHUYỆN LÀNG
Lê Hoài Lương

Thầy Huỳnh Kim Bửu

Trong bài “Phong vị một vùng đất” viết về cuốn sách “Nơi con sông Côn chảy qua” (NXB Trẻ, 2009)  của Huỳnh Kim Bửu, tôi có gọi ông là người kể chuyện làng, người kể chuyện phong hóa phong vị một vùng đất, và khẳng định, “chuyện kể của ông còn dài”. Thì đúng là 2 năm sau, ông cho in cuốn sách tiếp theo “Trong như tiếng hạc bay qua” (NXB Hội Nhà Văn,  2011). Cũng đầy đặn và xinh xắn, cả số lượng “chuyện kể”, thêm nét duyên càng lúc càng đằm. 

Và khi cuốn sách mới này gửi đi in, ông vẫn “kể” không ngừng, vẫn in đều đều trên các diễn đàn, tới giờ cũng đã hòm hòm một cuốn sách nữa. Ở mảng này, trên nhiều báo, tạp chí, và trong công chúng, Huỳnh Kim Bửu đã thực sự là một “thương  hiệu”.

1.
Thương hiệu của ông là tự nó, tự những câu chuyện đến với bạn đọc. Nó đến từ từ, theo cái cách chơn chất, lành hiền, tỉ mỉ, và giọng kể điềm đạm, thủ thỉ nhẹ nhàng, rặt chất Bình Định. Ông  làm ta cứ thỉnh thoảng ồ lên, hoặc gật gù tán thưởng những chi tiết đời sống  nông thôn đã xa giờ được nhắc lại, chúng ta thưởng thức và hồi tưởng vì các chi tiết sống động này hầu khắp chúng ta đã trải, thuở làng chưa xa mà giờ thành xưa lắm, vì có thể nói phần lớn đã không còn nữa.

Ông có nhiều đồng cảm vì phần lớn chúng ta thị dân nay, gót chân vẫn còn nồng mùi bùn đất, cái móng chân còn sánh vàng phèn. Và cái chính là cách kể chuyện của ông. Dụng công của ông gọn lỏn có một tiếng : thật! Thật đến mức ta thấy ngay cảnh sinh hoạt ấy, món ăn, trò chơi, không gian cảnh sắc, không khí  ấy…, và khi ông ngừng kể ta mới vẩn vơ nuối tiếc khi nhận ra rằng, cảnh và người quen thuộc ấy đã xa.

2.
Đề tài làng của Huỳnh Kim Bửu phong phú đến ngạc nhiên. Đó là những trò chơi, những thú vui con trẻ, những sinh hoạt, tập tục quanh nếp nhà nông thôn, những sản vật, những danh thắng, những mảng văn hóa, lịch sử lớn của miền đất võ, đất hát bội, đất văn chương Bình  Định.

Tất nhiên là từ bối cảnh quanh cái xóm Miễu Tây, cái làng An Định, Nhơn An quê ông, và làng quê quanh thành xưa Bình Định, đế đô mấy vương triều. Tất thảy gắn cụ thể với tên đất tên người vì là kể chuyện người thật việc thật, chứ chuyện “làng” của Huỳnh Kim Bửu còn mang  nét chung vùng nam Trung bộ. Ngay cả tên người thật cũng không phải nhắc tên cho chuyện ra vẻ thật, những bà Hai Cảnh, ông năm Rự, ông Tú kép Bình An, ông Hương  hào Nhuệ, ông Cử nhì Thái Thuận, thầy Tú Kỉnh, ông Tư Đồ, ông Ba Thơm…, những bà những ông này luôn gắn với một phần máu thịt hồn cốt nào đó của ký ức làng,  người dạy học, người giỏi kể chuyện đời xưa, người làm món ăn nổi tiếng, người hát hay, võ giỏi, nói rốt lại, phần đông họ đã là người của muôn năm cũ, họ đã  là làng, vừa bàng bạc khói sương vừa vọng động.

Và một người nữa, nhân vật kể chuyện. Lúc ở vai thứ nhất, xưng “tôi” để kể, lúc ở ngôi  thứ hai, gọi là “chú”, chú nhỏ, là tác giả của thuở lên mười, mười lăm. Huỳnh Kim Bửu đã, đang làm công việc của nhân vật ông Tư Đồ kể chuyện cho trẻ nhỏ quanh vùng, và vì vậy, tác giả - người kể chuyện - nhân vật, hòa vào nhau, tất cả cứ hiện lên, khi tách bạch khi nhập nhòa nhưng thật tự nhiên, như không thể  khác. Có lẽ điều này cũng góp phần làm nên sức thuyết phục, làm nên cái duyên riêng của người kể chuyện làng.

3.
Đọc Huỳnh Kim Bửu một cách tập trung thấy các câu chuyện đến với ông như một tình cờ, như một gợi ý vô tình nào đó và ông chợt nhớ ra, rồi kể. Có khi từ một ý thơ, một câu thơ của các thi sĩ nổi tiếng mọi thời. Từ ca dao, dân ca. Có khi từ một câu nói, một trò chơi con trẻ.  Một món ăn, một phút chuyển mùa. Nhưng tất cả phải gắn với làng xưa. Tất cả đã  và đang mất đi, tất cả vọng lên đẹp và buồn.

Kể chuyện làng, Huỳnh Kim Bửu đã chạm thấu tới vẻ đẹp ánh tà huy hoài niệm, bởi vì, như một thứ nguồn cội dù biết khó thể níu giữ trong đời sống thực hiện nay, việc kể lại chuyện làng theo cái cách của ông là một kiểu lưu giữ và trân trọng, nâng niu. Nó thành một miền riêng lặng lẽ nuôi dưỡng hồn người, không hẳn “vãng cổ khả dĩ tri kim” theo kinh  sách thánh hiền, nó là thương và nhớ một thuở cha ông. Là văn  hóa.

Bài nào, chuyện kể nào của Huỳnh Kim  Bửu, ngoài nội dung kể chính cũng có hoặc những câu ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ hay các câu thơ của những nhà thơ nổi tiếng đã in đậm trong trí nhớ ông  được trưng kèm, như minh họa, như liên tưởng. Từ hai cuốn sách đã kể, thử giở bất kỳ, thấy trang nào cũng có những câu in nghiêng các thể loại ấy, nó xuất  hiện với tần suất thật đậm đặc. Nó là một sự phối hợp tốt, câu chuyện thoảng ngắt quãng thêm chút mơ màng, phần minh họa - liên tưởng này nếu tách bạch thì cũng làm nên nét riêng khi kể chuyện. Thực ra nó không hề làm hư ảo chuyện cho thêm gia vị, nó cũng là nội dung, cũng là làng. Nó xuất hiện vừa gợi ý vừa hiển nhiên, và chắc rằng nó đã thành ký ức, thành máu thịt của người kể chuyện.


4.
Tiếp xúc, nói chuyện thấy Huỳnh Kim Bửu là người có trí nhớ rất tốt, kiến văn rộng, nhất là mảng văn hóa Đông phương, mảng phong hóa làng nam Trung bộ, làng quê Bình Định. Nên ông không làm công việc một nhà sưu khảo phong hóa, không kỳ khu tra cứu, biện luận, chỉ kể, nhiều khi cũng rất tỉ mỉ và nhiều xúc cảm, nhưng là kể. Ví dụ viết về món ăn, món bánh xèo chẳng hạn, cũng mô tả các loại bánh xèo, cách đúc cách ăn, nhưng  “Đông… ăn bánh xèo’’ không thiên về bài viết ẩm thực, ông kể chuyện nhà bà Hai Ngót cha con chồng vợ quây quần bên tiệc bánh xèo xúm xít vừa đúc vừa ăn trong  không khí gia đình thật ấm nồng.

Từ ý thơ người trước “thu ăn măng trúc đông ăn giá’’, chuyện ăn bánh xèo mùa đông của làng quê Huỳnh Kim Bửu đã là chuyện làng. ‘‘Khách thăm quê tôi dịp  tiết trời Đông dễ gặp những xóm nhà phủ cơn mưa, tỏa xực nức mùi thơm bánh xèo lên không trung, dễ gặp bữa cỗ bánh xèo được chủ nhà mời ăn với cả tấm lòng xởi lởi và hiếu khách’’, và, ‘‘Nhà đúc bánh xèo luôn dành những phần bánh xèo để biếu hàng xóm, “lại quả’’ nhà kia nhà  nọ vì họ đã cho mượn bộ khuôn sắt hãy còn bóng dầu mỡ, cái hỏa lò hãy còn dính nhiều vệt trắng của bột bánh xèo đổ leo, và cả ông đầu xóm có cái cối đá xay bột  khô và bột nước đã sẵn lòng dành cho một bữa xay bột nhờ… Thành ra lắm khi trong xóm Miễu Tây của tôi một nhà đúc bánh xèo thôi là cả xóm được ăn bánh xèo.’’

Như đã nói, Huỳnh Kim Bửu không thích tư biện, chỉ thường bộc lộ cảm xúc, những u hoài có phần nuối tiếc những vẻ đẹp đã và đang dần lui vào quá vãng. Sự nuối tiếc và trân quý những hồn cốt làng khiến ông đôi khi có những liên tưởng độc đáo. Ví dụ, bài viết về các trò chơi con trẻ ngày xưa, các trò chơi đồ chơi thư�!BB�ng tự tạo, sau khi kể tỉ mỉ các nhóm đồ chơi: nhóm tạk tiếng, nhóm nặn tượng, nhóm cơ khí, nhóm ngẫu hứng, nhóm nào cũng thật nhiều sáng tạo thú vị, đòi hỏi sự khéo léo và nhiều trí tưởng tượng, ông kết chuyện thật bất  ngờ: ‘‘Xưa ông cha và cả thế hệ chúng tôi (nay đã đầu hai thứ tóc) sống tuổi thơ của mình thiếu thốn, nghèo nàn, lây lất  quá! Chẳng biết đầu óc của những ông Hai Lúa nổi tiếng thời nay có phải được sinh ra và nuôi dưỡng từ hồi xửa hồi xưa đó không?’’ (Bài ‘‘Trong như tiếng  hạc bay qua’’)

5.
Huỳnh Kim Bửu còn là người khá tinh tế trong lựa chọn chi tiết kể. Ví dụ, kể ‘‘Mùi đồng’’, ông kể đủ các mùi bùn, đất, mùi phân trâu bò, mùi bông lúa chín ngập đồng, mùi hương sen ngát…, lại  nữa, mùi chua loét mồ hôi của những bác nông phu, mùi hăng hăng rạ rơm cũ nát, mùi khói đốt đồng, những nền đất ẩm mốc, mùi phân đang hoai, và mùi tóc mẹ, tóc chị thơm dầu xức, thơm bồ kết, hương chanh hương bưởi…, rồi các thứ hương hoa, cây trái bốn mùa…, đặc biệt, thật hóm hỉnh, ông kể cái mùi đám giỗ, nó “thơm phức, nồng nàn, ngào ngạt, lan tỏa từ nhà bếp, lên nhà trên, sang tận các nhà hàng xóm, quyện lâu vào mũi những ông bà hàng xóm láng giềng và gieo vào họ một tâm trạng’’ bâng khuâng chờ đợi; ‘‘Nghe  như có đám giỗ gần/ Bụng dạ lần khần, chẳng muốn nấu cơm’’ ca dao. Bởi đó, trong xóm Miễu Tây của tôi, một nhà có đám giỗ là cả xóm đều biết và thường được mời  ăn đám giỗ’’.Cái ‘‘mùi đám giỗ’’ là đặc sắc của người kể chuyện  làng!

Có cả trong chuyện kể của ông từ cái chợ quê đến những nong hát bội, có những ông Chảng, chàng Lía võ nghệ, những  đường quyền, đường gươm hư thực: độc thần kiếm, song thần côn, tam thần đao, tứ thần cung, ngũ thần mã của Nhà Tây Sơn; có xúc cảm bốn mùa, có cái chõng tre, cái võng đu đưa, cái bánh tráng bẻ giòn giòn, chén mắm học trò trường huyện, những thú lặn lội mùa mưa đơm cá, cả thói hư giở trộm dẹp ông hàng xóm mà hồi  hộp sung sướng rộn ràng mướt tươi con cá quẫy… Có cả. Một hòn đất, một giọt nước mái tranh, một bếp lửa đêm ba mươi tết. Cũng thấy kia những con trẻ ê a thời  cuối Nho học, còn đó chút ngậm ngùi vắng dần các thôn nữ trên đường quê… Huỳnh Kim Bửu vẫn đang kể. Sắp tới rồi sẽ là cọng cỏ nào, tấm áo nào, làn hương nào…  không biết, nghe chừng ngay chính người kể cũng không có sắp xếp trước sau gì, chuyện làng mà, một gợi ý nào đó là chuyện sẽ miên man, chuyện nọ gợi chuyện kia, không dứt.

Có thể nói không ngoa rằng, nếu thực hiện được trọn ý muốn đang định sẵn, những chuyện lan man của Huỳnh Kim Bửu sẽ mang hình vóc một cuốn bách khoa thư về phong hóa một vùng đất. Với cái duyên riêng và đã định hình thành phong cách. Nên dù ông ghi thể loại sách là tản văn, bút ký thì tản văn bút ký này cũng đã riêng, đã khác, theo cái cách của ông và với bạn đọc gần xa, đã nghe quen giọng. Chúc mừng ông và thật nhiều hy vọng từ giản dị và sâu lắng chuyện làng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét