Trường Nghị Giới thiệu
Sĩ tử ngày xưa Lều chõng đi thi |
Qua đây cũng phải công nhận Gia Phả của các dòng họ được viết cẩn trọng, minh bạch … là một trong những cứ liệu soi sáng được lịch sử của đất nước. Vì Lịch sử bao gồm cả mọi hoạt động trong một thời kỳ mà nó đại diện.
Khoa cử triều Nguyễn từ thời Minh Mệnh trở đi, ngoài các kỳ tổ chức ân khoa, định lệ 3 năm một lần, thường là các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, tổ chức kỳ thi Hương để lấy Tú Tài, Cử Nhân. Năm sau, thường là các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, những vị Tân khoa Cử Nhân, những Giáo Thụ, Huấn Đạo đã đỗ Cử Nhân, Tú Tài, những Giám sinh đã mãn khóa học ở Quốc Tử Giám … được dự kỳ thi Hội. Tùy theo số điểm trúng cách kỳ thi Hội, lấy đỗ làm hai hạng Chính Bảng (Tiến sĩ) và Phó Bảng (Tiến sĩ hạng hai). Vài tháng sau, chỉ những người đỗ Chính bảng mới được vào thi Đình để phân định Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp, Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân.
Đến năm 1851 triều đình nhà Nguyễn mới đặt Trường thi Hương ở Bình Định cho các thí sinh ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ứng thí. Trước đó sĩ tử Bình Định phải ra tận kinh đô Huế để dự kỳ thi Hương. Không rõ thời ra Huế để dự Hương thí lúc nầy hay dự Hội thí mà Bình Định giờ còn truyền câu ca :
Học trò Bình Định ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Khoa thi Hội triều Nguyễn được Minh Mệnh cho mở vào năm 1822, tính đến năm 1919 là khoa thi Hội cuối cùng, Bình Định có 9 vị đỗ đại khoa, kể cả Phó Bảng. Đất Tuy Viễn được ghi tên 4 vị là Võ Văn Hiệu, Ngô Tùng Nho, Huỳnh Văn Học, và Hồ Sĩ Tạo.
Sử sách triều Nguyễn ghi tên các vị là người huyện Tuy Viễn (Tuy Viễn huyện nhân), nhưng tùy theo triều đại, tùy theo biến động cải cách hành chính của mỗi thời kỳ mà ranh giới của Tuy Viễn cũng biến động theo. Để xác định quê hương của các vị Tiến Sĩ, cần sơ lược lại sự hình thành và biến động của Huyện Tuy Viễn thời nhà Nguyễn.
Tổ chức hành chính Huyện Tuy Viễn trước năm 1832 có 1 Tổng và 6 Thuộc :
Tổng Vân Dương
ThuộcVõng Nhi
Thuộc Hà Bạc
Thuộc Sơn Điền
Thuộc Thời Tú
Thuộc Thời Đôn
Thuộc Thời Hòa
Huyện Tuy Viễn lúc đó bao trùm địa giới các huyện của tỉnh Bình Định hiện nay : An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Thành phố Quy Nhơn, và An Khê (hiện thuộc tỉnh Gia Lai).
Đợt cải cách hành chính năm 1832, Minh Mệnh đổi tên Trấn Bình Định thành Tỉnh Bình Định. Trước đây Trấn Bình Định có Phủ Hoài Nhơn, nay lập thêm phủ thứ 2 là Phủ An Nhơn. Phủ An Nhơn thành lập trên cơ sở huyện Tuy Viễn cũ. Tuy Viễn cũ chia làm 2 huyện là Tuy Viễn và Tuy Phước.
Căn cứ Địa Bạ Bình Định năm 1839, Phủ An Nhơn có 5 Tổng.
1) Huyện Tuy Viễn, có 2 Tổng
Tổng Thời Đôn gồm 62 thôn, 1 thôn mất địa bạ
Tổng Thời Hòa gồm 46 thôn
2) Huyện Tuy Phước, có 3 Tổng
Tổng Vân Dương gồm 50 thôn
Tổng Tuy Hà gồm 53 thôn
Tổng Thời Tú gồm 42 thôn
Năm 1852, Tự Đức bỏ Phủ An Nhơn, Huyện Tuy Viễn do Phủ Hoài Nhơn thống hạt. Nhưng đến năm 1865, lại lập lại Phủ An Nhơn, Huyện Tuy Viễn lại do Phủ An Nhơn kiêm lý, lĩnh 4 Tổng gồm 111 xã thôn.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, 2 Tổng Thời Đôn, Thời Hòa của Tuy Viễn được điều chỉnh thành 4 Tổng từ năm 1841 và duy trì cho đến sau năm 1885 :
Tổng An Ngãi
Tổng Nhơn Ngãi
Tổng Mỹ Thuận
Tổng Phú Phong
Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) lấy 8 thôn trong Tổng Mỹ Thuận, 10 thôn trong Tổng Phú Phong, cùng 28 thôn mới mộ khẩn của Nha Kinh Lý An Khê thành lập thêm Huyện Bình Khê thuộc Phủ An Nhơn. Huyện Bình Khê coi 4 Tổng
Tổng An Khê
Tổng Tân Phong
Tổng Vĩnh Thạnh
Tổng Thuận Đức (Thuận Tuyên !?)
Năm 1906, Lấy thêm một số thôn thuộc Mỹ Thuận như Mỹ Đức, Nhơn Thuận … nhập với Thuận Đức của Bình Khê lập ra 2 Tổng Trường Định và Thuận Truyền. Huyện Bình Khê làm việc trực tiếp với Tỉnh, không thuộc Phủ An Nhơn nữa. Bấy giờ Huyện Tuy Viễn không còn thấy tên trong sách sử triều Nguyễn, 4 Tổng An Ngãi, Nhơn Ngãi, Mỹ Thuận và Phú Phong do Phủ An Nhơn trực tiếp quản hạt.
Ngày 28.3.1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cắt tổng Tân Phong và tổng An Khê thuộc Bình Khê sát nhập vào tỉnh Kontum. Chưa có tư liệu cụ thể xác định năm nào điều chỉnh lại địa giới hành chính huyện Bình Khê liên quan đến Tổng Phú Phong. Nhưng có lẽ năm huyện lỵ Bình Khê từ Đồng Phó dời xuống Trinh Tường (Bình Tường bây giờ) Tổng Phú Phong đã không thuộc Phủ An Nhơn nữa mà thuộc Huyện Bình Khê quản hạt. Theo Lịch sử Đảng Bộ Huyện Tây Sơn thì Huyện Bình Khê, tên cũ của Huyện Tây Sơn vào năm 1945 có 4 Tổng :
1. Tổng Vĩnh Thạnh (có 10 làng): Thạch Quang, Vĩnh Khương, Định Thành, Định Quang, Vĩnh Thạnh, Tiên Thuận, Thượng Quang, Tả Giang, Hữu Giang, Trinh Tường.
2. Tổng Phú Phong (có 12 làng): Phú Phong, Xuân Hòa, An Xuân, Lai Nghi, Thủ Thiện, Phú Lạc, Phú Mỹ, Thuận Nghĩa, Vĩnh Lộc, Dõng Hòa, Kiên Thành.
3. Tổng Thuận Truyền (có 13 làng): Thuận Truyền, Thuận Hòa, Phú Ân, Phú Hữu, Hưng Long, Mỹ Thạch, Thuận An, Thuận Ninh, Hội An, Thuận Nhất, Thuận Hạnh, Hòa Bình, Mỹ Thành.
4. Tổng Trường Định (có 15 làng): Trường Định, Kiên Long, Kiên Ngãi, An Dõng, Vân Tường, An Chánh, Mỹ Thuận, Mỹ Yên, Háo Nghĩa, Trà Sơn, Đại chí, Bình Đức, Nhơn Thuận, Mỹ Đức, An Vinh.
Điểm lại Lịch sử hình thành và biến động ranh giới của Huyện Tuy Viễn, giờ có thể hình dung và điều chỉnh được sự kiện Đất Tuy Viễn, Tiến Sĩ Ngô Tùng Nho người thôn Thuận Nghĩa.
Đọc ở các sách :
TÌM HIỂU NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH, Tác giả Nguyễn Phu và Nguyễn Thiều, Nhà xuất bản Thuận Hóa, bản in năm 2001
NHỮNG NHÀ KHOA BẢNG BÌNH ĐỊNH DƯỚI TRIỀU NGUYỄN, Tác giả Nguyễn Phu và Nguyễn Thiều, Nhà xuất bản Trẻ, bản in năm 2003
CHUYỆN CŨ KẺ SĨ BÌNH ĐỊNH, Tác giả Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, bản in năm 2009
Các tác giả ở trên đều ghi nhận Tiến sĩ Ngô Tùng Nho là người làng Thuận Nghĩa, xã Bình Thành, Huyện Bình Khê (Tây Sơn), Tỉnh Bình Định. Tiểu truyện của ông được được dẫn trích từ Đại Nam Nhất Thống Chí :
Ngô Tùng Nho, Tuy Viễn huyện nhân. Tự Đức Đồng Tiến sĩ. Thụ Tuy Biên Tri phủ. Tại chức thanh cần, thưởng tứ kim khánh. Thiên Tập hiền khởi cư chú, tầm tốt.
Lộc Xuyên trong « Chuyện Cũ Kẻ Sĩ Bình Định » đã dịch nghĩa :
Ngô Tùng Nho người huyện Tuy Viễn. Đỗ Đồng Tiến sĩ trong niên hiệu Tự Đức. Được trao chức Tri phủ Tuy Biên. Tại chức trong sạch, siêng năng được vua thưởng Kim khánh. Sau đổi về Viện tập hiền khởi cư chú, rồi mất.
Trong « Chuyện Cũ Kẻ Sĩ Bình Định » Chú Lộc Xuyên còn dẫn từ « Quốc Triều Đăng Khoa Lục » :
Ngô Tùng Nho sinh năm Quý Dậu (1813), đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Dậu, Tự Đức thứ 2 (1849). Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân khoa nầy lấy tới 10 vị, ông đứng thứ 7. Sau khi mất, ông được Vua tặng hàm Hàn Lâm Thị Giảng Học Sĩ, tòng Tứ phẩm.
Chúng ta chưa có nhiều tư liệu về hành trạng vị Tiến Sĩ đất Tuy Viễn nầy. Chỉ biết được ông đỗ Cử nhân trường thi Thừa Thiên khoa 1846, Tiến sĩ khoa 1849. Ông được thưởng Kim tiền, được trấn nhậm phủ Tuy Biên thuộc An Giang của Nam Kỳ Lục tỉnh, gồm các huyện biên trấn trước đây nguyên là đất của Cao Miên, phải xét thấy Ông là người được triều đình tín cẩn giao trọng trách.
Bao nhiêu đấy cũng đủ đẹp danh cho người đất Tuy Viễn. Đất Tuy Viễn sau khi tách ra một phần lập nên huyện Tuy Phước (bao gồm cả Vân Canh và Thành phố Quy Nhơn), phần còn lại đa phần thuộc huyện An Nhơn và Tây Sơn ngày nay. Nhưng nếu xét phụ chú Ông là người làng Thuận Nghĩa, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn hiện tại thì phải xem xét lại.
Vào năm 2000, tôi có duyên được Quách Tộc ở thôn Thuận Nghĩa, xã Bình Thành tặng cho cuốn KỶ YẾU TỊNH NƯƠNG ĐƯỜNG 2000, là Phổ chí của Quách Tộc chỉ lưu hành nội bộ trong các gia đình Họ Quách. Trong Kỷ Yếu có thế thứ đời 10 của Tịnh Nương Đường là Quách Văn Hưởng viết bài « Thuận Nghĩa Thuở Xưa Đã Từng Có Người Đậu Tiến Sĩ ».
Trong bài viết, qua trao đổi với chị Trần Thị Hạnh, tác giả đã ra công truy lục « Địa Bạ Bình Định » năm xưa, đã xác định được vị trí địa danh Thuận Nghĩa, quê quán của Tiến sĩ Ngô Tùng Nho :
Thuận Nghĩa Ngũ khách hộ ấp (thuộc thôn An Hòa), Đông giáp ấp Nhơn Ngãi (thuộc An Thái Trung), Tây giáp ấp Hòa Mỹ (thuộc An Thái Trung) và Thắng Công, Nam giáp ấp Hòa Mỹ (thuộc An Thái Trung) cọc đá làm giới, Bắc giáp ấp Mỹ Hòa (thôn An Thái) cọc gỗ làm giới.
Thuận Nghĩa Ngũ khách hộ ấp sau đổi tên là thôn Thái Thuận. Thôn Thái Thuận ngày nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, Bình Định.
Bài viết trong Kỷ Yếu Tịnh Nương Đường đến nay đã hơn 10 năm. Tác giả Quách Văn Hưởng và chị Trần Thị Hạnh (Trần và Quách là 2 cự tộc của thôn Thuận Nghĩa xã Bình Thành, Tây Sơn) đã công nhận Tiến sĩ Ngô Tùng Nho không phải là người làng mình. Trong bài viết cũng có ghi là Ngô Tùng Hộ (không phải người Thuận Nghĩa, Bình Thành) đã xác nhận Tiến sĩ Ngô Tùng Nho là ông tổ của ông ấy.
Địa Bạ Bình Định là một tư liệu quý chưa được in ấn, công bố đầy đủ, mà hiện nay muốn tiếp cận cũng không phải dễ dàng. Đấy là điều dễ hiểu khi đến nay chính chú Lộc Xuyên cũng phải để sót trong nghiên cứu, sao lục. Qua đây cũng phải công nhận Gia Phả của các dòng họ được viết cẩn trọng, minh bạch … là một trong những cứ liệu soi sáng được lịch sử của đất nước. Vì Lịch sử bao gồm cả mọi hoạt động trong một thời kỳ mà nó đại diện.
NGUỒN THAM KHẢO
+ Đại Việt Địa Dư Toàn Biên - Phương Đình Nguyễn Văn Siêu
+ Việt Sử Xứ Đàng Trong - Phan Khoang
+ Kỷ Yếu Tịnh Nương Đường 2000 - Quách Tộc Phổ Chí
+ Quốc Triều Khoa Bảng Lục - Cao Xuân Dục
+ Tìm Hiểu Nhân Vật Bình Định - Nguyễn Thiều và Nguyễn Phu
+ Các Nhà Khoa Bảng Bình Định Dưới Triều Nguyễn - Nguyễn Thiều và Nguyễn Phu
+ Chuyện Cũ Kẻ Sĩ Bình Định - Lộc Xuyên Đặng Quý Địch
+ Địa Chí Bình Định - Sở Khoa Họcvà Công Nghệ Bình Định
Phủ Tuy Biên ngày xưa thuộc tỉnh An Giang gồm 2 huyện là Đông Xuyên và Tây Xuyên.
Trả lờiXóaCác địa danh Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Phú , An Phú ngày nay đều thuộc Tây Xuyên thời cụ Ngô Tòng Nho làm Tri Phủ ở đây.
Muốn biết chút chút về Phủ Tuy Biên
Click vào đây
Gửi bạn Trường Nghị:
Trả lờiXóaBạn PTN thân mến !
Đọc bài "Đất Tuy Viễn, Vị Tiến sĩ thôn Thuận Nghĩa" của bạn, mình có một thông tin về địa danh "Thuận Nghĩa" như sau: Trong bài viết của bạn nêu trên thì quê quán của Cụ Ngô Tòng Nho ở thôn Thuận Nghĩa, xã Bình Thành, Huyện Bình Khê !? Hiện tại ở Xã Nhơn Phúc, Thị xã An Nhơn có các thôn (ấp) sau:An Thái - Thắng Công - Thái Thuận - Hòa Mỹ - Nhơn Nghĩa Tây - Nhơn Nghĩa Đông - Phụ Ngọc - Mỹ Thạnh. Hai thôn Thái Thuận và Nhơn Nghĩa Tây nằm kề nhau chỉ cách nhau một con mương nhỏ và mấy đám ruộng.Thôn Thái Thuận đất hẹp và ít dân cư còn Nhơn Nghĩa thì đất rộng và người đông, có lẽ sau này mới tách thành 2 thôn là Nhơn Nghĩa Tây và Nhơn Nghĩa Đông! Chẳng biết thời xa xưa Thái Thuận và Nhơn Nghĩa có phải là một thôn nên gọi là Thuận Nghĩa không ? Đặc biệt ở Thôn Nhơn Nghĩa Tây có 4 vị được người dân tôn trọng và gọi là Ông Nghè: 2 vị họ Nguyễn gọi là Nghè 4 và Nghè 7 (hiện có nhà từ đường ở Xóm Thiện-con cháu hiện ở Qui Nhơn và Sài Gòn); 1 vị họ Lâm, thường gọi là Ông Nghè 5, là Cha ruột Bà Lâm Thị Em & Lâm Thị Ngưu (hiện có nhà từ đường ở xóm Kim); 1 vị họ Ngô (tức Ngô Tòng Nho), nhà thờ từ đường tại Xóm Kim, thôn Nhơn Nghĩa Tây, nhà mặt tiền đường, nhìn lên hướng Thôn Thái Thuận,cách chợ An Thái khoảng 03 km đường đi từ An Thái vào QL 19, con cháu họ Ngô đang trông coi nhà từ đường này.Trên đây là một vài thông tin nhằm làm sáng tỏ thêm bài viết của bạn. Chúc Bạn khỏe và thành công trong mọi lĩnh vực. Trân trọng !