Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

ĐẶC ĐIỂM GIỌNG BÌNH ĐỊNH

Đào Đức Chương


Xứ Bình Định là giải đất ven biển, nằm giữa hai miền nước ta (Bắc vĩ tuyến 13) nên có giọng nói dung hòa giữa miền Bắc Nam và dễ dàng nói đúng theo các tỉnh khác.
Lại nữa, Bình Định trước mặt là biển Đông, sau lưng là dãy Trường Sơn hiểm trở, toàn xứ là những thung lũng và chuỗi bình nguyên chen chúc với núi đồi, nên giọng nói pha trộn cái chả chớt của miền biển và giọng cứng cỏi của miền núi.

5.1 Đặc điểm cấu trúc ngôn ngữ :

Tiếng Việt khác hẳn tiếng Chiêm Thành nhiều điểm:

5.1.1 Về nhóm tiếng, theo Nguyễn Ngọc San, Tìm Hiểu Về Tiếng Việt Lịch Sử [11] và các tài liệu ngữ học khác [12], nguyên thủy tiếng Việt và tiếng Chiêm Thành đều thuộc ngữ hệ Nam Á cổ [13]. Nhưng rồi qua quá trình di dân và sự tiếp xúc với nhóm ngôn ngữ khác [14], kết hợp điều kiện địa lý, tiếng Việt và tiếng Chiêm đã tách xa nhau với nhiều dị biệt.

Khoảng 2500 năm trước, người Mã Lai và Nam Đảo di cư vào bờ bể miền Nam Trung Việt, lập thành Vương quốc Chàm. Họ mang theo ngôn ngữ vùng cực nam Đông Nam Á, tức ngữ hệ Nam Á cổ tiếp xúc với nhóm tiếng Châu Đại Dương.

Trong lúc tiếng Việt thuộc nhóm Mon- Khmer, cũng có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á cổ. Nhưng cách đây khoảng 4000 năm, những bộ tộc này từ vùng Thượng Lào và miền cực Tây Bắc Trung Việt đi dần ra vịnh Bắc Việt, tiếp xúc với dòng ngôn ngữ Tày Cổ. Rồi quá trình tiến hóa ngôn ngữ, từ giai đoạn tiền Việt Mường (thời đại Hùng Vương), vẫn mang cơ tầng Mon- Khmer, nhưng đã có sự mô phỏng cơ chế Tày Thái. Đến giai đoạn Việt Mường có tiếng nói chung, một khi đã đi vào quá trình đơn tiết và thanh điệu hóa. Sau cùng, đại bộ phận dân cư ở vùng đồng bằng Bắc Việt tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán trong thời kỳ Bắc thuộc, đã tách khỏi tiếng Mường thành tiếng Kinh, tức tiếng Việt ngày nay. Như vậy, tiếng Chàm thuộc nhóm Nam Dương, trong lúc tiếng Việt hình thành trong điều kiện riêng cho người Việt.

5.1.2 Về âm tiết, tiếng Chàm vẫn giữ dạng đa tiết, trong lúc tiếng Việt có xu hướng đơn tiết hóa ngay từ giai đoạn tiền Việt Mường. Vì vậy, tiếng Việt độc âm, mỗi tiếng một âm, trái lại tiếng Chàm đa âm.

5.1.3 Về thanh điệu, tiếng Việt cũng đã mở đầu việc thanh điệu hóa từ lúc còn chung tiếng nói Việt Mường. Cho nên tiếng Việt hình thành đủ sáu thanh điệu: ngang, sắc, hỏi (thuộc âm bổng) và huyền, nặng, ngã (thuộc âm trầm). Vì vậy, thanh điệu của tiếng ta có lên xuống cao thấp, trong lúc giọng đọc của Chiêm Thành không có trầm bổng.

Xét cho cùng, tuy cùng ngồn gốc ngữ hệ Nam Á cổ, nhưng quá trình phát triển đã khác xa, chỉ còn có một điểm duy nhất giống nhau là câu văn của ta và Chiêm Thành đều đặt xuôi. Tuy có nhiều yếu tố dị biệt, nhưng nếu xét riêng về giọng nói thì trường hợp đặc biệt của Bình Định, như đã trình bày ở phần trên (Nguồn gốc giọng nói), có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi giọng nói Chiêm Thành không?

Thưa có. Tiếng nói của người Chàm không có trầm bổng thì giọng Bình Định cũng ít chú ý đến sắc âm, nên mặc dù vẫn trầm bổng nhưng biên độ không rõ rệt lắm. Bởi thế, giọng Bình Định trở nên buồn tẻ, lại có phần cứng và nặng. Nhược điểm này, có thể sửa đổi dễ dàng, một khi sắc âm được tôn trọng. Nghĩa là, tiếng nói thấp ra thấp, cao ra cao một cách rõ ràng, khoan thai; đồng thời tránh phát âm sai và biến giọng. Được vậy, giọng Bình Định vừa giữ được nét đặc trưng, vừa trở nên trong sáng chuẩn xác.


5.2 Đặc điểm về ngữ học :

5.2.1 Về ưu điểm: Người Bình Định chỉ phát âm sai, nhưng viết vẫn đúng chính tả. Và chỉ phát âm sai khi nói chuyện bình thường với người quen thân cùng xứ (vì lười phát âm). Khi có dịp giao tiếp, phát biểu, thuyết trình trước đám đông và đọc sách lại phát âm đúng. Người Bình Định cũng không dùng thổ ngữ khi viết văn, ngoại trừ trường hợp cố ý.

Giọng nói lại phân biệt rõ ràng giữa hai phụ âm khởi đầu L với N (làm nhà, nhân loại), S với X (sâu xa, xác suất) nên cũng dễ phát âm đúng với tiếng Anh (short, X- ray) và Pháp (soc, xylène)

5.2.2 Về khuyết điểm: Giọng Bình Định phát âm không phân biệt trong một số trường hợp, nên khi viết thường phạm lỗi chính tả ở những chữ cùng thanh vận nhưng có phụ âm khởi đầu bằng D và GI (dữ // giữ); hoặc chữ giống nhau ở phần tiếp đầu ngữ nhưng có các phụ âm cuối C và T (mặc // mặt), N và NG (than // thang), N và NH (lên // lênh); hay lẫn lộn giữa vần IU với IÊU (thiu // thiêu), UI với UÔI (cúi// cuối). Để tránh khuyết điểm cố hữu này, chỉ còn cách căn cứ vào nghĩa ngữ để phân biệt.

Thí dụ: "mặc áo quần" khác với "mặt bằng",
"than khóc" khác với "thang máy",


2 nhận xét:

  1. Giọng nói Bình Khê - Tây Sơn là giọng nói vùng miền núi Bình Định nên âm sắc có vẻ cứng và đơn điệu. Nhưng lời nói đâu thiếu du dương. Đây nè :

    Con vợ tui tốt tợ tiên sa,
    Coi trong thiên hạ ai mà dám beng.

    Trả lờiXóa
  2. Người Bình Định chỉ phát âm sai, nhưng viết vẫn đúng chính tả. Và chỉ phát âm sai khi nói chuyện bình thường với người quen thân cùng xứ (vì lười phát âm).

    Một phần vì lười phát âm, mà phần lớn là vì tính cách người Bình Định sống hòa nhập với chung quanh (không phải bắt chước chung quanh).

    Mình có thằng cháu hiện đang học lớp 8. Cha mẹ cùng là người Bình Định. Cháu nó sinh ở miền Trung (Tây Sơn), vào Nam ở (Sài Gòn) từ hồi còn bế trên tay, nhưng nay nói rặt giọng Bắc. Vì chung quanh đa phần người xứ Bắc.

    Trả lờiXóa