Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

GIỌNG BÌNH ĐỊNH - TẦM ẢNH HƯỞNG

6. TẦM ẢNH HƯỞNG
Đào Đức Chương

Hoàn cảnh lịch sử nước ta đã chia cuộc Nam tiến làm hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu ở cấp toàn quốc, lấy dân các tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ vào định cư.
Giai đoạn sau ở cấp vùng, thuộc xứ Đàng Trong, chỉ lấy dân hai trấn Thuận Hóa, Quảng Nam và đông đảo nhất là dân phủ Hoài Nhơn tràn qua đèo Cù Mông vào lập nghiệp. Tuy nhiên cũng có một lần biệt lệ tháp cư, theo Phan Khoang, Xứ Đàng Trong [15], năm Mậu Tý (1648) đời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, quân Nguyễn bắt được tại Quảng Bình 3 vạn tù binh ở xứ Đàng Ngoài, đem phân tán rải mỏng từ Quảng Nam đến Phú Yên, bắt buộc khai hoang cư trú, cứ 50 người lập thành một ấp.

Vâng, họ là dân tứ xứ đến định cư ở vùng đất mới, dù tình nguyện hay bị bắt buộc cư trú, nhưng cùng một hoàn cảnh tha phương, họ trở nên gắn bó với nhau. Thoạt đầu, họ phát âm với nhiều giọng khác nhau, dần dần được điều chỉnh tự nhiên bởi phong thổ của vùng đất mới, từ đời này sang đời khác, để trở thành giọng chung. Tuy vậy, vài phương ngữ của cố hương (Bắc và Bắc Trung Kỳ) vẫn tồn tại để trở thành thổ ngữ của vùng đất mới, xứ Bình Định.

Trở lại vấn đề Nam tiến, lần lấy dân vào định cư phủ Hoài Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) dưới thời Lê Thánh Tông là lần di dân cuối cùng của giai đoạn đầu. Sau đó, đất nước xảy ra nhiều biến cố quan trọng. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, gây nên cuộc nội chiến giữa Nam Bắc Triều (1533- 1592). Nhà Lê chưa dẹp xong nhà Mạc thì đã manh nha một thời kỳ nội chiến khác giữa hai thế lực Trịnh Nguyễn kể từ năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

Các thế lực mãi lo tranh giành địa vị, gây nên nội chiến tương tàn, tài nguyên và nhân lực của đất nước kiệt quệ. Nhất là thời kỳ Nam Bắc Triều, phó mặc cho người dân định cư ở miền Hoài Nhơn, xa xôi hẻo lánh nhất, phải đương đầu bao nỗi khó khăn, thiếu thốn của miền đất lạ. Ở đây, mọi việc phải đơn giản hóa để còn có thì giờ lo chuyện sống còn. Việc cưới gả thì "trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy" cho giản tiện, đã thể hiện qua câu ca dao:

Em về Đập Đá quê cha,
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng.

Ba địa danh trên quanh quẩn không vượt ngoài phạm vi của huyện An Nhơn ngày nay. Thế hệ 1, cha ở Đập Đá ra Gò Găng, không đầy 5 cây số về phía bắc, để cưới vợ. Thế hệ 2, con gái lớn lên gả chồng ở Phú Đa, cách Đập Đá khoảng 5 cây số về hướng đông nam.

Từ khi Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) được Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa (1558) và nhất là từ năm 1570, Nguyễn Hoàng được Trịnh Tùng cho kiêm nhiệm luôn chức Trấn thủ Quảng Nam, chúa Nguyễn đã nghĩ đến vấn đề mở mang bờ cõi ở phương Nam và chú trọng việc tự túc tự cường để nhanh chóng trở thành một nước độc lập với miền Bắc, đủ sức chống lại họ Trịnh sau này.

Theo sử, công việc đầu tiên, Nguyễn Hoàng sai ông Lương Văn Chánh lo việc chiêu mộ lưu dân đến khẩn hoang lập ấp ở vùng trái độn suốt 33 năm (1578 - 1611) đã thành nề nếp. Đến năm 1611, nhân người Chiêm xâm lấn biên cảnh, Nguyễn Hoàng sai quan Chủ sự là Văn Phong (thiếu họ) dẹp yên, lấy đất đến núi Thạch Bi lập ra phủ Phú Yên, lệ vào Thừa tuyên Quảng Nam, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuyên Hòa. Năm 1653, vua nước Chiêm là Bà Thấm đem quân quấy phá Phú Yên, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) sai cai cơ Hoàng Lộc hầu đánh bại. Bà Thấm dâng thư xin hàng, chúa lấy đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang, đặt hai phủ Thái Khang (năm 1690 đổi là Bình Khang) và Diên Ninh (1742 đổi là Diên Khánh), lập dinh Thái Khang giao cho Hùng Lộc trấn thủ. Năm 1692, vua Chiêm là Bà Tranh bỏ lệ tiến cống, Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) sai tổng binh Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật) đem binh đánh bắt được Bà Tranh (1693). Chúa Nguyễn đổi phần nước Chiêm cuối cùng này thành trấn Thuận Thành, năm 1697 đặt làm phủ Bình Thuận gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa.

Từ năm 1578 khởi đầu cho chính sách mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn, đất Hoài Nhơn là tuyến đầu của cuộc Nam tiến. Những cuộc hôn nhân không chỉ quanh quẩn ở địa phương mà đã nới rộng theo đà tiến quân vào Nam:

Anh về Bình Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.

Giọng Bình Định vượt Núi Đá Bia - Đèo Cả vào Nam

Giai đoạn 2, thế hệ 1 người trai phủ Hoài Nhơn vào Phú Yên mở đất, lấy vợ và lập nghiệp luôn ở đấy. Thế hệ 2, con trai lớn lên lại vào tới vùng cực nam thời bấy giờ (1653) là Diên Khánh mở đất rồi lấy vợ lập nghiệp luôn ở đấy, và cứ như thế đi dần về phương Nam sau mỗi đợt tiến quân. Cho nên người Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...thường có liên hệ huyết thống. Ngày nay, trong gia phả của nhiều dòng họ ở Phú Yên, có ông thủy tổ là người Bình Định vào đây lập nghiệp, chẳng hạn như Gia Phả Mạnh Tộc ở huyện Đồng Xuân [16].

Vì thế, các tỉnh phía nam Bình Định có ảnh hưởng ít nhiều giọng nói Bình Định theo đà Nam tiến, nhưng càng vào Nam giọng càng nhẹ và dịu dần về thanh điệu tức là cách phát âm dấu giọng. Các tỉnh Nam Kỳ cũng thường dùng một số thổ ngữ của Bình Định (xem Phần 1: Thổ ngữ). Riêng Phú Yên, giọng nói giống như Bình Định, nếu phân tích kỹ mới thấy được giọng Phú Yên nhẹ hơn và chả chớt hơn. Ngoài một vài trường hợp phát âm riêng của Phú Yên, như vần "ông" phát âm thành "ong", gọi "chồng" ra "chòng"; ở La Hai phát âm chữ "ngoài" thành "vài"; còn hầu hết thổ ngữ của Bình Định, người Phú Yên vẫn dùng. Tiếng "nẫu" cũng rất phổ biến và quen thuộc ở Phú Yên, cũng thể hiện đầy đủ các chức năng của thổ ngữ đặc biệt này, không những qua lời nói thường ngày mà còn nhan nhản trong ca dao tình tứ:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia,
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng.
Mất chồng như nậu mất trâu,
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm.

Hoặc:

Một ngày cũng nghĩa bướm hoa,
Dẫu tình, dẫu nghĩa, dẫu xa cũng tình.
Bẻ bông mà cắm độc bình,
Nẫu xa mặc nẫu, đôi lứa mình đừng xa.

Tóm lại, đất Bình Định nằm giữa và tương đối cách đều hai đầu của nước ta. Giai đoạn Lê Thánh Tông, Bình Định đón nhận dân các tỉnh từ Miền Bắc và Bắc Trung Việt. Rồi trong giai đoạn Chúa Nguyễn, Bình Định là tuyến đầu của cuộc Nam Tiến; vì vậy Bình Định mang vai trò gạch nối giữa giọng Bắc, Trung, Nam

3 nhận xét:

  1. Mức Nam tiến của giọng Bình Định như thế nào mà ở Củ Chi và lân cận Trảng Bàng Tây Ninh cũng đậm chất giọng tỉnh các bạn.

    Trả lờiXóa
  2. GiaHung phát hiện được giọng nói Bình Định ở Trảng Bàng, Củ Chi hay vậy.
    Một số người Bồng Sơn, Hoài Nhơn hoặc miền biển BĐ nói lên ai cũng cứ tưởng dân Quảng. Một số người miền trung du BĐ cất tiếng ai cũng bảo đấy là dân Phú Yên. Bà xã của HoaiAn dân chính gốc Bình Khê - Tây Sơn, sống từ nhỏ ở Quy Nhơn, khi tám vói nhau ai cũng hỏi : Cô là người Sài Gòn hỡ !? Hết biết !?

    Trả lờiXóa
  3. kiến Than21:15 16/5/11

    GiaHung nhận ra giọng BĐ hay đó! ở Củ Chi và Tây Ninh dân BĐ vào đấy nhiều lắm (dân Bình Khê :" Vĩnh Thạnh và Tây Sơn"+ dân An Khê (trước 30.4.75,cũng thuộc BĐ)...
    Còn Hoaian,nói bà xã là dân nẫu chính hiệu,nhưng
    ai cũng hỏi :...là người SG hỡ!?....chắc bx HA nói giọng nhẹ và "chỏng chảnh" lắm hả? Mong một lần hội kiến. Nẫu chào nẫu nhé!

    Trả lờiXóa