Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

NHỮNG TRẬN CHIẾN Ở TRƯỜNG ÚC


Trường Úc là địa danh thuộc huyện Tuy Phước, từ lâu nó nổi tiếng nhờ những lò vôi một thời cung cấp sản phẩm cho xây dựng, hoặc cho những lò nấu đường thủ công của tỉnh Bình Định. Sự nổi tiếng đó đi kèm với câu ca từ xưa thắm đượm ý tình đôi lứa:

Bao giờ Cầu Úc hết vôi
Đôi ta hết đứng hết ngồi với nhau.

Trường Úc còn hiện diện qua lễ hội Chợ Gò, cái chợ nằm dưới chân núi Úc, ở đây mỗi năm nhóm họp chỉ mỗi một buổi sáng ngày Mồng 1 Tết, là chỉ để bán cái xui rủi, mua lấy cái may mắn đầu năm.

Trường Úc nằm trên đường 19 từ Cầu Gành đi xuống Quy Nhơn. Thời Pháp thuộc thì đoạn đường này là đường xuyên Việt, Quốc lộ số 1. Ngày xưa, xa hơn nữa nó có tên là đường Thiên lý của triều Nguyễn đi từ Bắc vào Nam. Vào thời Minh Mệnh, Chợ Gò Trường Úc thuộc thôn Phong Ðăng, tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Nay là thôn Phong Thạnh của Thị trấn Tuy Phước.

Núi Úc (Úc Sơn, hay Càn Úc, sách sử gọi là Hàm Long) nằm ở sát bên đường, giờ đường phân thủy của núi là ranh giới của Thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Đại Nam Nhất Thống Chí viết vào quãng giữa thế kỷ 19 có nói về núi này:

+ Núi Hàm Long, tục gọi núi Càn Úc, ở phía Đông huyện và phía Đông Bắc sông Vân Sơn, có ngôi đền cổ gọi là đền Hàm Long. Năm Quý Sửu (1793) đầu đời Trung Hưng đại binh tiến đánh Quy Nhơn, quân giặc đắp đồn bảo (ở đấy) để chống cự.(tr.23)

Sông Vân Sơn chính là một chi lưu của sông Hà Thanh. Sông Hà Thanh qua khỏi cầu Diêu Trì thì trẽ một nhánh chảy ra phía Bắc, tục gọi là sông Tọc, nó theo chân núi Úc vòng qua hướng Đông thì nhập dòng cùng chi lưu sông Côn trên cầu Gành chảy xuống, rồi băng qua Thuận Nghi đổ ra Đầm Thị Nại.

Úc sơn còn gọi là núi Hàm Long, chắc là gọi theo tên đền Hàm Long ở trên núi. Tương truyền phía sau đền có tảng đá rất lớn trông giống miệng rồng, có hàm trên hàm dưới, một chiếc lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa. Tảng đá có tên là đá Hàm Long, nay không còn nữa. Còn Quách Tấn trong Nước Non Bình Định cũng có thích nghĩa thêm:

+ Phía Nam hòn Kỳ Sơn tức Tây Nam hòn Xương Cá có hòn Hàm Long cũng là một hòn núi có tiếng của Tuy Phước.

Núi không cao (92 thước) cũng không lớn, nằm trong địa phận thôn Thuận Nghi. Hình núi giống như đầu rồng, ngó ra đường Quốc lộ số I, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chảy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi thì quành xuống Đông để ra đầm Thi Nại, tạo thành một cánh tay ôm lấy chân núi ở mặt Bắc và mặt Tây.

Núi còn một tên nữa là Úc Sơn, tức núi Úc. Sông Hà Thanh chạy ngang qua quốc lộ I nên phải bắc cầu, gọi là cầu Úc.

Trước núi, nơi “miệng Rồng” có chùa thờ Phật gọi là Sơn Long tự, phong cảnh thanh u. Núi tuy thấy bé nhưng có thể dụng binh nên đời Tây Sơn nơi đây có đắp đồn để chống giặc.(tr.105)


Chưa rõ truyền thuyết xưa đúng hơn, hay giải thích của cụ Quách đúng hơn. Đền Hàm Long xưa nguyên có tên là Giang Long Thiền Thất, tọa lạc trên lưng chừng sườn núi Úc, khai sơn trước thời Tây Sơn khởi nghĩa. Theo Đặng Quý Địch trong Những Ngôi Chùa Tiêu Biểu Trong Tỉnh Bình Định thì chùa lập năm 1744. Đến khoảng thập niên 20 đến 30 của thế kỷ 19 (triều Minh Mệnh), chùa dời xuống vị trí hiện giờ ở chân núi, cải thành Sơn Long Tự.

Còn trận đánh tại đây vào năm 1793, Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép:

+ Tháng 6 năm Quý Sửu, Võ Tánh đánh vỡ quân giặc ở cầu Tân Hội. Giặc lui về Úc Sơn, giữ chỗ hiểm đặt quân phòng thủ. Quân ta tiến đến cánh đồng Bình Thnh. Giặc Nguyễn Văn Nhạc sai con là Nguyễn Văn Bảo (ngụy xưng là Tiểu triều) đem quân tinh nhuệ và voi đực ra thành đánh. Quân ta đánh cho chạy. Vừa gặp bộ binh của bọn Tôn Thất Hội theo hai đường Hà Nha và Cù Mông kéo đến. Giặc Nguyễn Văn Bảo bèn đặt liền đồn trại từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống quân ta(tr.317)

Trong những cuộc đối đầu giữa nhà Tây Sơn với quân Gia Định, trận chiến tại núi Úc Sơn xem như là trận then chốt của chiến trận năm 1793. Khi được được tin Quang Trung Hoàng đế đã băng (1792), Thái Đức Nguyễn Nhạc ra Huế chịu tang em nhưng bị chặn lại tại Quảng Ngãi phải quay về, Nguyễn Ánh thấy sự nghi kỵ của Phú Xuân đối với Quy Nhơn quá tỏ rõ, nên quyết định đưa đại binh ra đánh Quy Nhơn. Lúc này thủy binh của quân Nam đã có nhiều tàu chiến lớn, nên dễ dàng đánh chiếm các bảo cửa Thị Nại, đổ bộ lên Chợ Giã (Quy Nhơn). Tháng 6, Võ Tánh phá vỡ phòng tuyến cầu Tân Hội, tiếp tục đưa quân đánh Bình Thạnh.

Địa danh Bình Thạnh còn lưu tên lại đến bây giờ, nay vẫn còn Đình làng Bình Thạnh ở trên ngả ba Ông Thọ, quãng Chợ Dinh ngày nay. Năm 1972, Bình Thạnh thuộc phường Trung Hậu, nay thuộc phường Nhơn Bình, Thành phố Quy Nhơn. Hiện ở đây có tộc họ Ngô cho là gia tộc mình thuộc dòng dõi Đại Tư mã Ngô Văn Sở triều Tây Sơn. Tên gọi chợ Dinh, không biết có liên quan ít nhiều gì với viên tướng nhà Tây Sơn từng nắm binh quyền ở Bắc Hà này hay không.

Còn về cầu Tân Hội, rõ ràng phòng tuyến cầu Tân Hội nằm gần kề, phía dưới Bình Thạnh. Vậy cầu Tân Hội hiện giờ là cầu nào, ở vị trí nào của Thành phố Quy Nhơn.

Xét vào Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, có biết tin về cầu Tân Hội trong sách xưa:

+ Cầu Tân Hội: Ở chỗ hết nước của đầm Biển Cạn thuộc huyện Tuy Phước, tục gọi là cầu Đôi. Năm Quý Sửu đầu đời Trung Hưng, Võ Tánh phá quân giặc, năm Tân Dậu Lê Văn Duyệt đánh nhau với giặc, bắt Đô đốc giặc Nguyễn Bá Phong, đều ở chỗ này.(tr.52)

Còn theo Đại Nam Thực Lục thì vào năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh ra giải vây cho Võ Tánh và Ngô Tòng Chu, sau trận thủy chiến Thị Nại, có ngự tại cầu Tân Hội, đối lũy với quân Tây Sơn đang đóng đồn bảo ở Phú Hòa:

+ Tướng giặc Trần Quang Diệu là Võ Văn Dũng sai đồ đảng đặt đồn bảo liên tiếp ở Phú Hòa, cầu Đông Giang, cầu Tân Hội để chống cự quân ta. Vua sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Khiêm đem quân đánh giữ, một ngày đánh bốn đợt đều thắng, quân giặc tán loạn, bắt được đô đốc giặc là Nguyễn Bá Phong và binh sĩ rất nhiều. Vệ úy Vệ Ban Trực tả là Võ Văn Tài trúng đạn chết ở đồng Bình Thnh, sau tặng Chưởng cơ.

Vua đến cầu Tân Hội, hạ lệnh cho các quân chia đắp đồn bảo, đối lũy với giặc. Sắc từ nay hễ có báo động ban ngày thì treo cờ hiệu ở trên núi, ban đêm thì đốt đài lửa hiệu, để biết mà tiếp ứng nhau.(tr.465)

Phú Hòa là địa danh cũng còn lưu tên đến ngày nay. Đối chiếu với Đại Nam Nhất Thông Chí nói về sắc chỉ Nguyễn vương cho treo cờ hiệu, đốt lửa ở trên núi gần cầu Tân Hội, phát hiện thêm được một địa danh nữa:

+ Năm Tân Dậu (1801) đầu đời Trung hưng, sau khi quân ta đánh được Thị Nại, sai các tướng chia nhau đóng đồn và đắp lũy đối diện với giặc, vua sắc rằng: Mỗi khi có động, ban ngày thì treo cờ ở đỉnh núi, ban đêm thì đốt lửa làm hiệu để tiện tiếp ứng, tức là núi này.(tr.25)

Núi này mà Nhất Thống Chí nói trong sách, đấy là núi Hưng Thạnh ở thôn Hưng Thạnh, bây giờ vẫn còn giữ tên y như vậy. Tức là hòn núi có Tháp Đôi của người Chiêm. Với các địa danh Phú Hòa (từ đầm Thanh Cẩn chạy dọc sông Ngang), Hưng Thạnh (núi có Tháp Đôi), Bình Thạnh (vùng Chợ Dinh), có thể khẳng định được cầu Tân Hội trong sách xưa chính là Cầu Đôi như Nhất Thống Chí đã chép đúng tên. Rõ là tên cầu Đôi đã có từ lâu, không phải khi người Pháp làm thêm cầu cho đường hỏa xa đi song song với đường lộ mới có tên như thế.

Từ đây ta mới thấy được vì sao mà trong trận chiến 1793, tượng binh của Nguyễn Bảo vì thua trận Bình Thạnh, nên bộ binh Tôn Thất Hội của quân Nam vượt đèo Cù Mông đã dễ dàng phối hợp được với thủy binh để cùng cả phá Úc Sơn. Điều mà ở chiến trận năm 1801, quân Nam đã không thực hiện được. Trận chiến núi Càn Úc năm 1793, Đại Nam Thực Lục tiếp tục chép như sau:

+ Vua mật bảo Tôn Thất Hội ở gò Phú Quý, dùng dân phụ cận gỡ gai, chặt cây giả cách làm đường sạn đạo, rồi đến đêm cùng Nguyễn Văn Thành dẫn quân ngậm tăm ngầm vượt Kỳ Sơn, họp với đạo quân Võ Tánh để đánh úp sau lưng giặc. Giặc đương lúc chẳng ngờ, quân và voi tán loạn, giày xéo lẫn nhau, chết không xiết kể. Lại sai Vũ Văn Lượng đem quân Tả chi đánh vào trước bảo Úc Sơn, phóng lửa đốt trại lán. Thuộc nội Cai đội Lê Văn Duyệt đem quân sở thuộc lên núi xông đánh. Giặc thua chạy. Ta bắt được súng ống khí giới rất nhiều. Nguyễn Văn Bảo cùng tướng giặc là bọn Đô đốc Đào Văn Hổ lui về thành Quy Nhơn. Các bảo giặc ở Phú Trung, Tân An, Lam Kiều, Thạch Yển đều về ta cả, do đó quân ta thủy bộ thông nhau.(tr.317)

Thủy bộ binh thông nhau, quân Gia Định đã phá được chiến lũy của Nguyễn Bảo ở Trường Úc, rồi thừa thắng tiến chiếm các đồn bảo cầu Tân An (giờ còn tên), Lam Kiều (Gò Chàm), Thạch Yển (Đập Đá), rồi vây chặt thành Quy Nhơn (Hoàng Đế thành ở Thị xã An Nhơn bây giờ). Trải mấy tháng bị vây, Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc yếu thế, phải cầu cứu Phú Xuân. Binh Phú Xuân của vua Quang Toản vào giải vây, nhưng kê biên luôn kho tàng, võ khố, khiến Nguyễn Nhạc sau uất ức mà mất. 

Trong trận chiến Tân Dậu (1801) giữa nhà Tây Sơn với quân Gia Định, quân Nam không làm chủ được dãy Cù Mông, bộ binh không phối hợp được với thủy binh, nên Úc Sơn tránh được chiến trận đẫm máu. Nhưng tám mươi mấy năm sau, tại đây đã một lần nữa thấm máu người dân Bình Định.


Ngày 23 tháng Năm năm Ất Dậu (1885), thất thủ kinh thành Huế vua Hàm Nghi phải xuất bôn. Tôn Thất Thuyết phò vua chạy ra Tân Sở, ngày mồng 2 tháng Sáu ban chiếu Cần vương, kêu gọi người trong nước giúp Vua đánh Pháp. Hồng Lô Thiếu Khanh Đào Doãn Địch, người Tùng Giản (Gò Bồi – Tuy Phước) mang sắc chỉ của vua về quê hương Bình Định, tổ chức lực lượng kháng Pháp. Các võ tướng, văn thân cùng hô nhau ứng nghĩa. Nghĩa quân Cần vương rần rần nổi dậy, đứng lên chiếm lấy tỉnh thành Bình Định. Từ đây đã dấy lên phong trào kháng Pháp, lan vào tận Phú Yên, Khánh Hòa, đến cả phủ Ninh Thuận nguyên bấy giờ thuộc vào Bình Thuận.

Tháng 7 năm 1885, quân Pháp từ cửa Thị Nại, theo dòng sông Tọc tiến lên đánh căn cứ nghĩa quân ở Trường Úc và Phong Niên. Một trận kịch chiến ở núi Úc xảy ra. Đương đầu với đạn đồng, súng sắt phương Tây chỉ bằng máu thịt và lòng quyết chiến, như đã mô tả trong một bài thơ, truyền là của Võ Trứ, một chí sĩ của lực lượng Cần vương, người mà sau đó vào năm 1898 đã cùng Trần Cao Vân khởi lên một cuộc chiến ở Bình Định và Phú Yên. Triều đình và quân Pháp trấn áp, đã gọi đây là giặc Thầy chùa, giặc Rựa (lực lượng chiến đấu đa phần là nông dân và sư sãi), Võ Trứ bị tử hình.

Trường Úc Quan Thượng Hữu Cảm 
Oanh thiên tặc pháo phá ngô doanh
Nghĩa sĩ huy đao thệ thủ thành.
Huyết nhục cương ư đồng thiết đạn
Đan tâm khả sử quỷ thần kinh.

Tạm dịch nghĩa:

Cảm Xúc Viết Trên Ải Trường Úc
Pháo giặc vang trời bắn phá doanh trại của ta
Quyết giữ thành, nghĩa sĩ vung gươm đao
Lấy máu thịt đương đầu với đạn đồng súng sắt
Tấm lòng son khiến quỷ thần cũng phải khiếp kinh

Bại trận Trường Úc, chủ tướng Đào Doãn Địch bị thương, lực lượng Cần Vương phải rút lên căn cứ An Khê (bây giờ thuộc Gia Lai). Trước khi mất, cụ Đào trao quyền lãnh đạo phong trào cho Cử nhân Mai Xuân Thưởng, người làng Phú Lạc huyện Tuy Viễn. Mai Xuân Thưởng quay về quê lập mật khu Linh Đỗng (vùng Hầm Hô, Tây Sơn bây giờ), tiếp tục tổ chức kháng chiến.

Cần vương cánh Bắc được giao cho Bùi Điền phối hợp với Tăng Bạt Hổ chỉ huy, liên kết cùng cánh quân Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi. Cần vương cánh Nam cho đưa người vào Phú Yên phối hợp với Lê Thành Phương và Bùi Giảng ở đây, cùng yểm trợ cho mặt trận Khánh Hòa của Trịnh Phong. Cần Vương Bình Định đã đánh thắng một vài trận với quân Pháp ở Cẩm Văn (Nhơn Hưng, An Nhơn bây giờ), và cũng chính ở tại Trường Úc. Theo như mô tả của bài thơ, truyền là của võ sư Lê Thượng Nghĩa:

Trường Úc Sơn Quan Đại Chiến Hậu,
Hựu Đại Thắng Ư Cẩm Văn Thôn Hữu Cảm:
Binh nhung hào kiệt vũ ngô câu
Xung đột trùng vi trảm tặc đầu
Trường Úc, Cẩm Văn tề báo tiệp
Nghĩa binh thanh giá chấn toàn châu

Tạm dịch nghĩa:

Cảm Xúc Sau Khi Đánh Lớn Trên i Trường Úc
Lại Thắng Lớn Thôn Cẩm Văn
Áo bào hào kiệt tung múa với gươm thiêng
Giữa trùng vây tả xung hữu đột chém đầu giặc
Trường Úc, Cẩm Văn đều báo tin thắng trận
Tiếng tăm nghĩa quân lừng lẫy khắp mọi miền.

Núi Hàm Long với địa thế dùng binh, ngày xưa nơi đây đã xảy ra những trận kịch chiến vang động cả lòng người, làm lay động chốn thiền môn, nơi ngôi chùa nép mình bên sườn núi đã mấy trăm năm.

Phan Trường Nghị

Tham khảo:
+ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí Tập Ba, Nxb Thuận Hóa 2006
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Tập Một, Nxb Giáo Dục 2001
+ Quách Tấn, Nước Non Bình Định, Nxb Nam Cường 1967
+ Đặng Quý Địch, Những Ngôi Chùa Tiêu Biểu Trong Tỉnh Bình Định, Nxb Đà Nẵng 2012
+ Nguyễn Đình Đầu, Địa Bạ Và Phép Quân Điền Ở Bình Định, Sở KHCN&MT Bình Định 2000


.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét