Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

LƯU KHỐC


Họ Lưu ở Lâm Thượng nổi tiếng về nghề thuốc. Truyền đến Lưu Hạ là được mười bảy đời. Vợ chồng Lưu Hạ hiếm con, ngoài năm mươi tuổi mới sinh được Lưu Khốc.

Thầy Lưu mừng, bảo vợ:

- Vậy là nghề thuốc của dòng họ nhà ta khỏi bị thất truyền.

Mới lên sáu, Lưu Khốc đã cầm đầu đám trẻ trong làng. Có lần thấy Khốc đội mũ lá mít ngồi trên ghế xưng “trẫm,” hết thảy lũ trẻ đều quỳ, bà Lưu vội về nhà thuật lại cho thầy Lưu nghe, rồi nói:

- Thằng Khốc lớn lên chắc làm nên việc lớn.

Thầy Lưu chỉ im.

Biết chẳng sinh nở được nữa nên vợ chồng Lưu Hạ rất quý con. Hầu như ngày nào thầy Lưu cũng bổ một thang dưỡng nhi cho Khốc.

Đêm ấy, bà Lưu bưng thuốc đến cho con, bị vấp chân, thuốc đổ. Lưu Khốc thét:

- Trẫm phải xử trảm ngươi thôi.

Thầy Lưu tái mặt, gọi vợ vào buồng riêng, bảo:

- Sinh được con thì mừng. Song ta chẳng biết là phúc hay hoạ đây.

Bà Lưu lườm chồng:

- Trẻ nít như thế, lớn lên mới khỏi thua sút thiên hạ.

Thầy Lưu chẳng cãi lại vợ. Từ bữa đó ông không còn nuông chiều con như trước. Lưu Khốc vừa lên chín, Lưu Hạ gửi sang thầy Phan Sinh học chữ. Bà Lưu lấy làm lạ, hỏi:

- Sao nhà ông không dạy con học thuốc, mà cho đi học chữ.

Thầy Lưu đáp:

- Chuyện thằng Khốc để ta lo. Nhà bà khỏi nhọc lòng với nó nữa.


Phan Sinh goá vợ, không con, nên đem cháu gái mồ côi là Tiêu Ly về nuôi ăn học. Kể từ ngày ngồi dạy học ở Lâm Thượng, học trò của Phan đến mấy trăm, có người làm đến quan triều. Lưu Khốc đến bữa trước, bữa sau thưa:

- Xin thầy cho con học cùng lớp với thằng lớn nhất.

Phan cười, đáp:

- Được.

Khốc học một biết mười. Phan lấy làm hài lòng về con trai người bạn cũ. Nhà thầy Phan Sinh không người nội trợ, đến bữa Tiêu Ly phải nghỉ học, vào bếp nấu nướng. Một hôm Lưu Khốc hỏi thầy:

- Có phải trời sinh con gái đàn bà để đẻ con với nấu cơm rửa chén không?

Phan giật mình, đáp:

- Không phải vậy đâu.

Từ hôm ấy, đến bữa, học trò của Phan phải vào bếp nấu nướng. Đến bữa, thì Khốc lại nhắc Ly:

- Lũ tao là con trai đàn ông, chỉ nấu cơm. Mày là con gái đàn bà, nên phải rửa chén.

Ly không ưa Khốc. Song những tháng ngày cùng học với Khốc, điều nào thầy dạy chưa hiểu Ly lại nhờ người bạn ngang ngạnh ấy giảng cho. Sau chín năm chung đèn sách, Ly đem lòng yêu Khốc. Triều đình lại mở khoa thi kén chọn quan huyện quan trấn. Lưu Hạ đến gặp Phan Sinh nói:

- Có ông dạy bảo, thằng Khốc nhà ta mới thông hiểu chữ nghĩa thánh hiền. Công ơn ấy sánh bằng trời biển.

Phan cầm tay Lưu bảo:

- Ta coi con ông như con ta, nên đã đem hết lòng truyền dạy. Lưu Khốc là đứa học trò trí tuệ khác thường. Khoa này tất phải đỗ cao.

Lưu Khốc vào tạ từ thầy trở về nhà lo việc ứng thí. Tiêu Ly bịn rịn, nói:

- Có đỗ đạt làm quan, thì xin chớ quên kẻ chung đèn sách trong bấynhiêu năm.

Lưu Khốc không cầm được xúc động, đáp:

- Nghĩa kim bằng đã là nghĩa trọng. Huống hồ em đã để tình riêng cho ta.

Thấy bà Lưu lục đục sắm sửa hành trang cho Khốc, thầy Lưu bảo:

- Nhà bà dẹp cả đi.

Bà Lưu lấy làm ngạc nhiên, nói:

- Hôm nay thằng Lưu Khốc lên đường về kinh kia mà.

- Thôi. Đã bảo dẹp là dẹp.

Thầy Lưu gắt vợ. Rồi gọi Khốc đến bảo:

- Từ hôm nay con bắt đầu học thuốc với ta.

Tưởng cha quên ngày vua mở khoa thi, Khốc thưa:

- Từ đây về kinh mất mươi hôm. Bữa nay con phải lên đường mới kịp ứng thí.

Thầy Lưu nói:

- Khoa trường là việc của người khác. Việc của con là phải kế nghiệp nghề thuốc của cha ông.

Khốc đứng chết lặng hồi lâu, rồi hỏi:

- Phải mất chín năm đèn sách để giờ quay về làm thầy thuốc sao?

Thầy Lưu đáp:

- Phải rành nhân nghĩa mới làm được lương y. Dòng họ nhà này chỉ làm mỗi việc chữa bệnh cứu người.

Nửa đêm hôm ấy Lưu Khốc đóng chặt cửa phòng, đốt hết sách vở. Thấy lửa cháy, bà Lưu hoảng hốt gọi con:

- Lưu Khốc, hãy thức dậy mau.

Khi bước vào phòng thấy sách vở sắp biến hết thành tro, bà Lưu càng kinh hãi hơn.

- Mày đốt?

- Thưa phải, làm anh thầy lang thì cần chi chữ nghĩa.

Lưu Hạ bắt ghế ngồi trước bàn thờ tổ tiên. Lưu Khốc quỳ ở đất. Bà Lưu nấp nơi hậu đường, thấp thỏm lắng nghe. Thầy Lưu hỏi:

- Chín năm đèn sách, có sách nào dạy con đi học để làm quan không?

Khốc đáp:

- Thưa không.

- Có sách nào dạy con hiếu đễ với cha mẹ, yêu thương đồng loại không?

- Thưa, hầu như sách nào cũng bàn về những điều ấy.

!0D
Thầy Lưu cầm roi lên, nói:

- Đốt sách là đại bất kính đối với tiền nhân. Cãi lời mẹ cha là đại bất hiếu. Ta đánh con một trăm roi về hai tội đó.

Thầy Lưu đánh Khốc, nhưng bà Lưu khóc. Còn Lưu Khốc thì chỉ rên. Từ bữa đó, Lưu Hạ dẫn con trai vào núi Nung núi Thới tập hái thuốc, đến các con bệnh trong làng tập chẩn mạch.

Một hôm Lưu Khốc trốn cha, trở lại nhà thầy học cũ. Phan kinh ngạc, hỏi:

- Sao con còn ở đây?

Khốc đáp:

- Họ Lưu bị vua cấm đến khoa trường.

Phan nghĩ ngợi giây lâu, hiểu ra, liền quở trách Khốc:

- Nghề thuốc của họ Lưu cả nước biết tiếng. Ông cố con có lần được vua triệu vào triều chữa bệnh cho hoàng hậu. Sợ nghề thuốc của dòng họ bị thất truyền, nên cha con không muốn cho con xuất chính. Làm trái ý cha con là có tội với tổ tiên đấy.

- Nhưng làm anh thầy lang thì danh giá gì phải bo bo giữ lấy.

Phan không kiềm được tức giận:

- Thôi, về đi. Ta không muốn nghe con nói nữa.

Tiêu Ly tiễn Khốc đến bến sông Triền. Bấy giờ là đầu thu. Hoa mia nở trắng hai bên bờ. Khốc cầm tay Ly, nói:

- Sức học của ta làm được chim hồng chim hộc. Nay cha ta lại muốn đem chim trời nhốt vào lồng nhỏ, làm sao ta chịu được.

Ly nói:

- Số trời định thế để em luôn được gần bên anh đó thôi.

- Không. Người em trao thân gửi phận phải là kẻ cao sang.

Học trò của Phan có người thi đỗ, được bổ làm quan huyện sở tại. Lưu Khốc nói với mẹ:

- Con chẳng còn mặt mũi để sống ở làng này.

Bà Lưu rất hãi:

- Đừng nghĩ bậy, con. Làm thầy thuốc giỏi cũng thành danh thôi.

- Thành hạng cùng đinh thì có.

Khốc đáp. Rồi lẳng lặng bỏ đi. Nhân lúc nhà Phan Sinh có đứa học trò vừa được bổ quan đến tạ ơn thầy, khách khứa rất đông, Lưu Khốc lén đưa Ly vào núi Nung.

- Ta sắp đi xa. Em ở lại, rán chờ.

Ly thất sắc:

- Anh đi đâu? Mà sao lại đi?

Khốc đáp:

- Cha ta là ông vua trong nhà. Vua bảo bề tôi là con phải chết, con không chết là đại bất hiếu. Ta sợ vua trị tội nên phải ra đi.

- Đừng anh. Em là đứa con gái côi cút, mai kia thầy em mất, chỉ còn nương tựa vào anh.

Nước mắt của Tiêu Ly có làm chùn bước Khốc. Nhưng ý định rời bỏ người cha làm nghề thuốc thì Khốc không từ. Bà thái hậu lâm trọng bệnh, quan thái y chữa không khỏi, vua xuống chiếu gọi hết thầy thuốc về triều. Lưu Hạ dặn con:

- Sự sống là vốn quý trời ban. Khi có kẻ ốm đau, con phải hết lòng cứu chữa. Ta đi lần này chắc phải lâu mới về.

Lưu Khốc gắng tỏ ra vui vẻ đáp:

- Thưa, con sẽ làm theo lời dạy bảo của cha.

Gặp Tiêu Ly đến ba lượt để từ biệt ra đi, nhưng Lưu Khốc vẫn chưa đi, vì chẳng biết phải đi đâu. Lưu Hạ đã trở về. Bà Lưu vừa mừng vừa lo.

- Nhà ông có chữa được bệnh cho bà thái hậu không?

Thầy Lưu đáp:

- Đến cả nghìn thầy thuốc được gọi về triều. Nhưng hết thảy đều bó tay.

- Cả nhà ông cũng thế?

- Không. Sau khi chạy chữa cho thái hậu khỏi bệnh, vua xuống chiếu bắt ta phải ở lại triều nhậm tước thái y. Ta khóc đến khô nước mắt, vua mới tha.

Bà Lưu sững sờ nhìn chồng:

- Nhà ông lẫn mất rồi. Có kẻ điên mới không muốn cho vợ con vinh hiển.

- Chưa bao giờ có thứ máu quan lẫn vào máu huyết của dòng họ nhà này, nhà bà rõ không?

Thầy Lưu gắt vợ, rồi gọi Khốc hỏi cặn kẽ việc ốm đau của dân làng suốt mấy tháng ông đi xa.

Thấy Lưu Khốc đột nhiên vùi đầu vào việc đọc sách thuốc, thầy Lưu mừng, bảo vợ:

- Con ta nó đã nhận ra tổ tiên rồi đấy.

Chỉ hơn tháng, Khốc đã rành hết các loại lá thuốc ở núi Nung núi Thới. Thầy Lưu yên lòng để con trai đi chẩn mạch cho các con bệnh trong làng.

Nguyễn Thanh Hiện
(Còn nữa)

8 nhận xét:

  1. Dường Triều Hưng10:00 6/2/12

    Bài Thầy hay quá

    Trả lờiXóa
  2. Qua đối thoại của truyện, tính cách của từng nhân vật khắc nét rõ.
    Truyện còn nữa. Xem chừng Lưu Khốc không hẳn là một Thầy Lang !?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thiiasao21:08 6/2/12

      Thưa Đạm. Đã lâu rồi không gặp Đạm trên trang này. Trước đây tôi thấy Đạm có quan tâm tới thơ Nguyễn Đình Lương.Vừa rồi gia đình và các thân hữu có xuất bản tập thơ cuối cùng của Nguyễn Đình Lương. Không biết Đạm có còn quan tâm nữa hay không. Nếu Đạm còn quan tâm thì hãy liên hệ qua trang này và nói cách nào có thể trao cho Đạm tập thơ Muốn quay về núi của Nguyễn Đình Lương vừa mới xuất bản. Mong hồi âm.

      Xóa
    2. Chào anh Đình Thi
      Em là thằng Trung ở cạnh nhà Quang Trực.Có thể nào anh để dành 1 tập cho em...nữa về thăm nhà ghè thắp hương anh Bốn L rồi e xin luôn.Em chỉ mới biết thơ NĐL qua trang mạng QTBK dạo sau này nhưng rất là thích..
      Chúc anh vui khỏe và cảm ơn anh trước

      Xóa
    3. Ồ! Trung đó hã? Chào em. Đọc em nhiều trên trang này nhưng chưa biết rõ em. Vậy là hay quá, nhờ trang này anh em mình gặp nhau. Anh sẽ để cho em một tập thơ này. Khi nào về anh sẽ trao cho em.
      Chúc em bình an. Hẹn gặp nhau.

      Xóa
  3. Khắc Tuấn13:38 6/2/12

    Truyện chưa kết thúc,chưa hiểu hết giá trị nhân văn .Mọi việc thế nào phần sau sẽ rõ...đang chờ đợi Tác giả...
    Xin chào Tác giả !

    Trả lờiXóa
  4. Bạn Thiiasao, Tôi vẫn thỉnh thoảng vào với các bạn, vẫn còn say còn tỉnh cùng thơ của Nguyễn Đình Lương mà các bạn đã đăng lên.

    Quý hóa vô cùng khi bạn đã có đề nghị.
    Có thể tôi sẽ liên lạc đến bạn, qua email trang các bạn, hay là bạn có thể cho tôi địa chỉ liên lạc riêng ?

    Cám ơn bạn, và cả các bạn Quang Trung Bình Khê

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thiiasao19:49 9/2/12

      Thưa Đạm. Vậy để tiện nhiều bề, xin Đạm hãy liên lạc qua email của trang này là tiện nhất, vì email này chỉ có người có trách nhiệm mới vào được. Mong tin của Đạm.

      Xóa