Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

TÂY KHÊ THẢO THỤ LƯU KỲ TÍCH

Phan Trường Nghị


Tây Khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam Quốc sơn hà ký võ công

Đó là câu đối chữ hán đặt 2 bên cửa Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt ngày xưa ở thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành, quận Bình Khê, bây giờ thuộc Thị trấn Phú Phong của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tây Sơn Điện được xây dựng để thờ ba vua, ba anh em Nhà Tây Sơn - Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ và Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Điện thờ ngày ấy khởi công trùng tu năm 1959, được khánh thành vào năm 1960.

Gọi là trùng tu, không phải khởi phát xây dựng, vì chỉ là sửa sang cho bề thế, làm mới lại ngôi Miếu đã và đang thờ ba Ngài Tây Sơn. Ngôi miếu nhỏ nằm bên giếng nước xưa, dưới tàng cây me cổ thụ.

Ngày trước, ngôi miếu đã được dân sở tại lập nên trên nền của đình làng Kiên Mỹ cũ. Ngôi đình vốn đã bị phá sập thời tiêu thổ kháng chiến vườn không nhà trống, đã mất đi hình ảnh từ lâu nức tiếng trong vùng “Hạc chợ Đình, Cột đình Kiên Mỹ”. Mà đình làng có hàng cột to đùng đó, ngay từ thuở xưa, tiếng là xây nên để thờ Thành hoàng, nhưng bí mật bên trong lại là cúng Ba vua. Ba vua Tây Sơn, những người áo vải xuất thân tại nơi đây đã làm nên kỳ tích xóa tan cung Vua phủ Chúa, đã làm nên những chiến công uy vũ chấn động lân bang. Ở phía nam, đánh vỡ mật quân Xiêm La đang rần rật tại Rạch Gầm Kênh Xoài Mút. Còn phía Bắc, quân Mãn Thanh đang giương oai diệu võ ở Thăng Long, bị đánh đuổi chạy về đến biên giới Lạng Sơn mà vẫn còn hồn phi phách tán.

Đọc lại câu đối hai bên cửa Điện Tây Sơn ngày ấy :

Tây Khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam Quốc sơn hà ký võ công

Người Bình Khê - Tây Sơn thuở bấy giờ hiểu câu đối đó theo nghĩa :

Cây cỏ đất Tây Sơn còn lưu lại chuyện lạ thường
Núi sông nước Việt Nam đã chép dày công uy vũ

Điều trước tiên nhận thấy là từ câu đối, hiển hiện ra sự khiêm tốn của Điện thờ. Việc làm của Điện thờ chỉ là kế tục sự nghiệp người dân Tây Sơn nhang khói cho một triều đại. Những gì mà triều đại đó làm được, những gốc cây ngọn cỏ của suối khe nơi đây đều biết, đều nhìn nhận đó là những kỳ tích, những việc làm lạ thường…, hết thảy những con sông, ngọn núi của đất nước đều thấy, đều nhìn nhận đó là những công đức, những chiến công uy vũ của dân tộc cần phải chép ghi.

Nhà Tây Sơn đã làm nên những kỳ tích, những việc làm lạ thường (!?). Chỉ cần đọc lại những gì mà các giáo sĩ Tây phương đã ghi chép về nghĩa binh Tây Sơn :

“Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo; họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi... Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ...”

Người dân bấy lâu sống dưới can qua, dưới ách thống trị của cung Vua lẫn phủ Chúa. Chiến cuộc tranh giành quyền lực giữa hai họ Trịnh Nguyễn đã đem đến bao thống khổ cho trăm họ. Trong khi đó quan lại thì lạm dụng quyền hành, mua quan bán tước, bòn công khố thu vào túi riêng… Nghĩa binh Tây Sơn xuất hiện với tuyên ngôn lấy của người giàu đem cho dân nghèo, lòng xa gần ai mà chẳng theo.

Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt thời bấy giờ phía trước sân có Bi đình (nhà bia), nơi đặt tượng bán thân của Hoàng đế Quang Trung và tấm bia đá khắc bài ký ghi lại thân thế và sự nghiệp của ba anh em Nhà Tây Sơn. Ba anh em Nhà Tây Sơn, riêng Đức Vũ Hoàng Nguyễn Huệ, theo bài ký thì Ngài thân bố y tay trường kiếm, nhưng lại là người biết sùng thượng kính văn, quý trọng đạo lý. Kẻ cao tài đạt đức đều được Ngài tôn kính vào bậc thầy. Vì thế nên Văn võ dưới cờ đều là những trang khai quốc tuấn kiệt.

Dựng nên chính nghĩa thu phục người dân tay lấm chân bùn đứng dưới cờ vốn đã không dễ, việc thu phục người điều binh khiển tướng, kẻ xông pha trận mạc cùng ngồi chung dưới trướng xem ra càng lại khó hơn. Nhưng vốn là người gồm cả khí tượng họ Hạng họ Lưu (Hạng Võ và Lưu Bang), Đức Vũ Hoàng Nguyễn Huệ biết trọng hiền đãi sĩ nên ngay cả Cuồng Ẩn núi Thiên Nhẫn là Lạp Phong Cư Sĩ Nguyễn Thiếp, đầu nón cời tay cán cuốc nhưng bụng đầy kinh luân cũng chịu ra mà giúp Vũ Hoàng an bang tế thế.

Chuyện Đức Vũ Hoàng Nguyễn Huệ mời được người có tên hiệu Cuồng Ẩn, Điên Ẩn ra giúp việc, ly kỳ chẳng kém chuyện thời Tam quốc Lưu Bị ba lần tìm đến lều tranh cầu gặp Khổng Minh Gia Cát Lượng. Khoảng cuối năm 1787, Vũ Hoàng 3 lần sai người dâng thư mời Nguyễn Thiếp, nhưng cả 3 lần Nguyễn Thiếp đều kiếm cớ chối từ. Ngày Vũ Hoàng tiến binh ra Bắc trừ Vũ Văn Nhậm, đến Nghệ An cho rước Nguyễn Thiếp đến hành dinh. Diện kiến nhau, biết được nhau, nhưng ẩn sĩ núi Thiên Nhẫn vẫn một mực thoái thác việc ra giúp Nhà Tây Sơn. Đến khi Lê Chiêu Thống rước quân Tôn Sĩ Nghị vào thành Thăng Long, vì có cùng nhau nỗi thống tâm vì cảnh đất chia nước loạn, trăm họ hết chỗ đặt tay chân, và trước sự thành tâm của Vũ Hoàng, Nguyễn Thiếp bấy giờ mới chịu hợp tác, cùng ngồi bàn chuyện thiên hạ với Vũ Hoàng. Vũ Hoàng Nguyễn Huệ tôn xưng Lạp Phong Cư Sĩ là La Sơn Phu Tử, sau cho lập Sùng Chính Viện để Nguyễn Thiếp tổ chức thực thi những chủ trương về văn hóa, giáo dục.

Với hùng tâm định bá đồ vương, với thành tâm đãi sĩ, trọng hiền tài, Đức Vũ Hoàng Nguyễn Huệ đã thu nạp được dưới cờ toàn những kỳ sĩ, những chiến tướng kiêu dũng. Cùng với tài dụng binh như thần, mỗi lần Ngài xuất quân là trăm trận trăm thắng. Công đức uy vũ của Ngài, theo như người dân Bình Khê ngày ấy đã ghi nhận qua bài ký khắc trên bia :

Riêng Vũ Hoàng
Bốn lần bạt thành Gia Ðịnh, ba lần vào thành Thăng Long. Thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh. Thu non sông về một mối, dựng nên cơ nghiệp Võ Thang.
Lại hai phen thảo quân xâm lược :
Năm Giáp Thìn, đánh tan 300 chiến thuyền Xiêm La do Phúc Ánh lưu vong thỉnh tới.
Năm Kỷ Dậu, quét sạch 20 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân rước về.

Những chiến công chấn động là vậy. Còn về công đức uy vũ, ngoài việc xóa tan cung vua phủ chúa, Nhà Tây Sơn còn có công đức vỗ về, trị bình. Đánh đuổi quân Mãn Thanh về nước xong, hàng loạt các chiếu chỉ được ban ra cầu thu dụng người tài (Chiếu Cầu Hiền), tổ chức việc dạy dỗ học hành (Chiếu Lập Học), khuyến khích gia tăng sản xuất (Chiếu Khuyến Nông)… Bãi bỏ chữ Hán, dùng chữ Nôm là chữ của người Việt trong các chiếu thư cơ quan hành chánh. Chỉ thị những loại “sinh đồ ba quan” (loại học hành chữ nghĩa chỉ đáng 3 quan tiền) trả xuống hạng thường dân, gánh vác tạp dịch cùng dân chứ không cho ăn trước ngồi trên… Vì thế những “nho sĩ Bắc Hà”, không riêng gì La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, còn có Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhiệm, Vũ Huy Tấn… đều ra phụ giúp Nhà Tây Sơn ổn định đất nước. Đó là những người có công trạng không nhỏ trong việc đánh thắng quân Thanh cũng như sau nầy bang giao với triều đình nhà Mãn.

Bài ký trên bia đá ở trước Điện thờ ngày ấy ghi rõ việc trị bình của Nhà Tây Sơn :

Ðắp quốc cơ theo tôn chỉ phú cường.
Sửa chính sự cho kỷ cương nghiêm túc.
Dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự.
Lập Sùng Chính viện để đào tạo nhân tài.
Và cái nhục cống người vàng cho Trung Hoa rửa xong, Vũ Hoàng luyện tướng nuôi binh, quyết khôi phục phần đất Lưỡng Quảng.

Nghĩa binh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa năm 1771, đến năm 1802 thì bại vong dưới tay Nguyễn Ánh - Gia Long. Nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi, nhưng những gì Nhà Tây Sơn làm được đã để lại nhiều tưởng tiếc trong lòng người. Trong khi đó chốn cung đình triều Nguyễn vẫn còn đầy thù hiềm với Nhà Tây Sơn. Năm 1831, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12, triều đình vẫn còn truy tìm, bắt hậu duệ của Nguyễn Nhạc là chú cháu Văn Đức, Văn Lương, Văn Đẩu đem về Phú Xuân xử chém. Dân quanh vùng từng có mối quan hệ với Nhà Tây Sơn, có người phải cho đục bỏ, thay tên bia mộ người thân để tránh con cháu bị vạ lây. Nhưng khoảng thời gian nầy dân sở tại lại dựng nên ngôi đình bí mật thờ cúng Ba Vua. Thế mới thấy Nhà Tây Sơn vẫn còn chiếm ngự một chỗ trong lòng người nơi đây.

Xuân thu nhị kỳ, đình làng Kiên Mỹ cúng Ba Vua Tây Sơn. Trong đó, ngày rằm tháng 11 bên ngoài gọi là lễ thường tân (cúng cơm mới), nhưng bên trong là ngày hiệp kỵ Ba Vua Tây Sơn, chánh bái miệng chỉ khấn thầm chứ không đọc văn. Mật cáo cúng Ba vua, phụng tế của đời nầy khẩu truyền lại cho phụng tế đời sau. Còn cáo sắc Thành hoàng, từ lâu đã đem qua giấu ở Miếu Vĩnh An xóm Hưng Trung gần đó. Người dân Tây Sơn hằng năm âm thầm thờ cúng Ba Vua dưới không khí hằn thù của triều đình. Mối hằn thù dai dẳng. Đến nỗi vào thời Cần Vương năm 1887, khi xử chém Nguyên soái Mai Xuân Thưởng, cũng là người cùng quê Phú Lạc với ba anh em nhà Tây Sơn, triều đình hài tội Mai Xuân Thưởng là “Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, Âm vị Huệ Nhạc báo thù” (Bên ngoài nói là vì Hàm Nghi mà ứng nghĩa, chứ thực chất bên trong là khởi binh báo thù cho Nhạc Huệ).

Việc lập đình cho làng nhưng dùng để nhang khói cho Nhà Tây Sơn dưới sự xoi mói, hiềm thù dai dẳng của triều đình, phải nói là gồng mình vượt qua trăm nỗi gian nan. Việc làm đó của người dân ở đây, chức sắc sở tại của vương triều Nguyễn không phải là không biết. Chỉ có điều họ không muốn gây thêm lớn chuyện, không dám động đến oai linh vị Hoàng đế lừng danh. Người ở nơi xa như cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tận ngoài Hà Nội cũng nghe nói tới đình làng Kiên Mỹ là nơi thờ phụng ba anh em Nhà Tây Sơn.

Trong chuyến đi vào Nam lần thứ 2, ngày trên đường về Bắc cụ đã tìm tới Bình Khê, nơi phát tích của Nhà Tây Sơn. Theo nguyệt san Bình Định 1995, số 7, Tản Đà kể lại hành trình qua từng ngày của ông trong tập “Giấc Mộng Lớn” :

Buổi sáng ngày mồng 9 tháng 2 (quy chiếu ra dương lịch là 29.02.1928), đi chơi Chinh Tường (đúng ra là Trinh Tường), là xem mả phát tích nhà Tây Sơn cách đây ít nhiều cây số, hiện nay quan quách đều đã bị quật bỏ, mà con bò ngó tới cũng phải chết. Các tổng lý làng gần đi qua không xuống ngựa, tính mạng thiệt thòi. Lạ thay...

Tổng lý các làng lân cận đi qua đây mà không xuống ngựa, sẽ nguy đến tính mệnh, xem vậy oai linh của Nhà Tây Sơn dẫy đầy những huyền thoại. Huyền thoại được trời ban ấn kiếm khi khởi nghĩa, huyền thoại quân đi thần tốc như thiên binh từ trên trời rơi xuống, huyền thoại linh khí con ngựa trắng của Hoàng đế Quang Trung hằng đêm sải vó quanh đình làng Kiên Mỹ…

Trong chuyến đi ghé đất Bình Khê nầy, nhà thơ núi Tản sông Đà, chủ bút của An Nam tạp chí còn thăm viếng đình làng Kiên Mỹ. Người dân nơi đây kể rằng khi cụ xin vào dâng hương Ba Vua, lý trưởng của làng thời bấy giờ là Mạc Viên (Xã Siềng), thấy cụ là người lạ, có thể sợ rằng người lạ đến với dị ý sẽ nguy cho làng, nên đã không cho mở cửa đình. Cụ Khắc Hiếu đành phải bày nhang đèn trước thềm mà khấn lạy. Chuyện bay đến tai chính quyền sở tại, khi ra viếng lăng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ngoài Bình Định, thị xã An Nhơn bây giờ, cụ Tản Đà thấy có người theo dõi mình :

“Dọc đường trở ra có một người mặt áo the, đội nón long, cưỡi ngựa, khi đi trước khi đi sau. Lại một người nữa đi xe đạp, mặc áo ngắn vải vàng cũng đi trước đi sau như vậy”.

Sau đó, Tản Đà bị quan Công sứ ở Quy Nhơn gọi lên tòa sứ, hỏi:

“Ông đi chơi đó chỉ là xem cho biết hay có ý gì không?”

Tản Đà trả lời :

“Bẩm, chúng tôi là người làm báo, nhân đi qua đây muốn xem cho biết, cũng để hoặc có đăng vào tạp chí về sau”.

Tỉnh đường Bình Định buộc nhà thơ núi Tản sông Đà phải trở về Hà Nội ngay tức khắc, nhưng trong lòng của người ở tận ngoài Bắc xa xôi ấy cũng thầm tưởng tiếc, thầm công nhận triều đại Tây Sơn trong bức dư đồ của mình. Tản Đà du Bắc du Nam để bồi đắp bức dư đồ, đi để tìm sức sống cho tờ An Nam tạp chí, không chỉ đi để tiêu sái Thú Ăn Chơi, không chỉ đến đất Bình Khê chỉ để xem “Tuồng Bình Định, Rạp Phú Phong”.

Ngày nay Điện Thờ Tây Sơn đã được tu bổ lại, khang trang hơn, bề thế hơn. Nhưng có lẽ người đến Điện Tây Sơn bây giờ, phần nhiều chỉ để cúng bái theo kiểu tâm linh, cầu xin…, ít ai ngưỡng vọng Nhà Tây Sơn theo kiểu như nhà thơ núi Tản sông Đà. Cụ Tản Đà, người đã thấy được chuyện lạ kỳ khó ai làm được (kỳ tích), thấy được công đức oai võ (võ công) của Nhà Tây Sơn… Tây Khê thảo thụ lưu kỳ tích - Nam Quốc sơn hà ký võ công

Xuân Bính Thân -  2016
Phan Trường Nghị
Khóa 4 QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét