Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

TRƯỜNG SƠN KHÚC


(Cho bạn bè bị động viên 1972)        
Trường Sơn, hề, chiều ta ngồi hát
Vỡ hư không, hề, khúc cuồng ca
Em một phương, hề, dòng lệ nhạt
Ta một trời, hề, cõi xót xa

Ở đây, môi mắt ôi buồn lắm
Hôn bờ đá dựng, trông truông xa
Ngày tháng không mong sao cứ đến
Hai kẻ tâm tình: rừng và ta

Ở đây, râu tóc đua nhau mọc
Bên đời danh phận sớm long đong
Khanh tướng, hề, như mùa trái rụng
Một lần ngon, một lần rớt xuống dòng

Ở đây, mây trắng quanh đầu núi
Thôi đành, huyễn mộng bạc tình em
Trăng một nơi, hề, chưa gần gũi
Soi một đời lu xuống trần gian

Lâu riết dần quen đi rừng rú
Chẳng cần gương đối bóng cùng ta
Chẳng cần ngày tháng soi tuổi tác
Để thấy nét sầu trên nếp da

Lắm lúc muốn ôm lưng gái núi
Để thấy đời ta bớt cô đơn
Lắm lúc muốn trần truồng hoang dại
Để gần gũi với cỏ cây hơn


Tiếc quá chiều nay không đủ rượu
Cho ta chung cuộc với cổ nhân
Chơi ván cờ trên ghềnh đá nhọn
Trông ta- con tốt què qua sông

Chiều trong mắt theo về cố xứ
Hề, ta xin gửi chút sương sa
Tiếng nước gọi hồn con thác cũ
Ẩn nỗi sầu đau, nỗi nhớ nhà

Đứng thẳng vói tay cao hơn núi
Mới hay trời quá đỗi cao xa
Hỏi rừng, nay đã bao nhiêu tuổi
Trải mấy thu đông rừng sẽ già?

Trường Sơn, Trường Sơn sâu gió hú
Thú rừng gầm giọng động một phương
Nghe thú : lạc đàn buồn bã lắm
Nghe ta : mù biệt một quê hương

Lót lá rừng chờ sương xuống mỏng
Quên về thăm bè bạn chiếu chăn
Rừng lạnh, trái tim ta sưởi nóng
Ấm tình phố cũ những mùa trăng

Trương Sơn, Trường Sơn, hề, ly tán
Nỗi hàn tay bấu dốc Trường Sơn
Níu tình em chiều nay có bạn
Cho đời ta bớt nỗi cô đơn.
Trần Viết Dũng

9 nhận xét:

  1. Thiệt lòng, hồi nào đến giờ tui chưa một lần (và mãi mãi không bao giờ mơ ước) được đặt chưn đến Trường Sơn. Thỉnh thoảng có nghe bài ca "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", giờ mới được đọc một bài thơ về Trường Sơn. Đọc rồi mới thấy nó phảng phất: vừa "bi", vừa "hùng" và đặc biệt nó rất "cảm". Tiếc quá, tui lại "tránh", không để bị "động viên" nên không thuộc "diện" được tác giả "cho" bài thơ này! Tuy vậy, cũng xin mạn phép và mạo muội ghi lại vài cái "cảm" của mình.

    Cái "cảm" ban đầu là tui thấy nó phảng phất cái thể "Từ" trong thi ca cũ của Tàu. Với cái điệp ngữ "hề" nữa làm tui nhớ lại khúc "Ly Tao" (Quốc vô nhân mạc ngã tri hề,/ Hựu hà hoài hồ cố đô./ Kỳ mạc túc dĩ vi mỹ chính hề,/ Ngô tương tòng Bành Hàm chi sở cư.) của Khuất Nguyên, rồi lại liên tưởng đến "Thác hề" (Thúc hề! Bá hề!/ Xướng dư yêu nhữ.) trong Kinh Thi của Khổng Khâu.

    Đọc Trường Sơn Khúc của TVD khiến tui nhớ lại "Lương Châu Từ" mà một thằng bạn quá cố của tui nó chuyển sang Việt ngữ 2 câu cuối "Chiến trường say ngủ ai cười,/ Xưa nay chinh chiến mấy người về đâu".

    Rồi, đọc "Khanh tướng, hề, như mùa trái rụng /Một lần ngon, một lần rớt xuống dòng" của Trần Viết Dũng khiến tui nhớ lại "Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn...còn nhiều, em ơi!" của Nguyễn Văn Đông, trong thời hiện đại!

    Và cuối cùng, xin cảm ơn Trần Viết Dũng và mọi người đã cho tui trải một chút lòng "hoài cổ"!

    Trả lờiXóa
  2. Trần Viết Dũng08:21 9/1/13

    Một bài "hành" viết năm 18t đọc lại nghe não nề quá, Bửu Châu?

    Số phận TSK cũng não nề! Được chọn vào mục 'thơ trong lòng đô thị miền Nam'(tuyển Kon Tum Thơ 100 Năm- Tạ Văn Sỹ biên soạn,2012).Cuối cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy loại ra, thay vào bài khác: CDBĐƠKT...Đúng là "quỷ" thật.

    Thôi, để nhớ lại thời...cùng một lứa bên trời lận đận!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chiện thơ cho nó "lành"!

      Sao title TVD ghi là "khúc" hẳn hoi mà bi giờ lại kêu là "hành". "Khúc" này dùng nhiều liên tự "hề" cho nên phải kêu nó "khúc Sở từ" chớ. Tất nhiên, thể "hành" được phát triển trên cơ sở của thể "từ" hay "Sở từ". Thôi, mặc kệ! Nhơn đây mời TVD cùng mọi người coi và nghe lại mấy bài "từ" và "hành":

      THU PHONG TỪ
      Thu phong khởi hề bạch vân phi,
      Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam quy.
      Lan hữu tú hề cúc hữu phương,
      Hoài giai nhân hề bất năng vương.
      Phiếm lâu thuyền hề tế Phần hà,
      Hoành trung lưu hề dương tố ba.
      Tiêu cổ minh hề phát trạo ca,
      Hoan lạc cực hề ai tình đa,
      Thiếu tráng kỷ thì hề nại lão hà.


      (Gió thu thổi làm bay mây trắng
      Cỏ hoa tàn, nhạn thẳng về nam
      Hoa lan đẹp, hoa cúc thơm
      Nhớ giai nhân mãi vấn vương trong lòng
      Chèo lâu thuyền qua sông Phần thủy
      Ngang giữa dòng, sóng dậy trắng ngần
      Điệu hò tiêu trống hòa ngân
      Toàn vui vẻ, lại thêm phần thương đau
      Trẻ trung khỏe mạnh bao lâu
      Bỗng nhiên già lão bạc đầu biết sao?)


      CAI HẠ CA
      Lực bạt sơn hề khí cái thế,
      Thì bất lợi hề chuy bất thệ.
      Chuy bất thệ hề khả nại hà,
      Ngu hề Ngu hề nại nhược hà?


      (Sức nhổ núi, khí trùm đời,
      Ngựa truy chùn lại bởi thời không may.
      Ngựa chùn, biết tính sao đây?
      Ngu Cơ ơi! tính sao đây hỡi nàng?)


      NGHE Tôn nữ Lệ Ba diễn ngâm bài "Tống biệt hành" của Thâm Tâm
      [youtube]http://www.youtube.com/watch?v=D6zADgGVBSU[/youtube]
      Hoặc click vô đây để coi trực tiếp từ youtube

      Xóa
    2. Ý nghĩa của ca, ngâm, hành, khúc, từ ... dùng để phân biệt các thể thơ bây giờ là cả một câu chuyện dài để nói. Trường Sơn Khúc là một khúc ngâm hay một bài hành !? Không sao, có lẽ phải gom các bài hành của Nguyễn Bính, của Thâm Tâm về QuangTrung BinhKhe đọc cho ngấm cái đã. Phải không.

      Xóa
    3. Tất nhiên là dậy rầu!

      Cái chính là nó gợi cho tui nhớ lại được những chiện ngàn năm quá vãng!

      "Lực bạt sơn hề khí cái thế,
      Thì bất lợi hề chuy bất thệ.
      Chuy bất thệ hề khả nại hà,
      Phan/Trần hề Phan/Trần hề nại nhược hà?"


      Thôi thì:

      "Hoành trung lưu hề dương tố ba.
      Tiêu cổ minh hề phát trạo ca,
      Hoan lạc cực hề ai tình đa,
      Thiếu tráng kỷ thì hề nại lão hà".

      Xóa
  3. Hành Phương Nam của Nguyễn Bính đây :

    đôi ta lưu lạc phương Nam này
    trải mấy mùa qua én nhạn bay
    xuân đến khắp trời hoa rượu nở
    mà ta với người buồn vậy thay

    lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
    mà không uống cạn mà không say
    lời thề buổi ấy cầu Tư Mã*
    mà áo khinh cừu không ai may

    ngươi giam chí lớn vòng cơm áo
    ta trói thân vào nợ nước mây
    ai biết thương nhau từ buổi trước
    bây giờ gặp nhau trong phút giây

    nợ tình chưa trả tròn một món
    sòng đời, thua đến trắng hai tay
    quê nhà xa lắc, xa lơ đó
    ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

    tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
    ly tán vì cơn gió bụi này
    người ơi buồn lắm mà không khóc
    mà vẫn cười qua chén rượu đầy
    vẫn dám tiêu hoang cho đến chết
    ngày mai ra sao rồi hãy hay

    ngày mai có nghĩa gì đâu nhỉ
    cốt nhất cười vui trọn tối nay
    rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
    mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay

    hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
    giữa chợ ai mà khóc nhận thây
    Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
    ai kẻ dâng vàng ai biếu tay
    mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự**
    giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây

    ta đi nhưng biết về đâu nhỉ
    đã dấy phong yên lộng bốn trời
    thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
    uống say mà gọi thế nhân ơi
    Nguyễn Bính

    * Tư Mã Tương Như đời nhà Hán .
    ** Phùng Hoan, thực khách của Mạnh Thưòng Quân lãnh nhiệm vủ đi đòi nợ. Khi đến ấp Tiết cho con nợ đốt hết văn tự nợ, Về sau MTQ bị vua Tề phế, khi qua ấp Tiết toàn dân đón rước, nhờ vậy vua Tề thu dụng lại. Phùng Hoan đã mua ‘cái đức’ cho Mạnh Thường Quân

    Trả lờiXóa
  4. Tống Biệt Hành và Vọng Nhân Hành đã có trên trang mình Click vào đây nè

    Còn đây Can Trường Hành cũng của Thâm Tâm

    Trăm giàn lý đỏ đã lên hoa
    Tâm sự như in cảnh ác tà
    Đạo nghĩa hoài đêm chơi bạn quý
    Thân hình hậu gửi kết duyên ma
    Ngậm lời tráng khí chim bằng ốm
    Chuyện lúc thương tâm, gái điếm già
    Gió thốc hàng hiên, lười viễn mộng
    Mưa rào mặt cát gợi ly ca
    Phiếm du mấy chốc đời như mộng
    Ném chén cười cho đã mắt ta
    Thà với mãng phu ngoài bến nước
    Uống dăm chén rượu quen tay thước
    Cái sống ngang tàng quen bốc men
    Thù với hào hùng chí thiếu niên
    Vỗ vai sang sảng giọng Bình Nguyên
    Chàng là bậc trẻ không biết sợ
    Đôi mắt hồng say sao Hoả lên
    Múa lưỡi đánh tan ba kẻ sĩ
    Mềm môi nốc cạn một vò men
    Mấy lần thù trả thân không chết
    Khắp xóm giang hồ khét họ tên
    Vợ con thí tất cho thiên hạ
    Yêu rất ban ngày, ghét rất đêm
    Thi với người nằm say bóng liễu
    Thi với người chờ mong kẻ rượu
    Lòng thênh thênh nhẹ gió thu sơ
    Nghĩa khí ngàn năm gió chẳng mờ!
    Hay đâu kẻ vũ đất Lương Yên
    Một sớm nghe bùng cơn gió lên,
    Xách gói sang Nam không hẹn lại
    Chỉ hiềm chẳng đụng đến cung tên!
    Ngươi chẳng thấy
    Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy
    Nước mạnh như thác, một con thuyền
    Ta lênh đênh hoài sầu biết mấy!
    Ngươi chẳng thấy
    Lồng lộng Tây hồ xanh như thu
    Giai nhân, danh sĩ đua ngao du
    Cùng ta tri kỷ không ai ở
    Vì đời ta cũng không an cư
    Ngươi chẳng thấy
    Vì đời ta buồn như thế đấy
    Cho nên tri kỷ tếch phương trời
    Chén rượu ngồi suông vắng cả người!

    Hôm nay lại nở hoa lý đỏ
    Trong rượu vân vân... bao vết cũ
    Người chẳng thấy rằng hoa như tím
    Hoa nát lòng ta đau vạn thuở.
    Thâm Tâm
    (1944)

    Trả lờiXóa
  5. Nhân đây đọc thêm Nam Phương Ca Khúc mà ta còn gọi là Khúc Hồ Trường :

    đại trượng phu không hay
    xé gan bẻ cật phù cương thường
    hà tất tiêu dao bốn bể, lưu lạc tha phương
    trời nam nhìn dòng thắm
    non nước một màu sương
    chí chưa thành danh chưa đạt
    trai trẻ bao lăm mà đầu đã bạc
    trăm năm thân thế bóng tà dương

    vỗ gươm mà hát
    nghiêng bầu mà hỏi
    trời đất mang mang
    ai người tri kỷ
    lại đây cùng ta cạn một hồ trường

    hồ trường
    hồ trường
    ta biết rót về đâu ?

    rót về đông phương
    nước biển đông chảy xiết sinh cuồng loạn
    rót về tây phương
    mưa phương tây từng trận chứa chan
    rót về bắc phương
    ngọn bắc phong vi vút, cát chảy đá dương
    rót về nam phương
    trời nam mù mịt

    có người quá chén như điên như cuồng
    nào ai tỉnh
    nào ai say
    lòng ta ta biết
    chí ta ta hay
    nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
    hà tất cùng sầu đối cỏ cây

    (Nguyễn Bá Trác)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một tuyệt tác, dẫu xuất xứ và văn bản có đôi điều dị biệt. Mặc kệ! Đọc rồi, ta lại nghe nữa cho "vui", ở đây

      Xóa